Friday, March 9, 2018

Nối Vòng Tay Lớn


 Sáng nay trời mưa nhỏ nhưng lạnh và mây phủ âm u, tôi ngại không dám đi Lễ buổi sáng thường ngày, vì nghĩ phải đi bộ qua cái bãi đậu xe rộng để vào trong nhà thờ dễ bị cảm lạnh, tôi tới bàn thờ Đức Mẹ dâng lời cầu bình an cho một ngày rồi đi pha một bình trà cúc nhâm nhi, mở máy ra đọc tin tức. Mở trang mạng BBC mới biết hôm nay là ngày mồng 8 tháng 3, ngày Phụ Nữ Quốc Tế, nhưng ở Mỹ, hàng xóm chung quanh thấy chẳng ai để ý trong khi ở Việt Nam đang ăn mừng, cho biết hoa hồng đã lên giá vượt mức bình thường.
Tôi đọc được những tiểu đề trên trang mạng BBC như:

Ngày mồng 8 tháng 3 của những phụ nữ bị mất đất
Cùng BBC thăm USS Carl Vinson ngoài biển khơi Đà Nẵng
Không để quá khứ đè bóng lên hiện tại và tương lai
Nối Vòng Tay Lớn với ban nhạc Hạm Đội 7
Phi Công Việt Mỹ-Kẻ thù xưa, anh em nay.

Trong những tiểu đề này, tôi chú ý nhất là dòng chữ Nối Vòng Tay Lớn với ban nhạc Hạm Đội 7

Tôi bỏ nước ra đi theo nhiệm sở vào ngày 21/4/75 nên không có cơ hội chứng kiến những hoảng loạn đau thương của ngày 30/4  hôm đó. Tôi nhớ, mình đã nhắm mắt lại và nghe radio của ai đó mở ra ở trong trại tỵ nạn, tôi cũng hình dung ra được một thành phố đang đổi chủ như thế nào. Ông anh họ tôi người bị kẹt lại, sau này sang định cư ở Mỹ, đã kể cho tôi nghe về cái giây phút lịch sử đó: Có lửa của những đám cháy, có máu của người dân và quân nhân VNCH, có tiếng súng nổ khắp nơi, có tiếng kêu khóc và có tiếng hát vui mừng. Bài hát “Nối Vòng Tay Lớn” được chính Trịnh Công Sơn và những người bạn theo Cộng Sản của anh mang đàn đến hát ở đài phát thanh ngay sau khi chính phủ mới đọc bản đầu hàng của tướng Dương văn Minh.
Ông anh kể lại trong giọng nói đầy đau đớn và uất hận về một nhạc sĩ thần tượng của những người tuổi trẻ sinh viên,học sinh Việt Nam vào thời điểm ấy.
'Nối vòng tay lớn' được cho là sáng tác vào khoảng năm 1968, và được hát lần đầu vào năm 1970.
Văn bản bài hát được in trong nhạc tập Kinh Việt Nam, ra mắt năm 1970, tập hợp 12 ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, với bìa của họa sĩ Đinh Cường.
Tác giả đã hát ca khúc này, bày tỏ niềm hân hoan khi đất nước thống nhất, vào đúng trưa ngày 30/4/1975 tại Đài phát thanh Sài Gòn khi cuộc chiến Việt Nam đến hồi kết. (trích từ BBC)
Sau hơn 40 năm đất nước thống nhất câu hát Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh, được hát lên bằng giọng hát của các Thủy Quân Mỹ trên Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson với sự phụ họa của dân chúng thành phố Đà Nẵng.
Tôi nhìn hình ảnh trên máy, nghe tiếng hát lơ lớ của một nữ Thủy Quân Mỹ, nhìn những người trẻ Việt Nam tay cầm phone hát phụ họa theo với một cảm xúc pha trộn vào nhau không rõ rệt trong tôi. Những người Việt đang đứng hát đó còn rất trẻ, tôi đoán người nhiều tuổi nhất chắc cũng chưa đến 50 tuổi. Như vậy là họ là những người còn rất bé ở năm 1975 hay mới sanh ra những năm sau đó. Họ yêu nước Việt Nam chắc khác cách yêu nước của cha ông họ (Dù cha ông họ ở phía Quốc Gia hay phía Cộng Sản)
Nếu anh chị xem những tấm hình sinh hoạt trong 4 ngày của những quân nhân Mỹ của hàng không mẫu hạm đó thì anh chị sẽ thấy những khuôn mặt hạnh phúc vô cùng của những người trẻ Việt Nam. Thủy thủ đoàn có 5,800 người và 3,000 người trong số họ đã vào thành phố thăm viếng, vui chơi và làm công tác thiện nguyện. Họ đến những trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam,( Hòa Nhơn,Hòa Vang, Đà Nẵng) trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, vui chơi, đàn hát với các bạn trẻ. Những khuôn mặt của các quân nhân Mỹ đó toát lên một vẻ chân thật, trong sáng và đầy thiện chí. Họ hát tiếng Việt để hòa đồng với người Việt. Rồi ngắm nhìn những khuôn mặt các em ở khu da cam, khu tâm thần và những người trẻ Việt trong thành phố bao vây chung quanh họ, những khuôn mặt rạng người đầy niềm tin vào một sự tốt lành, sự ngay thật.
Có người đã vui quá, ngây thơ thốt lên: sao tầu không đậu lại luôn đi.
Tôi đoán là họ đã không còn bị ám ảnh trong đầu về hai chữ “giặc Mỹ” nữa, không còn nhớ những điều rất “ác” về lính Mỹ mà họ được học từ bé nữa. Họ chỉ nhìn thấy một hình ảnh “Hoành tráng” đầy thiện chí ,đầy từ tâm trên những nét mặt của những người Mỹ này.
Vì hạnh phúc quá họ không đặt câu hỏi đám “giặc  Mỹ” này có phải đang làm công tác dân vận hay không? Họ có đang đóng một vở kịch nào đó hay không? Ca sĩ được tập luyện bài hát cả 2 tháng để hát hò giao lưu hữu nghị đang mang một sứ mệnh gì?
Tôi không muốn nghĩ quá xa thêm nữa. Các báo chí trong nước đang hân hoan ca tụng mối bang giao giữa Việt Nam và Mỹ, cựu đại tá CS Anh Ngọc nói với BBC Tiếng Việt "Quá khứ không thay đổi được, nhưng chúng ta có thể định hình tương lai. Không để quá khứ đè bóng lên hiện tại và tương lai được." Có phải người CS đã và đang yêu giặc Mỹ?
Thế tại sao chẳng có “ông lớn” nào ra đón USS Carl Vinson, ngay cả đến “quan đầu tỉnh” cũng không thấy. Phải chăng họ sợ ông vua Trung Hoa từ xa đang quan sát bằng nét mặt khó chịu.
Khi tôi vào trang mạng Tiền Phong (Cơ quan trung ương của đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tôi thấy ngay một cái tựa rất bắt mắt:
Những bóng hồng trên tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và tiếp theo đó là những hình ảnh các nữ hải quân trong quân phục trắng toát hoặc trong áo thung màu cam đi làm thiện nguyện. Toàn bộ hình ảnh cho thấy cả khách lẫn chủ nhà ai ai cũng rạng rỡ, cũng có nụ cười trên môi. Những nụ cười cho đi và những nụ cười đón nhận.
Nguyên ngày hôm nay tôi cứ xem đi xem lại những tấm hình về sinh hoạt của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và dân chúng trên những trang mạng trong nước, thấy trang nào cũng tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập những nụ cười, những lời ca tụng “giặc Mỹ”.

Với đầu óc của tôi, tôi không thấu đáo được những vấn đề thâm sâu của chính trị, đằng sau con tầu khổng lồ đó sẽ tiếp theo là những diễn tiến gì. Tôi chỉ biết cầu mong cho những thanh niên thiếu nữ này họ được hưởng một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam tốt đẹp an bình thật sự theo nghĩa đúng nhất của nó, để những đôi môi đó khi hát câu:Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh. Thì sẽ hát là: Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam.

Cái vòng Việt Nam cả hơn 50 năm nay đến bây giờ vẫn gẫy ra từng khúc.

tmt
Ngày 9 tháng 3/2018


.