Wednesday, September 17, 2014

TÌNH YÊU TRONG TIỂU THUYẾT TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

Trong hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn vào tháng 7, 2013, nhà văn Trần Mộng Tú đã thuyết trình đề tài: 
Tình Yêu trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn.
Muốn đọc hay muốn xem Trần Mộng Tú nói về Tình Yêu, xin bấm vào đây.
-----------------------------------------------------------------------------------------------

Sunday, September 14, 2014

BÓNG CHIỀU






















Gửi Nguyễn Xuân Hoàng

Chàng ngồi trong bóng chiều
ngửa hai bàn tay mỏng
cúi nhìn đường chỉ tay
nghe hồn mình thinh lặng
Lòng bàn tay rối bời
khởi từ đường tâm đạo
những cuộc tình đi qua
mối tình nào hư ảo
Ôi cuộc đời bão nổi
ta đi bao dặm dài
văn chương như cái mốc
đặt ở cuối chân trời
Trời cho túi hạt cải
rắc không có định nơi
những bông hoa rất nhỏ
nở ngơ ngác giữa đời
Đường chỉ tay cơ hội
ngắn hơn một tiếng cười
Ta đã sống đủ chưa
vợ con một vai trĩu
ta sống có thiếu không
chữ nào rơi trên chiếu
Ôi chiếc chiếu văn chương
kéo hoài nghiêng một góc
ta ngồi đâu bây giờ
Đường chỉ tay đời sống
lơ lửng như câu thơ
Chàng ngồi trong bóng chiều
nghe tiếng lá cựa mình
lao xao như tiếng bạn
nghiêng xuống bên vai mình
Chàng nhắm hai mắt lại
bóng chiều dần dần loang
khẽ nắm bàn tay mỏng
tay bạn trong tay chàng.


8/2013
 

Thursday, September 11, 2014

NỞ CHI HOA TÍM LỤC BÌNH

           





Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương … (1)

Tôi đi xuống California thăm con, cháu mười ngày. Trước khi đi đã mang mấy chậu lan ra ngâm nước, những loại hoa khác trồng trong chậu cũng được tưới thật sũng. Mở vòi tưới tự động ngoài vườn.Vớt con cá lia thia màu xanh biếc trong ao bèo ra. Nói là ao bèo cho oai chứ thật ra là cái ang sứ nhỏ có thả một cụm lục bình. Cụm lục bình này có là do hôm đầu tháng 6, có bạn ở xa về, cả nhóm rủ nhau đi đến Nursery –Flower World khá nổi tiếng ở  Snohomish -Seattle xem hoa thơm, cỏ lạ. Thấy họ có bán mấy cụm bèo lá tròn to. Bèo này người Bắc gọi là bèo Tây hay bèo Nhật Bản, người miền Nam gọi là Lục Bình, vì thân nó có hình dáng cái lọ lục bình. Lục Bình nhiều nhất ở các kinh rạch miền Tây Nam Bộ.

Tôi mua hai cụm, chia cho chị bạn một cụm. Không ngờ về nhà thả xuống nước có vài ngày, nó sinh sôi nẩy nở nhanh quá, kín cả ang. Tôi mua một con cá lia thia nhỏ màu xanh pha chút đỏ trên cái vi uốn éo, thả vào cho nó rúc dưới rễ bèo. Ao bèo mà không có cá thì buồn lắm!

Cứ hai ngày tôi lại rắc xuống mấy hạt thức ăn của cá cho nó, giống như cô Tấm trong chuyện cổ tích ngày xưa. Chỉ khác là lúc cho cá ăn không dám mè nheo Bụt điều gì. Ở tuổi này còn xin thêm gì nữa, làm gì còn chỗ mà cất, những ô ngăn kéo đời chật chội lắm rồi.

Trước khi đi khỏi nhà, tôi vớt con cá ra, cho vào cái cóng thủy tinh nhỏ để ngay giữa bàn ăn với lọ thức ăn của cá bên cạnh, nhờ chồng tôi thỉnh thoảng nhớ cho nó vài hạt. Vì tôi biết chắc là nếu chỉ dặn anh cho thức ăn vào ao bèo, anh sẽ không bao giờ nhớ vì anh không nhìn thấy con cá. Nó sẽ chết mất.

Mười ngày của mùa hè với cái oi ả, không khí ngộp thở ở Cali quả thật làm tôi ngất ngư. Giúp con cháu ban ngày, tối lên giường, đọc vài trang sách lại nhớ đến con cá nhỏ ở nhà, chỉ sợ nó chết vì không tin tưởng Ông Chồng, người chẳng bao giờ nhớ một chuyện gì, nhất là mấy cái chuyện vớ vẩn của vợ.

May quá! Con cá vẫn sống khi tôi trở về, nhưng trông nó lờ đờ buồn hiu hắt. Chắc nó nhớ tôi và nhớ rễ bèo.Tôi mang nó ra để thả lại vào cái ang sứ giữa phòng khách.  

 Chao ôi! Ở giữa cái ang, một chùm hoa màu tím nhạt nhô lên. Mấy cụm lục bình của tôi đã trổ một chùm hoa thật đẹp ngay hôm tôi trở về nhà, tôi kêu chồng ầm lên.

- Anh có biết là có chùm hoa màu tím mới nở trong ang không?

Chồng tôi hỏi lại:

-  Thế hả, nở lúc nào vậy, anh hoàn toàn không để ý đấy.

Chán ơi là chán! Ông này tuổi trâu, chắc là mắt trâu (không phải tai trâu, vì anh nghe nhạc cổ điển khá giỏi) nên không nhìn thấy bông hoa lạ nở ngay giữa phòng khách.

Tôi đứng ngẩn ra nhìn bông hoa lục bình phơn phớt tím, đang nở rộ trong cái ang sứ men trắng. Chùm hoa nhô lên giữa những cái lá tròn màu xanh ngọc bích. Tôi bối rối quá trước cái đẹp bất ngờ của hoa, quên cả con cá thia lia đang giương mắt, chờ tôi thả xuống.

Trời ơi, gần bốn mươi năm tôi mới nhìn lại được một chùm hoa lục bình, phải nói là lâu hơn nửa thế kỷ mới đúng. Vì khi ở Sài Gòn mình cũng đâu có cơ hội nào thấy hoa lục bình thường ngày. Phải bao giờ sang Thủ Thiêm, ra bến Bạch Đằng, cũng hiếm hoi lắm mới thấy một đám lục bình từ sóng nước nào bập bềnh giạt vào chân phà một mảng, nhưng chưa chắc đã có hoa.

Có một loài hoa vừa đi vừa nở
Em lấy chồng rồi anh ở vậy thôi
Nữa mai thương đứng nhớ ngồi
Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn (2)

Khi mua cụm lục bình này tôi quên không hỏi xuất xứ. Lục bình từ đâu trôi tới giạt vào cái ang sứ nhà tôi, nở cho một chùm hoa ngan ngát tím. Màu tím nhìn vào lòng buồn đến thẫn thờ. Nó phải trôi bao nhiêu ngàn dặm, từ một nước nào tới và ai đó đã vớt lên mang ra chợ bán từng cụm nho nhỏ với vài cái rễ mong manh. Thế mà nó thích ứng ngay với môi trường mới, dù là ở trong một cái ang nhỏ hay dưới chân một hòn non bộ. Nó trôi tới đâu là nở hoa tới đó hay sao? Hoặc là tôi may mắn đồng hội đồng thuyền với hoa, nên hoa mới nở.

Có lẽ lục bình là loài hoa duy nhất vừa trôi vừa nở. Nó không giống hoa sen, nở ở hồ nào là đứng nguyên trong đó cho đến lúc sen tàn. Người ta chỉ có thể đến cắt hoa sen mang đi nhưng gốc rễ để lại trên hồ. Lục bình lênh đênh đi theo dòng nước, không biết sẽ dừng lại bến nào. Đời hoa ngắn ngủi có một ngày, nên vừa trôi vừa nở, không hề kén chọn bến đục hay trong. Có lẽ cái xanh ngọc bích của lá, cái tím mong manh tinh khiết của hoa, đã làm cho người nhìn ngắm quên đi cái dòng nước đục, trong, bên dưới. Người ta cũng không thể cắt lục bình để nâng niu cắm vào trong những lọ thủy tinh, vì lục bình bị mang ra khỏi nước sẽ héo, tàn ngay lập tức.

Cái đẹp của hoa lục bình được ví với nhan sắc của các cô gái miền Tây (của một thời nào đó), một vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc nhưng vô cùng đằm thắm.

Người dân quê miền Tây Nam Bộ, gắn liền đời sống với lục bình, từ hoa cho tới rễ. Lục bình nở quanh năm, nhưng nở nhiều nhất vào mùa gió chướng. Lục bình mang đến cho người dân quê những món ăn tinh thần lẫn vật chất. Từ cọng lục bình non và hoa lục bình người ta hái vào chấm mắm kho cho những bữa ăn hàng ngày. Để khi xa xứ những đọt hoa còn tím mãi trong hồn.

Thân lục bình cắt lên phơi khô, những nghệ nhân có cơ hội phát triển năng khiếu, đan những chiếc giỏ sách tay xuất cảng ra nước ngoài, giúp đời sống người dân đầy đủ hơn. Giúp đời lục bình không phải chỉ quanh co trên sông rạch, nó được trôi xa, ra khỏi xứ sở mình.

Nếu ai đi xa lâu ngày, có dịp trở về miền Tây vào mùa gió chướng, đứng lặng nhìn lục bình trôi bập bềnh từng mảng trên sông nước, sẽ liên tưởng đến một phận người xa xứ, chờ bàn tay xa lạ vớt lên.

Giống như một người bắt buộc lưu vong, dù thả lục bình vào đâu lục bình vẫn bình thản sống, bình thản nở hoa.

Hoa lục bình chỉ nở một ngày là tàn ngay. Cái mầu tím nhạt đôi khi ta bắt gặp giống như đường viền chân trời cuối ngày, tan đi nhanh lắm. Nhưng nó để lại trong trí nhớ của ta một giải màu như mực in dấu trong tranh.

Câu hát của ai đó văng vẳng trong trí nhớ mơ hồ của tôi khi cúi nhìn bông hoa lục bình tim tím, lạc lõng trôi vào cái ang sứ giữa phòng khách nhà mình.

Nở chi hoa tím lục bình
Trôi chi, trôi giữa dòng tình đôi ta. (3)

Câu hát, đọc lên nghe muốn khóc.

9/2014

(1) (2) (3) :Hoa Tím Lục Bình-Dân ca Nam Phần