Truyện Ngắn tmt

Friday, May 9, 2014

MÙI THỜI GIAN

Người tiếc than cho đôi mắt ngọc
Bây giờ không ngắm được sao rơi
Niềm phế thải len từng chân tóc
Lửa thời gian đốt bó củi đời (tmt)

Tôi đã đến thăm nhiều “nhà già” trong những thời gian và địa điểm khác nhau. Dù ở thành phố nào hay vào mùa nào những nhà già hình như đều có chung một cái mùi đặc biệt, tôi không biết tả mùi đó như thế nào. Đôi khi tôi tự hỏi có phải mắt nhìn của mình tạo nên cái mùi đó không?
Khu nhà dù cũ hay mới, những bức tường dù vừa được sơn lại, vườn hoa đang xén tỉa, nở rực rỡ dưới nắng trưa của một mùa xuân hay bình minh của mùa hạ, hoặc lất phất dưới mưa thu. Ở bên ngoài có thơm tho, tươi, sạch thế nào, thì khi tôi vừa đẩy hai cánh cửa kính bước vào trong, tôi ngửi ngay được một cái mùi lạ lắm; cái mùi đó òa vào mũi, chạy ngay xuống ngực, nó làm cho tôi lập tức thấy mình hồi hộp, những hình ảnh trước mắt hình như trộn lẫn vào cái mùi đó làm cho tôi thấy mình như chao đi vì nhịp tim hối hả đập.

Cái thảm lót ở lối đi bao giờ cũng là vật đập vào mắt trước tiên. Cái thảm không nhìn thấy rác, sạch như vừa được hút bụi xong, nó không cũ lắm, nhưng cái mầu của nó trông tẻ nhạt, buồn bã, pha trộn giữa mầu nâu và mầu xám, thỉnh thoảng có những vết ố đã được tẩy sạch, chỉ còn để lại một vài cái khoanh loang, đặc biệt những tấm thảm này hay có in hoa, nhưng bông hoa nhòe đi không còn nhìn rõ cánh nữa. Hai bên tường treo những bức tranh in phong cảnh núi tuyết, hay vườn hoa ở những cái khung cố làm ra giống cổ. Dọc theo hai bên lối đi, bao giờ cũng có một, hai cụ già ngồi trên xe lăn như đang chờ ai đến. Có thể cụ chờ xe đến đón đi khám bệnh, hay chờ người thân đến thăm, và có khi không chờ ai cả, chỉ muốn ra đó để được nhìn qua cửa chính, nhìn thế giới khỏe mạnh, trẻ trung bên ngoài. Có cụ tỉnh táo thấy người thì cất tiếng chào trước làm quen, có cụ mặt lạnh như băng, cúi chào cụ, cụ không trả lời (hay có khi cụ không nghe được, hoặc không nói được)
Những người giúp việc ở quầy phần đông là người Á Châu trong những nhà già có đông người Á Châu vào ở, người Phi bao giờ cũng chiếm đa số, kể cả những lao công quét dọn. Họ bận rộn, đi lại, chỉ kịp chào khách một tiếng, hỏi khách có cần chỉ buồng hay không? Nếu khách biết rồi, thì họ để cho khách tìm lấy, họ không có thời giờ tiếp chuyện, trừ những trường hợp đặc biệt.
Trong khi đi tìm vào tới buồng người mình muốn đến thăm, mắt tò mò không sao tránh được nhìn vào những chiếc giường không kéo màn che hoặc những căn buồng cửa hé mở.
Thế nào tôi cũng thấy, một cụ bà đang ngồi ngủ gật trên ghế, những sợi tóc bạc phơ, mảnh dẻ còn sót lại ngơ ngác trên đầu cụ, thân thể bé nhỏ chỉ còn xương da, bọc trong một cái áo len xanh lè, hay một cái áo thung dầy, mầu đỏ đã cũ có chữ Merry Christmas từ năm nào, (chắc con cháu mua để cụ mặc trông cho vui mắt) cụ ôm thêm cái gối nhầu nhĩ đặt trong lòng. Ở buồng khác, sẽ có một cụ ông đang nằm ngủ thiêm thiếp với chiếc TV trên tường đang có mục quảng cáo Victoria Secret, hay một trận đá banh đang muốn làm nổ tung màn ảnh.
Bỗng đôi khi, từ đâu đó, một cụ ông hay một cụ bà bước tới bằng cái khung sắt (walker frame) ra chào tôi niềm nở hỏi:
“Are you Chinese?” hay “Are you Japanese?”
Tội nhiệp các cụ, các cụ cần người đồng hương để có dịp nói chuyện, có dịp khoe ngày xưa tôi sống thế nào, tôi có bao nhiêu con đã thành đạt. Có dịp kể lại những giấc mơ các cụ thực hiện được, và cả những giấc mơ không bao giờ thành. Có cụ còn hỏi: Tuần tới có đến nữa không? Cho dù cụ chẳng biết tôi là ai.
Tháng trước tôi đến vào một bữa ăn trưa ở nhà già (điều hành bởi người Nhật) ở Seattle. Đến thăm bố chồng của cô cháu, cụ 90 tuổi và đang ở trong đó. Tôi vào buồng ăn, nơi các cụ người Nhật (phần đông) người Hoa và người Việt Nam đang ăn trưa. Nhà già cho ăn theo công thức bổ dưỡng của Mỹ, các cụ được xếp trước mặt: súp, rau, thịt xay, trái cây. Nhưng cụ nào có con cháu đến thăm thế nào cũng được một, hai món ăn cổ truyền của quê nhà trước mặt. Cô cháu tôi đem vào cho bố chồng mấy miếng chả và một ít xôi. Tôi thấy hai mắt cụ sáng lấp lánh hẳn lên, cụ ông người Nhật ngồi trước mặt, im lìm với thức ăn Mỹ, cứ cúi xuống nhìn đĩa thức ăn , không muốn chạm tay vào. Phía xa xa hơn chút nữa, một bà cụ nhìn đăm đăm sang với đôi mắt lạnh lùng, ghen tị. Cô cháu tôi nói nhỏ:
Cụ đó người Việt Nam, con cháu nhiều, nhưng chẳng ai đến thăm cả.
Tôi xẻ một chút xôi, gắp miếng chả mang sang bàn mời cụ.
Cụ nói cảm ơn, một tiếng ngắn, lạnh lùng. Thấy thương quá!
Tôi ở lại sau bữa trưa, hai cô cháu đưa cụ ông về buồng. Đi qua những hành lang trải thảm, những căn buồng không kéo màn, những căn buồng cửa hé mở.

Những hình ảnh của các cụ như những cuốn phim, xem đi xem lại lần nào cũng thế, cũng vẫn những diễn viên đó, vẫn cảnh diễn giống nhau, vẫn những thân hình bé lại, gầy guộc với thời gian, những đôi mắt mệt mỏi, buồn vời vợi nhìn vào khoảng trước mặt, hoặc nhìn người qua lại mà như không nhìn gì cả. Tôi cúi nhìn cái thảm nâu pha xám dưới chân, và cái mùi lạ lùng, khác biệt của nhà già lại ùa vào mũi tôi, làm trái tim tôi đập hối hả.
Tôi nhớ, cả hai mươi năm rồi, tôi có đến thăm một nhà già ở Helena, Montana, nơi bố chồng tôi ở. Nơi này chỉ toàn người già (nhưng không bệnh tật) Vì là tỉnh nhỏ nên các cụ phần đông ngày trước cùng ở chung phố, hoặc học chung một trường trung học. Khi trưởng thành, vào đại học, hay lập gia đình phân tán các nơi, có người dọn hẳn sang tiểu bang khác. Bây giờ về già, chồng hoặc vợ đã qua đời, con có gia đình riêng, các cụ tìm về một nơi ở chung với nhau. Như trường hợp cha chồng tôi, sau khi cụ bà mất, cụ bán nhà và dọn vào đây, chúng tôi mời thế nào cụ cũng không chịu về ở với chúng tôi, cụ nói:
- Thành phố của các con ồn ào quá, ở đó bố không có bạn, hơn nữa bố không muốn các con phải bận tâm chăm sóc thêm một người già khi các cháu còn bé.
Năn nỉ thế nào cũng không được, thỉnh thoảng cụ đến chơi một hai tuần với các cháu, và chỉ về ở với chúng tôi những khi cụ đau ốm, cần săn sóc kỹ, khi khỏe lại, cụ đòi về nhà già của cụ ngay, cụ nhớ bạn cũ. Tôi nhớ lần cụ ở lâu nhất là hai tháng. Nhóm của cụ bắt đầu hơn mười người, sau mất dần dần còn lại ba, bốn cụ. Khi bố chồng tôi mất chỉ còn lại ba cụ cùng trường. Những cụ khác không ở trong nhóm cũng già nua, đơn chiếc, các con tứ tán mười phương.
Dù không khí buồn hay vui, khi vào nhà già với những mảnh thảm trải gần như cùng mầu, với những bức tranh treo trên tường, (hình như chỉ dành riêng cho nhà già) với hình ảnh các cụ đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười hay thinh lặng như những cành hoa vải, hoa nhựa, bao giờ cũng cho tôi một nỗi ngậm ngùi. Khi tôi ôm giã từ những thân thể đó trong vòng tay, dù chỉ năm ba giây, tôi ngửi được một cái mùi rất đặc biệt, rất lạ lùng, và nó ở lại trong ngực tôi hoài, dù tôi có lên máy bay trở về một thành phố khác.
Tôi không biết đặt tên cho cái mùi lạ lùng đó thế nào cho đúng. Nó là phối hợp của cái không khí bao trùm cả tòa nhà, của những khuôn mặt nhăn nheo, những đôi mắt mệt mỏi, buồn bã, những thân thể mong manh, nó nhắc tôi nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ những hình ảnh của người thân tôi được chúng kiến tuổi già của họ, nhắc tôi nghĩ đến một cây cầu chưa rõ nét tôi sẽ phải đi qua.
Và mỗi khi tôi bước vào đó nó ùa vào mũi tôi nằm trong lòng ngực của tôi, chồng chất lên nhau. Nó có phải là thời gian không nhỉ?
Tôi gọi nó là “Mùi Thời Gian”
4/2008