Friday, May 9, 2014

NGƯỜI ĐƯA THƯ

Đường vào nhà em số chồng lên số
Người đưa thư vất vả lúc đưa thư

(Hà Huyền Chi)


Đó là hình ảnh những con đường hẻm ở Việt Nam, với những ngõ ngách như một chiếc bàn cờ không biết lối ra, với những số nhà có bao nhiêu cái gạch xéo (/). Phải là người Việt mới biết đọc một số nhà (thí dụ) thế này: Số 12/45B/207/Hẻm 37/phường 8/quận Gò Vấp/thành phố Sài Gòn, Việt Nam. Như vậy là số chồng lên số, và nếu người đưa thư mới vào nghề, khó lòng tìm được đúng địa chỉ để giao thư. Có khi vào trong hẻm, đi lòng vòng một lúc thấy mình ra đường cái ở một lối ra khác với lối vào.
Những con hẻm đó, biết bao người, đã một thời tuổi thơ để lại, như một chuỗi bong bóng nước mưa rơi xuống từ mái lá, mái tôn trước hiên nhà cứ phập phồng mãi suốt một đời; như thời tuổi ngọc ôm đầy những giấc mộng lớn nhỏ và tưởng giấc mộng nào cũng thành sự thật; như thời trưởng thành mới biết lơ mơ về tình yêu đã lạc lõng lúc tìm nhau. Các con hẻm nghèo nàn vẽ những đường ngoằn nghèo trong những thành phố quê nhà đã để lại trong lòng những người xa xứ như những bức phù điêu chưa hề bị lấy mất bao giờ.

Với người đưa thư thì những con hẻm quanh co đó chẳng khác gì những đường chỉ trong lòng bàn tay ông. Ông biết nhà nào có một cô gái, hai con mắt trong veo, mỗi lần nghe ông gõ cửa, cô nhẩy bật ra sau cánh cửa, đưa bàn tay như một bông hoa trắng ra nhận lá thư trên phong bì có chữ KBC (Khu Bưu Chính), gửi về. Hai má cô đỏ hồng lên, cô mấp máy nói lời cám ơn trên đôi môi chưa cần đến mầu son (ông nguyện thầm trong lòng, lúc nào cũng chỉ đem tin vui đến cho cô). Ông biết nhà nào có bà mẹ, chờ hoài tin con từ mặt trận, để ông cứ phải né tránh khi đi qua cửa vì không có tin thư cho bà.
Người đưa thư năm này sang tháng khác là một hình ảnh thân thiết mỗi ngày hòa vào đời sống người Việt, nhất là trong những năm tháng chiến tranh. Cái dáng gầy còm trên cái xe đạp cũng không kém trơ xương với hai cái túi vải treo hai bên sườn xe, đi vào những ngõ hẻm để đưa một lá thư tình cho hai kẻ yêu nhau, hay hai vợ chồng trẻ mà người nhận ở hậu phương, người gửi ở tiền tuyến; đưa một bức điện tín báo tin mừng con được về phép mấy ngày ăn tết với cha mẹ hay một tin thật buồn, con về từ mặt trận bằng nến thắp hai hàng. Làm thế nào quên được!
Tôi nhớ lại (dù lúc đó còn bé lắm) sau 1954, một thời gian đầu sau cuộc phân chia đất nước, khoảng sáu tháng hay một năm, những tấm bưu thiếp vẫn được chuyển qua vĩ tuyến 17, giữa hai vùng Nam- Bắc, để thân nhân trao đổi tin nhà. Một buổi trưa mẹ tôi nhận được bưu thiếp từ miền Bắc gửi đến căn nhà đầu tiên của gia đình chúng tôi ở miền Nam, trong hẻm 73, xóm nhà thờ Thị Nghè, Sài Gòn. Tôi đi học về thấy mẹ cứ xụt xịt lau nước mắt, tôi nghĩ mẹ nhớ gia đình, họ hàng còn lại. Mãi đến tuần sau, mẹ nói cả nhà đi lễ phát tang cho ông ngoại, lúc đó mới biết tin dữ gửi đến từ tấm thiệp. Sau nỗi buồn đó, chúng tôi không còn nhận được bất cứ một lá thư, tấm thiệp nào từ miến Bắc qua bưu điện nữa.
Sau 1975, gia đình tôi lại có một cuộc di tản thứ hai. Ở tuổi nào chăng nữa khi phải rời bỏ quê hương, cũng tan tác như nghé mất đàn, như gà mất mẹ. Người đưa thư vẫn là người mang thông điệp tin yêu, hy vọng cho cả nhà. Người đưa thư ở Mỹ không đưa thư trên chiếc xe đạp gầy còm; ông lái xe hơi, ông không ướt lắm khi trời mưa, và không phải đội nón khi trời nắng. Ông đem đến những lá thư cho chúng tôi từ Việt Nam gửi qua bưu điện ở Pháp hay ở một nước thứ ba nào đó. Những lá thư mang những dòng chữ của gia đình anh tôi còn ở lại. Những lá thư chao ôi ngô nghê đến lạ lùng. Cả nhà cứ phải đem hết thông minh ra để đoán hiểu trong lá thư đó muốn nói điều gì. Đọc những lá thư hồi đó, cho tôi cảm tưởng những người thân của chúng tôi đang ở lại một quốc gia không có trên bản đồ thế giới, vì tên người, tên địa danh đều được đổi đi để tránh bị kiểm duyệt.
Nhiệm vụ của người đưa thư bây giờ hình như sự quan trọng vẫn còn cho những công việc có tính cách hành chánh nhưng bớt mất đi sự cảm động và nét lãng mạn. Vào những dịp lễ, người ta vẫn tặng hoa, tặng quà cho nhau nhưng hình như người ta quên mất chuyện “viết một lá thư tình.” Những tấm thiệp với những dòng chữ in sẵn, chỉ ký tên vào không thể gọi là thư tình. Nó giống như một món fast food, cứ mở ra ăn, không cần hâm nóng hay cả đến không cần một cái đĩa để bầy ra cho tươm tất. Có thể gọi là fast love không nhỉ?
Ngày xửa ngày xưa, ở Việt Nam, thời tuổi trẻ hình như ai (nhất là phái nam) cũng ép hoa, ép bướm cho khô, rồi đặt trang trọng vào lá thư gửi cho người mình yêu hay người mình đang muốn tỏ tình. Có khi bỏ cả tuần để nắn nót viết lại một bài thơ tình tuyệt vời của ai đó, rồi gửi kèm theo với mấy lời ngây ngô của mình tự sáng tác. Có người viết thư tình hay lắm, có người viết rất vụng về. Nhưng đã là thư tình thì dù xuất sắc hay vụng về tôi nghĩ, đều hay cả. Xuân Diệu viết:
Anh chỉ có một tình yêu duy nhất
Anh cho em kèm với một lá thư
Em không lấy là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ

Ông đưa thư là một sứ giả của tình yêu, ông đem hạnh phúc cũng như nước mắt đến cho những người yêu nhau. Nhưng, với Huy Cận:
Có những bài thơ đau đớn nhất
Là thơ làm chẳng gửi cho ai
Năm năm rồi, đến mười năm nữa
Vẫn gối trên tay giấc mộng dài

Ông đưa thư chẳng làm sao mà cứu vớt được những tình thư giấu dưới gối như thế này.
Người ta còn nói: “Lá thư tình hay nhất của người đàn bà luôn luôn được viết cho người đàn ông nàng sẽ phản bội.” (Lawrence Durrel). Như thế chẳng hóa ra chỉ có đàn ông mới viết thư tình chung thủy hay sao!
Nã Phá Luân (Napoleon) của nước Pháp, vị tướng đánh giặc nổi tiếng và là người có tên trong danh sách những người viết thư tình hay trên thế giới, ông cũng có đến hơn một mối tình. Không kể những mối tình trên đường ra trận, ông có cả bẩy người phụ nữ có tên tuổi rõ rệt trong danh sách người yêu. Thư tình gửi cho Désirée được xếp trong danh sách những lá thư tình hay nhất thế giới. Hãy đọc hai đoạn thư tình của tráng sĩ gửi cho giai nhân: Mọi việc ở đây đều tốt đẹp; nhưng trái tim anh thì nặng nề không tả được. Em đang bệnh và ở xa anh quá. Hãy vui lên và thật bảo trọng, với anh em còn giá trị hơn cả vũ trụ này. Ở một lá thư khác ông viết: “Josephine! Joshepine! Em có nhớ, có lần anh đã nói với em.Thiên nhiên đã phú cho anh sự cứng rắn nam nhi, và tính cương quyết. Còn em, thiên nhiên đã dệt em bằng sợi ren và mỏng nhẹ như tơ. Liệu em có thể ngưng yêu anh không? “
Nghe ngập tràn lãng mạn!
Những lá thư tình của người Việt Nam viết cho nhau không thấy có trong danh sách, vì người Á đông vốn kín đáo, không ai mang thư tình của mình ra chỗ công cộng cho người khác đọc. Nhưng tôi biết có nhiều những lá thư đó.Vì nếu không, thì Nguyên Sa đâu có viết:
Không có anh lấy ai đưa em đi học
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt khi em khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa

Hay Xuân Diệu:
Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly
Xếp khuôn giấy để hoài trong túi áo
Xé trăm lần, viết mãi mới đưa đi.

Hai đoạn thơ trên cho ta thấy “thư tình” được viết, nhưng không phổ biến ra công chúng như “thơ tình”. Đọc tiểu thuyết ngày xa xưa, cũng chỉ thấy người trong truyện gửi thư cho nhau bằng cách bỏ quên lá thư trong cuốn sách nào đó, rồi nhờ cô em, cậu em đem về cho chị. Không thấy tả những nhân vật này đem thư ra bưu điện gửi. Mãi đến sau này thời Tự Lực Văn Đoàn mới thấy có những lá thư được gửi qua bưu điện trong văn chương.
Các thi sĩ nổi tiếng như Nguyễn Du, Tản Đà, Phan Khôi có làm những bài thơ gửi cho người yêu, nhưng chưa hề được đọc một lá tình thư nào của các thi sĩ này viết ra. Tôi nghĩ, nếu họ viết, (chắc chắn có nhưng không phổ biến) những lá thư tình đó cũng tuyệt vời không kém gì những lá thư tình của các danh nhân trên thế giới.
Những lá thư hình như đã có từ thiên cổ, bắt đầu được chuyển đến bằng những con chim đưa thư (nên còn gọi là tin nhạn). Rồi thay bằng người; người đưa thư phải đi thuyền, đi đò, cưỡi ngựa ngày đêm, đi qua bao nhiêu con sông, bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu sa mạc để mang đến một tin thư. Có khi người trở về trước thư tới; hay tin vui, tin buồn đến trước tin thư. Vì sự di chuyển đó nếu gặp giông bão hay loạn lạc, thư có khi không bao giờ đến tay người nhận.
Mỗi lá thư hình như có một số phận riêng của nó. Ngày 23 tháng 12 năm 1914 một tấm thiệp Giáng Sinh in hình ông già Noel và một cô gái được gửi đi từ Alma, Nebraska đến Oberlin, Kansas và đến 93 năm sau, Giáng Sinh 2007, tấm thiệp mới tới nơi. Cả người nhận và người gửi đã qua đời từ lâu. Hình như đó là một tấm thiệp của hai người bà con gửi chúc Giáng Sinh cho nhau. Cho đến nay vẫn là điều bí mật tại sao tấm thiệp đó còn tồn tại và vẫn được gửi đi. (Báo Người Việt)
Nhân loại càng ngày càng tiến triển trong lãnh vực di chuyển, vận tải. Thư đã được theo những tầu lớn, những chuyến máy bay trên toàn thế giới. Ở trong cùng một quốc gia, có những dịch vụ chỉ qua một đêm thư được giao đến tận nhà. Nhưng thật sự người ta có cần đến một người đưa thư nữa không?
Thời đại điện toán này, trong những ngày lễ Cha, lễ Mẹ, ngày sinh nhật, ngày lễ Tình Yêu, Giáng Sinh, Năm Mới và các ngày kỷ niệm hôn phối người ta nếu không gửi cho nhau những tấm thiệp in sẵn những hàng chữ hoa mỹ vô hồn, người ta gửi điện thư cho nhau. Chỉ một cái bấm (click) hàng chữ chúc mừng được gửi cho cả một danh sách bạn đến hàng chục người với cùng một thông điệp. Không còn gì trân trọng, riêng tư nữa.
Tuần đầu năm dương lịch, khi ông đưa thư ghé vào tận cửa nhà tôi để giao chồng báo xuân của tòa báo Người Việt từ California gửi tới, tôi vội vàng chạy ra với một chai bồ đào (red wine) tặng ông, nói lời cám ơn và chúc mừng năm mới.
Trong mắt tôi, mỗi lần nhìn thấy người đưa thư ở Mỹ, lái xe, mặc bộ đồng phục, tôi lại nao nao nghĩ đến những người đưa thư ôm ốm và chiếc xe đạp gầy gầy ở quê nhà. Những người đó đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm thân yêu.
Valentine, 2/09