Cảm Nghĩ Bạn Đọc

Hồ Đình Nghiêm:  THƯ CHO CHỊ TRẦN MỘNG TÚ

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017


Nhà thơ nhà văn Trần Mộng Tú (Ảnh:Uyên Nguyên)

Theo cách hiểu nông cạn của tôi, mộng tú là giấc mơ đẹp. Nhà thơ nữ Trần Mộng Tú đã từng dệt những vần điệu, tạo ra cảnh giới đẹp tựa một giấc mộng nằm ngoài cuộc sống này. Tôi đọc chị đã hơn ba mươi năm, mộng mị cứ thế mãi tiếp diễn và đồ chừng chị đã lần hồi trăn trở, vô tình lấy đi bớt chút ngọt ngào. Muối, hình như là thứ gia vị nằm gần tay chị, khi mặn mà được rắc vào, hơi lỡ tay, kết quả tựu thành là gì? 
Tuỳ tâm cảm của từng cá nhân, ngày ba mươi tháng Tư năm nay, với tôi là một ngày thấm mặn nước mắt. Tôi đọc phải bài “Hành Trình Về Biển” của chị đăng ở diễn đàn Văn Việt đã khiến 30/4 của tôi trở nên đặc biệt hơn mọi lần: Tôi đã khóc! 
Nhận được một món quà, bạn khóc và bạn bần thần suốt cả ngày, dẫu buồn cách mấy bạn cũng phải lắng lòng cám ơn người trao tặng. Tôi xin cảm ơn chị Trần Mộng Tú đã lặn lội đường xa, không quản ngại mang trái tim giàu lòng nhân để bày tỏ một điều thiết thực, rạng ngời hơn cả giấc mơ đẹp.
Thưa chị, tôi là một thuyền nhân lẩn trốn ra đi cùng thời điểm với những chiếc ghe bất hạnh kia.  Tôi ở Huế nên chọn phương Bắc làm chuyến hải hành, năm ngày trên biển cả (không có ngư ông) chỉ có sóng lớn chứ chẳng gặp hải tặc đầy bất trắc và nguy nan như các chuyến ra khơi chùng lén của đồng bào trong Nam. Và trại tỵ nạn ở Kowloon Hong Kong thời điểm 1980 đúng là “thiên đường hạ giới” dành cho bọn boat people vô tổ quốc. Nếu tôi kể ra chi li, e không khéo mà làm phật lòng các anh chị từng khốn khó nắng mưa ở Nam Dương, Mã Lai. Ở phương đó, qua văn phòng Liên Hiệp Quốc, qua Cao Uỷ đặc trách người tỵ nạn, tôi cũng có hay tin thảm trạng của những thuyền nhân xuôi Nam, những phần số bất hạnh, những linh hồn lạc lối… Tôi đã buồn đau, kiểu đồng bệnh tương lân nhưng nước mắt chưa thể tìm tới. Nói có vẻ ích kỷ, tại tôi đang đặt được chân đứng, vừa đi lọt người qua được cánh cửa nhân đạo đang mở. Hong Kong được ví là Cảng Thơm, ngực tôi no căng mùi vị của tự do. Gió mát lồng lộng, bầu trời rộng và mây sao trong xanh đến lạ! Mang thứ tâm lý xét thấy bình thường như vậy nên tôi- nói tội Trời- chẳng quan tâm tới số phận của ai khác. Từ đó đến nay, đếm không xuể những bài viết về thảm cảnh thuyền nhân, nhưng thú thật với chị, dường như bao tinh hoa đã đổ dồn vào trong bài viết của chị. Lại nói một cách hàm hồ: Chị đã “giết tôi không gươm dao”! Tôi buồn lắm chị ạ. Tôi khóc theo những giọt lệ của chị. Và với “tư cách” một đứa thuyền nhân, tôi hổ thẹn khi đọc những gì chị dàn trải. 
Nhà văn nhà thơ Trần Mộng Tú kính mến, đọc một bài thơ hay, người đọc sẽ thầm mang ơn tác giả. Tôi mãi tin những hồn oan phương trời khuất lấp nọ cũng sẽ vơi bớt những nhọc nhằn oan nghiệt khi “nhìn” ra nghĩa cử của chị. Không phải sao, đã có một cánh bướm đen bay chập chờn tiễn chị về lại đất liền như chị viết? Một là đã đủ. Đủ đồng nghĩa với tôn trọng. Cả mấy ngàn con đồng loạt thức giấc thì “căng” quá, khiến người giàu có hảo tâm ngất xỉu thì sẽ là một kết cục chẳng có hậu. 
Nếu ở Seatle, Washington? Nếu nghe chị làm chuyến hành hương (?) về các vùng đảo hoang vu, ắt tôi sẽ xin phép chị cho tôi một vé đi cùng. Tôi là thuyền nhân tốt số, tôi nguyện bày tỏ tấm lòng của bầu đối với bí, để mong sau chuyến đi, nối gót chị, tôi sẽ viết đôi điều sẻ chia. Quý vị lặng lẽ mất đi và tôi luôn nhớ về sự khiếm diện quá cay nghiệt nọ. Giống như chị bày tỏ, quý vị đã viết xuống một trang sử đầy sóng gió, thảm thương. Một trang sử nằm ngoài đất mẹ, cứ chịu rách nát nổi trôi trên sóng vô tình, hằng cửu. 
Tôi chẳng biết nói gì. Chị đã nói thay mấy triệu thuyền nhân xiêu lạc bốn phương trời. Xin cảm ơn chị. Chưa khi nào tôi hiểu, sâu sắc về giá trị của chữ viết do chị vừa mang lại. Tuy lấy đi nước mắt của người đọc nhưng còn đó là những gì lung linh của một giấc mộng, đẹp trong rạn vỡ. Đau trong đằm thắm. Ba mươi tháng Tư năm nay cho tôi gọi thầm tên chị: Trần Mộng Tú. Xa xăm!
Hồ Đình Nghiêm
Montréal, 1 tháng 5.



Trần Mộng Tú nhà văn, nhà thơ, nhà báo với Trần Mộng Tú  ngoài đời chỉ là một. Không như trạng thái phân thân thường  gặp trong giới văn nghệ sĩ sáng tạo, Trần Mộng Tú ngoài đời  cũng luôn luôn hồn nhiên, lãng mạn, vững tin ở cái thiện sẵn có của mọi người, khăng khăng bảo vệ cái đẹp phải có của ngôn ngữ ... Trong một thế giới mà mọi giá trị đều bị nghi ngờ hay đã vong thân, lối nhìn đời nhìn văn của Trần Mộng Tú có cái gì quí giá, mong manh và hiếm hoi vô cùng.

Nguyễn Mộng Giác

Đọc những mẩu chuyện đời do Trần Mộng Tú kể tôi nhớ hồi nhỏ đọc cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, dịch từ tiếng Ý, mỗi lần  đọc lại đều thấy mình phấn khởi cũng muốn trở thành một con  người cao thượng. Trần Mộng Tú chỉ kể ra những chuyện thật đã gặp trong đời. Đọc xong mỗi đoạn chúng ta lại khám phá ra  một nhân loại thật dễ thương, những đức tốt, những tính xấu sống chung với nhau ở trong mỗi người như anh em một gia đình. Nghe xong một chuyện, ta lại cảm thấy mình đáng lẽ  phải tử tế với người chung quanh hơn, cho xứng đáng với tình  yêu thương, lòng tử tế chứa sẵn ở trong loài người, lúc nào cũng chỉ chờ gặp cơ duyên là thức dậy.

Đỗ Quý Toàn  

Văn chương của Trần Mộng Tú phản ánh thật sáng và rõ một  tâm hồn rất nhậy cảm trước những nét đẹp đẽ, tha thiết cũng như xót xa, đau khổ của cuộc sống. Đặc biệt là khi những nét đời ấy được đặt trong khung cảnh của Việt Nam, trong mắt nhìn và trong tấm lòng sóng sánh đầy những thiết tha và nhân ái  của người nhìn ngắm chúng. Có sự trộn lẫn của thực tại với hồi ức, của cuộc đời hằn xé với những mộng tưởng thanh xuân. Có nắng mưa, gió sóng, cùng những bụi bặm, náo động của cuộc đời. Nhưng cũng có, trong những dòng văn chân thật ấy, những khoảng thinh lặng cần thiết và ấm áp của tình người.

Bùi Vĩnh Phúc

Từ bản chất, Trần Mộng Tú là một nhà thơ. Thơ trong cảm xúc, thơ trong suy nghĩ, thơ trong mắt nhìn con người và cuộc đời. Những câu chữ ngắt ra, có khi hợp vần, có khi níu kéo nhau bằng âm điệu, là Thơ đã đành. Những câu chữ viết dài hơn, gọi là văn xuôi, vẫn cứ Thơ. Thế giới sáng tác của bà, khổ đau hay hạnh phúc, luôn có cái long lanh của những hạt ngọc.

Bùi Bích Hà


Tôi nghĩ Trần Mộng Tú thoạt tiên là người của Thơ... không, không phải là của thơ, mà bản chất Tú chính là Thơ, rồi từ đó tất cả các thuộc tính khác của đời Tú như văn chương, tính tình, rồi đến vai trò người tình, người vợ, người mẹ v.v... đều do từ cái Nguồn Thơ ấy phân phối ra. Ít có một con người nào nhất quán như Tú. Nhìn từ góc cạnh nào cũng nhận ra cái bản chất chung thì rất đôn hậu nhưng lại mới lạ nhạy bén trong sáng tạo, giản dị trong đời thường nhưng phức tạp trong văn chương, tình cảm...Nhưng dù có mới lạ, nhạy bén, phức tạp bao nhiêu cũng không rời xa nét đằm thắm của sự đôn hậu.


Nếu thơ Trần Mộng Tú đưa ta vào không khí mộng ảo mênh  mang của tình yêu thì văn Trần Mộng Tú kéo ta xuống với cái ngổn ngang, bề bộn của đời thường. Nhưng dù thơ hay văn, cách viết của chị luôn luôn giản dị, trong sáng và lắm lúc hồn nhiên đến bất ngờ! Tôi có cảm tưởng chị viết dễ dàng như thở.  Có lẽ vì thế, khi đọc chị, dù chuyện buồn hay vui, tôi thường cảm thấy tâm hồn nhẹ hẫng, tưởng như mình đã từng được đi dạo quanh hồ Sammamish thơ mộng, nơi tạo cảm hứng cho nhiều bài thơ và tùy bút rất hay của chị.

Trần Doãn Nho 

Qua một số thi văn của Trần Mộng Tú, Kim Yến cảm nhận được cái tài của chị.  Cái tài đó qua việc chị chọn chủ đề để viết. Dù một bửa cơm, dù một đêm trăng nằm ngủ hay một đêm nằm nói chuyện vu vơ, dù môt buổi qua nhà thăm cháu hái rau, với TMT nó vẫn có thể biến thành thơ, trở thành văn chương thật dễ dàng. Từ đó, KY hiểu, quanh chị gì cũng có thể có cảm xúc để sáng tác cả.  Mà những đề tài xem ra có vẻ thường thường hằng ngày ấy, chị biểu đạt tuyệt vời và ấn tượng lắm, không hề đụng hàng, không hề giống ai và rất TMTú !
KY thích nhất ngôn phong của chị, thật sống động, thật tượng hình với nhiều phương pháp tu từ chuyên biệt. Thưởng thức thơ văn của TMT, ta cảm thấy dễ dàng như hơi thở, phân minh, không rối rắm cầu kỳ, mà nhẹ nhàng đi vào tâm trí đọc giả như gót sen mềm mại của thiếu nữ.  Thời nay nhạc sĩ trẻ VN cũng nhiều nhưng có được bao nhiêu ca khúc thật sự làm thính giả say mê như thế hệ cha ông ? Thi văn VN lại càng khó kiếm ra một tác giả thực tài. Ở trong nước có thể điểm trên đầu ngón tay : Nguyễn Ngọc Tư, Chu Lai, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh...Ở hải ngoại, có lẽ TMT cũng là một trong những tên tuổi được bạn đọc ngưỡng mộ.
Buổi tối thường là giây phút thinh lặng, thảnh thơi, để ngẫm chuyện xưa, thưởng thức hương vị yêu thích, giải bày cảm xúc. Vào trang thơ của thi sĩ TMT, có nhiều hoa thơm cỏ lạ, vườn hoa được trau chuốt trình bày mời gọi bè bạn bước vào khám phá. Phong phú quá và nhiều sáng tác quá. Thơ văn vốn dĩ ít màng đến chính trị, duy tưởng tượng, giàu đam mê. Tình hình đất nước đang bị xâm lăng, đang nóng lên với những người mang dòng máu Lạc Hồng, tự nhiên KY lại click vào “ Biển Đảo Hận ca “ để mong được cùng chia sẻ cảm xúc, nghĩ suy với thi sĩ về vùng biển, vùng trời mênh mông xa xôi của tổ quốc. KY rất đồng quan điểm với nhà thơ :
Đảo và Đất không phải của riêng cho một số người có quyền định đoạt.
Như món đồ riêng trong túi lấy cho đi..
Hoàng Sa hận, Trường Sa ôm mặt khóc”
( sống động ghê chị Tú ơi... )
Và cũng rất ngậm ngùi với tiên đoán của thi sĩ :
“ Nếu ta không giành lại biển hôm nay,
Ngày mai, ta sẽ mất cả bầu trời"
Đầu tháng 6-2014, KY và gia đình du lịch đảo Phú Quốc về, hòn đảo nằm ở cực nam VN... Đến đảo mới cảm nhận hết vẻ đẹp thiên nhiên mê hồn của biển, của từng ghềnh đá, từng đợt sóng mênh man, của đất-trời như hòa quyện, khiến ta có thể quên cả lối về.
Ôi Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa rồi có còn không nếu ta mất cả giang san ??
Nguyễn Kim Yến

Trần Mộng Tú, thơ và, niềm hãnh diện thi ca Việt.
(01/29/2015 02:24 PM) (Xem: 177)

Tác giả : Du Tử Lê



Với tôi, Trần Mộng Tú là nhà thơ đầu tiên, nổi tiếng ngay với những bài thơ đầu tiên của chị ghi lại những cảm thức châng lâng, lạc lõng từ những bước chân tỵ nạn thứ nhất ở xứ người.
Mặc dù những năm giữa và cuối thập niên 1970s, phương tiện phổ biến báo chí gần như không có! Nó chỉ được chép tay hoặc chuyền tay giữa những người tỵ nạn - - Tựa những chiếc lá đột ngột lìa cành, bị rải đi khắp nơi trên nước Mỹ bát ngát bao la, theo chủ trương của chính phủ Hoa Kỳ ở thời điểm đó - - Những bài thơ, những vần thơ của Trần Mộng Tú, xuất hiện trên một tạp chí, có số lượng ấn bản đến tay người đọc không quá ba trăm người. (Hoàn toàn nhờ trung gian những tiệm thực phẩm Á châu mà, chủ nhân đa số là người Tàu).
Nhưng những bài thơ, những vần thơ của chị đã được nhân rộng bằng phương tiện chép lại, chuyền tay, gửi qua bưu điện. Tính nhân rộng kia, không chỉ bởi những người yêu thơ mà, gồm cả những người vốn không quan tâm lắm tới thi ca.
Theo tôi, chúng ta chỉ có thể lý giải hiện tượng bất ngờ hiếm hoi này, vì, thơ Trần Mộng Tú hiện ra, như một sợi dây tinh thần, nối kết những trái tim Việt Nam tan tác, tận cùng đáy thẳm lạc lõng.
Thơ Trần Mộng Tú hiện ra, như chiếc cầu tâm linh hoặc những viên thuốc bổ, cho mọi người còn thấy mình gần gũi với quê cha, đất tổ, qua sợi dây thiêng liêng tiếng Việt.
Ở bậc thềm tỵ nạn thứ nhất, những năm giữa thập niên 1970s, nhiều người Việt tỵ nạn còn tập làm quen với với phương tiện liên lạc bằng điện thoại, nói chi tới phương tiện chuyển dịch bằng xe hơi. Phương tiện phổ thông nhất của lớp người này là thư từ. Là nhắn tin.
Trong bối cảnh đó, những rung động của Trần Mộng Tú, qua thơ của chị, là những rung động chân thành, những cảm thức đi ra từ trái tim, không thể gần gũi hơn, với người Việt trong hoàn cảnh thất thổ, bị cắt lìa hoàn toàn với quê hương!
Tuy nhiên, tôi nghĩ, ở thời điểm đó - - Thời điểm người tỵ nạn bên này biển Đông, không nhận được một tiếng vọng, không bắt được một tín hiệu nào gửi đi từ phần đất mà, gần 1 triệu người đã hốt hoảng bỏ chạy thì, dù cho thơ Trần Mộng Tú có là những tiếng nói không hạnh phúc - - Chí ít nó cũng là tiếng nói Việt Nam. Tiếng nói của con chim tìm đàn. Tiếng nói của một người Việt tỵ nạn, trong một chừng mực nào đó, vẫn cho thấy hồn tính Việt Nam dù giữa cảnh đời cô lập.
Một trong những bài thơ viết trên bậc thềm tỵ nạn thứ nhất của Trần Mộng Tú, được đám đông đón nhận và, mau chóng truyền tụng là bài thơ nhan đề “Lòng nào như suối cạn”:
Ngày xưa trong quán nhỏĐời không có mùa đôngTrên môi cà phê ngọtTrong mắt giọt tình nồng
Hôm nay trong quán lạHai đứa ngồi nhìn nhauTrên môi cà phê đắngTrong mắt giọt tình sầu
Một năm trời lận đậnĐời ngọt những vết thươngMột năm trời bôi bácĐời vui những tấn tuồng
Anh bây giờ đã khácTrán đã thêm nếp nhănEm bây giờ đã khácMá đã phai sắc hồng
Mắt nào không lệ chảyMôi nào thơm hương hoaLòng nào như suối cạnTình nào đã chia xa?
Một năm trời xứ lạKhông còn gì cho nhauGiọt tình cuồng trong mắtCũng tan theo nỗi sầu...(Theo “Thơ chọn lọc Việt Nam” - Nguồn Wikipedia-Mở)
Bài thơ in ra, chỉ một tuần sau, đã được nhạc sĩ Nam Lộc tìm vào, phổ nhạc, với tựa đề mới “Giọt Tình Sầu”. (Nếu tôi không lầm thì đấy là ca khúc đầu tay của Nam Lộc?)
Và, không lâu sau, người thứ hai, ở tiểu bang khác, cũng chọn bài thơ trên của Trần Mộng Tú để soạn thành ca khúc, là nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, với tựa đề “Quán lạ”.
Thơ Trần Mộng Tú ở một góc độ nào đó là một thứ tự sự kể. Chị không chủ trương làm văn chương hay thi ca hóa một sự kiện, một kỷ niệm mà, chị rất trung thực, rất thiết tha chân tình khi ghi lại những cảm nhận thốn tâm, như:
Anh bây giờ đã khácTrán đã thêm nếp nhănEm bây giờ đã khácMá đã phai sắc hồng”.
Hay:
Một năm trời xứ lạKhông còn gì cho nhauGiọt tình cuồng trong mắtCũng tan theo nỗi sầu”
Đó là hiện thực, một hiện thực không thể đau xót hơn, của những cảnh đời tỵ nạn đầu tiên, nơi xứ người.
Hoặc nữa:
Hãy tưởng tượng ra em
ở một căn nhà lạ
mình em một ngôn ngữ
mình em một màu da
mình em một màu mắt
mình em một lệ nhòa
Hãy tưởng tượng ra em
ở nơi không định tới
em tủi như chim khuyên
khóc trong lồng son mới
Hãy tưởng tượng ra em
ở một thành phố khác
em buồn như nước sông
khóc chia dòng tan tác.

(Nguồn Wikipedia-Mở)
Với những câu thơ như những tiếng kêu tuyệt vọng, từ “ghét-tô”, như:
Hãy tưởng tượng ra em
ở một căn nhà lạ
mình em một ngôn ngữ
mình em một màu da
mình em một màu mắt
mình em một lệ nhòa”
Hay:
Hãy tưởng tượng ra em
ở một thành phố khác
em buồn như nước sông
khóc chia dòng tan tác.
Tôi tin, sẽ không một ai ngạc nhiên để phải tự hỏi, tại sao thơ Trần Mộng Tú ngay tự những ngày đầu tỵ nạn đã là tiếng thơ đầu tiên, trở thành tiếng nói chung của tất cả mọi người.
Sự nổi tiếng lập tức của tiếng thơ họ Trần, cũng khiến chị trở thành nhà thơ tỵ nạn đầu tiên ở Hoa Kỳ, có thơ được chuyển thành ca khúc.
Dõi theo hành trình thi ca rực rỡ chân-cảm của Trần Mộng Tú, tôi không chút ngạc nhiên khi thấy, về sau, càng lúc, càng có thêm nhiều nhạc sĩ đã tìm đến với thơ của chị - - Như tìm tới một Việt-Nam-thi-ca tiêu biểu. Khiến chị trở thành một trong số ít nhà thơ nữ, có nhiều thơ phổ nhạc nhất ở xứ người.
Tuy nhiên, vẫn theo tôi thì, thành tựu thi ca mang tên Trần Mộng Tú không dừng ở đó. Tự thân tiếng thơ của chị, bằng cách riêng của nó, đã đi vào và, trở thành đề tài học tập, nghiên cứu của học sinh Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ, nếu có nói tiếng thơ Trần Mộng Tú đã vượt khỏi bầu-khí-quyển-ngôn-ngữ-Việt, thì cũng không phải là lời nói quá - - Nếu chúng ta biết, một bài thơ của chị đã được chọn in trong một cuốn sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà McGraw Hill ấn hành. 
Ghi nhận về sự kiện đáng hãnh diện này, trong một bài viết nhan đề “Trần Mộng Tú, Thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ”, trang mạng Caothoaichau.blogs có những đoạn nguyên văn như sau: 
“Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một thi sĩ Việt Nam dịch sang tiếng Anh đi song song với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Abraham Lincoln trong thời Nội chiến Mỹ, tại bãi chiến trường Gettysburg. Đó là bài thơ của Trần Mộng Tú, The Gift in Wartime, nhan đề tiếng Việt là ‘Quà Tặng Trong Chiến Tranh.’ 
“Hai tác phẩm trên được đem ra để dậy học sinh môn văn chương Hoa Kỳ. Trong phần thứ ba của cuốn sách giáo khoa, viết về văn chương thời kỳ nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và sau cuộc nội chiến, các nhà soạn sách giáo khoa của công ty Glencoe – McGraw Hill, rất thông dụng trong các trường trung học ở Mỹ đã có sáng kiến đem bài thơ Trần Mộng Tú, qua bản dịch Anh ngữ cho học sinh nghiên cứu song song với bài diễn văn trầm hùng của Abraham Lincoln, so sánh cách dùng chữ, cách chọn hình ảnh, những ý tưởng trong mỗi bài của hai tác giả. Đây là một kinh nghiệm văn chương quý báu mà các học sinh Mỹ được hưởng khi tiếp xúc với một thi sĩ ngoại quốc để thấy hậu quả của chiến tranh trên tâm hồn một phụ nữ Việt Nam cũng mang những tính chất nhân bản và sâu sắc không khác gì vị tổng thống mà tất cả mọi người Mỹ đều quen thuộc. Có lẽ sau này học sinh Việt Nam khi học về văn chương thời nội chiến Nam Bắc ở thế kỷ 20 cũng sẽ có cơ hội nghiên cứu bài thơ của Trần Mộng Tú (…) 
“…Bài thơ ‘Quà Tặng Trong Chiến Tranh’ được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí khắp nơi ở hải ngoại. 
“Lần đầu tiên hai bài thơ về chiến tranh của Trần Mộng Tú xuất hiện trong thế giới văn chương quốc tế vào năm 1990, đăng trong ‘Vision of War, Dream of Peace,’ (Viễn ảnh chiến tranh: Giấc mơ Hòa bình.) Đó là ‘The Gift in Wartime’(Quà Tặng Trong Chiến Tranh) và ‘ Dream of Peace’ (Giấc Mơ Hòa Bình) cả hai được dịch sang Anh Ngữ do Vann Phan, một ký giả cũng cộng tác với Nhật báo Người Việt. 
“‘Vision of War, Dream of Peace’ là một tuyển tập Thơ của các Nữ Quân nhân và Y Tá phục vụ trong quân đội Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam. Cuốn sách ra mắt tại Washington DC vào ngày Cựu Chiến Binh, Veteran’s 11 tháng 11 năm 1990
“Bản dịch bài thơ The Gift in Wartime được in vào American Literature textbook do nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất ở Mỹ, Glencoe / Mc.Graw-Hill phát hành năm 1999, trong các chương về văn học Mỹ trong thời Nội Chiến Nam Bắc Mỹ. Thơ Trần Mộng Tú được giới thiệu cho các học sinh so sánh với bài diễn văn nổi tiếng The Gettysburg Address của Tổng Thống Abraham Lincoln.
“Bài diễn văn do Tổng thống Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863 trong dịp khánh thành một nghĩa trang cho các tử sĩ tại chiến trường Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania. Trước ông, một chính trị gia và nhà hùng biện nổi tiếng đã nói suốt 2 giờ; đến lượt Lincoln ông chỉ nói trong vòng 2 phút. Sau buổi lễ, các nhà báo tường thuật không ai nhắc đến những lời Lincoln nói, nhưng dần dần dân tộc Mỹ đã nhận ra đó là một tác phẩm văn chương bất hủ, xuất phát từ tấm lòng của một nhà lãnh đạo vốn rất ghét chiến tranh nhưng phải dẫn đầu nước Mỹ trong một cuộc chiến bất đắc dĩ và đã thành công trong việc bảo vệ một quốc gia thống nhất với những lý tưởng tự do, bình đẳng. Câu nói được cả thế giới ngày nay nhắc lại nhiều lần kết thúc bài diễn văn ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh để một ‘chính phủ của dân, do dân, và vì dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.’ 
“Cuốn sách giáo khoa tiếp theo đã giới thiệu thi sĩ Trần Mộng Tú, sinh ở tỉnh Hà Đông,Việt Nam, người phụ nữ có kinh nghiệm chính mình sống với những hậu quả của cuộc chiến tranh trong đó hai triệu người Việt Nam thiệt mạng cũng như 57,000 người Mỹ. Sau khi đọc bài thơ Trần Mộng Tú, học sinh được hướng dẫn với những câu hỏi để khám phá những cảm xúc mà tác giả gợi cho người đọc cũng như tìm hiểu nội dung bài thơ. Cuốn sách giáo khoa cũng gợi ý cho học sinh tìm hiểu về kỹ thuật, học sinh tự hỏi tại sao thi sĩ đã dùng các điệp ngữ và nhắc lại các hình ảnh để gây ấn tượng nơi người đọc. 
Sau đó, các học sinh được mời so sánh hai áng văn chương cùng viết trong thời nội chiến ở hai quốc gia, hai thế kỷ khác nhau. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn của ông trước một đám đông, và ông nhắm vào công chúng. Còn Trần Mộng Tú viết một mình, cho mình. 
Nhưng học sinh có thể tìm thấy những mục đích và cảm xúc giống nhau trong hai tác phẩm ngắn này. Học sinh cũng được dịp tìm hiểu khai phá sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai tác giả, và thử hỏi một người Mỹ thời nay nếu viết về chiến tranh thì sẽ viết giống tác phẩm nào…” (2) 
Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài thơ nổi tiếng thế giới “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” của nhà thơ Trần Mộng Tú: 
Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới 
Em tặng anh áo cưới 
Phủ trên nấm mồ xanh 
Anh tặng em bội tinh 
 Kèm với ngôi sao bạc
 Chiếc hoa mai mầu vàng 
Chưa đeo còn sáng bóng 
Em tặng anh tuổi ngọc 
Của những ngày yêu nhau 
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu 
Anh tặng em mùi máu 
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương
Em tặng anh mây vương 
Mắt em ngày tháng hạ 
Em tặng anh đông giá 
Giữa tuổi xuân cuộc đời 
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm 
Anh tặng mắt không nhìn 
Một hình hài bất động 
Anh muôn vàn tạ lỗi 
Xin hẹn em kiếp sau 
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau. 
Tháng 7/ 1969 (3) 
Qua ngày tháng ghi dưới bài thơ, nhiều độc giả mới biết một cách chính xác rằng, họ Trần đã làm thơ từ khi chị còn rất trẻ. Và, theo Wikipedia thì tiểu sử của Trần Mộng Tú cũng được ghi nhận như sau: 
“Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại tỉnh Hà Đông, miền Bắc Việt Nam. Di cư vào Nam năm 1954. Sang Mỹ tháng tư năm 1975 (thư ký cho hãng Thông Tấn The Associated Press ở Sài Gòn (1968-1975). Thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác. Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000. Có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature – Glencoe-1999. Đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003. 
Trần Mộng Tú đã xuất bản trên dưới 10 tác phẩm đủ thể loại…” (4)
Trần Mộng Tú, nhìn từ góc độ nào, theo tôi cũng đều là niềm hãnh diện Việt vậy. 
Du Tử Lê
(Jan. 2015)