Monday, July 13, 2015

MÙI CỪU

 Nơi chúng tôi tới, không phải là một bãi đất trống mà là một con đường rộng và vắng nằm sát bìa rừng, xe cộ có thể đi qua để đi vào phía trong rừng.
 
Đó là nơi tạm trú của những người “Vô Gia Cư”. Đi tới đâu, dựng lều tới đó nên họ có một cái tên cho nhóm là Tent City.  Nhóm người vô gia cư này có khoảng trên dưới 100 người, họ di động từ địa điểm này tới địa điểm khác, mỗi nơi họ ở lại từ ba tới bốn tháng. Đa phần những chỗ họ tới cắm lều là trái phép, không có giấy phép của thành phố. Họ chính là những người vô gia cư thực thụ vì họ không có một shelter nào nhất định.
Thành phố Bellevue, nơi chúng tôi cư ngụ, có một vài nhà thờ, sân cỏ rộng, sẵn sàng cho họ cắm lều vài tháng, nhưng dân chúng trong thành phố phản đối. Họ sợ có những phần tử xấu trong nhóm người này, ảnh hưởng không tốt đến con cái họ. Những người vô gia cư này, cũng có một người đứng lên làm trưởng nhóm. Họ từ lứa tuổi ba mươi (30) tới ngoài bảy mươi (70). Mỗi người mang trên mình một câu chuyện. Câu chuyện dài như một trường thiên tiều thuyết hay như một truyện ngắn, có khi là truyện cực ngắn như một tia chớp. Tạm gọi đời họ là truyện Chớp.
 
Một người đàn ông khoảng sáu mươi, tới nói cho tôi biết ông ta có ở Việt Nam hơn hai năm, hỏi ở thành phố nào, ông trả lời: Đã đi khắp nơi và ông không nhớ ở những nơi nào. Theo lời của một người trong nhóm, ông này không ở trong quân đội và làm cho tình báo, đã từng bay qua Lào. Có thể ông ta làm việc cho CIA trên các chuyến bay không có dấu hiệu, nếu có rơi thì cũng không có chứng cớ là của ai. Những chuyến bay này có thể đã thả biệt kích ra Bắc, hay dọc Trường Sơn phía Lào và Cao Mên, và nhất là thả đồ tiếp tế lương thực vũ khí cho du kích Hmong ở Thượng Lào, để chống sự xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt. Những máy bay này thường xuất phát từ các phi trường bí mật, vì thế ông ta không nhớ rõ rệt tên các nơi. Một con người có dĩ vãng như vậy mà cuối đời rơi vào bãi đậu này, thật đáng buồn. Vì sao ra nông nỗi này thì tôi chưa biết.
Cuộc đời của người đàn ông này nghe như câu hát trong bài Một Cõi Đi Về của Trịnh Công Sơn.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì


Tôi Ở Đâu Mà Tôi Tới Đây
Cả tuần, trước khi mang thức ăn cho một bữa chiều, chúng tôi đã đến trước xem qua tình trạng sinh hoạt của họ. Vì không có đủ lều để ngủ, nên hôm đông, hôm vắng. Họ đi tản mác khắp nơi để tìm chỗ ngủ. Chúng tôi được biết là sẽ có 50 người ăn và họ cần có thêm lều. Chúng tôi mang đến tặng 4 cái lều mới và một bữa ăn cho 60 người. Năm mươi người không nhà và chín người có nhà, là chúng tôi. Chúng tôi sẽ cùng ăn ngồi, hay ăn đứng với họ. 


Sửa Soạn Chia Xẻ Bữa Ăn Chiều
Buổi chiều cuối tuần của ngày mùa hạ, nhiệt độ đã xuống khoảng 70.F. Thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ từ bìa rừng đưa ra. Chúng tôi ngửi được mùi cây trong lá, mùi hơi người đứng cạnh nhau trong đám đông, mùi hơi hướm du mục trong những gói to đựng chăn gối, quần áo của người không nhà vứt lăn lóc trong một góc cỏ dại bên đường và mùi của những căn hộp vệ sinh lưu động. Chúng tôi nghe được tiếng của một cái máy phát điện nhỏ chạy, tiếng của cái vòi nước lưu động, tiếng của máy phát thanh, có cả một cái truyền hình ai đó cho họ. Và những tiếng thân thiện nhất là tiếng nói chuyện của người không nhà và khách thăm.

Phải tới tận nơi, nắm bàn tay họ, nhìn vào mắt họ, chuyện trò với họ và ngửi mùi lang thang trên thân thể họ mới cảm được hết cái thân phận mong manh của những con người kém may mắn. Họ cũng có một người đứng ra làm trưởng nhóm, họ cũng có những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng. Họ có cả người đàn ông luống tuổi, mắt kém, răng rụng hết, râu tóc trắng phau rối bù vào nhau như chính đời mình, Họ có phụ nữ còn xinh đẹp tuổi ngoài ba mươi ngồi viết tên những người trong nhóm mỗi ngày. Đây là một xã hội nhỏ, lang thang trong một xã hội rộng lớn.

Nếu chưa tới Tent City, sẽ không thể nào hiểu được, ngay bên cạnh mình vẫn có những người đi hoài không có chỗ nghỉ chân.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi 
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt 
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt 
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. 
(TCS)

Mỗi lần đến với những người vô gia cư ở các địa điểm khác nhau. Nơi thì là shelter có chỗ ngủ qua đêm, có nhà tắm, có bữa điểm tâm cho sáng hôm sau. Nơi thì được những giáo đường của các tôn giáo khác nhau mở cửa ra nuôi họ trong ba tháng, cho họ đi tìm việc làm, nơi thì chỉ là mảnh đất cắm lều với tất cả thiếu thốn cho một gia đình hay một người già như Tent City, tôi liên tưởng đến lời nói của Giáo Hoàng Francis. “Cho cừu ăn chưa đủ, ta phải tới hòa mình vào đàn cừu có nghĩa là trên thân thể ta cũng có cái mùi cừu và ta ngửi được mùi của chúng”.
Chúng tôi đã mang thức ăn cho họ, mang lều cho họ, chuyện trò hòa đồng với họ và đã ngửi được cái mùi lang thang trên thân thể họ.

Trao Tặng Lều
Họ nhận bốn cái lều trong tay chúng tôi, cảm động lắm. Họ dặn dò, khi nào họ có chỗ mới chắc chắn, họ sẽ báo cho biết để chúng tôi tới cùng cầu nguyện và chúc phúc cho mấy cái lều mới này. (Họ phải dời nơi này vào ngày mai)
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. (TCS)
Những con cừu không có chuồng để về lại tiếp tục lang thang trên những cánh đồng cỏ, mùi cừu bay bay trong nắng sớm mưa chiều.

Tháng 7/10/2015