Thursday, October 27, 2016

Thursday, October 20, 2016

CHỜ BÃO TỚI

(Khi thời tiết thành một vấn đề thời sự. DĐTK)

Ngoài đường hàng phong vòng những cánh tay vàng úa, cố ôm chặt lấy thân thể mình, đứng thật sát vào nhau. Những cây thông xanh cũng nghiêng ngả những chiếc đầu cao ngất ngưởng, mở to những đuôi mắt lá nghe ngóng gió như những tiếng thì thầm vọng tới từ xa.
Trong nhà, những cây nến nằm cạnh hộp diêm, đăm đăm nhìn về phía cửa sổ chờ tiếng động.
Người đàn bà đi tới đi lui từ phòng khách vào bếp, rồi lên lầu, xuống lầu. Bà cầm lên, bỏ xuống mấy cây nến, mấy bao diêm, bao nhiêu lần vẫn không yên tâm là liệu mình sẽ nhớ chúng ở đâu khi cần. Bà mở tủ lạnh nhìn xem thức ăn trong đó có những món nào để lâu được nếu bị cúp điện, suy nghĩ một lúc bà mang hộp trứng ra luộc. Cái món này để được cả tuần, đủ chất bổ dưỡng và không sợ hư. Có thêm mì ly, mì gói nữa là an tâm.
Đã xong đâu, bà còn gọi sang nhà các con nữa, mặc dù bà biết là tụi trẻ có con nít chúng phải lo, nhưng nhắc nhở hình như lúc nào cũng là việc của bà.
Tất cả đang chờ một cơn bão tới. Cơn bão mấy ngày hôm nay được thông báo là sẽ tới, với dự đoán gió chạy 72 dặm /1 giờ
Nó được thông báo với những lời nghiêm trọng vừa đe dọa vừa hướng dẫn, thế là mọi người sửa soạn một cuộc tiếp rước long trọng cẩn thận. Nhà nhà lo thức ăn, đèn dầu, đèn pin, đèn cầy (nến), máy phát điện, củi cho lò sưởi, áo ấm, giầy ủng, áo mưa và thêm cả thức ăn cho súc vật... không thiếu một thứ gì. 
Từ người lớn tuổi nhất cho đến đứa bé bỗng dưng quên mất mình hiện hữu, chỉ bỏ hết tâm trí nhìn qua cửa kính ra ngoài đường quan sát sự chuyển động của cây cỏ, nghe từng tiếng động khẽ trên mái nhà và tập chung vào chờ đợi.
Cả thành phố như ngưng lại. Đời sống như ngưng lại, lòng người bỗng dưng trống rỗng, mọi vấn đề riêng tư như không còn hiện hữu. Cơn bão thiên nhiên chưa tới đã dập tắt được tất cả những cơn bão trong lòng người của thành phố này.
Trong mươi tiếng chờ bão, người ta bỗng dưng quên hết những tính toán đời thường. Mọi mơ mộng, yêu đương bỗng dừng lại để nghe ngóng cơn gió thổi, mọi tính toán thiệt hơn bỗng được đóng lại, một cây đèn với bình dầu kerosene bây giờ quan trọng hơn con số trên thị trường chứng khoán niêm yết. Mọi hờn giận cá nhân xếp lại vì phải tịnh tâm đối phó với một đối thủ vô hình mà không lường trước được hậu quả.
Những người già cả trong viện dưỡng lão có bận tâm với bão không nhỉ? Chắc là có, họ cũng ngồi im trên ghế nghe ngóng tiếng chân lăng xăng của nhân viên phục vụ, những tiếng bàn tán về cơn bão đang sửa soạn vào thành phố với tất cả tò mò, họ cũng ngó mông lung vào một cánh cửa hay hành lang nào đó bâng khuâng hỏi thầm: liệu khi bão tới, con cháu mình có bình an, chúng có nghĩ đến mình trong này không?
Trong các bệnh viện, mặc dù có máy phát điện sẵn sàng khi cần, nhân viên y tế cũng vẫn lo lắng khi bão tới. Không ai muốn tiến hành một ca mổ trong bệnh viện song song với cơn bão ngoài trời. Cũng ở trong bệnh viện, không ai muốn thân nhân của họ ra đi trong một ngày có bão, vì như thế họ phải nhận một lúc hai cơn bão: trong lòng và ngoài trời.
Gió ngoài đường thổi mạnh, mưa rơi, lá mùa thu trải thảm mặt đường, xe cộ vắng ngắt. Người ta lo chạy thật nhanh về nhà trước khi bão tới. Những người vô gia cư phải tìm ngay một bức tường dầy, một mái hiên rộng để tránh bão thổi tốc đi.
Cứ thế người ta mở truyền hình, truyền thanh, điện thoại theo dõi gió đi từng bước.
Từng bước, từng bước chân gió, ướt sũng, lạnh... nhưng chưa phải bão. Bão hẹn 5 giờ, rồi 6 giờ. Cuối cùng bão thất hẹn, bão không tới. 
Hôm sau trời quang, mưa tạnh, rồi nắng ửng trên các ngọn cây. Bão thật sự đã thất hẹn với thành phố này. Mọi người lại trở về ngay với cuộc sống bình thường. Lại yêu, ghét, cạnh tranh, tính toán những dự án to nhỏ, lao đầu vào bánh xe đời. Những người vô gia cư chui ra khỏi mái hiên, cầm một chiếc bìa viết nguệch ngoạc vài chữ, đứng ở ngã tư, họ đang cần tiền để mua một bao thuốc lá hay bất cứ cái gì đó giúp cho họ vui, mừng bão không tới. 
Người ta không còn lo bão tới bên ngoài trời, họ vội vàng quay lại với chính những cơn bão đời mình. Họ bắt đầu phải đối phó với chính mình còn khó hơn bão tố của trời mang tới. 
tmt
Bão NorthWest không tới Seattle như thông báo của nha khí tượng. Oct.15/2016

Monday, October 17, 2016

Hôm qua tôi thay nước cho cái ang nuôi một con CÁ duy nhất. Con cá đá màu đỏ, loại cá chỉ sống một mình hoặc chỉ sống được với con cái, nếu cùng là cá đực sẽ lôi thôi to. Đánh nhau đến một con phải chết mới ngưng. 

  Hôm qua tôi vào trang mạng Tiền Vệ xem hình vẽ CÁ của thi sĩ Đỗ Trung Quân, những con cá tím xanh nằm tròng tréo lên nhau như một núi cá, mở to những cặp mắt đục lờ. Những con CÁ đã chết.


Hôm qua tôi đọc báo biết được CÁ Việt Nam mang xuất cảng bị Liên Minh châu Âu (EU) trả về vì thủy ngân trong CÁ nhiều quá mức cho phép.

Hôm qua tôi đọc báo thấy tin người dân ở Vũng Tàu mang CÁ chết trải ra đường làm nghẽn lưu thông. Những con CÁ nuôi lồng bè chết vì những nhà máy xả nước ô nhiễm ra sông.
Hình Đông Hà- Báo Tuổi Trẻ

Hôm qua tôi đọc báo trong nước thấy người dân đang nộp đơn kiện Formosa đòi thiệt hại cho hàng triệu con CÁ chết.
 Ôi những con kiến đang đi kiện củ khoai.

Buổi tối tôi đi ngủ, nằm mơ thấy:

Cá leo vào giường
xin nằm bên cạnh
thân cá mềm nhũn
vẩy màu xám xanh
mắt màu trắng đục
tôi nằm xích vào
cho cá nằm ké
Cá thở nhè nhẹ
thở hơi cuối cùng
 
 Hình trên mạng
Ôi còn đâu nữa
những con Cá hồng
những con xanh tươi
những con cam đậm
những con mắt trong
những con vẩy bạc

Tôi mở tấm chăn
ôm cá vào lòng
ru bài ca nhỏ

“Cái bống cái bang
Mẹ bống yêu bống
Bống càng làm thơ”

Sáng ra thức giấc
ướt một góc chăn
Cá tan thành nước
hay đã bơi xa
chỉ còn dòng lệ
của tôi vỡ òa.

tmt
10/13/2016

Friday, October 14, 2016

Bản Tin VOA Sáng Nay

 Sáng nay một buổi sáng đầu thu thật đẹp, tôi trở về từ nhà thờ, đi giữa hai hàng phong, nắng mật ong đổ tràn trên những mảng lá phong sắc như gấm thất thể, tâm hồn tôi bình an với những tốt đẹp vừa được hưởng từ một nơi thiêng liêng tĩnh lặng, quyện với thiên nhiên êm ả đó. Tôi thấy được tất cả ân sủng của đất trời.
Về nhà, pha cho mình một tách cà phê, ngồi trước khung cửa sổ với cái máy điện toán nhìn ra bức tường đá bên ngoài, bức tường đá đang tưới đẫm hương sắc mùa thu, mấy con sóc đang chạy ra chạy vào chơi với nắng, mấy con chim hummingbird chao qua chao lại trên những khóm cúc vàng.

Tôi vào VOA đọc bản tin buổi sáng. Tôi bước từ miềm tĩnh lặng trong không gian vào chốn náo động trần gian trong chữ nghĩa. Tôi đọc qua những tựa đề, rồi bỏ nhanh: Vẫn xôn xao về bầu cử Tổng Thống Mỹ, vẫn gai góc bang giao giữa hai nước Mỹ Phi, vẫn lụt bão ở Việt Nam ở Mỹ, vẫn Nga, vẫn Trung Hoa rồi Syria, vẫn chiến tranh, chết chóc, khủng bố và Việt Nam thì vẫn tham nhũng, bỏ nước ra đi, biểu tình, bắt bớ, vv. Những tin tức cũ nhưng vẫn nóng hổi mỗi ngày. Đọc sáng nay đã cũ nhưng chiều nay hay sáng mai sẽ hoàn toàn khác.

Nhưng có một cái tựa đọc lên, phải ngưng ngay tay lại, không bỏ đi được, không delete được. Tin nghe cũ nhưng nạn nhân mới quá, mới như đứa bé ở tuổi mười hai. Cái tuổi đọc lên, hình dung ra, nếu ai đã là cha mẹ, đã là ông bà cũng quặn thắt ruột gan:

“Trung Quốc bắt người trong vụ bé gái Việt mang thai.”

Hai người lớn tuổi mang em vào bệnh viện, khám thai, họ khai em 20 tuổi, nhưng bác sĩ nói thể trạng em mới 12 và em lại đang mang thai ba tháng. Ở giữa đất nước Trung Hoa, em lại không nói được tiếng Trung Hoa, em là người ngoại quốc, các bác sĩ nghi ngờ báo cho giới hữu trách.

Sau đó, theo Global Times, một cuộc điều tra phát hiện ra rằng người phụ nữ họ Tạ từ tỉnh Hà Nam đã bắt cóc rồi sau đó bán cô bé cho một người đàn ông họ Lưu ở Từ Châu thuộc tỉnh Giang Tô. (VOA-10/20/2016)

Tội nghiệp em quá, em là một em bé Việt Nam, không biết bị bắt cóc từ bao giờ.
Tôi ngồi nhìn vào những hàng chữ đang nhảy múa trên bản tin, nước mắt ứa ra, bao nhiêu câu hỏi nhảy múa trong đầu: Không biết em bị bắt từ bao giờ, lúc đó em lên mấy, em vừa đi học về hay em đang chơi trước cửa nhà? Em đã khóc bao nhiêu ngày và Trời ơi! Lúc mấy tuổi em đã là nạn nhân cho những con người bệnh hoạn, những ác quỷ trong lốt người?

Em không biết nói ngôn ngữ lạ hay em đã sợ hãi qúa nên mất hẳn tiếng nói. Em còn nhớ được một tiếng nào trong cái ngôn ngữ thủa được mẹ cha bế ãm nâng niu.
Ai là cha mẹ, ông bà của bé gái đáng thương này. Sẽ có bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu cuộc thẩm vấn, và cái thai ba tháng trong bụng em bé 12 tuổi sẽ phải lắng nghe những câu hỏi gì. Các chuyên gia y tế đã chẳng từng nói là thai nhi ba tháng tuổi có thể nghe, thể cảm nhận được đó hay sao? Nhưng cái thai không biết nói, mẹ của cái thai cũng không biết nói gì. Em không biết nói không phải chỉ vì ngôn ngữ khác biệt mà vì em không thể hiểu điều gì khác biệt giữa em và những cô bé khác cùng tuổi với em. Các cô đó có bị bạo hành như em, có mang thai giống em không?

Làm sao người ta có thể tra tìm ở em một điều gì? Em bị bắt cóc hay em bị chính cha mẹ bán đi. Chỉ có Trời biết việc làm tội lỗi này.

Rồi đây khi được trả về Việt Nam, nếu không tìm ra thân nhân, làm sao em sống? Em sẽ tiếp nối sự trưởng thành ở đâu, với ai?

Tôi cầu xin Thượng Đế cho em trở về bình an, nếu không tìm được thân nhân thì một gia đình phúc đức nào đó không có con sẽ mang mẹ con em về. Sanh đẻ xong, em tìm lại được tuổi thơ đã đánh mất của mình. Em chắc không còn ở tuổi chơi búp bê nữa vì em đã có con, nhưng em vẫn còn mơ được những giấc mơ của một thiếu nữ mới lớn. Tôi gửi cho em mấy món quà tôi tìm được trên mạng sáng nay:

Một hộp chỉ màu, để em kết những chiếc vòng ngũ sắc đeo tay, đeo cổ. Một ngôi nhà cho mẹ con em như trong cổ tích và sau hết em sẽ dùng những cuộn chỉ màu kết cho mình một cái “Dream catcher” Để em có thể bắt được những giấc mơ của mình.
 Có cái bùa đó, em có thể bắt được cả giấc mơ như: “Em chưa hề bị bắt đi ra khỏi vòng tay cha mẹ bao giờ”.

Tôi chúc em được sống hồn nhiên ở tuổi 12 như tất cả các em bé gái của một gia đình có đầy đủ mẹ cha, trong một đất nước đang hãnh diện là thịnh vượng an bình.

tmt
10/10/2016

Theo CCTV, có tổng cộng 14 phụ nữ và bé gái Việt Nam bị bắt cóc và bán ở riêng tỉnh Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc kể từ năm 2011.

Monday, October 10, 2016

SẮC THU


Tuổi tôi đi giữa tuổi cây
cả hai cùng một tuổi gầy như nhau
hình như có chiếc lá chao
mảnh vàng rơi xuống hàng rào nhà ai
hình như màu đỏ trên vai
mùa thu tung sợi len dài quanh đây
cỏ thơm vào cả trong giầy
lưng bàn tay đã nhuộm đầy sắc thu.
 tmt
Vào Thu- Thành phố Bellevue, Washington
Oct.7/2016