Wednesday, June 28, 2017

Buổi Chiều Tháng Sáu



(Tặng Vân-Thiết)



Anh ơi tháng sáu
Mùa Hạ thật rồi
Ngửa mặt lên trời
Sao đông thì nắng
Sao vắng thì mưa
Con đường hoa thưa
Mùi hương trong cỏ
Con thỏ màu nâu
Con chim màu đỏ
Mặt trời như nghệ
Vàng trên vai trần
Bước chân em ngắn
Buổi chiều xuống gần
Trèo lên con dốc
Tưởng với được mây
Mùa Hạ trong tay
Lòng cong cuộn nắng

Anh ơi tháng sáu
Mùa Hạ thật rồi
Em lăn xuống đồi
Rối tung cuộn nắng
Từng sợi từng sợi
Ngắn dần ngắn dần
Anh ơi ….chiều rơi.

tmt
Tháng 6/2017


Saturday, June 24, 2017

Con Người và Gia Súc


Những trường Tiểu Học bên Mỹ hay cho học trò lớp Một, lớp Hai đi thăm những trại súc vật của thành phố. Thường các em được xem những con vật mới sanh hay những con vật còn tuổi “baby”. Từ bò, heo, gà vịt, dê, thỏ…

Các em đôi khi cũng được xem người ta vắt sữa những con bò mẹ, hoặc những con heo mẹ đang cho một đàn heo con bú, con gà mái đang ôm một đàn con dưới cặp cánh.

Các thầy cô hướng dẫn các em những con vật này nuôi con và sanh đẻ ra sao. Tuyệt nhiên không ai cho các em biết những con vật đẹp đẽ và hữu ích như thế này đã bị loài người đối xử xấu, tốt như thế nào,ở những trang trại khác, nơi các em không được tới xem.


Tiêu Diệt Những Con Gà Bé Tí

Nhà nông ở các nước văn minh đối xử với những con gà bé tí như thế nào.

Những trẻ em ở miền quê ở các nước Á Châu hay được cha mẹ mua cho mấy con gà hay mấy con vịt bé tí về vừa làm đồ chơi, vừa làm của riêng.

Sung sướng biết bao được cầm lên, đặt xuống những con vật tròn xoe, vàng óng kêu chiêm chiếp trong lòng bàn tay còn vụng về của mình. Mỗi ngày mong cho nó lớn, rồi lại sợ nó lớn phải thả ra sân, có khi bị mang đi bán hay bị làm thịt cho cả nhà ăn. Nhưng được nhìn ngắm vuốt ve nó lúc nào cũng là niềm hạnh phúc với các em. 

Ở Mỹ, trong những trại nuôi gà lấy trứng, những con gà con (con trống không sản xuất trứng được) bị lựa chọn trong những cái máy và đưa xuống một cái ống hơi ngạt (gas) tiêu hủy hàng loạt. Nhìn cái mảng màu vàng óng tròn xoay ríu rít vừa nứt ra khỏi vỏ ( có con còn dính mảnh vỏ trên lưng) đang bị những trục máy cuồn cuộn đưa chúng xuống một cái miệng ống, cái ống đó hút chúng vào bặt hẳn tiếng kêu ríu rít, người xem phải nhắm mắt lại ngay.

Việt Nam còn thú chơi gà chọi vẫn rất phổ thông. Những con gà bị vặt trụi lông đầu, nuôi rất cẩn thận, trước khi mang ra chọi, nó được cho uống thuốc khích thích, buộc lưỡi dao sắc vào chân thả vào trường đấu. Sau một trận thư hùng hai con gà đều xơ xác, cánh xệ xuống, mình đầy máu, có khi còn mù mắt nữa.

Hình-Gà  Chọi- Minh họa

Những con gà trước khi mang đi chọi người chủ phải săn sóc công phu từ tẩm rượu bột nghệ vào thân, đùi, cổ gà để cho da được săn chắc. Rồi gà còn phải tắm nắng phơi sương nữa. Gà chọi lông đầu và lông đùi đều phải nhổ trụi để tẩm thuốc. Một con gà chọi thường mang ra đấu trường được 2,3 năm sau đó dùng làm gà di truyền giống.
Việc chơi gà chọi cũng như đánh bạc, nhiều người đã mất vợ, mất con và mất cả cửa nhà vì tiền cá độ (như đá banh vậy.)
Ở các nước Âu Mỹ hội bảo vệ xúc vật có can thiệp nên việc chọi gà khá hạn chế, có nơi bị cấm hẳn. Đem hai con gà ra đấu với những trang bị như cựa mài nhọn hay buộc mảnh dao vào chân rồi vây chung quanh hai con vật đáng thương đó hò hét, cá độ, không phải là điều đáng khuyến khích cho con người.

Hãy xem người ta đối xử với những con bò sữa như thế nào.

 Đời sống của một con bò có thể dài 20 năm. Nó có thể sanh con khi lên 2 hay 3 tuổi. Khi sanh con ra nó biết liếm con cho thật sạch và biết dẫn dắt con cho biết bú mẹ. Thường con bò con bị lấy ra khỏi lòng mẹ hai, ba ngày sau khi sanh, vì chủ nó muốn lấy sữa của bò mẹ mang bán. Bò con sẽ được nuôi bằng sữa bột và khoảng tám tuần nó được ăn thức ăn khô nhân tạo khác. Những con bò cái nhỏ sẽ được giữ lại để tiếp tục thành bò sữa, những con bò đực nhỏ, được nuôi để lấy thịt. Thịt bò non hay thịt bò già, tùy theo chủ trại quyết định.

Hình- Mẹ Con Bò

Con bò mẹ thường chảy nước mắt khi con nó bị mang đi. Người ta bảo lần sanh thứ hai nó càng quyến luyến và khóc nhiều hơn vì nó đã hiểu thêm về tình mẫu tử.

Đối với những người chủ trại, họ tìm mọi cách để lấy được số sữa tối đa của một con bò sữa, họ không hề thương xót.

Từ thời Pháp Thuộc xa xưa, ở Việt Nam người ta cũng lấy sữa bò cho người Pháp và người giầu có uống. Những con bê con bị giật ra khỏi vú mẹ như mấy câu thơ dưới đây của cố thi sĩ Trần Trung Phương: 


Con bê con một hôm trách mẹ
Thà mẹ đừng sinh đẻ con ra
Sữa thì mẹ để người ta
Đem thùng đến vắt ngày ba bốn lần
Con còn bé phải ăn rơm cỏ
Dạ trẻ thơ liệu có tiêu không
Ngày đem con những đau lòng
Oán thầm mẹ ở bất công vô tình. (TTP)

Con bò mẹ nghe tiếng con bê trách mình ở tệ, chỉ biết khóc. Nó đau lòng lắm nhưng biết là không thể nào thay đổi được. Loài người kia, những chị vú cũng mới sanh con xong, để con ở nhà cho chồng nuôi, còn mình thì phải đi nuôi vú con chủ nhà, mỗi tháng được ba, bốn đồng (thời Pháp thuộc),gửi về phụ giúp gia đình.

Vú em con cụ chủ nhà
Đem thân đi ở tháng ba bốn đồng
Con mình để cho chồng chăn dắt
Cảnh nhà nghèo ăn rặt cơm rau
Đi làm chẳng được bao lâu
Con mình khát sữa ốm đau gầy mòn.
Bao sữa bổ nuôi con ông chủ
Cậu ấm nhà béo hú mãi lên. (TTP)

Bò mẹ chỉ biết khóc nhìn theo con khi người ta đến giật con bê ra khỏi vú mình. Nó biết loài người, nếu nghèo cũng khổ ngang loài bò.
Con đừng nức nở kêu ca
Giống người còn thế nữa là mẹ đây (TTP)

Sáng tạo một cái túi trên thân bò

Nhân loại càng văn minh, càng sáng chế ra nhiều điều lạ lùng ngoạn mục. Bắt đầu là Thụy Điển rồi lan tràn sang Mỹ và Châu Âu. Những nông trại cung cấp sữa bò organicđã thi nhau  khoét những lỗ thủng xuyên qua da xương những con bò sữa, rồi đặt vào đó một cái ống bằng nhựa đi thẳng vào bao tử nó. Họ nói: nhờ cái ống này nhà nông kiểm soát được sức khỏe của bò tốt hơn, họ biết nó ăn thiếu hay đủ, cho thuốc vào đó mỗi khi sức khỏe của bò có vấn đề, do đó con bò sống khỏe mạnh, sống lâu hơn.

Với cái túi này, người ta có thể mở nắp, đóng nắp trên thân thể con bò như mở đóng một cái hộp, chỉ khác cái hộp này là một hộp da thịt biết đau đớn.

Nhìn cái hình dưới đây ngoài sự ngạc nhiên, còn không hiểu loài người có thể đối xử với xúc vật tới đâu nữa? (*) 

HÌNH- Cái túi trên mình bò
Cậu bé lên sáu xem mấy tấm hình con bò có túi trên lưng hỏi bà.
Cái túi này để làm gì vậy bà?
Để cho thức ăn và thuốc vào bụng bò
Sao con không có một cái?

Bà ngẩn người không biết trả lời cháu thế nào, vì theo cách mô tả của những thú y thì cái túi đó rất có lợi. Có cái túi đó ai cũng kiểm soát được lượng thực phẩm của con vật và tiết chế được sự hấp thụ của nó. Nó thiếu thốn gầy gò thì cho thêm thức ăn, cho thêm thuốc bổ. Nó ham ăn quá, tiêu thụ không kịp thì thò tay vào moi bớt ra để cho nó được khỏe mạnh.

Hình như có một điều gì đó vừa chạy nhanh qua đầu người bà. Ừ nhỉ, sao không nghĩ ra làm cái túi này trên cái bụng của các ông quan to, chức lớn trong những quốc gia nổi tiếng về tham nhũng nhỉ. Bao giờ người dân thấy các ngài ăn no quá, sợ các ngài bội thực thì lập tức phải thò tay vào lấy bớt ra, mang phân phát cho những cái túi trên bụng lép xẹp của những con dân nhà nghèo. Phân phát được như thế, sẽ giúp các ông có đời sống lành mạnh như những con bò và sống lâu hơn.

Nhưng nếu các ông đó có cái túi không đáy thì mong gì người nghèo được phân phát.

Mà thôi, chắc những người dân nghèo thì không cần làm túi ở bụng đâu, vì cái túi đó sẽ lúc nào cũng chỉ lép xẹp rúm ró. Có thò tay vào may ra nhặt vét được mấy cọng rau và vài mảnh cá vụn.

tmt                     
Tháng 6/21/2017

(1) Năm 2014, Thụy Điển có 14 con bò được thí nghiệm đặt những cái túi này. Những tin tức này không được phổ biến rộng rãi vì sẽ gặp sự chống đối của Hội Bảo Vệ Súc Vật.
(2) Hình vẽ Vắt Sữa Bò của Hữu Thanh trong tập Thơ Mấy Vần Tươi Sáng
Của Trần Trung Phương (1913-1945)

Monday, June 19, 2017

GIẠT VÀO BỜ


Cho dẫu nổi trôi như bọt sóng
Đời mình rồi cũng giạt vào bờ (tmt)

Thành phố Kent của tiểu bang Washington là thành phố phần đông dân chúng cư ngụ thuộc thành phần Lao Động Chân Tay (Working class/ Blue collar) Ở đây cũng rất nhiều dân thuộc các sắc tộc khác nhau cư ngụ. Thành phố này có một ngôi trường Đại Học Cộng Đồng - Highline Community College.

Hôm 15 tháng 6 vừa qua chúng tôi tới dự lễ ra trường của cô em họ bên chồng tôi. Cô Sarah, 63 tuổi, cô sống độc thân. Hồi trẻ cô bỏ học ngang làm đủ mọi công việc: Bán hàng trong các tiệm bách hóa, cầm bảng Stop sign đứng đường phụ công việc lục lộ, làm việc vặt ở các trường học, việc cuối cùng cô đi chụp hình dạo. Cô có sở trường chụp hình súc vật. Bây giờ với sự giúp đỡ của người anh họ (chồng tôi) cô trở lại trường, cô hoàn tất chương trình 2 năm về Graphic Design.
 
Đã lâu lắm chúng tôi không đi dự lễ ra trường. Con thì quá lớn, cháu thì quá nhỏ nên tôi quên mất cái không khí vừa vui vừa cảm động của một ngày ra trường. Hôm nay đến dự lễ ra trường ở một ngôi trường phần đông sinh viên là người lớn tuổi và đủ mọi thành phần di dân. Buổi lễ này có hơn 500 sinh viên, họ tốt nghiệp 4 năm, 2 năm và GED (General Education Development ) họ đủ mọi màu da, sắc tộc.
Di dân là thành phần đang làm xôn xao cả nước Mỹ.
Buổi lễ được tổ chức tại hội trường Showare Center, trung tâm trình diễn thể thao với gần 7000 chỗ ngồi. Hội trường rộng nên vào cửa không cần vé như những nơi khác. Có sinh viên thuộc diện di dân được cả một cộng đồng đi dự. Tiếng hét đầy hạnh phúc của họ làm vang dội cả một góc hội trường.

Từ trên những hàng ghế cao chung quanh hội trường cho phụ huynh và gia đình, bạn hữu, chúng tôi nhìn xuống hơn 500 sinh viên đủ mọi sắc tộc. Bên trong cái áo choàng tốt nghiệp giống nhau, lấp ló quốc phục của một vài nước (nhìn rõ hơn sau khi tan buổi lễ) Những sinh viên Hồi Giáo, phụ nữ có đội khăn hijab dưới chiếc nón ra trường, có một sinh viên Nhật mặc kimono, thấy cả cái gùi áo sau lưng nhô lên nữa. Sinh viên Việt với họ Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Phạm chiếm một số không nhỏ (Nhóm này tuổi còn trẻ). Có một nhóm nữ tu người Việt mặc đồng phục đen của tu viện ngồi ngay sau lưng chúng tôi. Các nữ tu đi dự ra trường của một nữ tu khác. Những năm gần đây tôi gặp khá nhiều nữ tu sang Mỹ học với sự bảo trợ của Hội Thánh Công Giáo Mỹ.   
Có nhiều sinh viên rất đặc biệt trong cộng đồng đa chủng của trường học này. Bài chào mừng quan khách của anh Chủ Tịch Trường Highline College cho ta hiểu thế nào là trường đời và trường học và bài phát biểu của cô sinh viên tốt nghiệp ưu tú cho hiểu sự cố gắng, vất vả của một sinh viên có hoàn cảnh nghèo muốn hoàn tất môn học mình theo đuổi.
Anh sinh viên ngoài 30 tuổi chủ tịch sinh viên của Highline Community College nói về cuộc đời của mình. Anh là người Mỹ đen (American-African)
Anh biết dùng ma túy từ lúc 5 tuổi, bắt đầu mua bán ma túy khi 13 tuổi, anh bỏ học ở lớp 8. Lúc 27 tuổi anh bị bắt và kết án 10 năm tù. Anh không nói rõ anh ở tù bao nhiêu năm với cái án đó, nhưng anh kể ở trong tù muốn được tham gia chơi các môn thể thao thì phải ghi tên học chữ, nên anh nhận lớp và anh khám phá ra rằng anh thích học và anh được thầy giáo khuyến khích. Anh học xong trung học ở trong tù. Khi ra tù anh xin vào học ở trường Highline College này. Anh đã ra trường trong ba năm với hai chứng chỉ A A.
Tôi nghe mà ngẩn người: 5 tuổi biết dùng ma túy, như vậy có thể cha mẹ anh là người dùng ma túy hoặc cha mẹ bỏ con ở nhà cho khu xóm (một khu xóm nghèo, xì ke, ma túy) đi đâu đó kiếm sống. Suốt cả bài diễn văn anh cám ơn Thượng Đế, cám ơn thầy giáo trong tù, cám ơn thầy cô, bạn học trong trường. Tuyệt nhiên anh không hề nhắc đến cha mẹ và gia đình.
Đó là điều rất đau lòng cho anh và cho cả mấy trăm sinh viên và quan khách ngồi nghe trong buổi lễ.

Cô thủ khoa nói về nỗi vất vả của sinh viên nghèo, cô thuộc Quinault Nation (Một bộ tộc da đỏ American-Indian). Cô kể, chúng tôi ở những hoàn cảnh khác nhau: có người  đến từ một nơi xa xăm nào đó trong dạng nhập cư, họ lớn tuổi, không sinh ra trên đất nước này, vừa đi làm, vừa đi học để có một tương lai khá hơn; có người sinh ra ở đây nhưng khi còn trẻ bỏ học, đi làm đủ thứ nghề, thất bại. Bây giờ quay lại trường, họ ở trong tình trạng còn phải thay tã cho con hay săn sóc cha mẹ già trước khi đi học. Chúng tôi đều phải đi làm nhiều hơn được đi học, phải trả tiền học bằng thẻ tín dụng, phải vay, phải nợ.
Sau hai bài khai mạc, nhà trường mời đại diện của mỗi quốc gia nên nói lời chào mừng, lời cám ơn ngắn gọn bằng quốc ngữ mình. Các sinh viên tuần tự đi lên, không phân biệt tuổi tác: Mỹ, Nhật, Việt, Lào, Cam Bốt, Phi Châu, Tây Tạng, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Ấn, Thái, Phi Luật Tân…

Buổi lễ ra trường này là buổi lễ rất đặc biệt tôi được dự trong 42 năm ở Mỹ.
Trên đường về, bỗng nhiên chúng tôi nhìn nhau, hỏi: So sánh những buổi ra trường của các trường Đại Học Mỹ, từ trường công, trường tư, trường danh tiếng như Harvard, Stanford, Yale, v.v…cho học sinh xuất sắc hay cho các con nhà giầu, nơi những bài diễn văn của sinh viên ra trường đôi khi làm người nghe thán phục, gật gù liên tưởng đến tương lai xán lạn của một chính trị gia, một ứng cử viên sáng giá trong tương lai cho những chức vụ quan trọng, thì hai bài diễn văn chúng tôi vừa được nghe chắc là hai bài diễn văn sẽ ở lại trong lòng chúng tôi lâu nhất. Chúng tôi nghĩ đến công lao của những thầy cô ở Mỹ đã âm thầm giúp đỡ những học trò, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh kém may mắn, có cha mẹ nghiện ngập hay chính họ rơi vào chỗ nghiện ngập. Những học trò di dân sức học yếu kém, đến từ nơi xa lạ, không cùng một ngôn ngữ. Thầy cô đó là những bậc phụ huynh thứ hai của họ. Chắc chắn học trò nhớ mãi mãi những thầy cô này. Chúng tôi nghĩ đến những học viên đã qua tuổi đi học, vẫn tìm đường trở về trường (như cô em họ chúng tôi), những học viên đi ra từ cánh cửa nhà tù bước vào cánh cửa nhà trường, những học trò từ nhóm di dân chính thức hay không chính thức, cố gắng có một mảnh bằng, một chứng chỉ trong tay để hội nhập vào xã hội mới có đời sống khả dĩ hơn. Họ là những người có nhân phẩm.
Mảnh vàng nhặt ra từ bãi cát, có giá trị hơn mảnh vàng lấy ra từ trong chiếc hộp bằng vàng.

Trường học và trường đời đôi khi đảo ngược. Không phải ai cũng bước vào trường học trước khi bước ra trường đời.

Những học sinh, sinh viên, với hoàn cảnh khó khăn hay thuộc diện di dân, họ có khác chi những bọt sóng bập bềnh nổi trôi trong một dòng sông lạ. May mắn với vòng tay bao dung của những thầy cô đó họ được hướng dẫn nương theo con nước, trôi giạt vào bờ.

tmt
6/15/2017


Saturday, June 17, 2017

CHA GIÀ




 Bây giờ cha như trang sử
 con vẫn ngạc nhiên mở ra
 cha giống tấm bản đồ cũ
 con ngửi mùi đất quê nhà

 Có phải cha là giọt rượu
 đọng trong đáy chén nhiều năm
 con ngửa mặt uống khôn ngoan
 từ khôn ngoan cha rót xuống

 Cha như chiếc áo mùa đông
 con đã để quên trong tủ
 mỗi khi gió bấc trở về
 vội tìm tình cha ấp ủ

 Con nhìn thân thể nhăn nheo
 như cành non nhìn xuống gốc
 chùm rễ  mọc trên đất này
 cho thân con bao nhiêu lộc

  Ôi đôi bàn tay cứng cáp
  cha dắt con đi bước đầu
  bây giờ bàn tay gầy guộc
  vin vào con những bước sau

  Cha ơi đây bờ vai rộng
  bây giờ trăng đã lớn tròn
  tóc sương ngả vào vai trẻ
  cho con đền đáp phận con.

3/9/2008