Tuesday, December 27, 2016

Tìm mình

                   

Sáng thức dậy thấy mình cổ thụ
gỗ thời gian tặng những đường vân
đếm gượng nhẹ từng vòng huyễn hoặc
có buồn vui có chút bâng khuâng
Sáng thức dậy thấy mình như cá
bao biển hồ vẫn ngược vũ môn
thân mỏng manh xá gì sóng dữ
biển xưa ơi vỗ mãi trong hồn
Sáng thức dậy thấy mình như chữ
viết hoài không kín một trang đời
chữ có đêm như ngàn hạt lệ
chữ có ngày khẽ bật tiếng cười
Sáng thức dậy tìm mình ngơ ngác
cái thân có thực hay là mơ
ô hay mấy chục năm lâu thế
làm sao vẫn lạc giữa trang thơ.

Tháng 12/19/2016
tmt

Monday, December 19, 2016

Sunday, December 18, 2016

BÙI BẢO TRÚC, tài hoa và lận đận



Chàng nhìn theo cái lưng của người bạn trẻ khi cánh cửa buồng khép lại. Chàng rơi vào một sự im lặng hoàn toàn. Khép nhẹ cặp mắt nghe râm ran thân thể, những  lóng xương như đang rên rỉ quanh mình.

Hãy gõ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?

Cánh cửa không nhớ chàng nhưng chàng nhớ cánh cửa. Hôm nay bỗng dưng cả ngôi nhà thân yêu trên quê cũ hiện về trong trí nhớ chàng. Nơi chàng sống đời trai trẻ cùng với những đứa con bé bỏng. Nơi chàng đêm đêm trở về rón rén lên từng bậc cầu thang, nghe tiếng con thở, ngửi được cả mùi thân quen của chúng bay ra.

Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ
Ta vẫn thường rón rén tối về khuya
Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây

Căn nhà mà nhắm mắt lại chàng cũng nhớ chỗ nào là kệ sách, chỗ nào để cái ghế, kê cái bàn viết, mà đêm đêm chàng hay thức dậy viết lăng nhăng. Rồi căn bếp, bể nước mưa, cái máng nước, cây trứng cá và những mảng đêm. Chao ôi cái đêm cuối cùng đó, chàng nhớ, mình nằm ngó lên trần nhà nước mắt rưng rưng, nghĩ tới việc bỏ đi:

Đêm còn tối trên tàn cây trứng cá
Ta phải đi, buổi sáng sắp lên
Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ
Đường sá xác xơ, thành phố cũng thay tên.

 Chàng bây giờ nằm đây, ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn chút nắng yếu ớt bên ngoài. Cô đơn hoàn toàn phủ chụp lấy chàng. Trong nỗi cô đơn này chàng có sự tự do để đầu óc mình tưởng tượng, mình trở về quá khứ, về con phố ngoài kia.

Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn

Chàng bỗng nhớ tới tất cả những người thân yêu đã đi qua đời chàng, những đứa con, những người tình, những người bạn. Họ bỏ chàng đi đâu hết rồi. Chàng tự trách mình :“ Ta phụ người hay người đã phụ ta”

Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly

Rồi chàng thầm thì ao ước: 

Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.

Người đàn ông đang trong cơn vật vã với tử sinh, tác giả của những câu thơ nhẹ nhàng tràn ngập cảm xúc đó, chính là Bùi Bảo Trúc.

Bùi Bảo Trúc, một đời người với chữ nghĩa. Ở nơi nào anh tới, có truyền thanh, truyền hình, báo chí là có anh cộng tác. Những bài viết của anh được độc giả ưa chuộng tìm đọc nhiều nhất dưới tựa đề “Thư gửi Bạn Ta” Anh viết rất xâu sắc, thông thái, chua chát với đời sống, cười cợt với con người, mắng mỏ kẻ ác, chế diễu Cộng Sản trong suốt bao nhiêu thập niên tung hoành trên báo giấy rồi đến những trang mạng. Chưa có ai viết như anh. Chưa có ai mỗi khi viết, gửi vào bài viết những lầu thông kim cổ như anh. Văn Học Tây Phương, Đông Phương anh thu thập và nhớ rất nhiều. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể mang ra chứng minh trong những bài viết của mình. Độc giả thích thú theo dõi những bài anh viết.

Nhà văn Mai Thảo thủa còn sinh tiền, mỗi khi mở tờ báo ra, tìm bài của Bùi Bảo Trúc đọc trước tiên.

Bùi Bảo Trúc có một đời sống nhiều thay đổi, anh như ngựa chạy đường trường, không dừng vó lâu được. Cũng có thể anh là một con ngựa chướng, cần một “Nài” giỏi mà anh chưa may mắn gặp, nên cuối đời của anh không được vui.

Chúng ta đọc Thơ anh, đọc những bài viết cho “Thư Gửi Bạn Ta” Chúng ta dễ dàng nhận ra lòng thù ghét Cộng Sản của anh, nhận ra tình yêu quê hương, yêu đất nước Việt Nam của anh. Anh gửi tình yêu đó vào những câu thơ trong bài



Hôm nay người đàn ông tài hoa và lận đận đó đã từ giã quá khứ của mình, từ giã những bài Thơ, những bài tạp ghi để đi về một chốn xa xôi nào đó, nhưng anh vẫn chưa về lại được cố hương một lần như lòng anh mong mỏi.

tmt
12/17/2016
(Tất cả Thơ trong bài của BBT)


Văn Hóa Tốt Đẹp



Bà Hishako ngồi trong một chiếc ghế khá to, chung quanh thân hình mỏng manh, bé tí, của bà bao nhiêu là gối, chăn, chèn, chắn để những cái xương của bà được bọc êm ái không chạm vào thành ghế cứng. Bà nhìn qua khung cửa kính, mảnh vườn nhỏ cuối thu ngoài kia đã bắt đầu trống trải, xơ xác, lá rụng hết rồi. Những cái cành khẳng khiu vươn ra như những cánh tay gầy không mặc áo, chúng đang chờ mùa đông tới.

Ông Kentaro chồng bà, ngồi trên một chiếc xe lăn, không xa bà mấy. Tóc ông rụng gần hết, mấy sợi còn lại trắng như cước dính sát vào da đầu. Cái kính ông đeo trễ xuống chỏm mũi, ông cũng chẳng cần sửa lại. Ngoài kia có cái gì đáng ngắm đâu.

Mùa thu đã hết, ông lẩm bẩm trong miệng. Bà không nghe thấy, mà thật ra bà cũng chẳng để ý, ông nói đến lần thứ ba, bà mới nghe rõ, bà chỉ gật đầu đáp lại.

Mùa thu đã hết, mùa phơi hồng cũng chấm đứt. Bà mơ màng nhớ lại thời trẻ của hai ông bà. Chao ôi sao mà đẹp thế. Ông bà có vất vả thật. Hết làm ruộng đến trồng rau, qua làm rau thì đến đợt phơi hồng. Làm ruộng thì nhà cũng chỉ có ba sào, trồng rau thì khoảng ba mươi chiếu (*), hồng thì nhà có năm cây cổ thụ, mỗi cây cho từ hai trăm tới ba trăm  trái. Ông bà có việc làm quanh năm, nhờ thế mới có tiền cho ba đứa con ăn học. Bà nhớ hồi nhỏ các con cũng phụ với ông bà xếp những trái hồng đã phơi khô vào thùng để bỏ mối. Nói đến hồng bà lại nhớ hình ảnh ông lúc còn khỏe, còn trẻ, một ngày ông hái cả ngàn quả hồng và ông luôn luôn nhớ không bao giờ hái hết, phải chừa lại một ít quả trên cây như một niềm tin cần thiết cho mùa thu hoạch năm tới được tốt đẹp, (người Nhật gọi là Kimorigaki) và để cho những chú chim ruồi mejiro có thức ăn trong mùa đông nữa. Bà nhớ là khi hai vợ chồng làm ruộng hay trồng rau, luôn luôn phải để dành một luống không gặt hết lúa, không cắt hết rau cho những con chim, con chuột đồng, con sâu, cái kiến được no lòng. Ngay cả những thân cây khô, những đống củi cũng là nơi trú ẩn cho những sinh vật nhỏ bé như con ong, con sâu, ông bà cũng không bao giờ nỡ đuổi chúng đi.
 Cái văn hóa tốt đẹp này của người Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ.



Bây giờ ông 88 tuổi rồi, bà kém ông 3 tuổi. Cả hai cùng mong manh yếu đuối. Kết quả của mấy chục năm làm việc đồng áng trong nắng, trong tuyết, bốn bàn tay gầy guộc co quắp lại. Cả hai ông bà không còn cầm được cái gì cho vững chắc trên tay nữa, di chuyển cũng trên cái ghế có bánh xe.
 Ba người con lên tỉnh học, lập gia đình rồi ở lại. Họ không thể về quê sống, vì không có công việc thích hợp với những chuyên môn kiến thức của họ. Họ cũng không mang ông bà đi được vì nhà cửa ở tỉnh chật hẹp và đắt đỏ. Ông bà vẫn sống trong căn nhà của sáu mươi năm về trước, ngôi nhà từ hồi ông bà lấy nhau. Các con có sắm sửa một ít đồ đạc cho tiện nghi đời sống như tủ lạnh và máy giặt, bếp điện. Đấy là từ mười năm về trước khi ông bà còn tự chăm sóc cho mình được. Bây giờ thì phải có người để dùng những đồ đạc tiện nghi và văn minh đó.
Con cái những ngày lễ, ngày nghỉ phép thay nhau thỉnh thoảng về thăm, ở một vài ngày rồi đi. Mấy đứa cháu chơi với ông bà vài ngày cũng chán vì nhà và vườn không còn gì hấp dẫn khi không có người săn sóc và ông bà càng ngày càng chậm, đi không vững, nghe không rõ. Ba người con cùng thương cha mẹ nhưng họ không biết làm gì khác hơn. Họ cũng có thuê người mang thức ăn tới, nhưng lại không đủ tiền mướn một người làm tất cả các việc lặt vặt và ở luôn trong nhà. Cuối cùng họ chung nhau tiền mua cho ông bà một anh Carebot.
Anh Carebot này rất giỏi, anh làm gần như đủ mọi việc, anh có thể bế ông bà từ ghế vào giường, từ giường vào nhà tắm. Anh biết sửa soạn bữa ăn cho ông bà, miễn là trong tủ lạnh hay trên kệ có sẵn thức ăn đã nấu hay đồ hộp.
Bà Hishako và ông Kentaro mới đầu buồn tủi lắm, khi thấy mình được (hay bị) săn sóc bằng người máy, nhưng dần dần họ phải miễn cưỡng chấp nhận thôi. Ngoài thức ăn một tuần hai lần có người giao tới nhà, bỏ tủ lạnh cho. Tất cả các công việc khác từ hâm nóng thức ăn, bế vào giường, làm vệ sinh nhà cửa, giúp giặt giũ, tắm rửa hoàn toàn trông vào Carebot.