Saturday, March 30, 2019

Bút Nghiên Giấy Mực


(Gửi anh Nguyễn Duy Chính, 
tác giả cuốn Bút Nghiên Giấy Mực) 


Những ngón tay khô 
Gõ trên phím nhựa 
Nhớ giọt mực xưa 
Thơm trong nghiên cổ 
Trang giấy hoa tiên 
Trầm hương ngày cũ 

Mài mực ru con 
Mài son đánh giặc 
Ai nhớ một thời 
Bút Nghiên Giấy Mực 

Nhớ thời cho bút 
Nét trúc dịu dàng 
Ngón tay múa lượn 
Rồng phượng bàng hoàng 

Nhớ thời cho nghiên 
Rơi vào hồn trũng 
Hồn như mặc trì (*) 
Trăm năm nhớ mực 

Nhớ thời cho giấy 
Tre trúc bâng khuâng 
Từng trang bóc mỏng 
Giấy hoa ngập ngừng 

Nhớ thời cho mực 
Thầy dạy khoan thai 
Nhẹ như lời ru 
Hồn theo mực chẩy 

Bút Nghiên Giấy Mực 
Theo ai một thời 
Thư phòng Tứ Bảo 
Mang mang một đời. 


tmt 

(*) Mặc trì : (ao mực) chỗ lõm của nghiên

Sunday, March 24, 2019

LẬP XUÂN 2019


Trần Mộng Tú


Buổi sáng, nhìn ra ngoài khung cửa sổ.Trên vách đá khô, một cụm hoa Huệ (Hyacinth) trắng toát vừa chui ra từ một kẽ nứt của đá. Nắng dịu dàng của buổi sáng vừa ghé xuống in bóng của những con vịt  chập chùng. Lạ nhỉ, sao lại có bóng của vịt in trên vách đá cao? Chạy vội ra ngoài ngó tìm đầu vườn, cuối vườn, xem những chiếc bóng này từ đâu tới? Chẳng có con vịt nào cả mà những chiếc bóng vẫn nhấp nhô trên vách đá. Có tiếng kêu trên cao vọng xuống, ngửng lên, Chao ơi! một đàn bốn, năm con vịt mới ghé đáp trên mái nhà, chúng đang dạo bước trên đó. Những con vịt bay đi trốn đông đã trở về.
 A, thế là mùa xuân!

Buổi trưa, đi bộ, thấy hai bên phố hoa mận ngập ngừng nở, hoa đào nụ rưng rưng, những cành phô lộc nõn. Có một cái gì rất lạ trong không gian, chưa hết lạnh hẳn, cũng chưa gọi là ấm, gió nhẹ như hơi thở vừa nồng nàn, vừa thờ ơ. Chân đi mà không rõ đi đâu, cứ đi về phía trước, cứ theo cái màu hồng nhạt, cứ theo cái màu xanh nõn kia, rồi ngừng lại nhìn một chú thỏ hoang vừa chui ra từ bụi Sơn Lựu, chú chỉ bé bằng nắm tay của đứa lên trẻ năm. Chẳng biết chú báo mùa Xuân về hay mùa Xuân mang chú từ bụi hoa ra, đặt trên bãi cỏ.
Những chiếc xe trên phố cũng chạy từ tốn, người lái xe còn thong thả ngắm mây trời hay vừa lái xe vừa đọc một câu thơ cũ:
Mùa xuân mùa xuân ôi mùa xuân
Ai về Chiêm quốc hộ Huyền Trân

Huyền Trân Huyền Trân Huyền Trân ơi
Mùa xuân mùa xuân mùa xuân rồi
Ngoài kia chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi

Giữa đất trời Tây Bắc nước Mỹ, câu thơ của Nguyễn Bính đẹp như những giọt sương sớm. Nghiêng tai nghe như tiếng gió đang rủ nhau vào thành phố, luôn lỏi vào những khu vườn, thổi những tán lá trên cây Mộc Lan đập vào nhau xào xạc, vò đầu những bụi cây Đỗ Quyên làm rối tung tóc lá. Đi lòng vòng vô chủ đích, cứ theo hướng gió thổi, theo hương thơm rất nhẹ từ vườn nhà ai lan qua hàng rào để thấy ngay cả những thanh gỗ xanh rêu cũng tỏa hương thơm.
 Đúng là mùa Xuân về thật rồi.

Buổi chiều, con nhắc, lâu quá không được ăn canh cá thìa là mẹ nấu. Thế là vào chợ, những thăn cá Hồng mới từ biển mang vào đất liền, tươi rói, trong suốt như những miếng thạch hồng, trái cà chua chín mọng như màu son thiếu nữ, mớ hành như những then ngọc chuốt, mớ thìa là nhuộm xanh cả những ngón tay, mùi thơm vướng cả vào vạt áo len mỏng rồi nằm nguyên ở đó, theo về đến nhà. Bát canh cá thìa là nấu lên, chan canh vào bát cơm gạo trắng, chan cả màu đỏ, màu hồng, màu xanh vào trong bát. Không, chan cả mùa Xuân vào trong bát mới đúng.
 Vì mùa Xuân đã vào tới bếp rồi.

Buổi tối, thật là khuya, nằm im lặng nghe tiếng thời gian thở, một chút se se lạnh, kéo chăn lên ngực, thấy yên ả, thấy không gian nhẹ tênh, thấy mình nhẹ tênh, bay la đà vào một đám mây nhiều màu, cái mảng mầu đó cứ loang xa loang xa…như vô tận. Có tiếng ai đọc Thơ, nghe rất mơ hồ…

Em về đẩy mộng lên vai
Chào xuân ngả nón bụi ngày gió ru
Mừng vui con mắt ngây thơ
Mây nghiêng như lệ pha mờ chiêm bao
(Bùi Giáng)

A, đêm Xuân đây rồi.

 tmt
Lập Xuân (Spring Equinox) 3/20/2019
  

Nước Mắm và Nước Mắt


Thơ- Trần Mộng Tú

Nước mắm và nước mắt
Giọt nước nào mặn hơn

Đây là sọt cá cơm
Cha cho thêm muối biển
Mẹ phơi trong nắng gió
trên quê hương chúng mình
những con cá hiền lành
nằm ngoan cùng hạt muối
một chất nước ngọt ngào
hòa tan trong chờ đợi
bát cơm chiều Mẹ xới
nắm rau xanh trên mâm
hạt gạo vừa chín tới
chén nước mắm thơm lừng

Anh có nghe sóng hát
Anh có lòng rưng rưng

Thế rồi có một hôm
Mẹ đặt giữa mâm cơm
một chén nước chấm mới
mắt mẹ thật là buồn
bát nước chấm trong veo
không có mùi cá biển
không có mùi đại dương
Mẹ bảo là nước mắt
chắt từ mắt dân mình
nước mắt không có màu
nên nước mắt trong veo
nhưng nước mắt có muối
rơi mặn trên môi nhau

Nước mắm và nước mắt
giọt nước nào mặn hơn.

tmt

Tháng 3/16/2019









CÁNH CHIM MÙA ĐÔNG


Trần Mộng Tú
 
Anita đứng rửa đĩa chén, cô vừa rửa vừa nhìn ra bên ngoài cửa sổ ngắm nghía con chim đang đậu xuống, bay lên, ở cái máng đựng thức ăn treo trên cành tùng. Sau trận tuyết tuần qua, hai hôm nay trời có nắng ấm hai đứa con gái nhỏ của cô đòi mẹ treo cái máng thức ăn gọi chim trở về. Con chim mới đẹp làm sao! Cả mình nó mầu nâu nhạt nhưng phía dưới ngực nó lại có mầu đỏ, trên cái đầu như một hòn bi lông nó lại có mầu xám tro, cái mỏ nó cũng có mầu đỏ, mình nó tròn như một quả trứng gà nhỏ. Nó mổ những hạt kê tung cả lên, rồi đập cánh tới tấp. Anita nghĩ nếu nó đứng yên thì nó giống như một món đồ chơi, một con chim bằng nhựa cho trẻ con chơi mà thôi. 

Cô chỉ vừa cúi xuống tráng nước mấy cái đĩa, ngửng lên thấy nó bay vụt vào đám lá trên cao rồi biến mất, cô cố dõi mắt vào những tán lá rậm nhất tìm nó mà không thấy, nó mất tiêu đâu rồi. Bất giác cô so sánh với chồng mình. Anh Jose, anh cũng lại mất tiêu rồi. Đây không phải là lần đầu tiên anh biến mất mà là lần thứ hai . 5 năm trước anh cũng bị gửi về nước khi bị bắt vì đập phá đánh nhau với bạn trong một quán rượu. 3 năm sau ngày đó, một tối anh lại xuất hiện trước cửa nhà. Cô không biết bằng cách nào mà anh chui qua được hàng rào biên giới vào Mỹ một lần nữa. Lần này khó có hy vọng anh trở lại được.

Anita sang Mỹ cả gần 15 năm. Cô là di dân bất hợp pháp từ khi mới 18 tuổi. Ở quê nhà đói khổ quá, cha mẹ cô chấp thuận cho cô tìm đường qua biên giới, vào Mỹ. Cô đi tới lần thứ ba mới thoát và không bị bắt trả lại. Trong 3 năm ở Mỹ cô làm đủ mọi thứ nghề lao động, từ rửa chén nhà hàng, lao công ở siêu thị, nhặt dâu, cắt rau ở bất cứ nông trại nào, cô cần kiệm, gom góp được đủ $10,000.- Mỹ kim nộp cho một luật sư và cô đã có “Thẻ xanh”.

Jose nói:
-      Em không nên yêu tôi, em nên kiếm người bản xứ để họ bao bọc em, em đã nói được tiếng Anh và em có nhan sắc mà.
Anita không trả lời, họ đi giữa hai luống dâu chín, nơi Jose đang làm việc. Công việc kiếm được lợi tức rất khiêm nhường không đủ cho Jose trang trải sinh sống cho mình, nói chi đến việc có vợ hay việc gửi tiền về giúp gia đình ở quê nhà. Anita ngắm cái gáy khỏe mạnh nâu xậm của Jose đang cúi xuống  nhổ một đám cỏ dại chen giữa những đám dâu, cô nhớ lại những ngày ở quê nhà khi cả hai còn rất trẻ, họ sống trong một khu lao động nghèo, quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, quanh năm cha mẹ họ nghĩ đến việc đưa con sang bên kia hàng rào cản của nước Mỹ. Khi họ vừa lớn lên vừa biết yêu, cả hai cùng bỏ học, cùng làm những việc lao động ở trong khu xóm, cùng ôm mộng qua nước Mỹ. Nhiều lần chào nhau từ giã, rồi gặp nhau lại khi chuyến đi không thành cả Jose và Anita vừa buồn vừa vui vì nếu một người đi được, một người rơi lại thì họ sẽ mất nhau. 

Rồi một ngày Anita đã đi thoát, Jose vẫn kẹt lại. Người ở lại có nỗi buồn của kẻ ở lại, người đi có cái khổ của người đi, Anita lao đầu vào cuộc sống ở Mỹ, không có gia đình ở tuổi 18, cô làm đủ mọi thứ việc lúc mới sang. Chăm chỉ và cộng thêm may mắn Anita cuối cùng xin được việc dọn dẹp vệ sinh trong một nhà hàng ăn khá lớn của Mễ. Cô vừa gửi tiền về quê giúp gia đình vừa dành dụm trong ba năm thu đủ mười ngàn Mỹ Kim đưa cho Luật Sư để đổi lấy tấm thẻ lưu trú hợp pháp (Green Card).

Jose cũng tìm được cô, sau 7 năm, trễ thật, nhưng không quá trễ. Anita vẫn còn yêu anh.
Và họ dọn vào ở với nhau. Anita chờ ngày vào quốc tịch, Jose vẫn cư ngụ bất hợp pháp, đi nhặt dâu một thời gian anh đi cắt cỏ theo mấy người bạn tới Mỹ trước. Họ là chủ, họ trả lương ngày bằng tiền mặt cho anh. Anh chăm chỉ nhưng lại hay uống bia và mặc cảm làm công cho bạn nên dễ gây chuyện. Anita đã cảnh báo anh là nên nhẫn nhục, chịu khó và cố sao cho được Green Card để hợp pháp. Anita sanh cho anh hai đứa con gái, một đứa đã lên 5, một đứa lên 7 mà Jose vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp. Anh đã bị lôi thôi với pháp luật và bị trả về nước, rồi sau 3 năm anh lại tìm cách vượt rào. Nhưng lần Jose bị bắt trả lại này thì Anita chắc khó lòng mà gặp lại được chồng.

Cô nghĩ đến anh, những kỷ niệm thời thơ dại, nghĩ đến tình yêu của hai người rất nghèo nhưng cùng một khu xóm, một quê hương.
Cô nhớ hồi mới gặp lại nhau, anh đã khuyên cô không nên lấy anh, cô nên lấy một người đã có sự nghiệp có nhà cửa, và cô đã nói với anh:
-      Chúng mình đã có bao nhiêu kỷ niệm với nhau, dù em bỏ đi nhưng em yêu quê hương của mình. Anh chính là quê hương của em, quê hương nghèo khổ của em.

Jose bây giờ là một cánh chim mùa đông, không tìm lại được mùa xuân nữa, anh đã bị bắt vào một cái chuồng và thả lại ở bên kia hàng rào cản. Hai đứa con của anh có quốc tịch Mỹ nhưng liệu khi trưởng thành chúng có bảo lãnh được cho anh hay không? Cuộc sống ở đây thay đổi không ngừng, tương lai mù mịt quá, Anita không muốn nghĩ tới nữa. Bây giờ cô một mình đi làm, nuôi hai đứa con, gửi tiền về cho gia đình (Chẳng phải đó là mục đích của cha mẹ khi tìm cách cho cô đi hay sao?) Bây giờ cô lại còn phải gửi cả cho cha của hai đứa con cô nữa. Anh là quê hương của cô mà.

Con chim mùa đông bay mất tiêu rồi, chỉ có một mình Anita ngơ ngác đứng nhìn hoài vào khóm tùng bên ngoài cửa sổ.

Trần Mộng Tú
3/3/2019