Bạn có biết không?
Nơi hai vị nguyên thủy Mỹ-Triều gặp nhau để nói chuyện hòa bình.
Sự
tinh khiết trong trắng và hương thơm của những bó hoa gắn trên đầu
súng: hoa lily màu trắng và màu hồng, hoa cát tường đỏ, hoa đồng tiền
vàng với nhành nguyệt quế xanh ngọc, biểu tượng cho sự tốt đẹp, hòa
bình. Chỉ nhìn thấy những bó hoa đó trên đầu súng người ta như nghe được
cả tiếng vỗ cánh của con chim bồ câu trắng.
Bạn có biết không?
Đêm
10 rạng ngày mồng 11 tháng 6 ở nhiều thành phố trên đất nước Việt Nam,
từ Sài Gòn, Nha Trang kéo ra tới Phan Rang, Phan Rí, người dân cũng kéo
nhau rầm rộ ra đường để biểu lộ lòng quyết tâm giữ từng tấc đất của
người Việt không để chính quyền giao cho ngoại bang.
Người
dân Việt coi đất như một phần xương thịt của mình. Cầm một mảnh đất
trên tay, chúng ta có bao nhiêu điều suy nghĩ về đất: Đất nước tôi; từ
đất tôi sinh ra, tôi lại về với đất; đất lề quê thói; một tấc đất, một
tấc vàng; đất là mẹ ta, đất là cha ta; đất cung cấp thực phẩm, đất nuôi
ta sống. Và đất là nơi ta trở về tìm, đất là nơi ta gửi xương gửi thịt.
Trong
quá khứ, bằng trực tiếp hay gián tiếp chính quyền Việt Nam đã mang bán
từng mảnh đất biên giới cho quốc gia hàng xóm. Người dân đang sống giữa
hai ranh giới đó cũng bị bán đi mà không biết, để rồi chỉ một, hai thế
hệ con cái về sau bỗng nhiên trở thành người nước khác mà không cần một
lý do pháp lý nào. Những “người lạ” càng ngày càng giành dân lấn đất
ngay trên quê hương của chúng ta. Cái viễn ảnh bị lấn át, chiếm đoạt
ngoài biển, trên bờ ngày càng rõ rệt.
Ngày
hôm nay, kinh hoàng hơn nữa khi nghĩ đến việc chính những nhà lãnh đạo
đất nước lại mang đất nước cho ngoại bang thuê dài hạn cả thế kỷ. Chín
mươi chín năm (99 năm) tức là 4 thế hệ: Ông Bà, Cha Mẹ, Con cháu, Chắt.
Ai là người sẽ đứng ra để thu lại được mảnh đất người lạ đã làm chủ bốn
đời.
Ngôn
ngữ của quốc gia mình cũng chẳng giữ được nói chi đến đất. Những chủ
mới trong 99 năm đó sẽ biến xứ sở Việt thành nước thứ hai của họ.
Họ đến, họ ở lại và họ chiếm đoạt.
Họ đến, họ ở lại và họ chiếm đoạt.
Bởi
vậy ngày nay người dân phải ra sức bảo vệ đất đai của quốc gia dù có
phải đương đầu với bắt bớ giam cầm ngay cả nguy hiểm đến bản thân.
Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng núi nguy nga
Trả ta sông núi muôn đời trước
Không đòi ai trả núi sông ta. (Thơ-Vũ Hoàng Chương)
Cha
ông ta đã hy sinh bao nhiêu thế hệ để giữ từng tấc đất, người dân Việt
ngày hôm nay nhất định không để cho nhà cầm quyền xẻ sông phá núi dâng
đất nước cho ngoại bang.
Bạn có biết cũng hôm nay người dân đã.
Cùng
nhau chống lại luật an ninh mạng của nhà nước để người dân được tự do
thông báo cho nhau từng cơn gió trở mình của đất nước.
Cấm
liên lạc trên mạng là cấm tất cả những liên lạc giữa người dân với nhau
bằng một hình thức hiệu quả nhất. Làm sao để gọi nhắn nhau tụ họp,
xuống đường, chống lại những sai trái của nhà nước. “Luật An Ninh Mạng
là luật bịt mắt, bịt tai, bịt miệng người dân.” Khi mắt không nhìn, tai
không nghe, miệng không nói người dân sẽ hoàn toàn bị lệ thuộc vào chính
quyền, như người khuyết tật lệ thuộc vào bàn tay dắt đi và ai cũng biết
bàn tay của chính quyền ngày nay dắt chúng ta đi tới đâu.
Bạn
có biết đêm nay ở Bình Thuận-Phan Rí có những chiếc xe cảnh sát bị
người dân đốt cháy, những viên gạch ném vào trụ sở của tỉnh, những người
cảnh sát phải bỏ mũ áo chạy dưới sức mạnh của người dân không vũ khí.
Họ chỉ có những mảnh giấy chống đối cầm tay, những viên đá nhặt ở dưới
đất chống lại với súng đạn.
Bao
nhiêu năm nay từ ngày “Thống Nhất”, đất nước luôn luôn ở trong tình
trạng người dân bị chính quyền đàn áp bằng những luật lệ bất thành văn,
cá lớn nuốt cá bé, kèm theo bắt bớ, nhà tù. Người dân Việt vốn dĩ cầu
an, nếu đất nước còn đó, giang sơn còn đó, họ cũng cố chấp nhận những
bất công để sống. Nhưng khi bị dồn vào tình thế đất nước dần dần thuộc
về ngoại bang họ có phản ứng. Tức nước thì bờ phải vỡ. Họ cùng kéo nhau
ra đường, hô lên tiếng nói và lòng yêu nước, với hai bàn tay không họ
chống lại những người cầm súng.
Trong
những người cảnh sát ra làm nhiệm vụ dẹp loạn thế nào cũng có những
người cùng một lòng với dân, như hình ảnh của anh Cảnh Sát Cơ Động
(CSCĐ) dưới đây.
Hy vọng anh không bị lụy đến thân vì tấm hình rất đẹp này.
Trong
tiếng hò hét phẫn nộ chợt bạn nhìn thấy một nụ cười. Nụ cười rạng rỡ an
bình của người Cảnh Sát Cơ Động trong một hình hài thất thế, vết tích
tang thương hai tay trần không súng không kiên chắn, buông xuôi nhưng
miệng nở một nụ cười thật đẹp.
Nụ cười trên môi anh chính là chùm hoa lily và nhành nguyệt quế gắn trên đầu súng.
Nụ
cười của anh cho chúng ta biết là anh đã nhận ra điều gì. Anh bắn ai,
bắn vào đồng loại, bắn vào cô, bác, anh chị, hay chính vào cha mẹ mình.
Trên
nét mặt của anh không có cái phẫn nộ của người thất thế, anh đã nhận ra
được vẻ đẹp của chùm hoa và hương thơm của nhành nguyệt quế trên cây
súng anh vừa vứt xuống.
Trần Mộng Tú