Saturday, June 25, 2016

Ngày Hạ Chí



















Anh thắp nến để soi sáng em hay anh đốt than để rọi hồn mình.

 Anh và mặt trời cùng đứng lại nhưng hình như em vẫn trôi đi.

Thôi anh, tình yêu, tự nó sẽ thắp những vì sao.



Anh đến với em vào ngày hạ chí

ngày mặt trời tình tự với đêm

buổi chiều trên cao buổi chiều không cúi xuống

sao bóng anh chập với bóng em

                    
ngày hạ chí thân thể anh như đuốc

anh kéo mặt trời mượn lửa thắp em

những tia lửa rắc cả vào trong áo

buổi chiều thơm xô mất bóng đêm                    



Ngày hạ chí như có ngàn nến thắp

soi buổi chiều trong suốt hồn em

anh đứng đó như mặt trời không tắt

tự nhóm than nung đỏ đời mình



Khi anh đến em rơi vào hạ chí

anh dắt em trong vũng sáng hoang mang

đêm không xuống mà hồn em sao thắp

làm thế nào phân biệt thời gian.


Ngày dài nhất trong năm (20 tháng 6)

Saturday, June 18, 2016

THUYỀN GÓA

Em  tên Nguyễn thị Thuyền
Quê Vũng Áng - Hà Tĩnh
Mẹ cha gả cho Biển
Thả em vào lênh đênh
 
Em hồn nhiên yêu Biển
Yêu muối trên môi anh
Yêu sóng trong mắt anh
Yêu vừng trán ấm lạnh
Yêu tóc rong rêu xanh
 
Anh trút vào lòng em
Tình yêu thơm mùi cá
Em mang vào trong bến
Đặt sang tay mẹ cha
Mẹ cha hoan hỉ nhận
Mang cá đi muôn nơi
Em ngập tràn hạnh phúc
Yêu anh Biển một đời
 
Trong bao la đời anh
Em hân hoan thả nổi
Em đón gió trùng khơi
Ôm từng con sóng tới
 
Quê hương em đầy ắp
Tiếng sóng trong tiếng cười
Tiếng lao xao cá nhẩy
Tiếng thân yêu "Thuyền ơi!"
 
Bỗng đâu kẻ xa lạ
Thải vào dòng sống anh
Những cặn bã độc hại
Pha đen đời Biển xanh
 
Mẹ cha co người lại
Thuyền nằm khô trên bờ
Biển ơi anh hấp hối
Em làm sao bây giờ
 
Máu Biển đen xậm lại
Mắt Biển cũng nhắm nghiền
Chân tay Biển co quắp
Thuyền bất lực đứng nhìn
Cá ngáp trong tuyệt vọng
Ông Trời vẫn lặng im
 
Thuyền gập mình khóc Biển
Mẹ cha lệ đầy vơi
Thương Thuyền thân gái góa
Biển đã chết thật rồi
 
Lưới chài giăng trắng bến
Cả làng chài đưa anh
Đám tang không kèn trống
Thuyền góa giữa tuổi xanh.

EM


 
Trong mỗi góc thiên đường
Lửa hỏa ngục lấp lánh
Đóa hoa anh cúi hôn
Cánh giấu mầm bất hạnh
 
Em không phải là núi
Đừng bắt em đứng chờ
Em không phải là hồ
Đừng bắt em quanh quẩn
 
Em không phải là chim
Sao một đời soải cánh
Em nhắm mắt bay vào
Góc rừng anh hiu quạnh
 
Em không phải là cá
Sao bị người lưới vây
Những chiếc vẩy tình yêu
Đang âm thầm rớm máu
 
Em không phải đom đóm
Đừng bắt em vào chai
Ôi đốm lửa nhỏ nhoi
Soi mặt nhau không tỏ
 
Em không là mặt trời
Đốt anh hừng hực lửa
Em không phải là trăng
Đừng bắt em rằm nữa
 
Em không phải là thuyền
Đừng đắm em giữa biển
Em chỉ là nhánh cỏ
Thả em về tháng Giêng.
 

1990

Sunday, June 12, 2016

Chim Sẻ và Tuổi Thơ Việt Nam

 
Một Cậu bé đang đứng bán bánh bột lọc 
ở trước cây xăng-Huyện Phú Lộc 
(Hình trên báo Người-Việt)

Những tin tức ngổn ngang đời thường đang diễn ra ở Việt Nam, từ việc lớn đến việc nhỏ như: Ô nhiễm môi trường, cá chết, biểu tình, biển chia, đất cắt..., tin nào cũng làm người Việt trong cũng như ngoài nước hoang mang, đau lòng, thất vọng. Nhưng tin các em đang tuổi thiếu niên ở Thừa Thiên Huế phải bỏ học, sang xứ lân bang lao động, phụ gia đình kiếm sống làm tôi đau lòng nhất.

 Theo bản tin nhật báo Người-Việt cho biết các em thuộc các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn, huyện Phú Lộc-Thừa Thiên Huế, bỏ học sang Lào kiếm việc nhiều nhất.
Huyện Phú Lộc ở cạnh dẫy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, một huyện có bề ngang rất hẹp và chịu nhiều thiên tai nhất nước. (*)

Sáng hôm qua, tôi đứng trong bếp nhâm nhi tách cà phê nóng, nhìn ra ngoài khung cửa kính, hoa Mộc Liên trắng nõn đã nở từ từ từng búp và khá nhiều chim sẻ kéo về máng ăn treo trên cành đang tíu tít. Thấy hoa, biết tháng sáu đã về, biết nửa năm đã đi qua. Thời gian đi nhanh thế, mình nên tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời trên mỗi bước chân của thời gian.

Mở cửa bước ra sân, xém chút nữa giẫm phải một con chim sẻ đang nằm úp mặt trên vuông sân gạch. Con chim nâu trên nền gạch đỏ đang còn rung rung một bên cánh rũ xuống đất. Tôi đoán nó bị thương, bị thương ngay trước cánh cửa kính này chắc là nó bay lao đầu vào khung kính trong suốt mà tưởng bay vào không gian trước mặt.

Tôi cúi xuống nhặt nó lên, nó vỗ cái cánh còn lại rất yếu ớt và hai mắt nhắm nghiền. Tôi mang nó vào nhà, kiếm cái hộp giấy nhỏ đặt nó vào, một chút hạt kê rắc vào hộp, lấy cái chén nhỏ cho vào chút nước, để một góc hộp. Sau đó tôi đặt cái hộp trên cái ghế cao chân, mang ra sân, để sát vào tường. Hy vọng nó nằm nghỉ sức một hồi lâu sẽ lại bay được. Tôi không dám cứ mặc kệ nó nằm đấy bao giờ tỉnh thì bay đi, hay để cái hộp dưới mặt sân vì sợ nó sẽ là miếng mồi ngon cho con mèo già hay con mèo rừng (raccoon) nào đi qua.

Lo xong cho chim sẻ, quên cả việc ngắm hoa, quay vào nhà lo mấy việc buổi sáng. Đến trưa tôi ra sân, ngó vào hộp, con chim không còn nữa. Không có dấu vết xô lệch gì của cóng nước, tôi an tâm chim sẻ đã hồi sức bay đi, không phải bị con vật khác bắt ăn thịt. Tôi có một ngày an bình.

Sáng nay mở trang mạng Người-Việt ra nhìn thấy hình cậu bé này lòng nghe như muối xát.

Có ai không mủi lòng, khi nhìn nét mặt hiền lành, đầy nhẫn nhục của cậu, cậu đang cầm túi bánh bột lọc đứng trước cây xăng chờ khách đến mua. 

Em lên chín hay em lên mười? Em học lớp 4 hay lớp 5. Em đứng bán như thế này mỗi ngày mấy giờ. Em vẫn đi học đấy chứ? Bao giờ thì em sẽ phải tìm cách khác kiếm sống cho cả gia đình, vì bán bánh bột lọc chẳng đủ tiền mua gạo cho cả nhà. Mẹ và bà nội hay bà ngoại đang chờ em mang tiền về. Nhà nước nói trợ cấp gạo, sao mãi đến nay vẫn chưa có. Gia đình em chắc đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang, không được cứu trợ vì không được xếp vào diện làng chài. Bây giờ làm sao để sống.

Cha và anh thì đã bỏ đi xa lắm rồi. Họ lên xe đò sang A Lưới, rồi đi bộ băng qua rừng sang Lào. Bao giờ thì sẽ đến lượt em? Bao giờ em cũng sẽ đi bộ băng qua rừng sang Lào bằng đôi chân bé bỏng đó.

Nhưng em bé quá, chắc không ai nhận em làm đâu. Em đừng đi em nhé.

Nếu sang đó em sẽ làm gì? Tôi nghe nói, người Việt sang Lào sẽ có những việc như trồng rau, phụ hồ, bốc phân bò và thồ hàng. Với sức vóc và tuổi nhỏ của em, phụ hồ và thồ hàng nặng nhọc quá, trồng rau cũng không phải dễ, tôi đoán em sẽ đi hốt phân bò. Tôi hình dung ra với nét mặt nhẫn nại này, em sẽ chọn hốt phân bò cho vừa sức mình. Em sẽ đi theo sau những con bò chờ phân rơi xuống rồi hốt, hay đi trên những con đường đất gồ ghề dưới nắng hạ Lào. Công việc hôi hám và cực nhọc lắm. Có thể em khát khô họng mà nhìn quanh không có nước uống, em liệu làm được bao lâu! Rồi khi kiếm được tiền em phải gửi về nhà, mẹ em sẽ chắt chiu để dành mỗi lần một chút, cho khi em về có tiền đóng cho thầy cô để được đi học lại. Em còn nhớ chữ nào trong đầu để đi học lại không?

 Trong những ngôi làng ở miền Trung, học trò lớn, nhỏ bỏ học đi kiếm sống nhiều lắm. Bắt đầu là người cha đi, rồi đến các anh lớn, rồi sẽ đến các em nhỏ. Họ phải đi để kiếm sống. Bà mẹ than thở “Mình không thương mình thì ai thương mình bây giờ.” Chồng và hai người con trai của bà bỏ học đi sang Lào làm ăn rồi. Mấy đứa lo ở nhà cũng không có tiền đóng cho thầy cô học thêm. Mà dù bây giờ có tiền trả tiền học, học xong cũng chẳng có việc làm, nên kéo nhau đi hết rồi.

Chuyện học hành khó khăn, chuyện tương lai mờ mịt như thế, các em phải bỏ đi kiếm việc sinh sống là điều đương nhiên phải đến.

Có em đi tha phương một mình, không có sự kiểm soát của cha mẹ, giáo huấn của gia đình, rất dễ rơi vào chỗ hư hỏng. Trách các em hay trách cái xã hội đã bỏ rơi em.

Những con chim sẻ Việt Nam bé nhỏ này, đang lao đầu bay vào không gian trong suốt trước mặt vì các em không nhìn thấy bức tường đá lởm chởm. Các em sẽ bể đầu, gẫy cánh, thương tích cùng mình. Có ai nhặt vào vỗ về trên những vết thương, cho các em nắm hạt kê, cóng nước, tìm cho các em một chỗ an toàn. Hay em sẽ bị những con người khác chụp các em như con mèo già trong xóm, con mèo rừng (raccoon) chụp con chim sẻ bé bỏng không biết tự vệ.

Ôi tuổi thơ Việt Nam, tôi thương các em muốn khóc.


6/11/201

(*) BảnTin nhật báo Người-Việt, tháng 6/08/2016

Saturday, June 11, 2016

Nước ơi! Chầm chậm Lại



Hai cô bé hí hoáy đóng cửa, ở trong buồng suốt mấy tiếng, bà mải lo sửa soạn bữa cơm chiều trong bếp, không để ý. Khi hai cô bé mở cửa buồng ra gọi bà vào xem sáng tác của họ, bà giật mình, sững người: Cả bốn bức tường và trần nhà đều sơn màu khác nhau và có những vệt in bàn tay của hai cô với hình vẽ những đám mây ngũ sắc. Đã xong đâu, hai cái tủ áo của con gái bà kê trong buồng ngủ, từ màu trắng được sơn sang mầu tím nhạt và có dán những hình ảnh cắt ra từ những tờ tạp chí nữa. Hai cô bé đầu tóc, mặt mũi, đến quần áo đều dính sơn lem nhem chỗ này chỗ kia như hai chú hề, nhưng nét mặt vô cùng rạng rỡ, bà cũng đành phải cười thôi. Không biết hai cô tích trữ sơn, cọ từ bao giờ.

Mẹ vẫn còn giữ à?
Ừ, mẹ còn giữ
Bao nhiêu năm rồi hả mẹ?
Chắc phải ba mươi năm con ạ. Từ ngày con 7, 8 tuổi gì đó.
Có phải mẹ mang từ California lên đây không? Sao hồi đó mẹ không cho đi cho tiện, con dọn nhà con bán hoặc cho hết những đồ đạc nặng.

Người mẹ đặt bàn tay gầy trên nóc cái tủ quần áo cũ của con, bà nhớ lại khi mua cho con lúc đó, một cái tủ đứng (Chest of drawers) một cái tủ nằm (Dresser).Cả hai cái tủ gỗ tốt, góc cạnh cắt dựa theo kiểu Victoria, cùng sơn trắng, có những viền kim nhũ vàng, rất đẹp. Lúc đó cô bé mới học lớp 2.

Khi cô con gái học lớp 7, một hôm, cô dắt một cô bạn học về chơi, thế là hai cái tủ và cả căn buồng ngủ của cô đổi màu.

Bà có thói quen hay cất giữ một vài thứ của các con.Từ cái ly, cái khay nhựa dùng hồi nhỏ, cái khăn tắm biển, quần áo đồng phục nhà trường, cái khăn quàng cổ Hướng Đạo. Rồi áo dài đầu tiên của con gái khi mới lên năm, cái quần xọoc nhung đen của cậu út, lúc lên hai, cái kimono của cậu con đầu lòng hồi đầy năm. Tất cả những cái áo, cái quần đó mẹ bà đã cặm cụi cắt, đo, may tay từng đường chỉ. Hỏi làm sao bà không cất giữ.

Dọn nhà mấy lần, các con lớn cả, đi học xa, rồi lập gia đình, bà vẫn mang theo những cái quần áo đó nằm chung trong quần áo của bà. Hai cái tủ của con gái, bà cũng mang theo từ tiểu bang này tới tiểu bang kia. Chồng bà đôi khi cằn nhằn bà cũng nghe đấy, nhưng vẫn không chịu bỏ lại.

Con gái bà lấy chồng đi xa, bây giờ lại cùng chồng con dọn về gần cha mẹ. Gần ngay trong cùng một thành phố, cùng một xóm. Cháu ngoại gái của bà lên ba rồi, con bé cần có cái tủ quần áo lớn hơn bộ tủ thời Baby.  Đây là lúc hai cái tủ ngày xa xưa đó, được cả chồng và con gái bà cùng thấy đẹp và thực dụng.

Bà đứng nhìn hai bố con chất hai cái tủ lên xe truck, mắt bà như mờ đi, bà giơ tay quẹt ngang giọt lệ ứa ra.

Bà không biết, con gái bà có sơn lại hai cái tủ màu trắng và viền kim nhũ vàng như màu nguyên thủy của hơn ba mươi năm về trước, hay cô lại nghĩ ra cái màu gì lạ lùng như cô và bạn đã cùng sáng tác thủa mười một, mười hai tuổi.

Nhưng bà biết, cô sẽ vừa sơn tủ, vừa nhớ người bạn thời thơ dại và thế nào cũng tự hỏi: “Sao cái gì mẹ cũng giữ được lâu như thế nhỉ”.

Ừ, cái gì bà cũng giữ lâu lắm, cô biết rồi. Vì khi con gái đi lấy chồng, bà đã tặng cô một hộp kim chỉ (mặc dù bà biết cô sẽ không bao giờ cắt, may quần áo). Con gái bà đã thấy ngoài kim chỉ mới đủ màu, trong hộp còn có cái kéo của bà nội, cái đê khâu của bà ngoại cùng với những cái khuy nút cắt ra từ những chiếc áo của mọi người trong gia đình. Họ hàng ai cũng cười bà là “hoài cổ ” nhưng cô dâu hôm đó mở hộp kim chỉ ra đã đầm đìa mắt lệ.

Bà nhìn cái xe con gái ghẹo ở khúc quành con dốc, cho đến khi mất hút. Bà nghĩ đến một ngày kia, cái tủ, cái giường của bà, người con nào sẽ giữ. Con cái có nhu cầu giữ những kỷ niệm về cha mẹ lâu như cha mẹ giữ kỷ niệm về con không?
Bà hình dung ra, khi cả hai ông bà không còn đứng trên nền nhà này nữa. Tất cả sách vở, quần áo, giường tủ, bàn ghế sẽ được mang đi, bán rẻ hoặc cho hội từ thiện nào đó. 

Bà đứng đăm đăm nhìn xuống con dốc, nhìn xuống dòng nước hồ lững lờ chẩy ngang nhà, tất cả rồi trôi đi….. trôi đi….. Lòng bà thấy chao đi một chút như mặt hồ gặp sóng.

Bà thì thầm nói với chính mình: Cả thân xác này là vưu vật của Thượng Đế còn không tồn tại mãi, nuối tiếc chi những tấm gỗ, những khăn áo vô tri đã đi qua đời sống mình. Chỉ sách vở là có linh hồn, bà tin là sẽ có người được hưởng phần ân huệ để lại đó. Bà quay vào nhà, khép nhẹ cánh cửa sau lưng.

Bà gọi khẽ: Nước ơi, chầm chậm lại chờ tôi cùng chẩy nhé.

 Tháng 6/6/2016

Wednesday, June 8, 2016

Mặt Trời và Cà Phê







Mặt trời mặt trời mặt trời

Mặt trời dậy rồi anh

Em lay vai anh ra xem mặt trời mọc

Nơi phía đông nhô lên một vầng hồng

Đang thắp sáng một góc hồ chưa thức


Hồ vẫn nằm im như một bức tranh

Những nóc nhà hàng cây còn nhắm mắt

Cả buổi sáng tinh mơ còn vùi trong mộng

Chỉ có em thức sớm với mặt trời


Ấm nước trong bếp đang reo

Cà phê đang đợi


Mặt trời

Cà phê

Buổi sáng

Và cả hai ta sẽ pha vào nhau


Mặt trời hồng

Buổi sáng xanh

Cà phê tím

Anh lửng lơ không màu và em trong suốt thủy tinh


Một ly nước sôi

Thêm một muỗng ái tình


Em cúi xuống nếm ngụm mặt trời đầu tiên cho một ngày trước mặt.




Tháng 6/7/2016

(5 giờ sáng thức dậy xem mặt trời mọc trên hồ.)

Wednesday, June 1, 2016

Chiếc Bánh của Obama



Các bạn trẻ Việt Nam!  Chính các bạn mới là chủ đất nước này, các bạn hãy thay đổi và biết nắm bắt lấy cơ hội cho chính mình. Để xây dựng và phát triển đất nước của mình chứ không phải bất kỳ ai khác, tôi mong các bạn hãy mạnh dạn và hãy tự tin vào mỗi bản thân của mỗi chúng ta. (Obama)

Tổng Thống Obama tới nước các em
mang theo một chiếc bánh nhiều tầng
với lớp kem trên cùng màu sắc thật đẹp
đứng xa nhìn như nếm được vị đường
mỗi tầng bánh là một tầng nhân hy vọng khác nhau

Chúng em gọi nhau chạy xô ra đường
đứng chờ được ăn miếng bánh

Ôi chiếc bánh có màu của chiếc cầu vồng
chiếc cầu vồng vẫn đến sau những cơn mưa
được chiếu bởi ánh nắng lấp lánh

Chúng em ai cũng ước ao được nếm chiếc bánh diệu kỳ này
Đến thật gần
Đến thật gần
Đến thật gần
Obama nghiêng người xuống đưa ra chiếc bánh nói với giọng vô cùng ấm áp:
Đây chỉ là chiếc bánh
tôi vẽ tặng các em
tôi sẽ chỉ cho các em
công thức làm chiếc bánh này
nhưng các em phải

Tự đi kiếm Đường
Tự đi tìm Trứng
Tự đi tìm Bột

Và sau hết
chính các em phải tự tay làm chiếc bánh này

Đừng hy vọng quá nhiều vào người khác rồi đứng vỗ tay

Các em phải tự đi nhóm lửa để nướng bánh
những mảnh than trong trái tim các em
phải được đốt lên
mổi người kiếm thêm củi cho vào

Tôi có thể giúp các em
Thanh củi đầu tiên

Nhưng chính các em phải giữ cho ngọn lửa cháy
ngọn lửa phải làm cho củi thành những mảnh than hồng
cháy âm ỉ trong lồng ngực các em

Chính các em mới là người làm bánh
và chính các em cũng phải là người được cắn miếng bánh đầu tiên

Dân tộc các em ăn bánh vẽ quá lâu rồi
các em bây giờ
không để ai đánh lừa mình được nữa
không ai có quyền bắt các em ăn bánh vẽ
lừa dối mình bằng lớp kem bọt pha màu

Các em hãy cùng nhau
tự làm bánh cho mình
tôi đặt nhiều hy vọng
chiếc bánh sẽ thành hình.


Tháng 5/31/2016