Sunday, December 29, 2019

NGÀY QUA NGÀY QUA - 2020


Tôi đi qua những cánh đồng lúa chín
Đi qua những thành phố
Những bờ sông và những ngọn đồi
Tôi đi từ Bắc vào Nam
Tôi đi từ một thổ ngơi này sang thổ ngơi khác

Tôi qua núi
Tôi qua biển
Tôi cài hoa cưới cô dâu
Tôi chít khăn tang quả phụ
Rồi tôi lại hân hoan áo mới
Tôi khóc như trời mưa tháng sáu quê tôi
Những giọt lệ mặn như nước biển
Tôi buồn như liễu tháng mười
Tôi cười như những bông hoa mẫu đơn
nở trong mùa trăng nở

Tôi sanh ra những đứa con
Tôi vỗ về những đứa cháu
Tôi chôn mẹ cha như chôn quá khứ xuống mặt đất
Tôi thắp nhang trên những nấm mồ

Tôi bóc lớp rêu trên nóc nhà thờ
Cậy miếng ngói vỡ trên mái ngôi chùa cổ
bước qua hố bom trong vườn nhà ai
Tôi đi từ chiến tranh
Tôi bước vào Hòa Bình
 Người ta nói tôi đặt chân qua hai thế kỷ


Tôi loanh quanh đi tìm mình
tôi xổ tung mái tóc thanh xuân
thổi sợi tóc trắng ngược về quá khứ

Hết ba phần tư thế kỷ
Tôi vẫn chưa tìm thấy tôi.

tmt
Đánh dấu năm 2020

Sunday, December 22, 2019

Bài Thơ Tháng 12 / Phạm Xuân Đài

Gần cuối tháng Mười Hai năm nay một người bạn gửi cho tôi một bài thơ có tên gọi “Bài Thơ Tháng 12” của Trần Mộng Tú, được sáng tác vào tháng 12 năm 1996. Người bạn đã trình bày bài thơ một cách mỹ thuật để làm quà sinh nhật cho tác giả, và chia sẻ cho một số các bạn bè khác để cùng thưởng thức.






Bài thơ bắt đầu với hai câu trong dạng một câu hỏi như một tra vấn đầy tính chất triết học

Tôi ở đâu mà tôi tới đây
Ngày xưa ai đứng ở nơi này

Hai câu hỏi vừa rất quen mà cũng rất lạ, quen vì dạng câu hỏi này thì nhân loại đã tự đặt cho mình không biết từ thuở nào, xưa lắm rồi; nhưng vẫn lạ vì cái thắc mắc trước tôi ai đã từng đứng chỗ này, kéo một không gian rất xa xưa vào với hiện tại. Có lẽ không ai, kể cả tác giả, có thể trả lời hai câu hỏi này, vì nó lớn quá, tuy là hỏi cho chính mình nhưng cũng là cho con người hết đến rồi đi bất tận trên mặt đất này. Người đọc có thể sững sờ trước hai câu thơ đơn sơ nhưng bao trùm một thắc mắc lớn về nguồn gốc và lịch sử của con người. Thắc mắc ấy không mới nhưng lại không bao giờ cũ. Mỗi người, mỗi kiếp người, mỗi sự sống đều có lúc ngạc nhiên về sự hiện hữu của chính mình. Thắc mắc ấy như một điệp khúc được lặp lại hoài như một nhu cầu hiểu biết không bao giờ được giải đáp trọn vẹn.

Giọt mưa trời khóc ngàn năm trước
Sao còn ướt trên lưng bàn tay

Những điều kiện sống của con người muôn thuở vẫn vậy, vẫn ngày và đêm, nắng và mưa, vẫn xuân hạ thu đông xoay vần bốn mùa. Đó là nơi quen thuộc mà tổ tiên ngàn đời cho đến con người của ngày hôm nay vẫn dựa vào mà sống. Nhưng nhận thức ra những “giọt mưa trời khóc” chính là những giọt nước mắt thì rất lạ, như một khám phá. Giờ đây khi đưa bàn tay quệt mắt mình thì lưng bàn tay vẫn ướt ! Thì ra, ngàn năm trước đến ngàn năm sau, nước mắt vẫn rơi. Nỗi khổ tồn tại từ một thời xa xưa tít mù trong quá khứ vẫn như một mối nợ dai dẳng của con người chăng ?

Xem tiếp khổ thơ thứ hai :

Tôi ra đời đã được bao lâu
Sao trái tim tôi nếp gấp nhầu
Mặt đất tôi đi bao ngàn dặm
Sao vẫn chông chênh những bước đầu

Tác giả bắt đầu nhìn ra những thuộc tính của cuộc sống, “nếp gấp nhầu” của trái tim là gì, bước đi “chông chênh” là gì nếu không phải là những khổ đau, những khó nhọc của cuộc đời ? Từ lúc tôi sinh ra, đáng lẽ tôi được hưởng nhiều hạnh phúc, nhưng ngược lại, trái tim tôi đã bao lần tan nát; bàn chân tôi bước đi trên mặt đất tưởng đã quen thuộc và dễ dàng êm ái lắm rồi, nào ngờ vẫn cứ vướng phải đầy chướng ngại khó khăn như lúc mới tập đi ! Nghe phảng phất như một chân lý đơn giản đã được nhìn ra tự ngàn xưa : đời là khổ.

Qua những ngạc nhiên rất chính xác về bản chất của cuộc hiện sinh, Trần Mộng Tú tiếp tục nêu lên các câu hỏi rất tò mò : vậy chớ thân xác của mình được hình thành là do những nguyên tố nào ? Đây là các tò mò rất trẻ thơ, như một em bé luôn miệng hỏi cái này là gì, cái nọ làm bằng gì, tại sao thế này, tại sao thế kia… ; nhưng đồng thời đó cũng là những ưu tư rất trầm trọng

Tôi kết tinh từ mảnh vân hà
Từ báo cọp xưa hay đóa hoa
Bụi phấn tôi mang trên thân thể
Từ tảng đá nào đã vỡ ra

Giả dụ cứ coi đây là những câu hỏi chỉ do tò mò, thì cùng lúc cũng nên coi là những giả thuyết đầy tính chất siêu hình. Nó liên quan đến sự cấu tạo vật chất, mà cũng rất có thể dính líu đến quan niệm luân hồi, duyên nghiệp. Tôi đây, cả thể xác và tinh thần, phải chăng được hiện hữu là do những cái duyên rất bí ẩn nhưng cũng rất giản dị, để từ trạng thái này chuyển sang trạng thái kia để tiếp tục từ kiếp này qua kiếp nọ. Từ một mảnh vân hà lang thang trongvũ trụ, đến báo, cọp là thú dữ, đóa hoa là vẻ đẹp mong manh, và cả đất đá đã trải qua bao nhiêu biến động của địa cầu, cái nào đã hóa thân để làm thành tôi ? Những câu thơ đọc lên có thể cảm nhận như là những giả thuyết khoa học, hoặc, cũng có thể như một cái gì mịt mù huyền bí, nhưng thật là hào sảng và đầy kiêu hãnh. Bao nhiêu yếu tố trong tự nhiên, với trực giác sáng tạo nơi tác giả, có thể đã kết tinh để tạo nên tôi do những cái duyên đã tiềm ẩn từ tiền kiếp.

Sau khi đặt ra một mớ giả thuyết giống như khoa học để mô tả thân phận của chính mình –và qua đó, có thể là của con người nói chung- tác giả đi vào khổ thơ cuối như một kết luận rất quan trọng

Tôi yêu người yêu thật là xa
Tình trong tiền kiếp tình không già
Giòng sông trăng chảy vào trái đất
Chảy lâu rồi hay mới đêm qua

Chúng ta thở phào, với khổ thơ này đã gặp lại Con Người qua Tình Người. Mười hai câu thơ mang bao nhiêu thắc mắc, bao nhiêu giả thuyết về sự hiện hữu của tôi, cuối cùng tôi đã tìm thấy kết luận trong bốn câu thơ cuối : một chữ Tình. Tính chất quan trọng nhất, cao cả nhất của con người đã được tác giả nhìn ra Tôi yêu người, yêu thật là xa, Tình trong tiền kiếp tình không già, đó là điều không thể thiếu của Con Người viết hoa, là cái khiến con người là con người. Tình Yêu Thương, đủ loại từ cái tình gần bản năng nhất đến tình thăng hoa trừu tượng một cách rộng rãi nhất, đã dần dần được con người ý thức đến. Yêu thương là một khả năng vừa tự nhiên sinh ra đã có như cha mẹ thương con, vừa có loại tiềm ẩn phải chuyên tâm luyện tập thì nó mới nở hoa và kết trái. Làm người là một hành trình không đơn giản để hoàn thiện Tình Thương nơi chính mình. 

Tác giả đã nhìn ra, sau khi nêu lên biết bao thắc mắc về thân phận mình, cái cứu cánh sau cùng giải thích sự có mặt của con người trên trái đất, đó chính là Tình Thương Yêu. Từ cõi vô minh của mảnh vân hà, của hổ báo, ngay cả của một đóa hoa, thậm chí cả đất đá, là những vật liệu có thể đã xây dựng nên tôi, bỗng bừng sáng lên sự mặc khải của Tình Thương Yêu, giúp tôi hiểu khả năng ẩn tàng ấy vốn đã có trong con người tôi và tất cả các con người khác. Sống với Tình Thương Yêu chính là quá trình thành người nơi mỗi người. 

Khi đưa ra câu hỏi cuối cùng Giòng sông trăng chảy vào trái đất Chảy lâu rồi hay mới đêm qua thì cái dòng sông trăng ấy có thể hiểu chính là Tình Người mà thi nhân đã nhìn thấy trong cảm nhận của mình. Về câu hỏi nó chảy lâu rồi hay mới đêm qua thì quả thật là một phát kiến rất to lớn, vì nó hàm ý tùy khả năng nhận thức và giác ngộ của từng con người, có thể mới tối qua tôi mới phát giác ra cái chân lý về Tình Người, nhưng chân lý ấy vẫn ẩn tàng trong con người từ ngàn xưa.

Trần Mộng Tú với riêng bài thơ này đã khái quát thân phận khổ đau và nỗi hãnh diện được làm người, nhân kỷ niệm sinh nhật của mình từ một ngày đã xa, cách đây 23 năm. Ngày ấy tác giả mới ngoài năm mươi. Nếu tuổi bốn mươi “Tứ thập nhi bất hoặc” là tuổi đã hết nghi ngờ nhờ sự sống đã đủ chín để nhìn ra bản chất của mọi sự, thì tuổi năm mươi đã là “ngũ thập tri thiên mệnh” đã biết thế nào là mệnh trời, củng cố sự tin tưởng của mình càng vững chắc. Mười sáu câu thơ của bài này là một tổng kết tuyệt diệu mà trong giây phút tự vấn xuất thần trong ngày sinh của mình, tác giả đã hốt ngộ tính chất của cả một cuộc nhân sinh. Tác giả đã không viết thành một khảo luận về kiếp người, với suy tư bằng khoa học hoặc triết học. Trần Mộng Tú đã làm thơ, tức là dùng ngôn ngữ của nghệ thuật. Nhờ nghệ thuật, nhiều hình ảnh, nhiều sự thật ẩn mật của sự sống đã được hiển lộ, và qua thưởng ngoạn thi ca, đã đi thẳng vào nhận thức của người đọc không chút khó khăn. 

Chỉ thi ca làm được việc đó, nhưng không phải thi sĩ nào cũng làm được việc đó.

Nam California ngày 21 tháng 12, 2019
Phạm Xuân Đài

Sunday, December 1, 2019

Tạ ơn

Tạ Ơn
Xin tạ ơn giọt sương
Nhỏ trên bàn tay nhỏ
Xin tạ ơn ngọn gió
Thổi bay đi nỗi buồn
Tạ ơn con chuồn chuồn
Trên nhánh hoa mùa hạ
Tạ ơn con sóc lạ
Chạy vào vườn hôm qua
Tạ ơn từng vạt nắng
Vắt qua hàng rào thưa
Tạ ơn những giọt mưa
Ru tóc buồn thôi khóc
Ôi Trời thì rộng quá
Mặt đất thì bao la
Ta trải cả hồn ta
Thấm nhuần ơn mưa móc

Tạ ơn những người bạn
Lòng trải như khăn điều
Ta vắt trên vai mỏng
Nghe ấm tuổi xế chiều.   (Thanksgiving 2018)

 Xin tạ ơn các con
Đã sống đời lương hảo
Những đứa cháu như ngọc
Còn nguyên dấu tinh khôi
Xin tạ ơn bầu trời
Đã cho mưa cho nắng
Tạ ơn những hạt thóc
Vì ta đã nẩy mầm
Tạ ơn đóa tầm xuân
Nở trên hàng rào đổ
Con chim dưới mái hiên
Vịt vào vườn đặt ổ
Bình minh trên cánh cửa
Trăng ngủ nhờ hiên nhà

Miền đất lạ mang mang
Ta lạc loài phận mỏng
Lượng Trời thật bao dung
Đổ tràn ơn mưa móc.   (Thanksgiving 2019)


Wednesday, November 27, 2019

Tuesday, November 26, 2019

Người Rơm và Người Thật


Hôm qua đã vào tiết “Lập Đông”, nắng Thu đã nhạt trên những hàng phong trơ xương lá, cái lạnh đã len qua áo khoác vào tận trong ngực. Tôi đi bộ qua cánh đồng bí đỏ. Cánh đồng đẫm sương, sơ xác vài quả bí còn xót lại, lăn lóc cô đơn lẫn trong đám lá nâu xậm dưới sương lạnh cuối thu. Cả khu vườn đang rã mục.
Tôi co ro, cho hai tay vào túi áo, đi rảo bước cho người ấm lên, qua khúc rẽ, cánh đồng như rộng hẳn lên, trái bí bỏ lại nhiều hơn và đặc biệt nhiều “Người Rơm” hơn.
Ở Việt Nam gọi “Người Rơm” là Bù Nhìn. Nếu về một làng quê vào những ngày gieo mạ, hay bắt đầu rắc hạt giống trên những cánh đồng người ta hay đặt Bù Nhìn, để dọa chim chóc tới ăn hạt mầm vừa gieo xuống. Người Bù Nhìn này chỉ là hai cái gậy tre, cái dài làm thân, cái ngắn là hai tay dang ra, rồi đóng xuống đất, trên nóc chiếc gậy dài, được đội một chiếc nón rách, đeo thêm hai cái lon sắt vào hai cánh tay, để có thể phát ra tiếng động khi gió tới, thế là xong một anh “Bù Nhìn. Chim chóc cứ tưởng đó là một con người, không dám xà xuống ăn hạt mầm.

Ở nước Mỹ, nơi tôi sinh sống, người ta gọi người giả canh vườn này là Scare Crow. Tức là người dọa chim chóc vào vườn. Những anh Scare Crow này được bện bằng rơm và mặc những chiếc áo may bằng vải bố hoặc được mặc bộ quần áo cũ rách của một nhà nông (Farmer) Đôi khi có quần jean, có nón đội, có sơ mi cũ của chủ nhân ngôi vườn mặc cho, họ còn vẽ, hoặc gắn ngũ cốc lên mặt làm mắt mũi,  nên trông rất dễ thương.
Những người Rơm trên cánh đồng bí đỏ tôi đang đi ngang qua thì đang xiêu vẹo đổ xuống vì đã hết mùa gặt hái. Người thì mất tay, người thì mất đầu, quần áo tơi tả, người thì nằm sõng soài trên mặt đất mục nát. Họ thật sự là Rơm, không có cái tên nào khác, khi thời tiết thay đổi thì họ sẽ rơi xuống những cánh đồng này.

Người Anh gọi Bù Nhìn là Straw man (người Rơm), là Fake (Giả) là Puppet (người Múa rối ) vì bề ngoài giống chứ bên trong không phải thật.
Cả 3 định nghĩa này cũng được thường dùng cho các tổ chứcchính phủ, con người, có hình thức bên ngoài như thật nhưng bên trong không thật.

Tôi đi qua cánh đồng bí đỏ cuối mùa thu nghĩ tới 39 người Việt Nam, nằm chồng chất cong queo chết trong cái thùng sắt ở bên nước Anh.
Những con người bằng xương, bằng thịt, được mẹ cha sinh ra, có gia đình có quê hương, có ngôn ngữ, bỗng một sáng một chiều, bước chân sang một phần đất khác chấp nhận cho người lạ lấy hết tất cả, xóa sổ đời mình, trở thành “Sống vô gia cư, chết vô địa táng”

 Những người đã chấp nhận sống không quốc tịch, chết không được chôn, gửi đời mình vào cuộc xổ số tử sinh. Người Anh gọi những người đó là “Người Rơm” để phân biệt với “Người Thật” có quốc tịch, có ngày sinh tháng đẻ.
Ngoài những nạn nhân chúng ta mới biết đây, bao nhiêu người Rơm Việt Nam khác, chết trong những cánh rừng Âu Châu không được biết đến, vì họ không còn bất cứ một hình ảnh, giấy tờ nào chứng minh về xuất xứ của mình. Họ không được trở về dù trong những chiếc hòm sắt đông lạnh.
Những cọng Rơm đáng thương đó có sinh quán, có xuất xứ chứ, nhưng các hộ chiếu, hình ảnh bị vứt ngay khi bước chân ra khỏi Việt Nam.
Giống như những người Bù Nhìn trên ruộng lúa Việt Nam, mục nát ngay dưới chân mình.
Sáng nay ngày 8 tháng 11 năm 2019, nước Anh đã đưa ra danh sách 39 Người Rơm chết đông lạnh trong hòm sắt. Người lớn tuổi nhất 44 và nhỏ nhất là một thiếu niên mới 15 tuổi.
Một cái chết của những con người làm bằng những cọng rơm làm cả thế giới rùng mình.
 Nước Việt Nam của tôi luôn luôn làm thế giới rùng mình vì những điều vượt qua trí tưởng tượng của lương tâm, đạo đức bình thường.
tmt
Nov.8 - 2019


Những Lưỡi Dao sản xuất từ Việt Nam



Sáng nay tôi bỗng thấy
Người tôi nhẹ như Rơm
Hình như ai hun khói
Sặc sụa khói đầy hồn

Lửa cháy bùng bốn phía
Cọng Rơm cháy thành tro
Cọng Rơm cong queo rục
Một đám bụi tro mù

Nhưng không tôi không cháy
Chỉ là mơ đấy thôi
Lửa chưa hề được mồi
Và Rơm không chết cháy

Tôi là cọng Rơm nhỏ
Chất trong chiếc thùng này
Chiếc thùng rất kiên cố
Tường thép lạnh rất dầy

Chúng tôi chồng lên nhau
Những cọng Rơm dài ngắn
Chia nhau hơi thở mỏng
Thoi thóp nỗi tử sinh

Trong chiếc thùng đông lạnh
Cọng Rơm quấn vào nhau
Những nắm tay đầy máu
Những đốt xương gãy giòn

Vết máu trên tường sắt
Máu chảy xuống sàn xe
Tiếng gọi của cái chết
Ôi Mẹ cha có nghe

Tiếng kêu trong thùng xe
Bật ra ngoài thế giới
Ba mươi chín cọng Rơm
Rung hồi chuông báo tử

Ba mươi chín cọng Rơm
Từ từ đông thành đá
Như lưỡi dao thủy tinh
Cắt vào lòng nhân thế

Những lưỡi dao đông lạnh
Sản xuất từ Việt Nam.
tmt
Nov.11, 2019



Wednesday, November 20, 2019

Ô kìa

Hình: Lien Staudt

Ô kìa hai kẻ yêu nhau
Lồng trong bóng nước làm nhàu mùa thu. (tmt)

THÁNG MƯỜI MỘT VÀ CÁNH ĐỒNG MÙ SƯƠNG



               Sáng nay khi đi ra ngoài thành phố
               Con đi qua một cánh đồng mù sương
               Có đàn cừu đang lơ mơ ăn cỏ
               Cừu mẹ cừu con trắng lẫn vào sương
          
               Có hàng cây hai bên đường vàng lá
               Có chiếc lá rơi làm con rưng rưng
               Con nhớ mẹ cũng úa vàng như lá
               Đã rơi xuống ở bên kia dòng sông

               Con ở bên này giơ tay ra với
               Đôi bờ sinh tử trắng xóa mênh mông
               Chiếc lá vàng rơi trôi hoài trôi mãi
               Con đứng nhìn theo nước mắt lưng tròng
               
                Con bây giờ cũng đang là cừu mẹ
                Đàn cừu con còn trắng những sợi len
                Chúng lăn qua cánh đồng không rào cản
                Con buồn như đôi que đan bị bỏ quên
                 
               Đôi que đan nằm trong ngăn tủ cũ
                Suốt một đời nhớ hơi ấm của len.

                tmt

                (Tháng mười một là tháng mẹ mất- 11-16/1990 )

                 Rồi hôm nay con bắt đầu vàng lá
                 Con nghiêng tai đợi tiếng gọi dòng  sông
                 Nước lớn, nước ròng con nào biết trước
                 Mẹ con mình có gặp lại nhau không.

                   Sinh nhật 12/19/2017

Thursday, October 24, 2019

Giấc mơ màu tím

                 (PHOTO: LIEN STAUDT)

                   Giấc mơ màu tím
          con đường vào Thu
          dấu chân hư thực
            mất trong sương mù 
             (tmt)

Sunday, August 4, 2019

TIỄN BẠN KIM NHUNG

 ( Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời )
 Gửi anh Đỗ Hữu Nho và Gia Đình 

Hôm qua bạn tôi đi
 Bạn tôi đi xa lắm 
Miệng ngậm một câu kinh
 Bạn đi hai mắt nhắm 

Tôi úp mặt vào tay 
Nước mắt như muối xót 
Hình như bàn tay tôi 
Ai cắt đi một ngón

 Bàn tay tôi thương tích 
Khua vào một khoảng không 
Bàn tay mất một ngón 
Ôi nỗi đau khôn cùng

 Bạn tôi đi thật rồi 
Để lại một khoảng trống 
Hỏi có bao nhiêu hoa  
Lấp đầy được khoảng trống

 Bạn tôi đi thật rồi
 Miệng ngậm một câu kinh 
Tôi gửi ngàn mắt lệ
 Xâu thành chuỗi An Bình 

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời (*) 

Câu kinh là trầm hương 
Chữa những lòng muối xót 
Tôi gửi tấc lòng tôi 
Đốt theo tàn tro bạn. 

Trần Mộng Tú Ngày 3 tháng 8 năm 2019

 (*) Kinh Hòa Bình- Thánh Phanxico

Sunday, June 9, 2019

Bạn Về

Gửi TD và BBH

 
Khi bạn về rồi
Nước hồ xanh nỗi nhớ
Sóng rung trên cả đốt tay gầy
Một chút nắng cũng hanh hao bực cửa
Con chim sang mùa vướng tiếng hót trên cây

Tôi quanh quẩn trong vườn cắt hoa nhỏ cỏ
Trên bụi hồng ngơ ngẩn những chiếc gai
Khóm rau thơm nhớ bạn rủ nhau khóc
Những giọt nước mắt tròn lăn xuống vạt áo ai

Khi bạn về rồi mùa hè chưa dứt khoát
Nên vài giọt mưa đến rồi đi ngay
Chắc mưa sợ làm bàn tay ai ướt
Ôi buổi chiều nào
Buồn hơn buổi chiều nay!

tmt
Tháng 6/7th.-2019

Than Đước Cà Mâu


Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con (Bùi Giáng)

Thi đến gặp tôi, tối hôm tôi đang sửa soạn về Việt Nam. Chuyến bay một giờ sáng, cất cánh từ Seattle. Tôi phải có mặt ở phi trường trễ lắm là mười giờ.

Thi vừa ngồi phụ tôi thu xếp hành lý vừa nói khe khẽ.

- Mắt em bây giờ tệ quá. Lái xe mỗi lần nhìn xa em phải ngẩng thật cao đầu lên, vì một nửa phần đồng tử phía trên của em không nhìn rõ nữa.

- Nguy hiểm quá, thế em đi khám mắt chưa? Tôi lo lắng hỏi.

- Có em đã đi bác sĩ chuyên môn rồi, chắc chỉ có cách thay mắt thôi. Không kiếm được thì chỉ đôi ba năm nữa là em mù.

Tôi bàng hoàng vì cái tin lạ lùng này. Thay mắt, kiếm ở đâu ra mắt mà thay bây giờ. Tôi buông mấy cái quần áo đang cho nốt vào va-li xuống đất, lại thật gần, nhìn vào mắt Thi.

- Đâu, đưa chị xem nào, em nói gì nghe sợ thế.

Thi ngồi thẳng lưng lại trên ghế, hai tay để trên đùi, mặt ngửng lên một chút, cô mở to hai mắt, nói khẽ:

- Chị xem đi.

Tôi cúi xuống, nhìn vào đôi mắt đang mở to của Thi, hỏi còn khẽ hơn cô:

- Cả hai mắt hả em?

- Dạ

Tôi chăm chú nhìn, chẳng thấy gì khác biệt, dưới hàng mi là đôi mắt quen thuộc, tròng đen long lanh luôn ánh lên một chút tinh nghịch của Thi, tôi nói:

- Sao chị không thấy cái gì khác lạ cả.

Chị nhìn kỹ ở tròng đen đi.

Tôi nhìn thật kỹ, có, tôi thấy, có một cái viền trắng thật mỏng ôm đè trên tròng đen ở cả hai mắt như một nét vẽ thật mảnh của trăng lưỡi liềm. Tôi kéo một chiếc ghế, ngồi sát xuống cạnh Thi, cầm tay cô bóp nhè nhẹ, im lặng.

Hai chúng tôi ngồi im một lúc khá lâu, Thi cất tiếng trước:

- Em biết, chỉ có chị mới giúp được em chuyện này. Chị thương em nhé.

- Thì em cứ nói đi, việc gì chị làm được chị sẽ làm ngay cho em.

- Chị về Việt Nam, tìm mua cho em một đôi mắt mới.

Tôi ngẩn người ra hỏi lại, cho rõ:

- Em định nói chị mua hộ cặp lông nheo giả phải không?

Thi cười cười:

- Không chị ạ, mắt, chứ không phải lông nheo.

- Ai nói với em là có thể mua mắt ở Việt Nam?

- Ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng mua được, nếu biết chỗ và có tiền, em biết chị sẽ tìm được.

Thi nói với giọng rất quả quyết, như việc mua mắt ở Việt Nam, Thi đã từng mua rồi. Tôi hứa nhưng không tin ở chính lời nói của mình.

- Ừ thì chị sẽ tìm, tìm được chị sẽ báo cho em biết để em sang thay, nhưng em có biết là em có thể ghi tên xin mắt ở chương trình Organs Donation chứ?

- Em biết, nhưng chờ ở đó lâu lắm, chắc gì đã đến phiên mình. Ai cũng nói với em Việt Nam bây giờ cái gì cũng nhất hết, chị chịu khó hỏi hộ em. 

Tôi về Việt Nam, cái việc Thi nhờ là một nỗi ám ảnh khôn nguôi, tôi biết đó là một điều tôi không thực hiện được. Tôi đã hoãn tất cả chuyến đi Tours với thân nhân, đi gõ cửa các văn phòng bác sĩ Nhãn Khoa, đi hỏi han tất cả những người quen, lạ, tôi gặp trong hai tuần nay. Mỗi người nói một cách, có người bảo cứ ráng tìm đi, Việt Nam cái gì mà không có, có tiền là có hết.

Hy vọng tìm được cho Thi “Đôi Mắt Sống” mỗi ngày một nản. Tôi email cho Thi nói, chắc là không thể nào thực hành được cái nhiệm vụ Thi giao phó. Thi nên ghi tên và chờ ở chương trình Organs Donation ở Mỹ thôi. Thi trả lời ngắn, nhưng rất quả quyết: “Em biết chị sẽ tìm được”. Câu trả lời làm tôi phát hoảng. 

Một hôm tôi đang đi bộ gần công viên Tao Đàn, chán nản vì sự vô lý của bạn mình, giao cho mình một cái nhiệm vụ không thể nào thực hiện được, đành thất hứa thôi. Đang lang bang nghĩ ngợi, bỗng thấy một đám đông đang tụ lại, bâu kín lấy hai chiếc xe bít bùng của nhà nước vừa đậu lại trước một cái trụ sở công an. Tiếng người đi đường, lao xao: “Xe bắt gái, bắt gái.” Tiếng mấy người đàn ông mặc đồng phục xanh mầu lá cây quát tháo: “Lui ra, lui ra” Hai chiếc xe trút xuống vệ đường khoảng gần ba mươi cô, các cô còn trẻ lắm, khoảng 16, 17 đến 25 tuổi là cao, họ mặc váy ngắn, hoặc quần jeans bó, mặt phấn, môi son, nhưng vẫn rõ nét gái tỉnh lẻ. 

Người đi đường lao xao: “Mấy cô ở ổ mại dâm hay ở văn phòng môi giới hôn nhân đấy. Đang đi khách hay đang để tụi Đài Loan, tụi Đại Hàn kiểm tra hàng thì bị bắt đấy, rõ khổ.”

Các cô líu ríu bước cả vào chân nhau, một tay nắm chặt tay nhau, một tay đưa lên che mặt. Bàn tay các cô nhỏ quá, không thể che kín mặt.Che được mắt mũi, thì hở môi, những đôi môi buồn như cánh hoa héo; che được mũi môi, thì hở hai con mắt, hai con mắt thất thần đến tội nghiệp.

Người xem lại nói: “Toàn gái miền Tây Nam Bộ cả đấy, trông biết liền à.” Tôi xa quê nhà đã lâu, không biết giữa gái miền Tây và gái miền khác, khác nhau thế nào. Chỉ thấy thương cho con gái Việt Nam quá đỗi.

Đêm hôm đó, khuya lắm tôi mới đi ngủ, khó ngủ quá, trằn trọc mãi gần sáng mới thiếp đi. Tôi mơ thấy mình hình như đang đi vào một ngôi chợ ở Sóc Trăng hay Cà Mâu gì đó. Tôi dừng lại ở một gian hàng bán tôm khô, cá khô. Cái gian hàng nhỏ xíu thế mà có cả mấy chục cô tranh nhau bán, họ thấy tôi vào, họ ùa cả ra một lúc. Tôi nhìn họ, thấy quần áo họ lạ lùng quá, hình như toàn bằng giấy cả, tiếng giấy chạm vào nhau nghe sột soạt mỗi khi họ cử động, người nào cũng mặt trắng như sáp, đặc biệt hai con mắt của họ rất to, không có tròng trắng, chỉ toàn tròng đen, một màu đen như than, đen như mực tầu, đen như đêm ba mươi vậy.Những đôi mắt buồn đến não lòng.

Họ tranh nhau bán hàng cho tôi, tôi nhìn xuống những chiếc khay họ đưa ra mời: Có khay đựng tôm khô, có khay đựng cá khô, nhưng có khay toàn những đôi môi mầu hồng, mầu đỏ, có khay đựng những quả tim còn thoi thóp đập, có khay đựng toàn những cặp mắt buồn, đen tuyền. Những cặp mắt như họ vừa móc ở trên mặt xuống để vào khay. Tôi chọn mua một cặp mắt, tôi cho là đen nhất trong khay. Nhưng những cô khác, chen nhau cầm những khay hàng của mình trút xuống người tôi. Tôi sợ hãi đi giật lùi, rồi lao đầu chạy ra khỏi chợ. Tất cả khay hàng đổ tràn trên mặt đất. Tôi dẫm lên tôm khô, cá khô, lên môi hồng, lên tim đỏ…. Tôi chạy, chạy, chạy.

Tôi choàng tỉnh dậy, thấy như tay mình đang nắm chặt một vật gì, tôi mở từ từ bàn tay ra, đó hai mảnh than đước Cà Mâu, đen nhánh, chỉ nhỏ bằng hai tròng mắt.

Tôi mang cái laptop ra: Thi, em nói đúng. Ở Việt Nam, cái gì cũng có, chị sẽ mang về cho em một cặp mắt mới, nhưng là cặp mắt rất buồn. Em nhận nhé!

Trần Mộng Tú
Tháng 4/2011