Sunday, January 29, 2017

Khai bút xuân Đinh Dậu


Mang Tết tới trường

Bà ngoại mặc một chiếc áo khoác bằng nhung đen, có thêu cành đào làng Nhật Tân,( bà cứ đinh ninh đó là đào Nhật Tân) bà đã mua chiếc áo này ở Hà Nội, trong một lần về thăm quê cả mười sáu năm trước. Bà nhớ dịp đó vào cuối năm, gió mùa đông bắc đang thổi vào thành phố, bà được vợ chồng cậu em sống ở Hà Nội, cho đi phố xem người Hà Nội sửa soạn đón Tết. Chiếc áo này may như loại áo Trấn Thủ ngày trước, bên trong có lót một lớp bông mỏng, rất ấm.

Mặc chiếc áo vào, lòng bà mang mang nhớ lại cái ngày đi lang thang với hai em ở quê nhà. Bà nhớ cái cảm giác đặt chân lên những viên gạch cũ, len lỏi đi giữa những quang gánh, những quầy hàng xếp kín hai bên phố, người đi đông đúc như chen nhau ngược, xuôi cả hai chiều. Tiếng gọi nhau, tiếng mua bán, tiếng còi xe, dội vào tâm bà những cảm xúc vui, buồn. Những cảm xúc của một người xa xứ lâu năm trở lại nhà, làm bà thỉnh thoảng ứa nước mắt. Bà tự trấn an mình Gió mùa đông bắc đấy mà.

 Cô con gái hỏi: Mẹ sẵn sàng chưa? Lôi bà về hiện tại.

Bà xem lại những thứ mình cần mang theo: Một bức tranh hình con gà trống, sáng nay bà mới in ra từ máy vi tính rồi ngồi hí hoáy tô màu xanh, màu đỏ vào bộ lông gà, xong còn ký một chữ “Bà” vào góc bức tranh nữa.

Cô giáo sẽ ghim bức tranh lên một tấm bảng trong lớp, kèm theo một cái phong bao đỏ lì-xì cho các em ngắm nghía.

Bà mang thêm một cuốn sách truyện Tết bằng tranh cho nhi đồng. Một cái túi đựng những phong bao đỏ tiền mừng tuổi. Mỗi túi bà cho vào 2 đồng kẽm 50 xu, mới tinh. Con gái bà mang theo một túi bánh “Vận May”  (Fortune Cookies)

Bà đã sẵn sàng theo con gái tới trường Mầm Non của cô cháu ngoại lên bốn. Bà tới đó kể chuyện Năm Mới của người Việt cho cô giáo và các học trò tí hon nghe.

Bà ngồi xuống sàn lớp, các em bé ngồi thành vòng cung trước mặt bà. Lớp Mầm Non ở trường Montessori, mỗi lớp, một cô giáo chỉ có quyền trông tối đa mười em, hơn con số đó sẽ có thêm một cô giáo phụ.



Bà đọc sách về Tết
 
Bà cắt nghĩa bằng ngôn ngữ giản dị của tuổi lên ba cho các em hiểu thế nào là Tết Việt Nam, Tết của người Á Đông.

Ngày đầu năm các con phải ngoan, vâng lời ông bà, cha mẹ. Mặc áo mới, giữ cho mình luôn luôn sạch sẽ, khoanh tay chúc sức khỏe cho ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ sẽ mừng cho các con thêm một tuổi, sẽ cho các con phong bì màu đỏ, có đồng tiền mới, mới như tuổi của các con.



 Tranh Gà – Bà tô màu mang tới lớp.

 Rồi bà ngoại mở một cuốn sách có mười con chuột sửa soạn ăn Tết: Một con lau chùi nhà cửa, hai con đi chợ, ba con nấu ăn….khi đủ mười con có công việc làm, đàn chuột bắt đầu ăn Tết. Thức ăn có trái cây, bánh chưng, kẹo, mứt.

Sau đó bà hỏi tên từng em, dậy các em bé nói “Chúc Mừng Năm Mới” mỗi khi đưa tay ra nhận phong bao mừng tuổi của bà. Cháu ngoại của bà khi được hỏi tên, cô nhìn bà mỉm cười, nói: My name Mỹ Tho. Đây là tên Việt bà đặt cho, thỉnh thoảng bà gọi ở nhà. Cô khôn quá, biết là Tết Việt Nam nên cô nói ngay cái tên Việt cho bà vui. Cô sẽ lên 4 vào tháng hai này.

Sau khi nhận phong bì, các em vào ghế của mình, trên bàn trước mặt mỗi em, Mẹ của Mỹ Tho đã đặt sẵn hai cái bánh “Vận May” trên cái khăn giấy đỏ có in hình mấy bông hoa và chữ Happy New Year mầu kim nhũ.
Có lẽ đây là lần đầu tiên các em nhận được phong bì chúc tuổi. Các em sẽ đem về nhà, líu lo kể lại cho cha mẹ nghe về bà của bạn mình tới lớp đọc sách, kể chuyện năm mới, cho mình tiền trong phong bao đỏ và cho mình ăn bánh. Chỉ vài ba hôm là các em sẽ quên ngay và cả cháu bà nữa, cô bé sắp lên bốn này, nếu không có bà hay mẹ nhắc cho biết thế nào là Tết thì khi lớn lên cô sẽ chẳng thể nào hiểu được tại sao Tết đến, những người Việt, người Á Đông lại vui đến thế, lại buồn đến thế.


Bà phát tiền Mừng Tuổi

Từ giã trường học, hai mẹ con ra về. Cô con gái đưa mẹ đi chợ để mẹ mua thêm thực phẩm cho mấy ngày Tết. Xong cô đưa mẹ về nhà và quay lại trường đón con. Bé mới tới tuổi học có nửa ngày.

Bà nhìn theo chiếc xe của con đi xuống dốc và rẽ ở ngã ba. Không biết còn bao nhiêu lần nữa bà vào trường đọc sách, kể chuyện Tết quê nhà cho cháu và các bạn cháu. Cô bé sẽ lớn nhanh lắm, và bà ngoại cũng sẽ già nhanh lắm.

Cô sẽ ra khỏi trường Mầm Non, ra Tiểu Học, Trung Học và cứ thế cô đi về phía trước. Có thể cô sẽ quên hay chỉ nhớ rất mơ hồ về một cái Tết xa xưa nào đó có bà bên cạnh.
Bà ngoại cô, nếu còn, sẽ chỉ đứng lại một chỗ nhìn theo cô mỗi độ Tết về và chắc gió mùa Đông Bắc tận Hà Nội vẫn lồng lộng thổi vào trái tim lưu xứ.

tmt
Tết Đinh Dậu 2017





Monday, January 23, 2017

Monday, January 9, 2017

Cuối Năm Mẹ Đi Đâu

Cuối năm rồi, mẹ đi đâu. Chiếc áo nâu nhăn lưng mẹ còng, một tay nhặt rác cho vào túi, chiếc túi to như một cái chăn. Cái nón mẹ đội trên đầu che mưa nắng, đã xác đã xơ từng thớ lá gồi. Giữa dòng xe cộ nghiêng thân mỏng, mẹ nhặt buổi chiều mảnh nắng rơi.

Mẹ đi mẹ có biết đi đâu, đôi dép cao su gót chân sầu, vỉa hè mẹ vấp bao nhiêu bước, bước thấp bước cao mẹ về đâu.

Mẹ đi lẩy bẩy dáng xiêu xiêu, có ai đợi mẹ bữa cơm chiều, chiều cuối năm bếp nhà ai nhóm, lửa hồng tiếng củi gọi nhau về.

Mẹ có chỗ về không đêm cuối năm, mẹ có ai đón mẹ cho niềm vui, có ai xách hộ mẹ túi rác có ai trút vào túi tiếng cười.

Mẹ già ơi mẹ bao nhiêu tuổi, con mẹ đâu cháu mẹ đâu. Mẹ băng qua đường coi chừng xe đụng, xe đụng túi rác bay lên không.

Mẹ ơi ông nhà nước đang lo kinh tế, nước mình không biết sẽ đến đâu. Ngay như ông ấy còn không biết, mẹ chẳng nên trách mình không biết đi đâu.

Đến đâu là chuyện ông kinh tế, đi đâu nhặt rác chuyện người dân
Cái túi nước mình to như thế, ai biết bên trong đựng những gì. Cái túi của mẹ bao nhiêu rác, mẹ nhớ hôm nay mẹ nhặt được gì.

Mẹ cứ đi đi, chiều ba mươi, nhà ai mâm cao nhà ai cỗ đầy, thân già nón rách còng lưng xuống, rác cho vào túi chắc sắp đầy.

Mẹ đi nhặt rác trên hè phố, thân mẹ cong như tấm bản đồ. Ông kinh tế cứ nhìn vào mẹ là biết nước mình sẽ đi tới đâu.

tmt

12/27/2016
-      Vào xem Tin và Hình trên báo Người-Việt, ngày hôm nay 12/27/2016
Ông Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư Việt Nam thú nhận: “Kinh Tế Việt Nam tuy vẫn bước, nhưng không biết đi đến đâu.”

Qua Suối Đến Trường



Cây cầu qua suối đã tháo mất rồi ,cây cầu mục nát cây cầu sẽ rơi, người ta tháo đi không thay cầu mới , con suối thản nhiên dòng nước cứ trôi.

 Em lội qua suối tới trường còn trong mù sương, miền núi mùa đông hai bàn chân run, em lên mười hai hay em lên sáu, em là bình minh hay em là hơi sương.

Dạy sớm đi em dậy trước gà gáy, con đường đến trường con đường còn tối nhìn hoài không ra, nghe tiếng nước biết là con suối, mình dắt tay nhau trường còn thật xa.

Bà nội trên lưng cõng cháu nhỏ, tay dắt theo một cháu lớn hơn. Ba bà cháu mang nhau qua suối, trường học trường đời ướt sũng nguồn cơn.

Mẹ cũng đi qua suối này ra chợ, cha cũng quần cao nhúng chân xuống đây cha đi thật sớm trước khi em dậy, khi cha trở về con suối không hay.

Tất cả dân làng ngày ngày lội suối, hai bàn chân da có nhăn nheo, hình như có ai cúi xuống, soi gương mặt buồn vào dòng suối thân yêu.

Ở thành phố xa người ta không lội suối, những đôi dày đẹp không làm da chân nhăn nheo, người ta di chuyển bằng những chiếc xe giá nghe đâu tiền tỷ, em cúi người uống ngụm nước suối trong veo.


Ba chú học trò như ba viên sỏi, nước suối giá lạnh cặp sách trên lưng, viên sỏi lăn theo từng vòng nước cuộn, thả trên mặt nước chiếc bóng rưng rưng.

Ngày tháng lớn dần liệu em còn nhớ đã có một thời em được qua cầu, đã có một thời cây cầu tàn lụi, con suối tuổi thơ róc rách trong em.

Cây cầu tháo đi bao giờ bắc lại, hỏi ông không biết, hỏi bà nói chờ. Các ông bà ngồi trong nhà ấm áp làm sao biết được buốt giá tuổi thơ.

Chờ đến khi nào cây cầu mới bắc, thôi em đành để chân cho suối trôi xuôi.
Này em con suối đầu tiên đó, sẽ đưa em vào dòng sông đời, sông sẽ đưa em thẳng ra ngoài biển, biển mênh mông không bến không bờ.

Em ơi nhớ nhé đừng ra biển, ta chẳng muốn em thành con cá bơ vơ.

Trần Mộng Tú                                                    
(*) Hòa Bình, Suối Cái, xã Lỗ Sơn hàng trăm em từ Tiểu Học đến Trung Học phải lội suối mỗi ngày tới trường từ 6 giờ sáng. Cây cầu mục nát kéo xuống không biết khi nào mới có cầu mới.(Bản tin Người-Việt 12.28.2016)

Ngã tư ơi,có lệ rưng rưng !




                      
Anh ạ, hôm nay đất trời vẫn còn rất mới, lịch trên tường còn thơm mùi giấy, gió ở đây vẫn trốn trong cây, nóc nhà trắng xóa như trong tranh vẽ. Buổi sáng em ra đường, gặp ông già cũ bán hoa ở ngã tư, râu tóc ông cũng trắng xóa như trong tranh vẽ, tay ông cầm chùm hoa đỏ, từng bông hồng gói trong giấy bóng nhỏ, ông mời khách qua đường. Chẳng ai nhìn thấy hoa, chỉ thấy một ông già, những chiếc xe đi qua, chẳng chiếc nào ngừng lại đón nhận một đóa hoa.

 Ông già đứng đó tự bao giờ, ngã tư quen đi vào cổng chợ, có hôm em gặp ông, thấy như mình gặp bạn, có hôm em không gặp, thấy nhớ hai bàn tay cũ kỹ và những bông hoa màu đỏ. Đồng tiền trong túi em cũng nhớ những ngón tay thô.

Ông nói với mọi người, lời chúc mừng năm mới. Ông thì rất cũ kỹ, cái nón và bộ râu, bàn tay và vai áo tất cả đều cũ nhàu, nhưng nụ cười của ông mới như ngày tháng mới.

Anh ạ, với em ông già đó lúc nào cũng mới, ông luôn luôn làm ấm một ngã tư, ông tặng nụ cười cho những người ngồi trong xe đang giận dữ hay đang buồn phiền, có những chiếc xe chỉ dừng lại để chờ đèn, nhưng vẫn nhận được nụ cười không tính toán.



Đôi khi em bâng khuâng tự hỏi, tối nay ông ngủ ở đâu, hoa bán không hết ông sẽ cất ở chỗ nào, hay ông có ôm hoa cùng ngủ dưới một gầm cầu.

 Gió ơi đừng thổi nữa, tuyết ơi đừng nhuộm trắng râu ông.

Những chiếc xe cứ đi qua, ngày tháng cứ đi qua, mùa xuân rồi mùa hạ mùa thu cứ đi qua, đông về trắng phố, trắng nóc nhà. Thành phố có khi thay đổi, con đường đôi khi bỗng mất một hàng cây, đôi khi một cao ốc được dựng lên. Mọi việc chung quanh ông xoay tròn, đổi mới, ông già vẫn cũ kỹ và vẫn hay đứng đó, ngã tư này như thuộc của riêng ông.


Con phố ơi, đừng bỏ ta đi.

Anh ạ, em biết ở một góc khuất lấp nào đó, dưới gầm cầu, hay dưới chân xa lộ, ông già cũng có một chỗ riêng cho mình, em cũng đoán ông không hay dọn nhà, dù là nhà của một “kẻ không nhà” vì đã lâu lắm rồi ông chỉ đứng ở một ngã tư này và ông bán những bông hoa đỏ, tặng thêm những nụ cười. Ông rất cũ và nụ cười rất mới.

 Anh ơi! Chiếc xe nào đi qua, chiếc xe nào dừng lại, bàn tay nào đưa ra, nhận bông hồng trao lại. Hoa rất mới và đồng tiền rất cũ.

 Ngã tư ơi, có lệ rưng rưng!

tmt
Tháng 1/5/2017








Monday, January 2, 2017

TÂM AN




Gửi những người bạn thân yêu của tôi.

Chữ này nghe sao giản dị thế, cả hai chữ đều vần bằng, nên khi đọc lên giọng ta trầm xuống, ta có thể nói thầm vào tai nhau rất khẽ nghe cũng vẫn rõ ràng.

Chữ Tâm và chữ An để đặt tên cho con cũng rất đẹp. Người ta hay dùng hai chữ này đi đôi với nhau hay dùng riêng lẻ, hay ghép vào một chữ khác, đều hay. Các nhà lãnh đạo tinh thần, thầy giáo dậy văn chương hay dùng trong những bài giảng: Tâm Hương, Tâm Linh, Tâm Tịnh, Tâm Phúc, Tâm Thanh,v.v… Hoặc: An Bình, An Lạc, An Hòa, An Khang…

Nhưng thật sự trong đời sống hàng ngày chúng ta có với được tới hai chữ “Tâm An” không? Tại sao các linh mục, các nhà sư khi tới thăm người sắp qua đời cũng nói câu đầu tiên là: “Anh hay chị hãy sửa soạn cho mình được tâm an vào những giờ sau cùng của đời người.” Và người sắp ra đi đó cũng nhờ những vị hỗ trợ tinh thần “Giúp cho con đi được tâm an”.

Như vậy có phải là chúng ta hàng ngày sống với cái “tâm động” hay không?  Chúng ta có cả ngàn lý do để động tâm. Động tâm gồm cả: yêu quá mức, giận hờn, nghi kỵ, oán hận, ghen tuông, tự ái, kiêu hãnh, mặc cảm… Làm sao con người sống một đời không va chạm với ngần ấy thứ. Tránh cách nào cũng va vào một vài thứ. Ngay cả những bậc tu hành cũng phải mỗi ngày cầu nguyện, tĩnh tâm để mang mình ra khỏi những con lốc đó.

Có bao nhiêu vị chân tu đích thực với được hai chữ “Tâm An”.

Tâm không “An”, phải chăng do mỗi người đều đặt cái tôi của mình là điểm chính, rồi từ đó mang tới sự “hỗn loạn” trong tâm vì cái tôi không được hài lòng.

Các lớp Thiền Học được mở ra, các khóa Tĩnh Tâm được tổ chức cũng không ngoài mục đích giúp cho con người có được “Tâm An”.

 Lời khuyên của Trang Tử từ hơn ngàn năm trước, trong Nam Hoa kinh, đã khuyên mọi người muốn có tâm an cần phải: “Ngủ không nằm mộng, thức chẳng lo lắng, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu” (Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam).

Ai ngủ mà không nằm mộng, nhưng có giấc mộng hiền lành, khi thức giấc, quên ngay. Có cơn mộng dữ, dậy toát mồ hôi, tim đập dồn dập và làm người ta cứ quay quắt với cơn mộng đó cả hai, ba ngày.

Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa đản sinh năm 1981, còn được biết đến với hồng danh Khamtrul Rinpoche, tác giả cuốn sách Tâm An Lạc, viết: "Chính tâm ta tạo nên thế giới chúng ta đang sống", từ đó tác giả gửi tới thông điệp rằng thái độ, quan điểm của tâm chính là chìa khóa quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người.

Trong Thiên Chúa Giáo cũng có Kinh Hòa Bình của thánh Francis hướng dẫn chúng ta muốn có tâm an thì điều cần thiết là : “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục… vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.” Đó cũng chính là tự tâm mình tạo cho mình một thế giới hòa bình.
Khi chúng ta còn trong tuổi thanh xuân hay ngay cả ở tuổi trung niên, chúng ta sống cuồng nhiệt với danh vọng, với những mục đích phải tiến tới:

 Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông – Nguyễn Công Trứ

Chúng ta mang hết cả tài hoa, thể lực ra để đạt được mục đích lý tưởng đó.
Chắc chắn chẳng thế nào có được “Tâm An” vì những tiếng động danh vọng đó dội từ trong dội ra, từ ngoài dội vào.

Nhưng khi đã bước đi đến gần hết con đường đời (cả danh vọng và tuổi tác), nếu chưa hiểu thấu đáo câu:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao  
của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì quả là ta “Dại” thật.

Ai trong chúng ta cũng có một cái bình chứa đầy lẫn lộn những cái cần thiết và những cái không không cần thiết. Chúng ta phải trút cả ra để nhặt giữ lại cái cần và cái không cần, vứt đi. Có khi chúng ta làm đi làm lại mãi mà sao khi cầm lên vẫn thấy bình đầy. Có phải, khi đổ ra để lựa lại, chúng ta thật ra chẳng vứt được bao nhiêu. Cái tủ áo quần cũng vậy, dọn tủ cho bớt đi, cầm lên bỏ xuống vẫn tiếc. Cuối cùng cái tủ vẫn đầy. Vậy cái tâm của mình đâu có khác gì cái bình hỗn tạp, cái tủ quần áo lâu năm.

Những nhà tu hành luôn nhắc nhở chúng ta: “Muốn có tâm an, phải biết dốc hồn cho trống rỗng”. Hồn không trống rỗng, chúng ta chẳng bao giờ tìm được cái tâm an.

Có một bài thơ tôi yêu thích lắm, nhất là khi đã bước qua tuổi sáu mươi. Đó là bài thơ “Điểu Minh Giản” của Vương Duy, nói về cái rỗng không của tâm với (thân nhàn) tiếng rơi của cánh hoa quế (hoa quế lạc), trăng mọc (nguyệt xuất) và tiếng chim núi kêu (kinh sơn điểu).

Nhà thơ Vương Duy, đời Đường của Trung Hoa (701-761) đã để cái tâm mình rỗng, rỗng tới nỗi nghe được cả tiếng rơi của cánh hoa quế. Hoa quế là loại hoa rất nhỏ, cánh mỏng, rơi trên núi trong một đêm xuân tĩnh mịch làm sao gây được tiếng động trong tâm thi sĩ. Vậy thì có phải cái hương của hoa bay ra chính là tiếng dội vào cái tâm trống không?

Con chim ở núi khi nhìn ánh trăng lên nó cũng giật mình cất tiếng kêu. Thật sự có tiếng chim kêu hay tiếng kêu đó chỉ bật ra từ cái tâm trống rỗng của thi nhân vì ánh trăng xuất hiện.

Hoa Quế-Hình minh họa

Điểu Minh Giản 
Nhân nhàn hoa quế lạc,                    
Dạ tĩnh xuân sơn không.                      
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh tại giản trung. (Vương Duy)

Dịch nghĩa:     
                                       
Người nhàn, hoa quế rụng,
Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không.
Trăng lên làm chim núi giật mình
Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi.

Hình-Minh họa

Dịch thơ:       
Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,
Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.
Trăng lên, chim núi giật mình,
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi. (Ngô Tất Tố dịch)

Hoa quế khẽ rơi trong tâm an
Đêm xuân tĩnh lặng trên đồi vắng
Quanh đồi chim núi thẳng thốt kêu
Mỗi khi chạm vào ánh trăng sáng (tmt dịch)

Hãy để cái tâm an của mình chỉ động khi chạm vào một bài thơ.

tmt
Cuối năm 2016.