Friday, May 9, 2014

MỘT MÌNH

                Gửi anh Sơn
Người đàn ông sửa soạn một chuyến đi xa. Đây là lần đầu tiên ông đi du lịch một mình sau hơn bốn mươi năm hôn phối. Vợ ông mới qua đời hơn hai tháng. Ông thực hiện chuyến đi này theo ý của người vợ, bà đã dự tính sẽ làm một chuyến đi cuối đời, từ miền đông đến miền tây bắc, nơi có mấy người em họ rất thân của ông, rồi bay xuôi xuống nam Cali thăm anh, chị, em ruột bên ông trước khi về Việt Nam ăn tết với gia đình bà. Mấy tháng cuối cùng của căn bệnh, bà biết mình không đủ sức thực hiện được, nhưng vẫn phác họa cuộc hành trình. Bây giờ ông thực hiện nguyện vọng của vợ, một mình.
Trước đây dù sức khỏe của bà kém, mỗi năm, ông bà vẫn cùng nhau đi xa, đi tận chân trời, góc biển, đi đến sơn cùng, thủy tận. Ông nghĩ mang bà đi như thế, bà sẽ không để hết tâm trí lo lắng về bệnh tật, sẽ phấn đấu, và mỗi lần đi sẽ tăng thêm phần tự tin cho cả hai vợ chồng. Quả thật, nghị lực của bà mạnh hơn ông nghĩ. Bà cầm cự được hơn bẩy năm với căn bệnh hiểm nghèo. Đi đâu ông cũng chỉ lo việc mua vé, bà lo quần áo, thuốc men, thông hành, chiếu khán. Bây giờ có một mình, ông tung bừa mấy ngăn tủ, tìm mãi mới đủ áo trong, áo ngoài; giấy tờ, sổ chích tìm cả trên gác dưới nhà, cuối cùng, mới nghĩ ra được là bà cất sổ thông hành trong ngân hàng.
Ông ngồi trên máy bay, chuyến bay trong nước, thẳng từ miền đông sang miền tây bắc hơn năm tiếng, ông bỗng nhớ vợ vô cùng. Chiếc ghế bên cạnh ông, bên phải hay bên trái nhỉ? Bên nào cũng là một người lạ. Ông chẳng để ý họ đen hay trắng, đàn ông hay đàn bà. Nhất định không phải vợ ông, để ý làm gì. Ông nhắm mắt lại cố ngủ, nhưng không ngủ được, ông giơ tay vuốt mặt mình. “No one ever told me that grief felt so like fear” (C.S Lewis.) Ông khẽ rùng mình, một nỗi sợ hãi vu vơ ở đâu chợt đến với ông. Có phải cái cảm giác chông chênh, trống trải chung quanh làm ông sợ. Chao ôi! Làm sao ta phân biệt được giữa đau thương mất mát và sự sợ hãi. Hình như cả hai là một.
Một tuần ông ở vùng tây bắc, gặp mấy gia đình, các em, các cháu; gặp ai, nói chuyện gì cũng làm ông nhớ vợ. Cái buồng ngủ này, cô em vẫn dành riêng cho ông bà, mỗi lần ông bà đến; bây giờ trên giường chơ vơ một cái gối. Cô em, một, hai hôm, lại hỏi:
- Anh có lạnh không? Em lấy thêm chăn nữa nhé!
- Không, đủ ấm rồi, chăn lông ngỗng mà.
Cô em quay ra, ngậm ngùi thương ông anh, nói khe khẽ trong ngực mình:“Chiếu chăn không ấm người nằm một/Thương bạn chiều hôm nằm gối tay”
Ông sẽ nằm gối tay hoài. Cô em biết thế, thỉnh thoảng lại nhắc ông anh:
- Anh đừng cưỡng lại, buồn cứ buồn, muốn khóc cứ khóc. Đừng nghĩ đàn ông không nên khóc. Khóc được rất tốt, đó là sự lành mạnh cho tinh thần, thời gian sẽ là những viên thuốc tốt nhất, sẽ từ từ chữa lành mọi vết thương.
Cô để ý, thỉnh thoảng thấy anh đang nói, cười, bỗng ngồi thừ người ra. Những lúc đó cô nhìn đi chỗ khác, biết là anh đang nhớ đến chị. Để im cho anh ấy nhớ, cô đứng lên cắt quả cam hay pha ấm trà mới, mang đến cho anh. Cô nghĩ đến cái bánh xe đời sống, vợ chồng ai rồi cũng sẽ rơi vào cảnh huống đó, một người đi trước, một người đi sau. Đi sau bao lâu? Ai đi trước? Ai đi sau? Đó là những câu hỏi không có câu trả lời. Chỉ biết người ở lại cần một thời gian thích nghi với hoàn cảnh bỗng dưng mọi sự thay đổi quanh mình.
Ít hôm nữa ông về Sài Gòn ăn tết với gia đình vợ. Ở đó có những người gọi ông là “dượng,” không phải là “chú” hay “cậu” như gia đình người Bắc bên ông. Ông và bà cả hai người cùng là sinh viên du học của thập niên 60, họ gặp nhau ở Mỹ. Hồi xa xưa đó, ông là một thanh niên gốc Hà Nội di cư, bà là cô thiếu nữ đặc Sài Gòn. Cả hai cùng nói tiếng Việt nhưng cách pháp âm hoàn toàn khác nhau. A, cái điều này quả thực hấp dẫn! Họ cùng nhau tìm hiểu đời sống trên đất khách, và mỗi người lại còn phải khám phá ra cái thế giới rất lạ của người cùng nước, nhưng khác miền. Chính điều này là đầu mối của tình yêu. Rồi họ lấy nhau, con trai của họ gọi cha mẹ là “bố” và “má”. Họ hàng bên ông có người gọi bà bằng “mợ”, bên bà có người gọi ông bằng “dượng”. Chao ôi, ngôn ngữ Việt Nam sao mà tuyệt vời như thế nhỉ!
Ông nhớ lại lần đầu ngỡ ngàng khi về Việt Nam thăm bên vợ. Đã lấy nhau rồi, nên ông không còn phải ở trong cảnh: “Chuột kêu rúc rích trong rương, anh đi cho khéo, kẻo đụng giường má hay (Ca Dao.) Nhưng cách thức ăn uống, nói, cười, cái gì ông cũng thấy lạ. Gia đình bên vợ khá đông anh em, vợ ông là con thứ nên ông được anh vợ, chị vợ, và những người cháu của vợ kêu ông bằng “Dượng Năm.” kêu theo thứ bực của bà. Cái tên mới này bắt đầu ông thấy ngượng ngập, sau nghe quen tai, ông thấy thân tình quá.
Bây giờ “Dượng Năm” về ăn tết một mình, mang trong va-li quần áo một cuộn phim quay hôm tang lễ của “cô Năm.” Ông biết khi gặp lại gia đình vợ, ông khó mà cầm được nước mắt. Cả một gia đình đang đợi ông về để cùng khóc. Ông tự nhủ sẽ cố “Tìm an ủi người hơn được người ủi an” (Kinh Hòa Bình-St.Francis)
Đang vào đông, nhưng Seattle mấy hôm nay có nắng. Có hôm nắng nguyên ngày, có hôm nắng sáng từ tinh mơ, hay nắng đến giữa trưa. Bầu trời lúc nào cũng xanh ngắt một mầu; gió lạnh vừa đủ để xuýt xoa; nắng vừa đủ để quyến rũ mọi người ra đường đi bộ. Chồng cô em ở sở làm, gọi về nhà rủ vợ và ông lái xe đến đậu ở bãi đậu xe của sở mình, rồi cả ba cùng bách bộ một tiếng vào giờ ăn trưa.
Họ đi qua những công viên, giẫm trên những thảm cỏ xanh ngọc, ướt đẫm sương, làm sũng cả giầy; những con đường mòn, đất xốp như đang bước trên miếng bọt biển, có cả cái hồ nho nhỏ tên là “Phantom Lake” với những ngôi nhà phía bên kia hồ, mờ mờ, tỏ tỏ, đẹp như trong tranh vẽ; họ đi qua những xóm, những nhà; vườn hoa nhà ai đang nở nốt những bông cuối đông, như một hạnh phúc còn lưu lại; cây hồng (persimmon) nhà ai còn xót một vài trái trên cành như những chiếc lồng đèn treo chờ lễ hội; họ ngước nhìn một người thợ xẻ đang chót vót trên một ngọn cây thông, cắt từng khoanh cây, vứt xuống trông rất ngoạn mục; tất cả những hình ảnh đó được vẽ ra trong một bầu trời trong vắt, xanh biếc, một không gian thơm ngát mùi thông, nắng như mật ong chảy xuống vai ba người. Ông bật kêu lên:
- Đẹp quá!
Họ vừa đi vừa ngước nhìn bầu trời, vừa cúi nhìn cây cỏ, thanh thản giữa đất trời. Nhưng lòng ông có thực sự thanh thản đâu. Trên đường lái xe về nhà, chỉ còn hai anh em. Cô em hỏi:
- Anh còn chê Seattle của em nhiều mưa nữa không? Nếu không có đủ nước mưa rơi xuống, làm sao anh có một thiên nhiên thơm tho, đẹp đẽ và tinh khiết đến thế này!
Ông chậm rãi nói:
- Tôi chẳng thấy cái gì đẹp cả nữa.Cô em biết ông anh đang tủi phận góa bụa của mình. Cô im lặng. Vết thương của ông còn mới quá, nó không làm độc nữa nhưng chưa kịp khô. Mới nửa tiếng trước ông thấy đất trời đẹp, nửa tiếng sau, nỗi buồn lại ập xuống âm u. “Đau đớn về tử biệt không chia xẻ cho ai được. Ai cũng phải mang vác một mình gánh của họ, theo cách riêng của họ.” (Ann M. Lindbergh)
Tiễn anh ra phi trường để xuống Cali, rồi chuẩn bị cho cuộc hành trình về Việt Nam với gia đình bên vợ. Nhìn theo cái lưng anh khuất sau cánh cửa kính, cô thấy thương anh, héo ruột.
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.

(Nguyễn Bính)
11/2008