Friday, May 9, 2014

CHIẾC NÔI TRƯỚC CÔNG VIÊN

Ba người và con chó Lasa đi bộ trên con đường mòn dọc theo kênh đào C&O Canal. Con kênh dài gần hai trăm dặm, chạy song song với dòng sông Potomac. Anh tôi chỉ tay về phía trước nói, mình có thể cứ đi thẳng đây sẽ đến Georgetown. Chúng tôi chắc là không đi xa đến thế. Vì vừa đi vừa quay lại sẽ mất khoảng hai tiếng.
Mỗi lần tôi đến Vienna (Virginia) chơi với gia đình, anh tôi lại dắt tôi đi bộ trên con đê này. Chúng tôi có thể đến đây mỗi buổi sáng mà không bao giờ thấy chán. Hình như mỗi lần đi cho tôi một cảm giác khác nhau, cũng con đường đất cũ, kênh đào cũ và cả ba chúng tôi đều cũ, nhưng sao hồn lại mới thế, đất trời lại mới thế. Cái tinh khôi của một mùa hạ mới, từng chiếc lá như vừa được đem sơn lại, từng nhánh cây như có ai vừa đánh bóng, từng bụi cỏ như vừa được lau bằng khăn ướt, hơi đất nồng nàn như hơi thở của một đàn bò đang tuổi lớn, vừa thơm tho vừa ngai ngái. Tất cả trộn lẫn vào nhau làm sao phân biệt!
Con đường đất nện, giống như một con đê rộng ở quê nhà. Con đê nhô lên bề ngang khoảng ba thước, đủ cho người đi bộ và người dùng xe đạp tránh nhau. Buổi sáng của chớm hè, gió thỉnh thỏang lay nhẹ những khóm hoa kim ngân hai bên đường đi, đưa lên một hương thơm man mác. Mỗi lần đi đến quãng nào, nghe anh tôi kêu lên, thơm quá, tôi lại cúi xuống tìm hoa kim ngân nở những bông mầu vàng nhạt, dịu dàng nấp trong những đám cỏ, phải để ý mới nhìn thấy. Tôi cúi xuống hái một hai bông, đưa chuyền tay nhau, hít nhè nhẹ cái mùi hương êm ả đó. Hai bên đê, một bên là kinh đào, nước chẩy lặng lẽ, đục mầu bùn, thỉnh thỏang có những thân cây khô gẫy trong một mùa đông nào đó, nằm vắt ngang kênh, một đàn bốn năm con rùa rủ nhau trèo lên khúc cây nằm chờ nắng, một con cá quẫy mạnh cái đuôi dưới nước, một con chim hạc bay ra từ một lùm cây cao, soải dài hai chiếc chân thanh mảnh ngang mặt kênh , trông thấy người, hạc lại bay vào một bụi cây khác. Không gian bát ngát, thanh bình quá! Thỉnh thoảng có người đi ngược chiều, hay đi vượt chúng tôi, hai bên cùng mỉm cười, nói một lời chào ngắn, người đi xe đạp thì phải lên tiếng ngay khi chúng tôi chưa nhìn thấy họ; Những chiếc xe đạp mang theo nó một người rắn rỏi, khỏe mạnh, đang cúi rạp lưng, khoe hai bắp chân săn chắc trên bàn đạp, lao trên đê, không cẩn thận lao vào người đi bộ dễ dàng. Mồ hôi lâm tâm trên trán, âm ẩm trên lưng, chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, tiếng nói chuyện hòa vào tiếng nước chảy róc rách của bên kia bờ đê, cái lạch do con sông Potomac chảy len lỏi vào. Gọi là lạch vì giữa những chỗ nước len lỏi là đá, là những cù lao cỏ, cây cao, với những thân rễ to tướng nhô lên vì nước soi mòn đất chung quanh nó. Bãi bên này thoai thoải, chúng tôi dắt Lasa xuống, con chó thấy nước là lao ngay vào bơi bì bõm vài cái, rồi lại chạy lên bãi, nằm xoài ra lấm lem đất cát nhưng trông nó thật thỏa mãn.
Chúng tôi đứng giữa sông nước, hoa cỏ, hưởng tất cả ân huệ của đất trời. Ngồi trên một thân cây đổ, nhìn con nước quẩn quanh giữa mầu xanh xám của đá, mầu nâu hồng của đất, mầu xanh ngọc của cỏ cây tôi bỗng nghĩ đến cái xe trẻ con bỏ lại trước lối vào kênh đào.

Một cái xe trẻ em mầu xanh dương đậm còn rất mới, đã hai ngày hôm nay chúng tôi thấy bỏ ở phía ngoài công viên, chỗ cây dầy như một bìa rừng. Ngày đầu chị em tôi tưởng ai đó bỏ quên, chắc là sẽ quay lại lấy, nhưng đến ngày thứ hai thì bao nhiêu câu hỏi về chiếc xe còn mới đó được chúng tôi đem ra bàn cãi. Chị Lan nói, chắc là có tai nạn gì xẩy ra cho đứa bé, nên người ta không muốn đem cái xe trẻ về nhà nữa. Đầu óc tôi đi xa hơn một chút nữa nói, hay là ai bỏ con trong xe, rồi đi luôn, hay là đứa nhỏ bị bắt cóc. Anh Sơn thì bảo, vắn tắt là “Quên”, thế thôi. Tôi chợt nhớ đến câu hát của Phạm Duy: “Người đi trong nhân gian nhịp xe cuốn vòng tử sinh, chiếc xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vườn hoa…”
Chiếc nôi trong vườn hoa! Hình ảnh thật hứa hẹn, đẹp đẽ đi bên cạnh chiếc xe tang ngoại ô. Cũng một cái xe mang chở một con người nằm trong đó, cũng có bốn bánh, và cũng chở duy nhất một người. Chỉ khác, cái nôi chở một kiếp người vào đời với bao nhiêu ước vọng của người thân và xe tang chở một kiếp người bỏ đi, để lại tất cả những gì mà người đó đã kiếm tìm được cho ước vọng đó trong một chu kỳ làm kiếp con người.
Đời sống là những nhịp xe cuốn vòng tử sinh, không sao tránh được. Chỉ có thiên nhiên là tồn tại. Cây cỏ tàn héo, chết đi trong mùa đông, tái sinh trong mùa xuân, bừng bừng sức sống trong mùa hạ.
Cái nôi, một hình ảnh hạnh phúc, một con người vừa được sinh ra, hòa nhập vào đời sống, bao nhiêu ước mơ, tương lai của một kiếp người. Cha mẹ đặt kỳ vọng vào hình hài bé nhỏ đó, những điều gì cha mẹ ấp ủ thủa xa xưa chưa thực hiện được, bây giờ đem đặt cả vào cái nôi trước mặt mình. Đứa bé lớn lên may mắn đạt được giấc mơ hộ cha mẹ thì được khen là ngoan ngoãn hiếu đễ, nhưng chẳng may nó có một lý tưởng riêng, đi ngược lại cha mẹ thì không biết bao nhiêu phiền muộn giữa cha mẹ và con cái.

Đứa bé nhỏ xíu, mới khóc oe oe, nhiều cha mẹ đã đặt sẵn một con heo tiết kiệm, một cái quỹ để có đủ tiền cho đứa bé đó thực hiện giấc mơ “cao đẳng” giống mình hoặc giấc mơ mình hụt mất. Cái quỹ chỉ được dùng để vào những đại học, và phải trở thành những nhân vật được trọng vọng trong xã hội (theo ý nghĩ của cha mẹ.) Nhưng nếu đứa bé trong nôi đó muốn sống một đời khác, một cuộc sồng du mục, cuộc sống nghệ sĩ với cây đàn, cây cọ, lang thang từ thành phố này đến thành phố khác chẳng hạn thì không bao giờ được chạm tay vào quỹ đó. Tội nghiệp đứa bé trong nôi quá! Không hiểu sao nhiều cha mẹ thương con như thế mà bắt con mình mang vác trách nhiệm nặng nề như thế.
Cái nôi để quên trước cửa công viên cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi nhớ lại cái nôi của ông Mose trong Cựu Ước. Ông là đứa bé sơ sinh của dân Do Thái (thời đó, đang là nô lệ cho Ai Cập, và người Ai Cập ra lệnh cho giết tất cả các trẻ sơ sinh nam Do Thái,) mẹ ông biết là trước sau con mình sẽ bị vua Ai Cập bắt đi, bị giết nên bà giấu con được đến tháng thứ ba, thì phải bỏ ông vào trong một cái nôi (cái sọt đan bằng tre ) rồi giấu trong đám lau sậy của sông Nile. Người của vua Pharaoh vớt được đứa bé trai Do Thái thì tính mang đi giết nhưng vợ vua Pharaoh không có con, đòi giữ đứa trẻ lại nuôi. Bà nói với chồng, đứa bé lớn lên sẽ trở thành người Ai Cập và ta có thể dùng nó để giết lại người Do Thái.
Tôi không nghĩ cái nôi để quên trước cửa công viên mang một câu truyện tương tự trong Cựu Ước. Nhưng hình ảnh một cái nôi còn mới tinh, nằm trước cửa công viên chúng tôi đã nhìn thấy hai ba hôm liền, trông vừa thương vừa buồn buồn. Chắc ai nhìn thấy cũng phải bâng khuâng, không biết số phận đứa bé bây giờ thế nào? Cha mẹ nó có phải là những người có đầu óc bình thường không? Và sau hết mẹ của đứa bé có phải là cô bé mới vào tuổi vị thành niên (teenager)) không? Thôi, tôi nên thưởng thức con kênh C&O trong mùa hè tuyệt vời như thế này! Quên đi cái nôi trước cửa công viên, quên cái nôi Moses trong Cựu Ước và cả bánh xe tang ngoại ô trong bài hát của Phạm Duy.
Những bông hoa kim ngân mầu vàng nhạt, thơm ngát; những khúc cây vắt ngang con kinh với đàn rùa nằm phơi nắng; tiếng một con cá bỗng quẫy đuôi trên mặt nước; tiếng cánh hạc đập bay ra từ một lùm cây và tiếng trái tim đập thanh thản, hiền hòa trong lồng ngực chúng tôi. Trong khoảnh khác này không còn điều gì có thể hạnh phúc hơn nữa!
2006