Thầy và trò của một lớp học trong tiểu chủng viện những năm 1960-1965.
(Hình minh họa: Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế)
(Đăng trên nhật báo Người-Việt, ngày 18/3/2018)
LỜI TÒA SOẠN: Một kỷ niệm nhỏ của nhà thơ Trần
Mộng Tú thời còn là một “nữ sinh Lớp Tám” cho chúng ta thấy tư cách của một thầy
giáo và lòng tôn kính của phụ huynh học sinh đối với thầy, ở Sài Gòn trước đây
hơn nửa thế kỷ. Thời đó không có cảnh phụ huynh học sinh de dọa thầy, cô, học
trò tấn công cô giáo, hoặc bắt cô giáo quỳ lạy trước công chúng, như đang diễn
ra ở nước ta hiện nay!
***
Tôi
rụt rè đứng trước khung cửa sổ văn phòng, trong khu nhà nội trú của các Thầy và
các Linh Mục chủng viện.
Thầy
Khoan đứng bên trong cửa sổ hỏi ra:
Con
cần gì?
Thưa
thầy, mẹ con nói con thưa với cha Tùng đưa áo cho con đem về để mẹ con thay cái
ống tay áo cho cha.
Thầy
Khoan bảo tôi ra ngoài văn phòng nhà trường ngồi chờ, thầy đi tìm cha Tùng. Khoảng
hai mươi phút sau, thầy mang ra cái áo gói trong một tờ báo cũ, đưa cho tôi đem
về.
Cha
Tùng là thầy dạy tôi môn Anh văn. Cha luôn luôn mặc áo cũ; hoặc sờn vai, hoặc
rách khuỷu tay. Tôi đi học về lại kể cho mẹ nghe, khoe hôm nay con thấy cha mặc
cái áo rách chỗ nào! Mẹ tôi nghe mãi chắc cũng mủi lòng, nên bảo tôi vào trường
mang chiếc áo chùng đen của cha về cho mẹ mạng lại hay mẹ vá giúp những chỗ
rách.
Tôi
nhớ mãi câu chuyện ngày hôm đó (tôi mới học lớp đệ Ngũ) cho tới bây giờ sau hơn
50 năm.
Tôi
học trường tư thục Công Giáo, do chủng viện Nguyễn Duy Khang-Thị Nghè lập.Trường
chỉ có từ đệ Thất đến đệ Tứ. Thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi phải ra trường
khác học.
Một
số các thầy là Linh Mục, hay Tu Sinh trong chủng viện, còn một số giáo sư được
mời từ bên ngoài vào dạy.
Chủng
Viện và trường học cùng ở trên một miếng đất, tôi hồi đó không biết miếng đất rộng
bao nhiêu, chỉ biết có hai dẫy nhà, một dẫy cho các cha và các thầy ở, một dẫy
làm trường học, có hồ cá và vườn rau. Trường có nhà nguyện nhỏ cho các thầy,
chúng tôi không được vào đó bao giờ.
Thầy
dạy Anh Văn của chúng tôi là Linh Mục Đinh Cao Tùng, dạy Việt Văn và Âm Nhạc là
thầy Đinh Ngọc Khoan, tu sinh, em ruột của cha Tùng, thầy Cầu dạy Toán, thầy Tiếng
dạy Lý Hóa, linh mục Nguyễn Khoa Cử là Hiệu Trưởng.
Ngoài
tu sinh và linh mục trong chủng viện, cha hiệu trưởng còn mời một số sinh viên
Văn Khoa hay Luật Khoa mới ra trường “dạy giờ” cho những lớp nhỏ, đệ Thất, đệ Lục.
Chủng
Viện nghèo, các linh mục, tu sĩ cũng nghèo. Mẹ tôi là cô giáo dạy thêu đan nên
vá mạng rất khéo, mẹ giúp thì các cha chỉ biết cảm ơn. Nhưng một chiếc áo cũ
đem mạng hay vá mãi cũng hết cách, nhất là cánh tay áo, bộ phận được cử động
nhiều nhất, mạng vô nó lại rách ra! Cho nên, có khi mẹ thay cả cái ống tay áo mới,
ghép vào cái áo đã bạc màu!
Rồi
đến một năm, trước lễ Giáng Sinh, nhìn cái áo vá chằng vá đụp chắc không còn
dùng được mấy tháng nữa, chắc chắn cần thay bằng áo khác, mẹ bàn với tôi mua vải
về, mẹ cắt, may cho cha Tùng một cái áo chùng đen mới.
Tôi
nhớ cái ngày hai mẹ con tôi đem cái áo chùng đen đó tới biếu cha. Sau giờ học,
hai mẹ con tôi xin được gặp riêng cha ở văn phòng nhà trường. Cha ra tiếp, nghĩ
là mẹ con tôi đến xin trả tiền học trễ tháng này (thỉnh thoảng vẫn có phụ huynh
tới xin phép đóng trễ tiền học cho con). Khi thấy mẹ tôi xin biếu cha cái áo mới,
cha cảm động lắm. Nhưng cha không bày tỏ tình cảm của mình với thái độ vui mừng,
vồn vã, như người khác khi được tặng quà. Cha vẫn đứng cách mẹ con tôi một khoảng
khá xa, miệng nói lời cám ơn, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn. Cả mẹ và tôi cũng không biết
nói gì, chỉ đứng khoanh tay cúi đầu; nhưng trong lòng chúng tôi vô cùng sung sướng.
Trên đường về mẹ tôi nói là chỉ sợ cha không nhận, và khi mặc cái áo mới chắc
cha sẽ lúng túng lắm.
Tôi
nhắc mẹ là chiếc áo cũ đã hết chỗ để thay, để mạng rồi mẹ ạ, để cha mặc một cái
áo dòng với nhiều miếng vá, con thấy tội nghiệp cha quá.
Nhưng
tại sao khi cha nhận được cái áo mẹ tặng, cha lại không tỏ ra vui mừng, hả mẹ?
Mẹ
tôi nói. “Cha giữ lòng tự trọng của một người thầy giáo.”
Buổi
học đầu sau mấy ngày nghỉ lễ Giáng Sinh năm đó, trở lại lớp, tôi thấy cha (người
thầy đáng kính của tôi) mặc chiếc áo mới đi dạy. Nét mặt cha vẫn từ tốn, nghiêm
nghị. Trước vẻ bình thản của cha, các học sinh cũng không ai dám hỏi đùa, “Cha
mặc áo mới?” Sau giờ học, tôi phụ thu góp bài làm của các bạn đặt lên bàn giấy
giáo sư. Cha Tùng ngẩng mặt lên nhìn tôi, nói:
Cám
ơn con.
Tôi
nghe trong giọng nói vẫn giản dị như mọi khi, nhưng hình như cũng chứa cả một niềm
biết ơn đậm đà. Bỗng nhiên hai giọt nước mắt tôi ứa ra, tôi vội vàng quay nhanh
về chỗ.
Về
nhà tôi kể lại cảm xúc mình cho bố mẹ nghe. Bố tôi nói:
Con
ơi, Thầy giáo là cha mẹ thứ hai của mình. Các con phải luôn luôn kính trọng Thầy.
Các con sai thì Thầy phạt, các con đúng thì Thầy khen thưởng. Phải biết công ơn
của Thầy. Như bố mẹ đây cũng phải kính trọng và mang ơn Thầy, vì Thầy đã giúp bố
mẹ giáo dục các con. Thầy dạy chúng con có nhiều điều bố mẹ không biết nhưng
căn bản là các con hãy lễ phép và biết tôn kính Thầy như tôn kính cha mẹ.
Rồi
bố tôi kể lại truyện về một người học trò ngày xưa, hết lớp ở làng lên tỉnh học,
thi đỗ làm quan huyện rồi về thăm quê. Trước tiên là thăm người Thầy dạy mình
thời thơ dại. Ông Thầy già đã được lính tới tận nhà báo trước là có quan huyện
ghé thăm. Khi quan Huyện khom lưng bước vào ngôi nhà tranh, vách đất, thấy Thầy
mình ngồi trên tấm phản, vẫn tấm phản ngày xưa, chỉ có Thầy là già đi và ốm yếu.
Quan khoanh tay, cúi lạy Thày. Thầy vẫn ngồi yên trên phản, khẽ gật đầu, giơ
tay mời anh học trò cũ của mình ngồi xuống uống chén trà. Ông quan trẻ đó trước
sau vẫn không dám ngồi ngang với Thầy mình, ông khoanh tay đứng suốt buổi hầu
trà Thầy, cho tới khi cúi đầu chào đi giật lùi ra cửa.(*)
Cha
tôi nói; đó là truyền thống đạo đức của người Việt mình con ạ. “Tôn Sư Trọng Đạo”
Người học trò biết giữ cái lễ với Thầy, người Thầy biết giữ cái lòng tự trọng của
mình, với cả những người làm quan, có chức có quyền.
Như
Linh Mục Tùng, Thầy của con, khi nhận được chiếc áo mới, Thầy biết là mình rất
cần, vì cái áo cũ rách quá rồi. Tự trong thâm tâm Thầy con rất cám ơn, nhưng
không tỏ ra biết ơn một cách quá vồ vập. Vì lòng tự trọng của một người thầy
giáo nghèo.
Một
người nghèo mà quá vui mừng khi được một cái áo mới thì tỏ ra là mình đang thèm
muốn cái áo đó lắm. Một ông thầy tự trọng thì dù mặc cái áo cũ hay áo mới cũng
không coi là quan trọng. Ai cho áo mới thì cảm ơn, nhưng không vồn vã quá. Bây
giờ các con còn nhỏ, nếu không được giáo dục như thế, khi lớn lên con không thể
nào trở thành một người cha, người mẹ tốt trong gia đình và một người công dân
tốt cho xã hội được.
Bây
giờ thì cả cha mẹ tôi và Thầy Tùng, vị linh mục khả kính của tôi đã qua đời.
Tôi đã thay vào chỗ của cha mẹ, đến lượt đưa con tới trường. Rồi các con tôi lại
đưa con của chúng tới trường. Chúng tôi cùng cố gắng dạy cho trẻ nhỏ biết kính
trọng thầy cô như chính chúng tôi cũng biết kính trọng những người dậy dỗ con
cháu mình, vì cái gương đẹp nhất bao giờ cũng từ cha mẹ.
Ơn cha nghĩa mẹ công thầy
Ở
sao cho xứng phận này làm con.
Câu
thơ trên tôi được học từ nhỏ, vẫn nhớ tới bây giờ. (Trần Mộng
Tú)
(*) Phỏng theo Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ngày xưa