Truyện Ngắn tmt

Friday, May 9, 2014

MỘT NGÀY HÀ NỘI

Hai tuần ở Hà Nội, tôi ở nhà cậu em ngay góc đường Hòa Mã và Ngô Thì Nhậm, tạm được gọi là một địa điểm“xuống phố” thuận tiện. Có những hôm, cả hai em tôi đi dậy học từ sáng sớm, tôi một mình xuống phố. Từ cái cầu thang nhỏ cũ kỹ, gạch long, vôi lở phía sau căn gác, qua một lối đi chung của bốn gia đình, mở chiếc cổng xanh có sợi giây xích, tôi xuống phố.
Hàng quà đầu tiên ngay dưới chân khi mở cổng ra là hàng xôi, hàng cháo hay hàng chuối, hàng hoa. Họ bầy bán ngay trên lối đi, ngay trên mặt cống, trước các cửa tiệm - nếu không bị đuổi. Tôi bước dọc trên lề đường tìm một tiệm cafe-net vào đọc và gửi thư .Tôi vừa đi vừa đếm những con ngõ nhỏ chen giữa những ngôi nhà bốn, năm từng. Sao mà nhiều ngõ thế, cứ cách vài nhà lại có một cái ngõ, bề ngang ngõ rộng khoảng từ tám mươi phân đến một thước hai. Nhìn kỹ thì không phải ngõ! Vì nhìn lên đầu không thấy bầu trời mà là cái trần bên dưới tầng lầu của một ngôi nhà. Sau tôi được biết do chính sách chia nhà đất kỳ bao cấp vào năm 1954 khi cộng sản vào Hà Nội, ai có nhà rộng phải chia cắt ra nhiều mảnh cho người khác đến ở. Vì cần có lối đi bên ngoài tạo ra một cái lối để đi chung, nên người ta tạo ra những cái ngõ như vậy. Sau đó họ xây cất thêm, chỉ việc tiếp tục lên lầu cho cao, cái ngõ trông càng có vẻ hẹp lại. Ngay nhà của em tôi cũng phải chia ra làm ba, bốn hộ nên cũng có một lối đi chung như thế.
Cafe-net ở trên đường Trần Xuân Soạn, ngay góc đường Ngô Thì Nhậm. Gọi là cafe-net nhưng không bán cà phê, tiệm có khoảng hai mươi cái máy vi tính, hầu như cái nào cũng rất cũ, bàn đánh chữ đã mòn, nét chữ nhòe mất cả. Tôi, một người không chuyên nghiệp, phải vừa đánh vừa đoán xem chữ A, chữ H ở nốt nào. Vào giờ trưa hay vào ngày cuối tuần học trò nghỉ học thì không còn chỗ cho người lớn. Các em nhỏ tuổi từ mười đến hai mươi vào đây chơi game. Có một lần tôi ngồi chung với các em, tôi học được bao nhiêu điều lạ lẫm. Những em khoảng mười một, mười hai tuổi vừa chơi game vừa nói chuyện với nhau về trò đang chơi. Em nọ cắt nghĩa cho em kia bằng những chữ tôi nghe chẳng hiểu gì cả dù các em nói tiếng Việt. Tôi đoán đó là những tiếng “lóng.” Nhưng có những chữ tôi nghe được của các em lớn hơn, tuổi mười tám, hai mươi lại là những tiếng văng tục rất to và rất tự nhiên. Các em nói ồn ào, văng tục, hút thuốc ngay trong một gian phòng khoảng bốn, năm thước vuông, có trên dưới hai mươi người, như ở chỗ không người. Tôi nghe một cậu khoảng mười bẩy, mười tám, gọi cô bé thu tiền cho tiệm:
- Thuốc lá của anh đâu, gọi từ nẫy giờ sao chưa có?
Cô bé vội mở ngăn kéo lấy ra hai điếu thuốc đưa cho khách.
- Đ.M, em mà chậm chạp thế này thì ngày mai anh đi chỗ khác.
Văng tục xong, cậu mồi lửa châm thuốc, phà khói vào ngay người ngồi hai bên cậu. Vừa chơi game cậu vừa chửi những nhân vật trong máy bằng những câu thô lỗ oang oang. Ở cuối phòng, mấy người bạn của cậu cũng không chịu kém phần, dùng cùng một thứ ngôn ngữ với cậu. Mỗi câu nói phải đệm theo một chữ Đ.M. Đây chắc là một thói quen không thay đổi được. Tôi vội vàng viết nhanh mấy chữ cho các con rồi bỏ về, cũng may thư gửi đi chỉ có chữ, không thu được tiếng vang vào máy.
Tôi đi vòng lên phố Thi Sách, góc đường có một tiệm, đề bảng: CHO THUÊ TRUYỆN. Tiệm rất nhỏ, trông như một cái quán, chỉ đủ chỗ cho một người đứng bán. Một người đàn ông khoảng bẩy mươi, đầu lưa thưa vài sợi tóc bạc, chiếc kính lão trễ trên sống mũi, mặc một cái áo thun trắng đã ngả mầu vàng ố, cổ áo và cửa tay áo đã sờn, đang lúi cúi xếp sách. Những cuốn sách cũ, xếp sát lên đến trần, vây bọc chung quanh một người trông cũng “cũ”, có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tôi dừng lại chào, gợi chuyện, rồi hỏi han ông chủ cho thuê sách, ông vui vẻ kể:
- Trước năm 1954, một người khác là chủ tiệm này. Tôi làm chủ từ năm 1970. Lúc đó tôi chỉ được phép cho thuê những truyện dịch của Pháp, Nga, truyện cổ điển của Trung Quốc, còn những truyện có “ái tình hay tình dục” như Kim Bình Mai thì hoàn toàn cấm kỵ. Năm 1988, được cho thuê sách của các tác giả như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…..Sách của Tự Lực Văn Đoàn rất hạn chế. Năm 1991, bắt đầu được đọc chưởng của Kim Dung.
Ông cười, tiếp:
- Nhưng bây giờ thì tha hồ, muốn cho thuê sách gì cũng được.
Tôi hỏi ông, sách của tác giả nào và loại nào hiện cho thuê nhiều nhất?
- Sách bằng tranh của Nhật, Hàn Quốc đang chiếm lãnh thị trường. Tác giả Yoshihi Nakamura có nhiều người thuê nhất.
- Ông có đủ sống không?
Lại cười:
- Biết thế nào là đủ. Bà lão nhà tôi (vợ ông) bị tai biến mạch máu não mấy năm nay, cũng trông vào lợi tức của tiệm cho thuê sách này. Đây không phải là một nghề làm giầu được. Tiệm sách từ năm 1954 đến nay trải qua bao nhiêu dâu bể. Chuyền tay nhau cố giữ lấy một tập quán đẹp, thế thôi.
Là người yêu chữ, tôi thấy quý mến ngay ông chủ tiệm sách này.Tôi từ giã ông, với một chút buồn buồn, mong ông giữ mãi được cái đẹp cho thành phố này. Tôi tiếp tục lang thang, ngắm nghía những gánh hàng rong, những mẹt trái cây, những rổ hoa cúc, nải chuối, củ khoai, bó rau, những ổ bánh mì trên hè phố. Có lúc, đứng khựng lại nhìn người phu khênh từng chồng gạch trên lưng trước một ngôi nhà đang lên tầng, hay nhìn người thợ sửa xe gắn máy đang cắm cúi làm ở một ngã tư.
Tôi bắt đầu mua hàng: ba ổ bánh mì không nhân, ba ngàn; nải chuối, mười ngàn; túi rượu nếp (cơm rượu), hai ngàn; tờ báo Thanh Niên, hai ngàn. Thêm bốn ngàn trả cho cafe-net, tổng cộng sáng nay tôi tiêu hết hai mươi mốt ngàn. (Một đô la đổi được mười sáu ngàn đồng.) Vừa mua bán vừa trò chuyện. Biết chị bán chuối quê ở Thanh Hóa, cô bán hoa gốc ở Hà Đông, bà bán rượu nếp gánh từ bên kia cầu Long Biên vào, anh thợ nề từ Nam Định lên, anh thợ sửa xe nhà ở tận Yên Bái.Mỗi người cho tôi một câu chuyện nhỏ. Chuyện của họ bắt đầu khác nhau, nhưng nội dung câu chuyện giống nhau, cũng cơm hàng, cháo chợ, mì gói, nước trà, thuốc lào, ngủ qua đêm trong những nhà trọ tập thể, hàng tháng gửi tiền về cho gia đình. Một năm về quê một lần thăm chồng hay vợ, các con, cha mẹ đang làm ruộng ở quê nhà. Người nào may mắn một năm để dành được khoảng hai triệu đồng mang về, coi như sự hy sinh sống xa gia đình, ăn ngủ kham khổ được đền bù.
Tôi cầm những gói quà mang về nhà, leo lên cái cầu thang già nua, tường long, vôi lở. Con mèo con chạy ra kêu meo một tiếng, theo tôi vào nhà. Cháu đi học, hai em đi dậy chưa về. Nhà vắng, tiếng xe dưới phố vọng lên, hòa vào tiếng loa phát thanh của phường đang kêu gọi người dân đề phòng dịch tả, kêu gọi người dân cứu trợ lũ lụt miền Trung. Tôi ngồi mở gói chuối ra nhai với bánh mì giữa những âm thanh đó. Nhai và ngẫm nghĩ những điều tai nghe, mắt thấy vừa qua dưới phố, nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy lòng mình chùng xuống như những sợi giây điện bên ngoài rối tung từ nóc nhà nọ sang nóc nhà kia. Miếng chuối nuốt xuống nghẹn ngang cuống họng.
Em tôi là giáo sư dương cầm cho Nhạc Viện Quốc Gia. Tôi về đúng vào dịp Hà Nội đang rầm rộ mừng 90 Năm Cách Mạng Tháng Mười Nga. Nước Cộng Sản Việt Nam, nơi có đặt tượng Lenin, người lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng và lập ra nước Cộng Sản Nga vào năm 1917, chắc chắn phải cùng ăn mừng dịp lễ long trọng này. Nhà Hát Lớn Hà Nội tổ chức chương trình “Âm Nhạc Cổ Điển Nga” có ca sĩ thanh nhạc, và nhạc trưởng Nga sang trình diễn. Em tôi có vé, mời tôi đi nghe.
Nhà hát lớn Hà Nội chứa khoảng năm trăm người, ngồi kín rạp. Phần đông là những quan chức cao cấp, các nhà ngoại giao, các giáo sư âm nhạc có vé mời. Giữa buổi hòa nhạc, tiếng phôn tay vẫn reo, có cả tiếng trả lời và trò chuyện qua điện thoại, trẻ em sáu bẩy tuổi cũng được cha mẹ mang theo, chạy ngang chạy dọc.Trong khi đó thì một phụ nữ Nga ngồi cạnh tôi, không dám ho (tôi thấy bà lấy tay bưng miệng). Tôi đoán bà này chắc cũng thuộc bộ ngoại giao, hay ít ra cũng là người có trình độ.
Từ buổi hòa nhạc ra, tôi đề nghị đi bộ về nhà. Chúng tôi thả bộ dọc theo bờ hồ, tôi cứ phải nắm chặt tay em tôi mỗi khi sang đường, Nhưng đáng sợ nhất là gặp cảnh đua xe gắn máy ban đêm của thanh niên. Đây là giờ biểu diễn của họ. Mặc dù Hà Nội, mỗi ngã tư đều treo một tấm bảng có ghi: “Cấm các xe gắn máy: luồn, lách, đánh võng, nằm dài trên yên, đứng trên yên, chạy xe quá tốc độ, chạy xe bằng một bánh, đứng nghiêng một bên lái xe. Tiền phạt từ 500 ngàn đến hai triệu.”
Chuyện phạt, cấm, hình như không có hiệu quả. Từ mười giờ đêm đến ba, bốn giờ sáng, tiếng bánh xe vẫn rít trên mặt đường, tiếng máy xe vẫn nổ ầm ầm trong không gian. Bắt vào rồi lại thả ra, toàn là con quan lớn hay là những con của đại gia.
Tôi đi ngủ, hai mắt mở, nhìn lên trần nhà, đợi nghe tiếng rao lúc nửa đêm về sáng, tiếng rao ẩn nhẫn, trầm buồn của một giọng đàn ông: “Bánh khúc nóng đây…”. Lại một con vạc ăn sương!
Hà Nội 11/2007