Sunday, August 30, 2015

Vết Thương Nội Chiến



Trên chiếc xe ca đó

nhồi nhét bao con người

đi tìm vùng đất hứa

có đàn ông đàn bà

có người già em bé

xác thân đã nẫu chín

thành nước và bốc hơi

ứa ra cùng hy vọng

nhỏ giọt xuống mặt đường

giọt chảy như giọt lệ

ướt sũng thềm lưu vong



Như những tảng băng đen

lênh đênh Địa Trung Hải

gần năm trăm con người

và năm mươi xác thối

ôm nhau kéo lên bờ



Em bé Syria

em chết như cá chết

xác nằm như cá ươn

tôi nghe mà nhỏ lệ

tôi nghe mà xót thương



những thân xác da đen

nhuộm đen vùng biển mặn

cánh tay nào giơ lên

vẫy vào bờ tuyệt vọng



Tôi cũng có lịch sử

của dân tộc lưu vong

có trăm ngàn xác trôi

theo con tàu đã đắm

tôi cũng có mẹ cha

kéo lê đường biên giới

tôi cũng có người con

sống biệt tăm dấu vết



Tôi cũng có nội chiến

đồng chủng bắn giết nhau

đạn bom như đồ chơi

chiến tranh như hoạt họa

bốn mươi năm đã qua

tiếng đạn bom đã ngưng

máu vẫn còn rỉ rả



Ôi em bé Syria

em chết như cá chết

nằm ươn trên bến người



Ôi bà mẹ Syria

bà chết như gia súc

nằm toi trong xe ca



Ôi tất cả chúng ta

người chết và kẻ sống

mang một kiếp lưu vong

trừng mắt trong đêm đen

nhìn vết thương nội chiến.


Tháng 8/30/2015- 

(*) Nguồn trên mạng-Syria bước vào năm thứ năm của cuộc nội chiến. Từ tháng 3-2011 đến tháng 1-2015, Liên Hiệp Quốc phỏng định có 220,000.người bị giết.

Wednesday, August 26, 2015

CỐI XAY CỦA MỘT THỜI

     
 Tuần trước, một người bạn văn gửi cho nghe một bản nhạc Pháp “Les Moulins de Mon Coeur” Nhạc và lời của Michel Legrand & Eddy Marny (1968) với giọng hát tuyệt vời của Frida Boccara. 

Bài hát làm nhớ đến Lettres de mon Moulin của Alphonse Daudet mà ở lứa tuổi chúng tôi hầu như ai cũng đọc một lần, nếu không bằng bản tiếng Pháp thì cũng qua bản dịch tiếng Việt. “Thư viết từ cối xay gió” là những truyện ngắn được viết từ cái cối xay gió tác giả mua về nên những hình ảnh thiên nhiên như cánh đồng xanh, bầu trời đầy sao, ông già nuôi dê, cậu bé chăn cừu say mê cô chủ và sự níu kéo của bác nông phu với cái cối xay cuối cùng cho tới khi các máy xay bằng hơi tới thay thế. 

 
Văn chương hiền hậu, giản dị, trong sáng nhưng đầy thơ mộng của tác giả không hề bị mai một với thời gian.

Hình ảnh cái cối xay gió trên bầu trời hay cối xay nước ở một cái hồ nhỏ của những vùng quê nước Pháp trong sách, làm cho tôi luôn luôn mơ tưởng đến một vùng trời rất xa xôi đó và đối với tôi bao giờ cũng là một hình ảnh đầy thơ mộng và lãng mạn. Bây giờ mỗi khi đi du lịch được nhìn những cối xay gió hay cối xay nước tôi có cảm tưởng nhìn thấy một đoạn nào đó trong tuổi 15, 17 của mình.
 
Cái đoạn tuổi thơ đó gắn liền với đoạn tuổi thơ (bé hơn nữa) của tôi ở quê nhà. Khi  cha mẹ chúng tôi mang các con chạy loạn về quê ngoại ở Thái Bình. Cái cối giã gạo đối với tôi là một hình ảnh rất đáng nhớ và được nhớ rõ rệt nhất. Các cô gái quê (lúc đó tôi phải gọi là chị) giã gạo trên một cái cối đá. 


Sau khi thóc được xay bằng cối xay xong được chuyển sang cối giã gạo bằng đá.       Cô đứng trên một cái chày gỗ rất dài. Cô đứng lui về phía sau một chút, phía trước là đầu chày nặng giã xuống một cái cối đá, được đặt xâu dưới đất, cô giơ tay nắm vào một sợi giây phía bên trên mái nhà thả xuống và nhún nhảy nhẹ nhàng, nhịp chày hạ xuống. Cô giã cho đến khi hạt gạo trắng ngần. Ở quê, không phải nhà nào cũng có cối giã gạo như vậy. Phải khá giả một chút, phải có nhà ba gian, có gian để thóc, gạo, mới có chỗ cho một cái cối như vậy. Nhà có cối đôi khi hàng xóm không có, mang gạo sang giã nhờ. 

Khi lớn lên, hồi tưởng lại hình ảnh một anh nông phu nghèo, mang gạo sang giã nhờ ở nhà cô thôn nữ trong ngôi nhà ba gian đó. Bao nhiêu hạt ái tình đã được giã, được xay thành hôn nhân! Hay cứ xay, cứ giã hoài mà cuối cùng hạt gạo ái tình về tay người khác.


Một cô bạn trẻ không thích gọi Moulin là Cối. Cô cho cái âm “cối” không được thanh tao, cô nói:
 Em chỉ gọi là quạt xay gió hay quạt xay nước thôi, cối là một âm thanh không đẹp ! không ưa chữ cối ! ghét nón cối, súng cối ! ghét cãi cối cãi chày, ghét Tần Cối !

 Cô ghét chữ cối nên ghét luôn bài thơ có tựa “Cái Cối Xay Trong Trái Tim em”.

Trái tim em có một chiếc cối xay
nó cứ lăn hoài những vòng tròn nhỏ
không có nước cũng chẳng mang theo gió
nên bánh xe lăn vào một cõi không

Cối xay gió quay hoài trên bầu trời
quay giải mây giọt nắng quấn vào nhau
quay thời gian nên sợi tóc thay màu
em chẳng biết làm sao mà ngăn được

Cối xay nước ai đi không ngoái lại
để những then gỗ mòn lên sắc rêu
bánh xe quay như kéo xuống buổi chiều
tiếng động thời gian làm xao mặt nước

Trái tim em có chiếc cối vô hình
vẫn xay mãi vòng ái tình ngày ấy
gió và nước có khi còn dừng lại
nhưng trái tim xay nhịp vẫn nồng nàn. (tmt)

Tiếng quạt với tôi trong những vật dụng này chẳng gợi lên một hình ảnh nào cả. Có thể may ra (chỉ may ra thôi) nó phù hợp với những bài văn của Alphonse Daudet, nhưng không thể thay cho cái cối giã gạo, cối xay thóc được. Nhất là lại đi cạnh chữ XAY
Trong Ca Dao Việt Nam, cái cối là một vật dụng rất thân thiết với dân quê.
Cám ơn cái cối cái chày
Sáng khuya giã gạo có mày có tao
Cám ơn cái cọc cầu ao
Sớm khuya vo gạo có tao có mày

Thi sĩ Kiên Giang cũng mang cả gạo giã bằng cối vào thơ

Lâu quá con thèm ăn gạo giã
Thèm mùi sữa ngọt sữa con so
Thèm đêm trăng sáng chày khua cối
Làm rụng hằng nga xuống vũng thơ.


Bây giờ dù đã lớn tuổi, được bạn gửi cho nghe Les Moulins de mon coeur, với những câu cuối của bài hát:
Giống như viên sỏi nhỏ ai ném trên mặt con suối /Và để lại đằng sau ngàn chiếc vòng tròn loang theo giòng nước chảy/ Với mỗi lần gió bốn mùa thay đổi/ Anh đã làm quay tất cả các cối xay trong tim em với tên anh.(*)

 Nghe câu hát như thế, làm sao mà trái tim không xay những nhịp nồng nàn. Những cái cối xay gió, xay nước, xay gạo bỗng mờ đi tất cả, chỉ còn lại một chiếc cối vô hình trong trái tim.

 Tháng 8/2015

(*) Une pierre que l´on jette/Dans l´eau vive d´un ruisseau /Et qui laisse derrière elle/Des milliers de ronds dans l´eau/Au vent des quatre saisons/Tu fais tourner de ton nom/Tous les moulins de mon cœur.



Tuesday, August 25, 2015

Cối Xay Trong Tim Em

(Gửi Minh,Vũ, Dung, Hằng)
 
Trái tim em có một chiếc cối xay
nó cứ lăn hoài những vòng tròn nhỏ
không có nước cũng chẳng mang theo gió
nên bánh xe lăn vào một cõi không
 
Cối xay gió quay hoài trên bầu trời
quay giải mây giọt nắng quấn vào nhau
quay thời gian nên sợi tóc thay màu
em chẳng biết làm sao mà ngăn được
 
Cối xay nước ai đi không ngoái lại
để những then gỗ mòn lên sắc rêu
bánh xe quay như kéo xuống buổi chiều
tiếng động thời gian làm xao mặt nước
 
Trái tim em có chiếc cối vô hình
vẫn xay mãi vòng ái tình ngày ấy
gió và nước có khi còn dừng lại
nhưng trái tim xay nhịp vẫn nồng nàn.
 
 
8/23/2015

Thursday, August 20, 2015

CẠN TÀU RÁO MÁNG

 
Tuy vườn sau nhà tôi ở hướng tây, mùa hè nóng thế mà góc vườn vẫn không đến nỗi nào, nhờ có vách tường đá dựng cao và cây mộc lan cổ thụ với những tán lá rộng che kín hai phần ba khu vườn. Chim, thỏ, sóc và nai vẫn tìm đến mỗi ngày. Nhất là nai, sáng sớm chim chưa kịp hót, người chưa ai dậy đã nghe tiếng chân nai bước lạo xạo trên đá sỏi. Chúng vào tìm ăn những nụ hồng.

Hè năm nay tự nhiên xuất hiện một vị khách không mời, lạ hoắc.Vị khách này làm chim, sóc và thỏ phải chạy xa, trừ nai. Đó là một con chuột núi.

Gọi nó là chuột núi vì một buổi sáng từ trong bếp ngó ra vườn sau, giữa khe của những phiến đá tôi thấy nó chui ra. Nó không lớn lắm, chỉ bằng một quả dưa chuột, (hóa ra dưa chuột bằng nó chứ không phải nó bằng dưa.) Khi nó xuất hiện mấy con thỏ, con sóc tự nhiên không thấy nữa. Cái máng thức ăn treo trên cành mộc lan cho chim, đôi khi gió đung đưa hoặc chim ăn làm vung vãi xuống gốc, thỏ hay sóc thường tới ăn. Khi nó chạy ra chạy vào thì sóc và thỏ không còn dám bén mảng, cái màu lông đen nhánh của nó đã làm mấy chú này phát sợ. Nó đặc quyền ăn hết những hạt ngũ cốc rơi xuống.

Nó chạy rất nhanh, chỉ nghe tiếng tôi kéo cánh cửa ra vườn là nó phóng ngay vào một cái khe giữa hai vách đá gần nhất.

A, hôm nay thật lạ, ở trong phòng ăn nhìn qua khung cửa kính, tôi thấy nó đang chễm chệ ngồi trên cái máng ăn của chim, chúi cái mỏ vào, hì hục ăn, trông thật là xấu. Nó làm tôi liên tưởng ngay đến sự so sánh với cách ăn rất thong thả của chim, những con chim cúi xuống, mổ đôi ba hạt, lại ngửng lên, nghiêng nghiêng cái đầu chíp chíp gọi bạn tới chia xẻ. Mới nên thơ làm sao!

Con chuột hôm nay, không thèm đợi thức ăn rơi xuống gốc cây nữa. Thấy mà hoảng! Tôi gọi chồng ơi ới, ra mà xem con chuột tinh khôn này. Làm sao mà nó lên đây được. Nó làm tôi liên tưởng đến những ông Làng, ông Xã ở thôn quê ngày trước. Bắt đầu còn lấn loanh quanh vòng ngoài thửa ruộng, rìa đất của dân nghèo, dần dần chiếm luôn cánh đồng, chiếm luôn cả vườn đất hương hỏa mấy đời của cha ông người ta để lại. Cái cách nó hì hục ăn ngũ cốc của chim chẳng khác chi các ông to bà lớn ngày nay ở quê nhà, khi đã ăn được của dân, là ăn cho cạn tàu, ráo máng.

Chúng tôi đập tay vào khung kính cửa sổ gây tiếng động, nó chạy thoắt ngược lên sợi giây thép treo cái máng, chuyền sang cành, chạy ra thân cây, tuột xuống thật nhanh, phóng ngay vào một cái khe đá.
Tôi nói:
-     Anh đặt cho em cái bẫy, em không muốn nó ăn thức ăn của chim và em muốn mấy con sóc, con thỏ hiền lành của em trở lại vườn.
Chồng tôi đi tìm cái bẫy, anh đặt một miếng pho-mai vào trong bẫy, đặt ngay dưới chân vách đá. Tôi hỏi thật kỹ liệu nhỡ thỏ và sóc chui vào có chết không? Anh nói chỉ bắt thôi, nghĩa là chui vào không chui ra được. Như thế mình có thể thả ra hoặc mang đi nơi khác. Tôi yên tâm. Chờ mãi không thấy con chuột núi chui vào bẫy, thỏ sóc vẫn chưa dám tìm đường về. Điều giận là con chuột không coi tôi ra gì cả, vẫn thỉnh thoảng nó chễm chệ ngồi trên cái máng thức ăn của chim. Chim không dám về nữa. Bây giờ một mình nó làm chủ khu vườn.

Cả khu vườn vắng bặt tiếng chim ca.

Tôi bàn với chồng nên dùng mồi khác. Anh không những dùng mồi khác, anh còn dùng bẫy khác. Cái bẫy này nhỏ hơn, nhưng không phải cái lồng như bẫy cũ mà là cái bẫy mở, đặt miếng mồi có ngũ cốc trộn với bơ đậu phộng (peanut butter) vào giữa bẫy. Con vật nào mà bước vào, chạm tới miếng mồi, thì cái bẫy sẽ xập xuống, hai cái chân hoặc cái đầu sẽ bị giữ lại. Cái bẫy này bằng gỗ mỏng, cái lò so để xập xuống cũng rất đơn sơ. Nó sẽ không chết, nhưng không ra được nếu không có ai gỡ nó ra. Cái bẫy này cốt không tổn thương đến con vật.

Tôi hạ cái máng thức ăn của chim xuống, chỉ còn một chút hạt ngũ cốc vương lại. Tôi vứt cái máng vào thùng rác. Sẽ thay cái máng mới cho chim vì đoán là mùi chuột không thôi, cũng đủ làm chim sợ, không dám trở về vườn cũ.

Chúng tôi chờ hai,ba, ngày chưa thấy con chuột sập bẫy, cứ hồi hộp chỉ sợ sóc hay thỏ bị nạn.

Đến ngày thứ năm, cái bẫy mất tích. Chúng tôi đi tìm chung quanh vườn, không thấy đâu cả. Leo lên đồi, ra sau bức tường, nhìn vào những bụi lau, bụi hoa dại, bụi dâu đen (black berry), đi suốt dọc con đường mòn trên đỉnh đồi không hề tìm ra cái bẫy.

Cả tuần kế tiếp không thấy cái quả dưa chuột đen thui xuất hiện. Thỏ, sóc vẫn chưa thấy trở lại. Tôi với chồng tôi cứ đặt ra bao nhiêu giả thuyết: con nào sập bẫy rồi lôi cả cái bẫy đi? Tôi chắc chỉ là con chuột, vì chỉ có con chuột tinh quái mới biết lôi cái bẫy, sóc hay thỏ hiền lắm, chúng sẽ mắc kẹt luôn ở đó cho tới khi được giải cứu.Vậy con chuột lôi cái bẫy đi tới đâu, xa tới thế nào mà chúng tôi tìm không ra?
Sáng sáng, trưa trưa, lại chiều. Khi rảnh rỗi, tôi nhìn ra vách đá, nhìn suốt chiều dài bức tường, nhìn ở gốc cây mộc lan, nhìn dưới chân chậu cúc trắng. Mong như mong một người đi xa về.Tuyệt nhiên, không thấy cái màu lông đen bóng trên thân hình như quả dưa chuột xuất hiện nữa. Nó đi đâu? Những con thỏ, con sóc đã mon men tìm về vườn, chim đã bắt đầu đập cánh, ríu rít gọi nhau trên cành. Đó là dấu hiệu con chuột đã bỏ đi thật xa. Nó đi xa với cái bẫy trên người?

Nó đi đâu? Chắc chắn nó phải mang theo cái bẫy. Hai chân trước hay cái đầu vướng trong bẫy mà nó vẫn lôi đi đến một nơi nào xa tới nỗi chúng tôi không tìm được thì nó giỏi lắm. Tôi hình dung ra nó mang theo cái bẫy đi giật lùi, vì đầu và hai chân trước bị kẹt trong bẫy, đi tìm đồng loại ở một nơi nào đó. Chuột là loài gậm nhấm hay lắm, nếu chúng thông minh, xúm vào gậm rách miếng gỗ mỏng, có thể cái bẫy sẽ bung ra, bạn chuột sẽ cứu được nửa thân mình nó ra khỏi bẫy. Hay nó là một con chuột ở trong một nhóm chuyên phản bội nhau, nên không cứu nó, nó phải đi tìm một cái hốc nào trong bụi rậm, chui vào đó, rồi chết mỏi mòn vì đói.

Tôi thật sự không muốn nó chết, chỉ không muốn nó xuất hiện ở nơi không thuộc về nó, làm những con thú hiền lành như chim, thỏ, sóc sợ hãi phải bỏ khu vườn mà đi.

Bây giờ tôi chỉ muốn nghĩ một đoạn kết tốt đẹp về con chuột núi này, như nó là một con chuột khôn ngoan, đã tìm được cách thoát khỏi cái bẫy, biết hối hận và bỏ đi thật xa. Nó đủ thông minh để hiểu rằng khu vườn này là của muông chim, của thỏ hoang và sóc, nó không nên quay trở lại.

Đất đai này, cây cỏ này, thực phẩm này, chưa hề là của chuột bao giờ. Nó không nên bắt chước loài người, kẻo phải trả cái giá cho sự chiếm đoạt những cái gì không thuộc về mình.

Tháng 8/12/15

Thursday, August 6, 2015

NẮNG

 

Nắng nơi đây từ tháng sáu kéo sang tháng tám vẫn chưa tan
mặt đất cong mình không làm sao duỗi thẳng ra được
dòng sông cau mặt vì con nước không trôi
tiếng cỏ khô giẫm dưới bàn chân nghe như tiếng ho bật ra từ cổ họng của người đàn ông luống tuổi
mưa không về qua đây mái ngói khan tiếng gọi thỏ sóc ngồi nhìn nhau chẳng con nào muốn trả lời
cái máng thức ăn của chim cạn bàn tay ai quên tiếp nên chim cũng không về
những bông hồng chưa kịp nở búp đã khô như đầu cây bút chì vẽ những vệt xám trong vườn
mấy con nai bỏ rừng đi lang thang kiếm nước uống chúng băng ngang con đường vào xóm 
quên cả nghiêng đầu ngơ ngác dáng xưa
nắng như những nắm sỏi lăn trên vai rơi vào lồng ngực trái tim rạn như thủy tinh
ai vừa nướng xong miếng buổi chiều chín rụm trên những mảnh than hồng.

Ở quê nhà nắng còn hung hãn hơn nữa
nắng làm khô tình người nên chẳng ai còn yêu nhau cả thành phố đều giấu nụ cười dưới khẩu trang
nắng làm gẫy cả những cây cầu vạm vỡ vai cầu rơi như những cánh tay thõng xuống không buồn nắm
nắng chạy ra biển làm bể toang những thân tàu ngư nhân bập bềnh trôi theo cá không người vớt
nắng phơi khô những em bé ngoài bãi rác chẳng phân biệt được đâu là rác đâu là em
nắng đến nỗi những người con gái chạy sang nước ngoài với rất ít quần áo trên thân thể
nắng làm những giọt mồ hôi trên mặt trên cổ người dân đôi khi có màu đỏ nên hay nhầm với máu
nắng làm trôi hết son phấn trên khuôn mặt của những nghệ sĩ đang diễn tuồng trên sân khấu lộ thiên

người ta hốt hoảng bảo nhau cả trái đất đang bị hâm nóng 
cây xanh hàng loạt tàn héo mặt trăng rồi cũng sẽ thay màu

em không biết chạy về hướng nào với trái tim đông lạnh.


Tháng 8, ngày 5/2015

Sunday, August 2, 2015

Tôi cúi xuống hồn tôi


















Tôi đi trên đường nhỏ
trong xóm trăng đi theo
hỏi trăng già chưa nhỉ
theo từ đâu tới đây
thỉnh thoảng đôi ta gặp
gặp rồi lại phân ly
mỗi người về một ngả
mất nhau giữa xuân thì
cả hai đi vô định
xuống dốc lại trèo lên
trong hai bàn tay nhỏ
những mảnh trăng rất gầy
tôi ném từng mảnh lại
trên mỗi bước chân in
mảnh tan mảnh bay mất
mảnh vướng vào trái tim
ngước mặt nhìn trăng hỏi
có phải đã cùng tôi
đi qua bao khu rừng
đi qua bao cánh đồng
từ quê yêu dấu đó
từ bên kia dòng sông
từ bên kia dãy núi
vẫn thủy chung không rời

tôi cúi xuống hồn tôi
nhặt mảnh trăng vừa vỡ
mảnh trăng nhòe trên tay
hạt lệ vàng nức nở.


Tháng 7/30/2015