Friday, May 9, 2014

PUZZLE

Trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều hắt qua cửa sổ, mụ trông thật thảm hại, bộ đồng phục lao công vừa đi làm về, nhầu nhĩ như mụ. Mặt xanh lè, hai mắt thâm quầng, mụ đứng giữa phòng đăm đăm nhìn gã đàn ông, hai tay không biết vứt đi đâu, cũng không dám túm lấy hắn đánh được, nên thỉnh thoảng mụ lại vung vào khoảng không cùng với giọng nói cố giữ bình tĩnh:
- Mang hết tiền cho con quỷ cái rồi phải không?
Gã không trả lời câu hỏi, thản nhiên ngửa cổ uống hớp bia, nói như ra lệnh:
- Đi nấu ăn đi, tôi đói rồi.
Mụ ức lắm, nhưng vẫn chân thấp chân cao vào bếp làm cơm. Mụ nhẩm tính trong đầu: Phải nhịn, phải nhịn thôi, hy vọng hắn chưa bị con quỷ cái moi hết tiền. Mụ cần hắn, nếu không có hắn đứng chung danh sách bảo đảm tài khoản thì mụ không thể nào hoàn tất hồ sơ bảo lãnh cho một đàn, vừa con, vừa cháu gần mười đứa sắp sang đến nơi.
Mụ ở với hắn cũng hơn mười năm nay rồi. Tuy chẳng được thanh cao như “Trai lỡ phong vân gái lỡ thì” cũng là “Rổ rá cạp lại” . Mà cái rá, cái rổ này cạp lại cũng vài ba lần rồi, gần tung hết cả lạt, không cạp ngay, khéo lại đến quăng vào thùng rác cả hai. Số mụ long đong nên chồng sống, chồng chết đều có cả. Ba chục năm trước, mụ mới bốn mươi, sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, tháo vát, có chút nhan sắc. “Giải phóng” về, mụ cũng chạy đôn chạy đáo, làm đủ mọi việc, kể cả việc thỉnh thoảng phải bán thân để nuôi được đàn con bẩy đứa. Bỏ chồng thì bỏ mấy ông, mụ cũng chẳng nề, nhưng bỏ con thì nhất định không. Chúng không được ăn ngon, mặc đẹp, không sao! Nhưng nhất định không để chúng đói rách. Mụ đã thấy những đứa trẻ ăn mày rồi, trông chẳng ra hình thù một con người hay con vật nào nữa. Một loại thú mới, có linh hồn, đi vất vưởng trong một thành phố vừa hết chiến tranh. Không, các con của mụ nghèo cũng được, nhưng ít ra còn phải trông giống con người. Giữa một cái xã hội lộn tùng phèo, không một chữ làm vốn, mụ cũng đã cầm cự giỏi hơn nhiều người. Mỗi ngày mụ chạy phờ phạc trong cái mảnh đất đổi chủ này tìm mọi cách để mang thực phẩm về cho các con. Mụ như một con kiến thợ tha bất cứ cái gì về tổ cho sự sống còn của cả nhà. Mua đầu này bán đầu kia, mua tối bán sáng, đi sớm về khuya, có khi hai ba ngày đàn trẻ không thấy mụ, chúng cũng quen rồi, thế nào mẹ cũng về. Mẹ về có khi xơ xác, trắng tay, rũ xuống như một tầu lá chuối rách bươm sau cơn bão, có khi đầy ắp hai túi tiền, mặt mày rạng rỡ. Bằng cách nào mẹ cũng về. Mẹ người khác có thể chết vì nghèo,vì bệnh, nhưng mẹ của chúng thì gần như không bao giờ chết.
Thấy người ta vượt biển, vượt biên mụ chỉ đứng thèm thuồng, ganh tị vì tiền ít, con đông làm sao gửi đi, làm sao xuống tầu được. Rồi người ta lại lũ lượt ra đi theo diện H.O, mụ cũng không chịu thua. Bói đâu ra được ông chồng cải tạo bây giờ? Mụ lại chạy đôn chạy đáo vừa mua bằng tiền vừa dụ bằng xác một ông đi tù về còn độc thân, tưởng là bắt được rồi, nhưng thấy gánh con của mụ đông quá, ông ta sợ nhỡ sang Mỹ rồi mụ không buông ông ta ra thì chết toi, chả dại. Thế là mụ lại hụt. May cho mụ, khi diện các con lai được đi thì mụ đã có ngay trong nhà một đứa để làm vốn rồi. Cái quá khứ nhăng nhít của mụ trước kia, hóa ra được việc. Chẳng ai biết đứa trẻ đó là con mụ giấu giếm ở đâu hay mụ mới đi mua về. Chỉ biết nó gọi mụ bằng mẹ và mụ nghiễm nhiên là mẹ một đứa con lai giá trị cả mấy cây vàng thời đó. Bấy giờ khối kẻ nhìn mụ với con mắt thèm thuồng. Thế là mụ đem theo được bốn đứa nhỏ, ba đứa lớn có gia đình nên phải ở lại. Đứt ruột đấy, nhưng từ từ mụ sẽ nối lại sau, cứ đi được đứa nào hay đứa đó. Nghĩ đến các con ở lại thương quá! Chín đứa con của mụ, mụ thương chúng như chó cái thương con. Mụ nhớ khi thằng Bốn bị đụng xe chết, mụ chôn nó với giấy khai sinh của thằng Hai, rồi cho thằng Hai dùng giấy tờ của thằng Ba, thằng Ba dùng giấy tờ của thằng Bốn. Nhờ thế mà mấy thằng con trai trốn được mấy năm đi nghĩa vụ bên Cam Bốt. Nhưng không phải chỉ tráo khai sinh mà xong, mụ còn phải tạ ơn các ông công an, các ông Xã, ông Ty nữa chứ. Ông nào chê tiền ít thì mụ đem thân bù vào. Thằng công an khu vực là chó nhất, nó hôi như một con heo, hôm đó mụ tưởng là ngày hôm sau mụ sẽ rình chém cho nó vài nhát. Nhưng trời thương, tánh mụ mau quên, ra sông nhẩy ùm xuống một cái, hay ra giếng xối ào ào vài gáo nước là sạch ngay ấy mà. Con trai không phải sang Cam Bốt là mụ sung sướng, quên ngay việc mình vừa phải làm, quên ngay những nhát dao định chém...
Mụ sang Mỹ làm đủ mọi việc lao động. Ngày tám tiếng, làm lao công quét dọn trong siêu thị Mỹ, trong khu chợ Á Đông, chiều về mụ làm thêm ở khách sạn, cọ buồng tắm, đổ rác, hút bụi, làm giường cho đến tối mịt mới về. Cuối tuần nếu khách sạn có việc gọi là mụ chạy bổ ra ngay khỏi giường, đi làm thêm. Tám tiếng đồng hồ phải làm xong mười một buồng, chỉ được nghỉ nửa tiếng ăn. Có hôm, cuối ngày, mụ thở không ra hơi, cứ nói, thôi lần tới không làm cuối tuần nữa, nhưng lần tới mà không thấy xếp gọi, buồn lắm, mụ lại kiếm việc khác làm. Mụ đi lượm lon, tay nắm cái bao, tay cầm một chiếc kẹp dài bằng sắt, đi lục các thùng rác, lượm lon, đem về đập bẹp xuống, bán lại cho chỗ tái chế. Mụ không bỏ phí một giờ nào, nếu giờ đó kiếm được ra tiền.
Mấy đứa con mang sang đây chúng nó từ từ có gia đình, đi ở chỗ khác, khi nào cần tiền thì về móc túi mẹ. Lúc nào mụ cũng là cái ruột tượng không đáy. Mụ vừa chửi té tát chúng vừa móc tiền cho.
- Cha mẹ chúng mày, lấy hết tiền của bà, bà còn phải gửi về Việt Nam nuôi mấy đứa ở nhà nữa chứ!
Chửi thì chửi. Đứa mở tiệm Nail, đứa mở tiệm sửa xe cũng toàn vốn ở túi mụ cả, tiền nhặt lon đấy, tiền cọ buồng tắm, cầu tiêu của mụ đấy.
Tội nghiệp mụ, cũng muốn giữ nhan sắc về chiều cho tươm tất để gã không phải đi tìm những “Con Quỷ Cái.” Mụ nhuộm tóc, xâm lông mày nhưng vẫn không che hết vẻ mệt mỏi trên mặt. Bước thấp bước cao, lưng bắt đầu vẹo sang một bên, vẫn đi làm đủ bẩy ngày một tuần, vẫn tiền trăm, tiền nghìn gửi về quê nhà nuôi con. Bây giờ lại lo đến chuyện bảo lãnh những đứa con còn lại. Tám năm làm giấy tờ bảo lãnh, mụ vẫn đi đi, về về, đem đồng tiền nhặt nhạnh bằng tất cả sức lực của mình về Việt Nam sửa nhà, mua đất cho con. Ai mách ở đâu lo lót được là mụ tìm đến mua chuộc. Mụ chỉ con chạy chọt giấy tờ chỗ này, chỗ kia; giấy tờ sắp xong, chỉ con bán đất, bán nhà, còn giỏi hơn cả người ở trong nước. Mụ lo xa cả đến đem tài liệu thi viết của bằng lái xe tiếng Việt về Việt Nam cho con học trước, sửa soạn cho chúng sẵn sàng thi lái xe khi qua Mỹ. Có cái chân mới kiếm tiền được chứ. Tiền bán nhà, bán đất mang sang thì lo gì không có xe đi làm.
Gã đàn ông ở với mụ thế mà cũng trên mười năm rồi, hai người bắt đầu chỉ “Góp gạo thổi cơm chung”. Hắn trả tiền nhà, mụ cung phụng hai bữa ăn. Hồn của ai nấy giữ. Lâu ngày thành nhân ngãi, lâu nữa thành vợ chồng không hôn thú. Mụ cũng ghen lồng lên khi gã mèo chuột, khi gã đem tiền (của gã) cho mấy Con Quỷ Cái, trẻ đẹp hơn mụ. Chắc Trời cho mụ cái lòng dài đến cả mười thước trong bụng, nên mụ yêu con và yêu mọi người. Gã ở lâu quá với mụ thì mụ nghĩ gã thuộc về mình, mụ phải săn sóc thôi. Làm tối mắt tối mũi như vậy mụ vẫn lo hai bữa cơm nóng, canh ngọt cho gã. Người ngoài nhìn vào nói gã lợi dụng mụ, nhưng quả thật mụ cũng chẳng thiệt thòi lắm. Hắn đã đứng tên chung trong danh sách bảo lãnh con mụ về bảo đảm tài khoản, gã đi theo mụ chở từng cái ghế cũ, cái giường cũ về sửa soạn cho ba gia đình của các con mụ sắp sang. Mụ thuê sẵn ba gian chung cư cho ba gia đình, đồ đạc cái đi xin ở nhà thờ, cái khách sạn thải ra, còn mới chán! Mỗi căn hộ mụ xếp vào ba bao gạo, một thùng nước mắm, muối, đường, nồi xoong, bát đĩa, tạm đủ những cái cần dùng cho một gia đình mới đến.
Trước hôm các con sang một ngày, mụ đi làm về, vào từng gian chung cư vừa thuê xong, xem thiếu đủ gì không? Mụ đứng đó lòng rưng rưng nghĩ đến từng đứa con, từng đứa cháu, nhẩm đọc tên chúng, chỉ sợ già rồi lẫn tên đứa nọ vào đứa kia, tội nghiệp. Mụ lủi thủi đếm mấy bao gạo, đếm từng chai nước mắm. Trong cái rã rời thể xác của một ngày lao động trộn vào cái hồi hộp đoàn tụ, mụ ngồi phịch xuống mép giường, úp mặt vào hai tay vỡ òa nước mắt. Mụ khóc ngon lành, khóc một hồi, nước mắt trào ra như mưa đầu mùa ở quê nhà. Mụ cũng không hiểu tại sao mình khóc, khóc vì sắp gặp lại con cháu, hay khóc tủi phận mình? Cái này lạ đấy! Vì lâu lắm rồi mụ đâu có biết nước mắt là gì. Lo lắng, vất vả, tủi nhục đến đâu mụ cũng chỉ khóc khô, nhưng khóc mà có nước mắt chẩy ra, thấy nhẹ người thật! Mụ nghĩ, hay là thỉnh thoảng mình nên khóc một trận cho hả?
Mụ chạy chọt xin việc sẵn cho con. Việc lao động cần gì bằng cấp. Con trai, con dâu sang tuần trước, tuần sau mụ đã giắt vào làm việc ở ngay khách sạn mụ đang làm cuối tuần.
Một buổi chiều cuối đông, tôi sang nhà người anh chơi. Tôi gặp người mẹ 70 tuổi đó lúc bà vừa đi làm về. (Bà ở cùng dẫy chung cư với anh chị tôi.) Nhìn người đàn bà lom khom bước ra khỏi xe, gương mặt mệt mỏi, nhăn nhúm, hai con mắt như lạc hẳn đi, nhưng nhìn kỹ trong cái tàn tạ đó vẫn còn dấu vết của hồng nhan. Tôi vừa thương cảm vừa ái ngại. Chị tôi bảo: “Bà ấy đấy, đi làm về đấy. Giỏi lắm, mới mang một đàn con sang đó.”
Tôi đã nghe kể bao nhiêu chuyện về người mẹ này. Có người nói với tôi đó là một người đàn bà dại trai, già rồi còn nuôi không một gã đàn ông. Người khác nói mụ đó tham tiền, tham việc quá! Người nói (với giọng khinh miệt): Mụ này giỏi, giỏi và bụi đời từ khi còn ở quê nhà, sức vóc và chịu đựng hơn cả một người đàn ông.
Tôi ráp nhưng mẩu chuyện đó vào nhau, như gép hình puzzle, nhìn theo cái lưng vẹo của bà khuất sau cánh cửa, tôi ráp được một tấm hình: “Người Mẹ”
5/2008