Friday, May 9, 2014

ĐỜI CÂY

                                                          Gửi anh Sơn, chị Lan để kỷ niệm
                                                         chuyến du ngoạn từ Montana sang Wyoming

Nói về loài người, có một thi sĩ Việt Nam đã viết: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữ trời mà reo”1
Đọc câu thơ, liên tưởng đến đời cây thẳng tắp, cành lá thơm tho, nhẹ rung trong gió, tượng trưng cho người quân tử. Người đời sao hiểu được đời sống nào mà cây phải vác mang! Từ lúc được sinh ra và lớn lên trong rừng, chúng tôi đã được cha mẹ chúng tôi chuẩn bị cho chúng tôi hiểu thế nào là một Đời Cây
“Con càng lớn nhanh, càng đẹp đẽ, con càng bị người ta đốn trước.” Đó là lời mẹ tôi dăn dò mỗi buổi sáng khi tôi mới cao bằng một gang tay.
Khi tôi bước vào tuổi trưởng thành, đứng cao gần bằng ngực cha tôi, người gọi tôi ra nói:
“Có thể con may mắn được ở lại khu rừng này suốt đời cây như cha mẹ, hay có thể con sẽ bị ngả xuống làm vật dụng, thân thể con sẽ thành cái ghế, cái giường cho người ta nằm, ngồi mỗi ngày, cái bàn cho con người xử dụng, cái kệ sách đựng những cuốn sách thơm tho, cái kèo, cái cột hữu ích trên một mái nhà, cái thân tầu trôi nổi giữa một đại dương hay chiếc thuyền nhỏ bé quanh quẩn trên những dòng sông nhỏ, cái nôi cho em bé hay thậm chí cái áo quan cho người chôn theo vào đất. Hãy sẵn sàng đón nhận, đó là phận số của Đời cây. Chúng ta cũng giống loài người thôi, không ai tự định đọat được phận số mình.”
Nhưng có một điều mà cha mẹ tôi quên hay cố tình không nói cho tôi biết đó là đời cây trong những đám cháy rừng.
Cứ mỗi lần mùa hạ đến cả lâm quốc của chúng tôi sống trong lo sợ, hồi hộp. Từng khu rừng của mỗi miền chuẩn bị cho tang tóc, hư hao, mất mát. Những thân già lo cho con cháu mình, chưa đủ khôn lớn để thưởng thức từng nốt nhạc rung lên trong tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ hoan ca, tiếng thở rền của những dẫy núi; chúng chưa kịp sống đời chạy nhẩy, cười đùa với bầy thú rừng, chưa làm nhân chứng cho những cuộc hẹn hò trai gái, chưa được nhận những vết nhăn trên vừng trán khôn ngoan, chúng đã làm mồi cho những ngọn lửa tàn bạo. Trong khi đó, chúng tôi, những cây thân trẻ thì lo cho thân già, mong manh, nhẹ hẫng, là miếng củi nhóm mồi ngon nhất cho ngọn lửa hung hãn. Rồi đây, lấy ai dậy bảo cho chúng tôi những kinh nghiệm khôn ngoan của rừng thẳm.
Những ngọn Santa Ana winds hà vào rừng như hơi thở của những con khủng long, những tia chớp xẹt đến bất ngờ như ái tình trên một ngọn cây, đốt thân cây như đuốc mồi hay một chút vô ý trong cái bếp nhỏ của người dựng lều cắm trại, bỏ quên một thanh củi đang cháy trước khi đi. Đám hướng đạo sinh đốt lửa trại nhẩy múa hát ca, rồi ôm nhau ngủ. Một nhạc sĩ du ca, choàng vai một nàng du mục nào đó, đi qua, tiện tay ném thản nhiên mẩu thuốc lá đang cháy vào bìa rừng cho một cái hôn dài. Tất cả những nguyên nhân đẹp đẽ đó làm nên những đám cháy rừng, đốt chúng tôi tàn rụi.

Bạn có bao giờ nhìn thấy một đám cháy rừng chưa? Đó là một đại dương lửa, cháy âm ỉ ngày này sang ngày khác, thiêu hủy từng ngàn mẫu rừng, dập tắt đám lửa đó phải mất bao nhiêu công của và ngay cả sinh mạng của con người. Chúng tôi vừa quặn mình than khóc, vừa lo bảo vệ đám thú rừng, chúng đang chạy nhốn nháo tìm nơi ẩn núp ngay dưới chân mình. Những con nai ngây thơ, những con thỏ dại khờ mới đáng thương làm sao, chúng thất lạc mẹ cha nào có khác chi con người chạy loạn!
Sau những đám cháy rừng kinh hoàng đó chúng tôi chỉ còn là những bãi đất đen đủi hoang vu, chúng tôi khánh tận. Ngay cả những thân cây thông quân tử từng đứng thẳng tắp reo trong gió những bài hát thanh cao, những cây bạch dương khoe hết vẻ đẹp mỹ miều của thân hình thanh khiết, những cây phong với áo gấm thay mầu. Tất cả đã thành tro bụi. Suối cạn kiệt, chỉ còn những viên sỏi cô đơn nằm cạnh nhau, như những nhà hiền triết thông thái đã vào chốn thiên thu chỉ còn lời khôn ngoan cho hậu thế. Như ca sĩ không còn tiếng hát, những con chim đã cháy thành than hay đã bay đi. Hươu, nai, thỏ, gấu, không một dấu chân in lại.
Nhưng thật là một ngạc nhiên đến bàng hoàng! Có những cánh rừng, thân cây bị cháy đen thui, không còn ngọn, còn cành, còn lá, vẫn đứng thẳng băng, không hề ngã xuống. Có ai đó đã đặt ra lời hát “Anh yêu em như rừng yêu thú dữ, Anh yêu em như tình cây với gió”. Xin hãy đến trước cửa những cánh rừng này để hát lại câu hát đó như một lời ai điếu cho chúng tôi.
Loài người ơi! Hãy cho chúng tôi có dịp hồi sinh. Nếu một vài năm sau, bạn có dịp đi qua những cánh rừng đã cháy đó ở Montana, ở Wyoming, bạn sẽ thấy giữa những thân cây cháy đen không ngọn, không cành, không lá đó những cây non chồi lên từ tro than đã cao bằng đứa trẻ lên mười, nõn nà xanh mướt, mọc chen kẽ với cây đã chết rất thẳng hàng. Chúng tôi bắt đầu một Đời Cây mới. Mầu xanh từng mảng, từng mảng, loang xa, loang xa. Vào một ngày thật đẹp, một thiếu nữ bước vào giữa chúng tôi, cô đứng ngước mắt nhìn lên sườn đồi xanh thoai thoải, một giải nước lóng lánh như bạc từ trên cao chẩy xuống, tan vào con suối bên dưới, trái tim cô bật lên tiếng gọi, cô gọi tên người yêu trong lồng ngực, mà tiếng kêu vô thanh đó vang dội cả khu rừng mới.
Rừng cây xanh
Rừng cây xanh
một con rắn bạc lượn quanh xuống đồi
một tôi đứng giữa đất trời
bỗng tan thành suối
gọi người, vô thanh 2

Chúng tôi biết là “rừng đã phục sinh”. Khi rừng đã phục sinh, khi đời cây trở lại chúng tôi mang về bao nhiêu mơ mộng ,yêu thương cho loài người. Nhờ chúng tôi, loài người có thi sĩ, thi sĩ yêu cây như yêu bạn thiết, như yêu tình nhân. Một thi sĩ đã phải thú nhận:
“Tôi thường dẫm trong những vũng tuyết sâu nhất, đi cả tám, mười dặm để giữ cái hẹn với cây sồi, hay cây bulô, trong đám thông thân quen cũ.”3
Phải chăng, cây chính là tình nhân của thi sĩ?
Chúng tôi phủ bóng mát cho những con đường xuyên bang, mang không khí trong lành cho làng xóm. Mỗi mùa rừng mang một vẻ đẹp riêng trên những chiếc áo rừng, nhưng cái hạnh phúc thực sự con người được hưởng từ rừng không phải là những chiếc áo rừng khoác trên mình. Khi bước vào rừng con người sẽ cảm nhận được những điều huyền bí, thiêng liêng rừng cất giữ. Một buổi sáng tinh mơ buớc vào rừng, nghe tiếng cưa của người thợ cắt gỗ, đang cắt những cây thông thẳng tắp, kẻ vào rừng có xót xa, có liên tưởng thân này sẽ xẻ ra, sẽ đóng vào đó những chiếc đinh để làm một cây thập giá, có nghe nhói lên trong hồn?
Sáng vào rừng xem đốn cây
vai chưa ghé đã hồn đầy dấu đinh
môi thầm ngậm nửa lời kinh
tưởng như thập giá ẩn mình trong sương 4

Một buổi trưa đi dạo trong rừng, nhìn một gốc cây cổ thụ của cha ông chúng tôi, với những chiếc rễ già nua vươn ra thanh thản trên mặt đất, chắc con người sẽ hình dung thấy hình ảnh Đức Phật đang ngồi trước mặt mình, lòng bỗng muốn “trở về”:
Thưa cha con đã trở về
Dưới chân cha cội bồ đề ngàn năm.5

Tôi còn muốn kể ra bao nhiêu điều tốt đẹp nữa của rừng, bao nhiêu phúc lộc con người được hưởng từ một đời cây. Nhưng, tiếc rằng con người, số đông, chưa đối sử công bằng với rừng. May mắn thay, có những thi sĩ biết ca tụng rừng, biết thưởng thức hết vẻ đẹp của cây, họ biết nhận ra: “Những khu rừng nhỏ là những ngôi đền đầu tiên của Thượng Đế”6
Chúng tôi, sẵn sàng hy sinh “Đời Cây” của chúng tôi cho loài người, nhưng chỉ xin loài người:
“Hãy giữ một cái cây xanh trong tim anh, có thể, một con chim sẽ tìm đến ca hát”7
9/2007

 1 Thơ Nguyễn Công Trứ
2 Thơ Trần Mộng Tú
3 Henry Thoreau
4 Thơ Trần Mộng Tú
5 Thơ Nghiêm Xuân Cường
6 William Bryant
7 Ngạn ngữ Trung Hoa