Truyện Ngắn tmt

Friday, May 9, 2014

MÙA HẠ, ĐOM ĐÓM và DẾ MÈN

Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom đóm”.Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đốm lửa thân yêu này.
Chao ôi, những con đom đóm của thời tản cư về Thái Bình, Nam Định! Chúng tôi lúc đó còn bé lắm, vào những ngày đầu mùa hè, chúng tôi được mấy chị trong làng khi làm bếp, để dành cho chúng tôi những chiếc vỏ trứng mà các chị đã khéo léo chỉ lấy đi một phần vỏ nhỏ ở chóp quả trứng, gượng nhẹ rửa sạch, lau khô, đợi tối đến, các chị bắt đom đóm cho vào những chiếc vỏ trứng đó, đặt vào tay các em bé tỉnh thành. Chúng tôi kêu lên “Một cái đèn kì diệu!”
Không có món đồ chơi nào có thể đẹp hơn thế nữa. Trong bàn tay bé xíu của chị em chúng tôi, cái vỏ trứng sáng rực lên. Chúng tôi cúi nhìn xuống cái khối lân tinh úp giữa hai lòng bàn tay, đi từng bước lom khom rón rén trong sân, chỉ sợ đánh rơi nó xuống đất, chỉ sợ ánh sáng bỗng tắt phụt đi giống như ngọn nến khi có gió bay qua. Thỉnh thoảng mấy chị lại bắt được thêm một con, chúng tôi tranh nhau đưa vỏ trứng của mình ra để được cho vào. Những ngày chạy loạn về quê, ban tối bỗng trở nên hấp dẫn cho đám trẻ thành phố. Chúng tôi chỉ mong nhìn mặt trời lặn và ăn cho nhanh bữa cơm chiều để được chơi với cái đèn kì diệu, được theo các chị lớn tuổi ra bờ ao, bụi cây ẩm ướt là nơi nhiều đom đóm lập lòe nhất. Nhưng vào những đêm có trăng sáng thì đom đóm thường không bay ra, có lẽ những con côn trùng nhỏ bé này không dám ganh đua ánh sáng với chị Hằng. Các chị lại bầy cho những thú chơi khác với bóng trăng. Sau những ngày đầu mùa hè ở quê, chúng tôi học được một điều là “Cái đèn kì diệu” đó không bao giờ thắp sáng được giữa ban ngày. Lớn lên mới hiểu ra rằng, cũng giống như ký ức đẹp đẽ, người ta hay ngồi nhớ lại nó trong bóng tối.
Xa quê mấy mươi năm, chiếc đèn kì diệu đó thỉnh thoảng vẫn rọi sáng một bên gối tôi trong những giấc mơ.
Hình như ở Sài Gòn, sống trong thành phố nhiều ánh điện, tôi ít có cơ hội được gặp đom đóm. Không biết ở ngoại, hay những vùng quê có đom đóm hay không? Sang Mỹ, định cư ở California mười ba năm, ở giữa thành phố khô và ồn, tôi không bao giờ thấy đom đóm trong mùa hè, dọn đến Seattle hơn hai mươi năm, rừng sau nhà, núi, hồ trước mặt, luôn luôn mưa lạnh lại càng không phải là nơi cho đom đóm trú ngụ. Những nơi nóng và ẩm mới có đom đóm. Nhưng người nào may mắn ở những thành phố ấm hơn, thích đom đóm họ phải chịu khó không cắt cỏ, và hạn chế dùng những phân bón có hóa chất cho cây cối, hạn chế dùng đèn trong sân, để giảm ánh sáng, cố tránh tiếng động để yên tĩnh cho đom đóm tìm nhau sinh sản. Ở Mỹ, đom đóm cũng không xuất hiện vào những đêm trăng tròn như ở Việt Nam.
Đom đóm là một trong những loại sâu bọ phát ra ánh sáng. Có loại không bay được và có loại bay được. Đom đóm cái không có cánh nên không bay được, chúng nằm sát mặt đất, phát ra ánh sáng, để gọi con đực tới, con đực nhìn thấy, bay đến gần, gần hơn một chút nữa, nếu thấy dấu hiệu của mọi chuyện tốt đẹp thì chúng ôm lấy nhau, sinh sôi nòi giống. Sự phát quang rất quan trọng, vì mục đích của ánh sáng là hấp dẫn con khác phái. Ngay như trứng của chúng cũng phát quang.
Từ Hà Nội, ba mẹ ôm các con chạy về Thái Bình, Nam Định; rồi hồi cư Hà Nội, ba chuyển xuống làm việc ở Hải Phòng, lại chạy vào Sài Gòn, chạy sang đến nước Mỹ xa lắc xa lơ. Bây giờ đang ở đâu đây? Chao ôi, di chuyển suốt nửa đời người, cuộc hành trình sao mà dài thế !
Tôi đã không còn có được trong tay những con đom đóm và cái đèn kì diệu trong đời mình. Thay vào đó các con của tôi, lúc còn nhỏ bắt đầu biết chơi với những chiếc đèn pin. Chúng thích trùm chăn kín mít rồi bật đèn pin lên soi vào người nhau. Hoặc là buổi tối, chúng tắt đèn trong buồng ngủ, chơi đi trốn, rồi cầm đèn pin rọi vào tủ áo, vào gầm giường cũng lấy làm sung sướng lắm rồi. Nhưng lúc nhìn thấy thế, tôi lại ước ao, chúng được sống ở một vùng có đom đóm bay trong đêm ở những lùm cây như tôi được hưởng thời thơ ấu.
Làm sao tìm được đom đóm ở Seattle bây giờ!
Kỷ niệm thời thơ dại càng đơn sơ bao nhiêu càng đẹp bấy nhiêu. Những đồ chơi điện tử, hay những giải trí trên máy vi tính trẻ em đang có trong thế giới high-tech ngày nay, làm sao có thể để lại những kỷ niệm đến nao lòng mỗi khi nhớ tới.

Mùa hè còn một loại côn trùng đáng yêu của kí ức nữa. Đó là con dế. Các cậu bé Việt Nam làm sao quên được đã có hơn một lần nào đó trong đời đứng say mê xem các anh lớn hơn mình chơi “đá dế”. Rồi các cậu cũng đòi cha bắt cho bằng được những con dế trống, nhốt trong những bao diêm để đầu giường nghe nó ca hát suốt đêm. Ban ngày đi học về, xuống bếp xin mẹ một cọng giá cho nó ăn, xin chị một sợi tóc để quơ quơ trước đầu nó, huấn luyện cho nó thành những con dế hung hăng “dế đá”.
Dế có hai loại bài ca: “Bài ca mời gọi” của con trống, giọng cao thánh thót, các con mái nghe thấy như những bản nhạc tình quyến rũ trong khi những con trống khác biết đó là tín hiệu từ chối, không được lại gần. Bài ca thứ hai giọng trầm hẳn xuống, được gọi là “Bài ca trầm lặng” hát lên khi con mái đã đến gần. Dế có hai tai ngay phía dưới khuỷu của hai càng phía trước để nghe nhạc của nhau. Dế cái “yêu” cuối hạ, đẻ trứng mùa thu, trứng nở vào mùa xuân, có thể nở hàng loạt đến hai nghìn cái.
Dế là những miếng mồi ngon cho loài ếch, nhái, thằn lằn, và là những món nhậu tuyệt vời cho loài người (Á Đông và Phi Châu). Dế còn được đi vào những tác phẩm văn học như “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài hay Cricket Magazine, một tờ báo của trẻ em ở Mỹ.
Trong cuốn phim The Last Emperor, ông vua Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại vua chúa bên Trung Hoa, sau bao nhiêu năm thất tung, khi trở về cung điện ngày xưa, bấy giờ đã trở thành hoang phế, ông ngơ ngác bước vào một cung đình lạnh lẽo, trống trải, không cờ, không trống, không quan, không lính, không tiếng tung hô. Ông đi về phía cái ngai vàng ông ngự từ hồi còn rất trẻ, ông không chạm tay lên những cái vẩy rồng trạm trổ trên ghế, để tìm lại âm hưởng hoàng triều mà luồn tay tìm cái hộp nhỏ dưới gầm ghế, nơi ông ngày trước đã giấu cái hộp nhỏ có con dế trong đó, để tìm lại thời thơ dại của mình. Con dế cổ tích đó nằm trong tay ông vẫn dương cong đôi cánh lên thẳng thốt gáy mừng.

Chao ôi, đây có phải là con dế năm xưa! Hay chỉ là ảo tưởng về kỷ niệm ấu thơ, kỷ niệm giản dị và đẹp đến nao lòng!
Trong suốt mấy chục năm, đi suốt dọc con đường của đời mình, tôi đã tiếp tục đi, qua bao nhiêu làng mạc, thành phố, quốc gia này đến quốc gia kia. Qua bao cánh đồng thời gian. Những cọng mạ xanh non, đã trổ cao, thành xanh lá ngọc, thành lúa vàng ròng, rồi thành những gốc rạ bạc mầu nâu. Hình như bằng một phép lạ nào đó (hay chỉ là tưởng tượng), tôi vẫn cầm chắc trong tay chiếc vỏ trứng với mấy con đom đóm bên trong.
Cái đèn kì diệu đó không bao giờ tắt trong những giấc mơ!
6/2008