Saturday, June 27, 2015

BÁNH XÈO và NAI



Khi tôi tới, đã có ba, bốn phụ nữ trẻ trong bếp. Mỗi người một việc, kẻ bóc tôm thái thịt, người nhặt rau, pha nước mắm. Tiếng nồi chảo va vào nhau trong góc bếp, tiếng nước chẩy từ bồn rửa rau, tiếng bát đĩa lạch cạch, tiếng cười giòn giã, tiếng nói tranh nhau, tất cả tạo nên không khí của một mùa hè hạnh phúc.

Nắng mùa hè đang nhẩy múa bên ngoài cửa sổ, nắng ngã xoài từ nóc nhà hai tầng xuống những con đường trong khu chung cư. Nắng ấm áp nắng hạnh phúc như khuôn mặt của những người đàn bà trẻ này.

Một cô mới tới, dáng mảnh mai, tóc dài, nụ cười nhẹ nhàng, cô mang tới hai vỉ bia, xếp vào tủ lạnh. Cô loay hoay dọn bàn, lấy thêm ly tách, thỉnh thoảng lại nhìn tôi nhoẻn miệng cười thân thiện, ấm áp.

Lại thêm một cô nữa, sách đến hai vỉ bia, tự nhiên mở tủ lạnh cất vào. Cô nhỏ xíu, mặc chiếc quần xọc trắng, áo thun ngắn tay trắng, cô nói cô vừa ở sân golf về. Cô cười giòn, hồn nhiên như một cậu thanh niên vừa đến tuổi có râu hơn là một thiếu nữ vào tuổi nhũ hoa bắt đầu khai nở.

Chẳng thấy có chai nước ngọt nào trên bàn. Một cô hỏi:
- Chị uống bia nhé.

- Cám ơn em, cho chị nửa ly thôi

 Bọt bia vàng sóng sánh trong ly, nụ cười rơi vào đáy ly bập bềnh trên bọt. Tôi nhấp chậm chạp từng ngụm, ngắm nghía họ.

Cô có khuôn mặt tròn, nụ cười thật tươi, đứng thái thịt, bóc tôm. Cô lãnh làm việc này một mình không cho ai phụ.

Tiếng thịt xèo xèo rang trên chảo, cô đầu bếp có nét mặt rất điềm tĩnh, ung dung tự tại với nụ cười nhẹ lúc nào cũng trên môi. Cô đổ bánh xèo cho cả nhóm, cô chiều được hết, ai muốn nhân thịt, nhân chay, có hành tây hay không hành tây cô làm theo đúng tiêu chuẩn. Ai cũng hài lòng với bánh xèo vàng tươm, vỏ mỏng và giòn rụm của cô.

Tôi được cái bánh xèo trước tiên vì lớn tuổi nhất và là khách. Tôi vừa ăn vừa ngắm họ. Họ là một nhóm bạn gái với nhau, họ làm những nghề khác nhau, họ là những phụ nữ tự lập, độc thân, có học, có việc làm tốt. Tôi biết vài ba cô trong nhóm, có cô vẫn phải lo cho bố, cho mẹ hay thậm chí lo cho anh chị em trong gia đình, có cô đã từng làm mẹ. Trên hết, họ còn là những người yêu văn chương, chữ nghĩa và có người bỏ một phần đời mình cho văn học.

Họ là những phụ nữ yêu mình và yêu những bạn gái của mình. Họ không thích hợp với đàn ông. Đàn ông không hiểu họ được hay họ không cần đàn ông hiểu họ.

Có lần tôi được nghe tâm sự: “Chỉ những người cùng phái, mới hiểu được những ngõ ngách trong thân thể nhau, mới hiểu được những uẩn khúc trong tâm hồn nhau.” Câu nói nghe như một danh ngôn.

Tôi quý họ và tôn trọng thế giới của họ. Giống như tôi yêu những con nai hay vào vườn nhà tôi. Tôi yêu cặp mắt ngây thơ của nó, yêu bốn cái chân bước như khiêu vũ của nó, mặc dù nó hay ăn những cái nụ hồng trong vườn của tôi.

 Tôi chẳng đuổi nai đi bao giờ. Tôi chỉ chuyển những gốc hồng sang khu vườn khác, nơi nai không thích vào.

Tôi hưởng được cả vẻ đẹp hoang dã của nai và vẻ đẹp đằm thắm khoảng cách của hồng, chẳng may mắn lắm sao!

06-26-2015

Friday, June 26, 2015

Không Gặp



















Khi chúng mình không gặp được nhau

bàn tay em đóng như ngôi nhà cửa đóng

mi mắt em khép như hàng cây buổi chiều

chiếc cột đèn cháy bóng mờ con lộ

hai bàn chân em ngơ ngác vấp vào nhau



Khi chúng mình không nghe được tiếng nhau

con chim trên giây điện sáng nay quên hót

cây bên ngoài cửa sổ gió cũng ngủ  im

anh không đến đánh thức bình minh

cổ em dài chờ nụ hôn buổi sáng



Khi chúng mình không nhìn được thấy nhau

trên má em có những đốm nhang tàn

em vẫn thoa son mà môi không đỏ

em vẫn chải đầu sao tóc rẽ hai nơi



Khi chúng mình không ngồi được cạnh nhau

hai chiếc ghế buồn những chiếc chân khập khễnh

hoa trên bàn nghiêm mặt lại không cười

chai nước lọc còn nguyên không người uống

trên tách trà thiếu một vệt son môi

  
Nếu chúng mình không gặp được nhau

cây với bóng còn mong gì hò hẹn.

2001

Monday, June 22, 2015

THƯ VIẾT CHO CHA ĐÃ MẤT

                                      

  Bố yêu quý của chúng con.

  Bố mất cả hai mươi nhăm năm rồi, nhưng mỗi lần chúng con nhắc đến bố, vẫn tưởng ra được như bố đang đứng trước mặt chúng con. Đối với chúng con, bố không hề mất, bố luôn hiện hữu lúc chúng con cần một nơi nương dựa tinh thần. Ôi, tinh thần lúc nào mà không cần nương dựa!
Bố là một người cha hiền nhất trên thế gian này, một người cha lúc nào cũng hy sinh, nhường, nhịn cho vợ con có được phần hơn. Tình thương của bố cho chúng con như một gia tài vô tận, chúng con hoang phí cách nào cũng chẳng hề vơi.
Bố là cả một gia tài to tát mà con được hưởng trong suốt đời người, khi bố mất, là lúc con tưởng như mình bị khánh tận. Gia tài bố cho con là tình thương yêu vô bờ bến của bố, làm sao con dùng của cải mua được để thế vào. Nhưng thật sự con đâu có khánh tận, những tình thương bố tích lũy trong tâm anh, chị, em con, lúc nào cũng còn đầy ắp, dù chúng con có cho đi.

Con nhớ những ngày bé dại. Những buổi sáng mùa đông Hà Nội, con và cô út được bố lo cho chúng con đi học trước khi bố đi làm. Con nhớ chiếc chậu thau đồng đặt trên một cái đôn sứ, bố pha nước nóng vào lau mặt, rửa tay cho chị em con mỗi buổi sáng, trước khi mẹ cho ăn điểm tâm (cô út bé quá, chắc không nhớ hết được.) Bố lau nhẹ nhàng vầng trán con, hai mắt của con, vừa lau vừa nói chuyện, như đánh thức cho con tỉnh ngủ, rồi ngâm hai bàn tay con vào nước nóng cho con ấm hẳn lên. Bố mặc áo len cho con, cài khuy kỹ càng xong mới giao chúng con cho mẹ.
Con nhớ những ngày tản cư chạy về quê, bao giờ chỗ ổ rơm ấm áp, bố cũng nhường cho vợ con; thức ăn mẹ gắp vào bát bố, bố lại gắp sang bát chúng con. Bao giờ bố cũng kêu no trước vợ con, mặc dù nồi cơm chạy loạn chẳng làm sao phân chia đủ cho cả nhà. Bố hiền từ, tốt bụng, nên khi nhà mình chạy loạn về Thái Bình, trú ngụ ở gần chùa, bố hay ra chùa dậy học dân quê, mọi người gọi bố là ông thần (trong khi tên bố là Thuần) ở chùa. Có người còn gọi bố là ông bụt.

Bây giờ tuổi con già hơn tuổi bố mẹ hồi đó rồi, bố và mẹ không còn nữa, con lại sống đời tha hương. Mỗi buổi sáng chớm đông, con đứng dí mũi vào kính nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống sóng nước của chiếc hồ bên dưới kia, đang co ro trong sương lạnh, con nhớ bố, mẹ vô cùng, con thường khe khẽ đọc câu Kiều:

 Dặm ngàn nước thẳm non xa
 Biết đâu thân phận con ra thế này.

Con thấy hai mắt mình cay xè, thấy như có bố đang đứng cạnh con, nghe con đọc những bài học thuộc lòng hồi nhỏ. Ôi, sao mà con nhớ! Hình ảnh bố nhìn con với ánh mắt hài lòng, gật, gật đầu nói khẽ: “Thần đồng của bố” Cô bé lớp tư (lớp 2 bây giờ) trường Hàm Long như con sáo nhỏ, là thần đồng của riêng bố mà thôi.

Con nhớ lại ngày con một thân một mình mang cha mẹ già chạy sang Mỹ. Con đi làm, bố mỗi chiều, canh giờ, ngồi ở cửa sổ lầu ba của chung cư, chờ con đi làm về. Khi nhìn thấy bóng con sang đường là bố hấp tấp chạy xuống đón con ở cổng chung cư, đỡ trên tay cái bóp của con, hay gói thực phẩm con ghé chợ mua về. Vừa leo ba từng lầu, bố vừa vui mừng hỏi con đủ chuyện, hay báo cáo hôm nay mẹ ở nhà làm những gì. Vừa đưa cho mẹ gói thực phẩm, bố đã mang ngay cho con một ly sữa:

-         Uống đi con, mẹ nấu cơm còn lâu lắm.

Có khi con cầm, rồi lại để xuống, không uống, mải nói chuyện với mẹ, hay đi thay quần áo, xong quên mất. Nhưng bố không quên, bố lại cầm ly sữa đến đưa tận miệng con, như con còn bé lắm. Con nhớ khi chị con ở tiểu bang khác dọn về ở chung để sanh em bé, cho có cha mẹ phụ. Mỗi lần làm bình nước nóng cho chị chườm bụng, hai bố con mình thế nào cũng có chuyện. Bố chỉ sợ con tay yếu, lóng cóng đổ nước sôi vào tay, con sợ bố già, mắt kém cũng đổ nước sôi vào tay. Hai bố con cứ canh chừng nhau, không ai muốn người kia làm việc đó. Không biết con lơ đễnh làm sao, mỗi khi con tính đi thay bình nước nóng cho chị, bố cũng đã làm trước rồi. Bố ơi! Sao chuyện khó khăn nhỏ bé đến thế nào, bao giờ bố cũng gánh vác cho con (con viết đến đây con lại khóc.)
Con nhớ hình ảnh bố khi phụ với mẹ đóng thùng hàng gửi về Việt Nam cho anh con, còn kẹt lại quê nhà. Bố im lặng, như cái bóng bên mẹ, âm thầm bỏ cái áo sơ mi, cái quần tây đang còn dùng của bố vào, bỏ gói kẹo con mua cho riêng bố, bỏ chai thuốc cảm đã dùng một nửa. Con quan sát bố, lòng con rưng rưng. Không biết khi thùng hàng về đến quê nhà, liệu con, cháu có biết cái tình thương âm thầm của cha, ông, gửi vào những thứ bé nhỏ đó không? Hay chỉ chú ý vào những món hàng bán được.
Rồi con đi lấy chồng, bố mẹ cũng dọn vào để bà trông cháu, ông làm đủ thứ việc, từ cắt cây đến sơn cửa. Bố sơn cả từng viên gạch đi vào nhà, đến nỗi con rể đi làm về tưởng vào nhầm nhà hàng xóm. Bố lại nâng niu mấy đứa cháu ngoại như nâng niu chị em con ngày trước. Lúc các cháu nóng đầu, mọc răng, bố còn cuống lên hơn cả chính con.
Con nhớ dáng bố cao, gầy, đầu bố hói, bố nói năng từ tốn, và không cáu giận với vợ con bao giờ. Con nghĩ mẹ thật hạnh phúc có bố trong đời, chúng con may mắn được hưởng tình thương yêu của bố như một kho tàng vô tận.

 Con chẳng muốn ví bố như núi. Vì núi khô khan và nghiêm khắc quá! Con chẳng muốn ví bố như vầng dương soi sáng đời con. Vì vầng dương huy hoàng chói chang quá! Cả hai đều không thích hợp với bố. Tình thương của bố cho chúng con đơn sơ lắm: như ly sữa nhỏ bé đưa vào tận tay con, khi con đã ở tuổi ba mươi; như bình nước nóng bố làm cho chị con chườm bụng; như chai thuốc còn một nửa bố bỏ vào thùng cho anh con; như chiếc khăn mặt nóng bố lau mặt hai cô con gái nhỏ ngày thơ dại.
 Bố ơi! Hai bàn tay con còn ấm đến bây giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh cái chậu thau đồng đặt trên cái đôn sứ, có hai bàn tay của bố cầm hai bàn tay nhỏ của con ngâm trong đó. Con lớn, con mới hiểu, không phải nước nóng, mà chính tình thương yêu trong hai bàn tay bố đã truyền sang làm ấm mãi, suốt một đời con. Con biết, một ngày nào đó, trong một thế giới mông lung nào đó, bố con mình sẽ lại có nhau. Con sẽ được đặt lại hai bàn tay con trong hai bàn tay bố, và bố lại truyền hơi ấm cho con, dạy cho con biết chia sẻ hơi ấm cho người khác. Thế giới nào cũng cần hơi ấm của thương yêu.

Bố không còn đứng trước mặt con bằng xương da nữa, nhưng tình thương yêu của bố lúc nào cũng  tràn đầy trong con. Con cám ơn bố đã cho con hai bàn tay ấm trong đời sống tẻ lạnh nhân gian này. Đó là một gia tài vô tận, con đã đem phần gia tài ấm áp đó tiêu hoang cho bao nhiêu người khác, đến bây giờ vẫn thấy chẳng hề vơi.

Con gái bố.
Trần Mộng Tú

 TB.  Ôi, con quên mất, con nói khẽ để chỉ hai bố con mình nghe thôi nhé: “Thần đồng của bố” chứ. Con đang nhìn thấy bố cười. Bố ơi! mắt con đang nhòa lệ.

Tháng 6/2010

Sunday, June 21, 2015

CHA GIÀ


 Bây giờ cha như trang sử
 con vẫn ngạc nhiên mở ra
 cha giống tấm bản đồ cũ
 con ngửi mùi đất quê nhà

 Có phải cha là giọt rượu
 đọng trong đáy chén nhiều năm
 con ngửa mặt uống khôn ngoan
 từ khôn ngoan cha rót xuống

 Cha như chiếc áo mùa đông
 con đã để quên trong tủ
 mỗi khi gió bấc trở về
 vội tìm tình cha ấp ủ

 Con nhìn thân thể nhăn nheo
 như cành non nhìn xuống gốc
 chùm rễ  mọc trên đất này
 cho thân con bao nhiêu lộc

  Ôi đôi bàn tay cứng cáp
  cha dắt con đi bước đầu
  bây giờ bàn tay gầy guộc
  vin vào con những bước sau

  Cha ơi đây bờ vai rộng
  bây giờ trăng đã lớn tròn
  tóc sương ngả vào vai trẻ
  cho con đền đáp phận con.


Wednesday, June 17, 2015

Câu hát À Ơi ở Long Beach



Nói là biển
nhưng không nhìn thấy biển
chỉ nhìn thấy gió đi ra đi vào
trong những tán lá cây cọ sau nhà

con sóc đang bò trên đường dây điện thoại trên kia
con chó ngửa mặt chạy theo
sủa những tiếng kêu dọa nạt

người đàn bà ngồi trên xích đu
nhìn cây cọ

ôm cháu, à ơi hát

Nhà tôi có một cây cau
nó cao bằng bốn năm đầu người ta

ôi quê nhà
quê nhà phía biển bên kia đó
gió còn xào xạc chùm hoa cau

nói là biển
nhưng không nhìn thấy biển
chỉ hình dung ra con sóng rất gần
đám mây bông mùa hạ xuống lưng chừng
như quê nhà ở ngay sau bức tường trước mặt
cái lu nước dưới gốc cau trong vắt
cho gáo vào múc được bao nhiêu mây

À ơi, câu hát ơi à

Lá thời dài rộng thướt tha
thân thời mảnh dẻ mà ra vững vàng

lá dài lắm vẫn bay chùm ký ức
bay từ bên kia biển sang đây
câu hát tưởng quên vẫn nhớ thật đầy

Ơi à, câu hát à ơi

Trải bao hạ tới thu sang
mà cau vẫn đứng nghênh ngang giữa trời

tóc bà thơm màu hoa cau trắng
mấy chục mùa thu mấy chục xuân
dáng cau xưa đọng trong đôi mắt
giọt lệ nào trên gò má mùa đông

nghe thấy biển nhưng không nhìn thấy biển
buổi trưa Long Beach
ôm cháu trong lòng
tiếng gió biển lao xao tàu lá cọ
thổi quê hương vào buổi trưa mênh mông.

Long Beach, California
6/17/15

Monday, June 15, 2015

Nhà Văn và Vợ

(Viết tặng PXĐ)

Anh mở tủ lạnh, tìm chai nước cam. Cánh cửa tủ lạnh vừa mở ra, mấy cái hộp nhựa đựng thức ăn ngay phía ngoài lăn nhoài xuống đất, anh đỡ không kịp. Thức ăn rơi cả xuống chân anh. Anh bực mình, nhặt lên, đóng cánh cửa lại, quên cả là mình đang tính uống một ly nước cam.

Hơn chục năm rồi, từ ngày thôi việc, ở nhà, vợ anh bắt đầu có thói quen tích trữ. Không phải chỉ thức ăn, mà bất cứ cái gì có thể cất đi được là nàng tích trữ. Bắt đầu là quần áo. Anh không biết hiện giờ anh có bao nhiêu cái sơ mi, bao nhiêu cái quần, chưa tháo cái giây tòng teng nhãn hiệu, giá tiền, đang treo trong tủ hay đang ở trong một cái túi nào vứt dưới chân tủ. Bao giờ nàng mang quần áo về nhà cũng kèm theo một câu: “Hàng hiệu đắt tiền bán còn 1/3 giá, em mua cho anh”.  Anh cũng hưu trí rồi, có đi làm hàng ngày đâu mà cần nhiều quần áo đến như thế. Nhưng không thể nào tranh luận với cái tư tưởng “Càng mua càng tiết kiệm” này. (More you buy, more you save.)

Sau quần áo, là thực phẩm: Gạo, bún, muối, mắm, cá tôm, thịt,v.v. Nghe bạn bè nói chỗ nào tươi, ngon, hàng mới về là nàng chạy ngay đến mua. Đắt một chút cũng được. Tôm, cá, thịt cần tươi ngon. Nàng khênh về đủ cho mười người ăn, nhưng nhà chỉ có hai người. Lo gì, chia ra từng gói nhỏ, cất vào ngăn đá.Tuần sau ăn vẫn còn tươi. Nhưng tuần sau của nàng có thể là tháng sau, năm sau, hay đôi khi là không bao giờ, vì nó bị bỏ quên trong ngăn đá cả năm rồi.

Mua nhiều thực phẩm có nghĩa là sẽ mang về nhà cả trăm cái bao. Nàng giữ hết, không vứt đi một cái bao nào. Bao chợ bằng giấy, bằng plastic, xếp đống từ trong bếp, dưới chân bàn viết của anh, dưới gầm giường. Nàng nói:

-  Đến lúc cần, mới biết. Cứ để đấy cho em.

Anh mới đầu còn cằn nhằn, sau nói mãi không được, đành hàng. Thỉnh thoảng đợi lúc nàng vắng nhà (chuyện này ít khi xẩy ra) anh vứt bớt đi một mớ, nàng về cũng không biết ngay, vì nó chẳng suy chuyển bao nhiêu và độ vài hôm sau những chỗ trống đó sẽ có những cái bao khác nhét ngay vào.

Anh nghĩ, phải chăng đó là căn bệnh trầm kha của một người lúc nào cũng sợ thiếu. Hay là nàng muốn tạo cho mình một thế giới riêng tư mà nàng cho là an toàn nhất. Ăn, mặc vốn là hai thứ thiết yếu của đời sống. Nàng ngủ an giấc khi biết trong tủ có quần áo mặc cho cả bốn mùa, thực phẩm đủ cho cả những cơn động đất, mưa bão đến bất ngờ trong thành phố.

Anh đem chuyện bà vợ lo xa của mình kể cho một chị bạn văn rất thân nghe. Cô ấy ngửa mặt lên trời cười:

-   Anh với chị ấy giống nhau lắm, đừng có than. Điều khác biệt là anh nhìn thấy sự tích trữ của chị ấy mỗi ngày trước mắt, nhưng anh không nhìn thấy những thứ anh tích trữ trong đời sống của anh mỗi ngày.

Anh hùng hổ cãi.

-  Tôi chẳng giữ cái gì cả, ăn thì ăn ít, quần áo nàng mua cho tôi, tôi xếp xó, chẳng màng tới. Đừng bắt tôi ăn thực phẩm đông lạnh và cả ngày đeo cà vạt. Đó không phải là tôi.

Người bạn văn của anh lại cười.

-  Anh không tích trữ hả? Thế vốn liếng đâu mà anh viết mỗi ngày? Anh không giữ thực phẩm, quần áo, nhưng anh tích trữ chữ nghĩa, văn chương, kinh nghiệm sống. Anh đọc sách của người này, đọc thơ của người kia. Anh giữ trong đầu anh những dòng văn, câu thơ từ xa xưa (cái ngăn đá đấy) anh đâu có biết. Anh gặp bao nhiêu chuyện vui buồn trong đời, bộ chúng nó trôi tuột đi hết cả, không lưu lại chút gì trong tâm hồn anh sao? Khi cần đến anh mang ra, xả đá, hâm lại. Phải không?

Anh há miệng, không biết trả lời thế nào, một lúc anh cố cãi:

-  Nhưng tôi không để lung tung, và tôi không cố ý tích trữ.

-  À, cái khác biệt ở chỗ đó. Một người cố ý tích trữ, một người tích trữ mà không biết. Chị biết mình cất đi, đôi khi chị quên, lúc tìm ra thì không dùng được nữa, phải vứt đi. Nhưng anh tích trữ mà không biết, nên anh không bao giờ cho là mình quên và không bao giờ vứt đi cả. Anh tái chế bằng vốn liếng mà anh đã thu nhập từ bao nhiêu nguồn khác nhau từ thế giới này mà anh đâu có hay.

Anh ngây người ra.

-   Thế thì tôi phải làm sao?

-  Chẳng làm sao cả. Khi anh viết văn là anh rút từ kho chứa của anh những điều mà anh cần, cho qua một hệ thống máy lọc là cái khả năng nghệ thuật hóa nơi anh, để biến những nguyên liệu thô ấy thành lời lẽ, du dương mềm mại hoặc sắc sảo gai góc. Mà cũng không hẳn anh hoàn toàn dùng vốn liếng anh đã tích góp được, đôi khi chúng chỉ là cái cớ, vì anh còn một khả năng khác, là sáng tạo. Tuy anh không phải là “đấng sáng tạo” từ cái hoàn toàn không làm thành cái có, nhưng chính từ cái kho chứa phong phú của anh, mà anh tạo ra những điều xem như hoàn toàn mới mẻ, là tác phẩm của anh.

Anh tần ngần, biết là mình có cả ngàn cái cầu vồng, ngàn cơn mưa, ngàn vạt nắng, ngàn hạt giống trong đầu từ bốn phương tám hướng mang tới và tụ lại.

Anh biết anh được hưởng cái ân huệ đó một phần trời cho anh một góc riêng trong tâm hồn để giữ nó lại, dù rất phức tạp thiên hình vạn trạng nhưng vẫn có một trật tự riêng nào đó, khi cần anh vẫn lấy ra dùng không khó khăn; và một góc khác để vun trồng cho nó nở hoa, kết trái, ấy chính là khả năng sáng tác của anh.

Thôi, từ nay anh không cằn nhằn vợ nữa. Cứ để nàng tích trữ những sản phẩm nàng cho là cần thiết của nàng.

Nàng có kho của nàng, anh cũng có kho của riêng anh, của trời chung mà vô tận của mình riêng. Cái “ngăn đá” trong tâm hồn anh hình như sâu hun hút vô tận, mỗi ngày anh vẫn gửi vào đấy bao nhiêu thứ, nó nhận hết, anh không phải thỉnh thoảng phải dọn dẹp loại bỏ bớt thứ này thứ kia. Và do một khả năng kỳ diệu nào đó, mỗi khi anh viết lách cả kho chứa ấy vẫn luôn luôn tiếp tế chất liệu và cả nguồn cảm hứng cho anh.

Kể ra cũng khập khểnh nếu so sánh kho áo quần và thức ăn của vợ anh với cái kho tinh thần của anh. Nhưng ngẫm ra cả hai đều có cái dụng chân chính cả. Nhiều quá hay ít quá hay vừa phải, thật khó biết đâu là tiêu chuẩn chung. Thôi thì vui vẻ chấp nhận nhau. Ong có việc của ong, kiến có việc của kiến.

6/14/2015