Friday, May 9, 2014

BÊN KIA BÊN NÀY

                     Gửi em Cường ở quê nhà
Hai chị em mỗi người nằm một giường, cái cao cái thấp, nói chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Chuyện ngày thơ dại, ngày chia hai đất nước, chuyện tình yêu tuổi trẻ, chuyện ai mất ai còn, chuyện chiến tranh, chuyện hòa bình, tiếng cười và nước mắt.
Tối nay mình nói chuyện gì hả em? Chuyện họ hàng ở Yên Bái, chuyện anh Chính, anh Hưng, con bé Hòa, thằng Hợi đã nói rồi. Hay mình nói chuyện “Bên Này, Bên Kia” đi. Hai chữ bên này bên kia thật là phức tạp và hoang mang. Chị nhìn sang em thì chị nói bên kia, em nhìn sang chị thì em cũng gọi là bên kia nữa. Trong khi hai chị em cùng một chi tộc họ nội, một quê quán, một quốc gia.
Chị về thăm nhà đã mấy lần rồi, mà chưa bao giờ em có dịp nói chuyện với chị về những ngày đi “sơ tán”, đi “thâm nhập thực tế”. Những chữ đó chắc chị chẳng thế nào hiểu hết tận cùng cái nghĩa của nó đâu. Chị cần ở lại Hà Nội với em ít nhất là một tháng, chẳng đi đâu may ra mới đủ thời giờ nghe những chuyện trong thời chiến tranh này.

Chuyện chiến tranh nói một tháng được hả em? Cả hai miền Bắc Nam con số người chết lên đến hàng triệu, nói vài chục phút, mỗi tối trước khi đi ngủ trong một tháng, hết được hả em? Thôi, tại sao lại gọi là sơ tán?
Em xin nói về chữ sơ tán theo thiển ý của em. Sơ là tạm, tạm thời, qua loa, sơ sài... giống như trong sơ bộ, sơ cứu. Tán giống trong ly tán, khuếch tán, nghĩa là chia ra, tản ra, tách ra, làm vụn ra như bột... Vậy sơ tán là “tạm lánh”. Em đoán có lẽ thế thôi chứ chưa ai giải thích hai chữ ấy cả, dùng là cứ dùng thôi. Em nghĩ chắc đúng, vì nó khác với tản cư hay di tản, người ta phải ở hẳn lại một chỗ trong một thời gian nào. Sơ tán thì vẫn đi đi, về về nhà cũ của mình mỗi tuần, chẳng có ai chiếm nhà của mình như thời tản cư cả. Chỉ là tránh xa ra một chút (về không gian hay về thời gian).
Chị ơi! Chị cứ hình dung ra một cảnh thành phố chết dựng trong phim trường đi. Thành phố vắng hoe, không tiếng xe cộ, tiếng người lớn mua bán hay tiếng trẻ con nói cười, cả tiếng chó gâu gâu, tiếng meo meo của mèo cũng không, vì chó, mèo cũng theo chủ nhà đi lánh bom. Chỉ khác là thành phố chết trong phim họ có để tiếng nhạc, còn thành phố chúng em bỏ đi là thành phố câm. Máy bay bắt đầ̀u bỏ bom miền bắc ngày 5-8-1964. Lúc đó em mới hai mươi tuổi, cũng là năm sơ tán bắt đầ̀u.
Năm 1964 hả em? Lúc đó chính phủ Ngô Đình Diệm đã hết, chính phủ mới bỏ chính sách Ấp Chiến Lược, nên bên kia len lỏi sang bên này rất dễ. Trong Nam không ai phải đi sơ tán cả. Nhưng miền Tây Nam Việt thì người dân không được sống yên ổn, nhất là những xã, ấp. Ban đêm người bên kia về thâu thuế dân, bắt những thanh niên của bên này đem đi thủ tiêu, hoặc giết rồi vứt xác trước cửa chợ. Người bên kia lấy danh nghĩa “giải phóng” giết ấp trưởng, giết xã trưởng. Nếu được thả về thì sáng hôm sau người dân lại (đôi khi) bị chính bên này bắt lên hỏi xem đêm qua đi đâu? Có phải là người của bên kia không? Tội cho dân lành lúc nào cũng ngơ ngác sống chết giữa bên này và bên kia. Không biết mình phải sống thế nào?
Chị ơi! Sơ tán khác với tản cư. Chị còn nhớ những năm tản cư thời giặc Pháp, lúc đó còn có tiền tuyến và hậu phương, còn tránh máy bay thì chỉ có về các vùng nông thôn hẻo lánh, càng xa các nhà máy, cầu cống, các khu quân sự càng tốt, cốt sao cho khỏi tập trung nhiều dân ở một nơi, chứ thật ra, chỗ nào cũng có thể ăn bom cả, nếu máy bay muốn thả bom. Hồi ấy, mọi người đi theo cơ quan (sở làm) của mình, nên nhiều nhà bố đi một nơi, mẹ một nơi, các con một nẻo (vì mỗi người ở một sở khác nhau, con thì đi theo trường học). Khổ nhất là phải mua thêm chăn chiếu, cà-mèn (gà mên), bát đũa, để chia ra cho mỗi người trong gia đình, khoản tốn kém đó đâu có ai đỡ cho, vì ai cũng nghèo như nhau cả. Thời kì sơ tán phố xá vắng hoe, ít người ở lại, nhưng cuối tuần vẫn đông người. Thực ra công sở tránh bom, mọi người phải đi theo công sở để làm việc thôi, chứ không phải để tránh bom cho cá nhân mình. Nên cuối tuần, được nghỉ làm là mọi người lại kéo về thành phố đông nghịt. Trừ thời gian mười tám ngày cuối năm 1972 thì ác liệt nhất, Hà Nội bị dội bom vào tận trong nội thành, những người gan lì nhất cũng phải tạm lánh ra ngoại ô hay tỉnh khác, không dám ở lại thành phố để mà làm bia đạn.
Em biết không? Như vậy các em còn may mắn đấy. Chị ở bên này, những cây cầu bị giật mìn ban đêm. Xe đò gặp mô đắp giữa đường, để bắt thanh niên, những người buôn gánh bán bưng vô cùng sợ hãi mỗi khi thấy những người bên kia. Có những chiếc xe đò bị mìn bên kia giật tung, nhặt ra toàn xác đàn bà, trẻ con. Tội lắm, em ơi! Người dân quê làm ruộng, làm rẫy, mang ngô rau lên tỉnh bán. Sáng ra đi, chiều có người gõ cửa mang xác về nhà.
Người bên kia chẳng hiểu sao mà dựng lên cái chiêu bài “giải phóng miền Nam” rồi bằng mọi cách mang người sang bên này. Đang sống yên ổn người dân bên này bỗng phải đối đầu với không biết bao nhiêu vấn đề: pháo kích, du kích, đặc công, tấn công, khủng bố, nằm vùng cộng thêm đảo chánh, biểu tình nội bộ. Tất cả đổ lên đầu lính, đầu dân.
Cũng may sau đó không lâu thay đổi đường lối chính trị. Thời kì sơ tán thực sự chấm dứt sau khi kí Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Nói kỹ hơn một chút thời kì 1969-1971 cũng có nhiều cơ quan trở về Hà Nội làm việc vì lúc đó là Nixon xuống thang chiến cuộc, tạm ngừng ném bom. Nhưng sau đó những trận bom lại tiếp tục đổ xuống. Năm1972, chiến tranh ác liệt trở lại, các cơ quan lại lục tục đi sơ tán lần thứ hai. Chị thấy không, suốt thời gian bắt đầu 1964 đến 1973 chỉ có đúng một năm, người dân Hà Nội không phải chạy sơ tán.
Không phải chỉ miền Bắc chịu ảnh hưởng ném bom đâu. Một bà hàng xóm bên Mỹ của chị, trước ở Bến Tre cho chị biết là con trai của bà được sinh dưới hầm trú bom, và trú luôn hai tháng dưới đó. Anh bị thủng màng nhĩ tai và trở nên ngờ nghệch. Anh được theo cha sang Mỹ (diện HO) được hưởng trợ cấp tàn tật. Bây giờ mỗi lần gặp anh ta, nói chuyện chị phải cao giọng, và cắt nghĩa những điều rất đơn sơ anh ấy vẫn không hiểu được. Chiến tranh hết rồi, nhưng trông anh ta như giọt mực đen, còn đọng lại. Giọt mực loang từ bên này sang bên kia, loang qua cả Thái Bình Dương.
Em kể chị nghe. Mỗi lần đi như thế rất vất vả, vì phải đem đi bàn ghế tủ giả, tài liệu học tập của mỗi cơ quan và phải tìm nơi mới, vì địa phương cũ không thích mình đến nữa. Họ bảo :
- Các cô, các chú đi đến đâu là máy bay theo đến đấy.
Như thế có nghĩa là làm vạ lây cho họ. Em đang học piano ở Nhạc Viện Quốc Gia nên khổ nhất, vì những cái đàn piano, khuân lên khuân xuống có ai đâu, trông vào mấy cậu học sinh chân yếu tay mềm như em lúc đó, khiêng đàn đến chai tay, bật máu, còn đâu sự mềm mại để mà đánh đàn nữa cơ chứ! Hồi đó, cả miền Bắc đều chỉ đi lại bằng xe đạp, Chẳng nhà nào có xe gắn máy. Thế mà cứ cuối tuần, hàng đàn hàng lũ xe đạp nối đuôi nhau trên đường, cách Hà Nội hàng trăm cây số, kéo nhau đi, kéo nhau về là lại phải lên trường, thế mà em vẫn đi về đều đặn như vậy.
Em à, Bắc Hàn, Nam Hàn, Đông Đức, Tây Đức họ cũng phân chia nhưng họ có cần “giải phóng” cho nhau bằng mạng sống của hàng triệu người như mình đâu. Bên nào sống ở bên đó, vì không “giải phóng” nên người dân không chết oan ức.
Em có biết là đi sơ tán còn có thời gian chạy xuống hầm trú bom, chứ người dân miền Nam những năm bị pháo kích thì có thể chết tan xác thật tình cờ. Gia đình cô em dâu bên họ ngoại của chị ở miền Tây, đang ngồi ăn cơm, trái pháo 112 ly rơi vào giữa mâm. Mẹ và em cô ấy chết tung ra như pháo nổ, thịt xương người lẫn cả vào xương thịt ở trên mâm bắn tóe khắp nhà, nồi cơm bỗng như được pha phẩm đỏ. Đau đớn này theo cô ấy suốt một đời.
Ngay ở Sài Gòn, đang ngồi trong rạp hát cũng chạy toán loạn lên vì có bom nổ chậm gài dưới một cái ghế nào đó. Một buổi tối chị đi ăn cưới với mấy người bạn về, đi qua một cái sạp bán báo, đã đóng cửa.Vừa đi qua một quãng thì một tiếng nổ lớn phát ra tại đó. Bọn chị chạy tán loạn. Hóa ra có ai đó bên kia, gài plastic dưới gầm sạp. Chỉ đi chậm mấy bước thì chắc thế nào cũng có người bị thương. Những phá hoại nằm vùng của bên kia sang bên này khiến người dân thành phố lúc nào cũng sống trong bất an.
Không biết thời sơ tán người ta thương yêu nhau hơn bây giờ hay tại vì lúc đó mình còn trẻ, mà lúc này đây kể lại thời kì đó, mình lại thấy nên thơ, lãng mạn. Những cực khổ của lúc đó dường như bị quên đi, chứ thực ra lúc đó khổ hết chỗ nói: ăn cơm độn sắn, khoai. Có khi là mì sống (Trung Quốc viện trợ), nắm một nắm để lên trên nồi cơm (tiêu chuẩn nhà nước). Lúc ăn, bắc ra cục mì nhão nhoét bên ngoài, bên trong vẫn còn nguyên bột; cũng có khi cục bột mì cứng như đá, không làm sao ăn nổi, ném cho chó, chó chạy, nếu trúng con chó, có khi nó lăn ra chết, không chết thì cũng sưng bươu đầu (là em đoán thế chứ cũng chưa ném trúng con chó nào). Chuyện về thời kì sơ tán thì còn nhiều lắm, chị phải “ba cùng" với nhà em hàng tháng trời mới có thời gian kể hết được.
Em có biết vào thời điểm đó chuyện gì xẩy ra không? Trời ơi, sợ nhất là năm Mậu Thân. Quân dân miền Nam thành thật quá, cứ tin là mấy ngày đầu năm cả hai bên cùng đình chiến. Chỉ trừ những người đồn trú xa xôi quá, còn thì những người trấn đóng gần nhà, có lệnh cấm trại vẫn “dù” về. Quan cũng như lính, không hề nghĩ đến bên kia đơn phương xé bỏ thỏa hiệp đình chiến, đem tang tóc đến cho dân lành ngay trong khoảng thời gian thiêng liêng dành cho trời đất và tổ tiên này. Cha mẹ lợi dụng vài ngày đình chiến, gọi con cái về cúng giỗ ông bà. Khi súng nổ tưởng là tiếng pháo nổ. Cứ đứng giữa trời mà “cúng thiên.” Kết quả là mồ chôn tập thể, là “Giải khăn sô cho Huế.”. Khói hương trên bàn thờ bị tan vào khói súng, xác pháo nhuộm máu người. Chị biết người Việt của cả hai bên, ai cũng nhớ cái tết này. Chỉ khác là cách nhớ mỗi bên khác nhau thôi.
Chị ơi! Lúc mới đi sơ tán, chúng em còn rất trẻ, phần lớn là con cái nhà tiểu tư sản (tiểu tư sản mới học đàn piano chứ), chưa xa bố mẹ bao giờ. Nay về nhà quê, chịu bao khó khăn. Đầu tiên là lối sống nhà quê phải làm quen: đi chào về chào, chào cả người không quen. Nếu không sẽ bị kêu là ăn cháo hến. (Ý chỉ miệng đâu sao không chào). Chúng em ở trong những ngôi nhà tranh vách đất, nằm phản, nằm chõng tre. Đêm đêm thắp đèn dầu. Tắm ngay cạnh giếng ăn, chẳng có nhà tắm gì cả. Múc từng gầu lên mà dội. Mùa hè còn đỡ, mùa đông thì rét cắt ruột vẫn dội nước lạnh vì vùng quê này thiếu cái đun. Mùa gặt còn có rơm rạ mà đun nấu, hết rơm rạ thì đi quét lá cây mà đun. Nhà chủ còn không đủ thì sao mình dám. Mỗi nhà thường là có hai học sinh ở nhờ. Hồi mới đi sơ tán, chúng em còn mặc áo trắng, sau phải nhuộm xanh nhuộm nâu tất cả, vì sợ máy bay trông thấy. Máy bay Mỹ thường xuyên bay trên đầu nơi chúng em ở. Nó bay sát mái nhà, và bay với tốc độ siêu âm, thành ra khi nó bay qua rồi mới nghe thấy tiếng gầm rú của nó. Ngày xưa chỉ nghe tiếng máy bay cánh quạt, chưa nghe tiếng máy bay phản lực bao giờ, nên dạo đầu hay lẫn tiếng máy bay với tiếng sấm. Nhiều lúc các bà (nơi mình ở nhờ) bảo trời nắng thế mà có sấm nhỉ?Mỗi khi máy bay đến thì việc đầu tiên là cất tất cả quần áo phơi trên dây vào nhà (sợ máy bay nó nhìn thấy), nhất là quần áo trắng. Chính vì thế mà sau này chúng em nhuộm hết thành màu xanh, nâu, tím... cho nhà chủ khỏi kêu.
Tưởng các bà các cụ sợ bóng sợ vía thế thôi, hóa ra về sau máy bay Mỹ bay vào rất thấp, nhìn rõ phi công ngồi trong buồng lái, mình nhìn thấy họ, tức là họ cũng nhìn thấy rõ mình, đúng thôi. Chỉ có điều máy bay, bay đến rất êm, không thấy tiếng động, chỉ thấy tối cả một góc sân lại trong giây lát. Đến lúc bay qua rồi, tiếng rít như tiếng sét của nó mới tới làm giật nảy người lên. Và mọi người cuống cuồng chui xuống hố (tăng xê). Em buồn cười bảo mọi người:
- Mình đã nghe thấy tiếng máy bay tức là nó đã đi rất xa rồi, vì tiếng động đến chậm hơn nó. Nếu nó định bỏ bom nơi mình ở thì chắc là mình "ngoẻo” trước khi mình biết.
Những thảm sát thường dân trong Tết Mậu Thân bên Mỹ không hề được biết, nên năm 1974, khi hai trăm người lính Mỹ ở Fort Benning, Georgia được xem cuốn phim Mậu Thân, họ đã thú thật: “Nếu được biết vụ thảm sát dã man này, thì chắc chắn chúng tôi sẽ hành xử khác (act differently) khi chiến đấu ở Việt Nam.” Cũng vì không biết nên mới có những vụ biểu tình phản chiến của sinh viên Mỹ.

Em thầm cảm ơn ông hiệu trưởng đã tìm ra nơi hẻo lánh, nghèo khổ này để tạm cư, nhưng cũng không quá xa các cây cầu để còn có dịp xem máy bay, bay qua ném bom vào các cây cầu ấy, và cũng được xem trận mưa đạn cao xạ của bộ đội bắn lên, trông giống như pháo hoa đêm giao thừa. Hoặc khi máy bay bên này lên nghênh chiến thì máy bay hai bên bay tít trên cao, giống như những ngòi bút bằng thép lấp lánh trên bầu trời nắng gắt, quần đảo, lộn vòng... đẹp mắt lắm. Đúng là tuổi trẻ, chẳng biết sợ, lại lấy thế làm vui. Cái sợ nhất ở nơi sơ tán không phải là máy bay ném bom (máy bay nó thèm ném bom cái làng xác xơ này làm gì), mà là mảnh đạn pháo cao xạ của chính bộ đội mình bắn lên, rớt xuống đầy đồng. Từ đó nhà trường bắt học sinh đan mũ rơm đội lên đầu mỗi khi ra khỏi nhà, nhưng mà chúng em đội lấy lệ thôi, vì nó nặng và nóng lắm, không quen. Nhất là bọn con gái, sợ xấu. Mà cũng chưa thấy ai trúng mảnh đạn nên cũng chủ quan, mặc dù mảnh đạn thì nhiều người nhặt được.
Ừ, nhưng này em. Em có nghe đến tên thành phố An Lộc bao giờ chưa? Cái thành phố mà năm 1972 trong vòng hai tháng đã nhận hai trăm ngàn quả đạn đủ loại của bên kia bắn sang. Trung bình cứ hai mươi mét vuông thì bị một quả pháo kích.
Em biết không? Trận đánh An Lộc số tử vong lên đến bốn ngàn người, vừa binh sĩ vừa thường dân. Nhưng quân đội bên này rất hãnh diện khi họ lấy lại được thành phố đó bằng máu và nước mắt.
Câu hát: “Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.” 1 Bây giờ sau mấy chục năm sống ở nước người, mỗi lần nghe lại câu hát này chị vẫn ứa nước mắt, thấy đau buốt trong ngực, câu hát như câu kinh nhuộm bằng máu. Chị là phụ nữ, sống ở giữa thành phố Sài Gòn, nên kinh nghiệm về chiến tranh của chị dù có đau thương cũng không thấm gì so với

những người lính đích thân tham dự vào cuộc chiến, những người dân quê phải sống ở những vùng “xôi đậu”
(ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản). Chị làm sao thấu hiểu hết những đau khổ của chiến tranh. Bây giờ sau mấy chục năm kết thúc cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” bằng súng đạn này, người dân Việt đã thực sự có được sống một cuộc sống bình đẳng, hiền hòa, no cơm ấm áo không?
Tôi nằm ngước mặt nhìn lên cái trần nhà hoen loang lổ những vệt nước mưa dột. Câu hát “Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa, rồi anh sẽ đón cha mẹ về….Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng, thương mến bao la…” 2 tự nhiên vang lên trong đầu tôi. Mỗi chữ là một nỗi ngậm ngùi, dù súng đạn giữa bên này bên kia không còn nữa, giấc mộng đơn sơ đó xa lắc xa lơ tưởng như không bao giờ với tay vào được. Em tôi nói: “Chị ơi, đừng có lo trần rơi từng mảng xuống đầu, vết tích của mấy mươi năm cũ đó, bây giờ hết dột rồi. Lần tới chị về em sơn lại.”
Tất cả chúng tôi, hai vợ chồng người em, đứa cháu trai 16 tuổi, bà chị từ Mỹ về chơi, ngủ chung một căn buồng mỗi bề sáu thước. Vừa là buồng sinh hoạt gia đình, vừa là buồng học, buồng ngủ. Buồng có hai giường nên cháu trải chiếu nằm dưới đất, nhường giường cho bác.
- Chị ơi! Còn câu “thâm nhập thực tế” nữa chứ. Câu đó áp dụng cho những người cầm bút như chị đấy. Vì hồi cải cách còn gọi là đi “ba cùng” nghĩa là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân để lấy tài liệu mà viết. Nhưng không ai muốn hiểu như vậy, những nhà văn đó hiểu ra họ bị đi “cải tạo tư tưởng”, để gột rửa đầu óc tiểu tư sản, để thấy lao động là vinh quang.
- Em ơi! Mấy hôm nay chị ăn, ở trong căn nhà này, ngủ chung một buồng với cả gia đình em, có phải chị đang “ba cùng” với em không?
- Đúng rồi chị ạ. Nhưng đây là “Được” không phải “Bị”
- Phải nói là “Bốn Cùng” mới đúng, vì chị em mình vừa kể lại những mảnh chiến tranh bên kia và bên này, những mảnh chị em mình không nhìn, không nghe thấy bao giờ. Nhưng, em ơi mùa này hoa sữa có nở không?
- Chị ơi! Thôi ngủ đi, sao tự nhiên lại hỏi đến hoa sữa, hoa sữa hết rồi. Sơ tán hết rồi, pháo kích cũng hết rồi. Sang năm hoa sữa lại về, nhưng sơ tán, pháo kích không bao giờ về nữa.
- Nhưng em ơi, những người thuộc về miền Nam cũ, thuộc về bên này như chị; những chữ Mậu Thân, An Lộc, Tháng Tư là những cánh bướm đen bay bồng bềnh trong trí nhớ, một đời!
1/2008

1 Lời nhạc Ngân Khánh

2 Nhạc Nguyễn Đức Quang