Tuesday, August 9, 2016

Phi Châu Đến Thương về Nhớ 2016

  (Hình ảnh của Ánh, Trâm và Frank)


Khi cô cháu rủ đi Phi Châu với nhóm bạn của cô, tôi rất ngại đường xa, hơn nữa Phi Châu rừng rú, ngà voi, sừng tê giác, vốn không phải là những thứ hấp dẫn hay gợi trí tò mò của tôi. Cháu rủ mãi, tôi nhận lời, xong lại hủy bỏ. Frank hơi thất vọng vì anh muốn đi lắm. Cô cháu tôi la oai oải trong phôn: “Cô không thích, nhưng chú thích thì cô phải cho chú đi.” Ừ, thì nể chồng, nể cháu, đi vậy.

Chao ôi là con đường dài… Từ Seattle bay 5 tiếng tới Atlanta, rồi đợi ở phi trường 3 tiếng, bay sang Johannesburg (Nam Phi) 14 tiếng qua vùng biển Atlantic (Đại Tây Dương) đến Johannesburglúc 6 giờ chiều, lấy khách sạn ở ngay phi trường ngủ qua đêm, sáng hôm sau 11 giờ gặp nhóm đi Tour chung đến từ Los Angeles, cùng bay tiếp gần hai tiếng nữa tới Cape Town. Tổng cộng mất gần hai ngày từ lúc ra khỏi nhà. Tôi ngao ngán máy bay lắm rồi, nói với Frank, khi quay về lại Seattle tôi sẽ walk home, chứ không lên máy bay nữa.

Bây giờ ngồi đây, viết những dòng chữ này, tôi nghĩ lại vẫn “ngán” những giờ ngồi trên máy bay lắm. Nhưng chuyến đi Phi Châu vừa qua thật sự đã cho tôi một đoạn thời gian “có giá trị” trong đời sống mình. Những điều nhìn thấy, cảm nhận được ở đất, ở rừng, ở thác, ở sông, ở con người của Phi Châu hoàn toàn khác hẳn ở những nơi khác trên thế giới như: Pháp, Ý, Na Uy, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Tầu, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Cam Bốt, Mỹ, v.v mà tôi đã sống hay đã đi qua.
Người hướng dẫn Tour luôn luôn nhắc nhở du khách là không bao giờ được đi một mình, ban ngày luôn luôn phải đi thành nhóm, ban đêm dù có nhóm cũng phải đi taxi, không được đi bộ dù chỉ một, hai đoạn đường. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở thành phố này là 50%. Lợi tức của người có việc là US$2.00/ một ngày, nên không tránh được việc cướp giựt và nguy hiểm tính mạng, nhất là cho du khách. Tiếc thay cả nước sống nhờ vào du khách là chính. Người hướng dẫn cho biết: Cứ mỗi một du khách tới Phi Châu nuôi được năm người bản xứ trong một năm.
Tôi chỉ có thể kể ra những điểm chính trong rất nhiều sinh hoạt của chuyến thăm Nam Phi này. Chúng tôi được đi qua các nước:Zambabwe, Swaziland và South Africa. (Tổng số nước trên lục địa Châu Phi là 54 quốc gia được công nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc.Chưa kể đến 9 lãnh thổ không có chủ quyền.Diện tích của toàn Phi Châu là: 30.521.332 cây số vuông. Dân Số chiếm 1/7 trên thế giới.)
Mặc dù thành phố, viện Bảo Tàng cũng hấp dẫn nhưng phong cảnh thiên nhiên, tìm xem các loài thú vật trong cánh rừng hoang dã Phi châu và thăm thác Victoria Fall là những điểm chính của Tour Du Lịch này.
Thiên Nhiên ở Phi Châu

Hãy nói đến những con vật nhỏ nhất trước tiên.
Những con Chim Cánh Cụt (Penguins Colonies) ởBoulder Beach nơi duy nhất loại chim baby Penguins này hiện diện. Con lớn nhất to chưa bằng một con vịt trung bình. Phần đông chỉ bằng con chim bồ câu. Chim tí teo đi xiêu vẹo như em bé mang cái tã nặng trông thật đáng yêu. Chúng nhào ra sóng chơi một lúc, chìm nghỉm, rồi lại trôi vào bờ, đào những lõm cát nông, nằm phơi nắng. Mỗi gia đình như tự chiếm lấy một chỗ cho riêng mình. 
Chim Cánh Cụt-Penguins 
Thiên nhiên Phi Châu cho ta rất nhiều kỳ bí, ngoài vẻ đẹp dọc theo bờ Biển Đại Tây Dương, chúng tôi được đi thuyền hai giờ trên hồ Saint Lucica, phía Bắc KwaZulu-Natal,hồ có diện tích 350 cây số vuông, ở Nam Phi. 
Xem cá sấu và những con Hippo từng đàn trồi lên, hụp xuống trong nước hay nằm phơi nắng ấm trên bãi bùn và xa xa trong cánh rừng tiếp mặt nước, thỉnh thoảng gặp gia đình nhà voi đủng đỉnh đi qua đi lại. 
Hà Mã - Hippo
Được đi bằng xe jeep vào rừng xem Thú Hoang (Game Drive) hai ngày, ở Kruger Park và Unfolozi Game Reserve.

Buổi sáng tinh mơ, trước khi mặt trời mọc, chúng tôi mặc quần áo thật ấm với mũ trùm kín đầu, sẵn sàng đứng trước của khách sạn chờ được đưa vào rừng. Ngồi trên những chiếc xe Jeep dài (3 hàng ghế) hai bên không có cửa, mỗi xe chở được mười du khách và tài xế. Máy ảnh sẵn trên tay, chúng tôi đi tìm gặp những con thú thức dậy sáng sớm đi kiếm mồi. Người tài xế lái xe cũng là người hướng dẫn Tour Trong Rừng, anh ta thông thạo từng nhánh cây, ngọn cỏ. Anh biết đón đầu thú vật, biết chụm tay lên miệng làm thành tiếng gọi Chúa Sơn Lâm.

Một con sư tử từ đâu bỗng xuất hiện, đàn trâu rừng hơn mười con đang đi rải rác vội chụm lại với nhau, đứng im bất động. Chúng nín thở, chờ cho con sư tử đi qua. Chúng sợ Chúa Sơn Lâm ngang với loài người sợ Bạo chúa.

Cả buổi sáng kéo dài tới trưa chúng tôi thích thú để cả tâm trí vào việc ngắm nhìn thú rừng tự do thong thả đi rất gần tầm mắt mình, từ sư tử, trâu rừng, hươu cao cổ, ngựa vằn, voi, chó rừng (với chân như chân nai, những cái đuôi trắng dựng lên như cỏ lau,trước đây mình chưa thấy bao giờ);những con tê giác (Rhino), heo rừng, khỉ, vượn… và nhất là chim rừng, với những bộ lông xanh biếc, hoặc đỏ rực. 
Xe Jeep và Du Khách sửa soạn vào rừng. 
Thú rừng muôn vẻ
Chúa Sơn Lâm
Chó Rừng 
Tê Giác- Rhino 
Hảo Vọng Giác và Núi Bàn
Trong buổi chiều đầu tiên ở Cape Town chúng tôi được đi xem Cape of Good Hope. Nhớ lại ngày nhỏ được học Địa Lý Thế Giới gọi làHảo Vọng Giác. Đây là một góc biển Đại Tây Dương. Hôm đó bầu trời xanh lam biếc, nước biển xanh ngọc bích, sóng trắng như tuyết lở từng khối. Đẹp đến nín thở vì sự hoàn hảo và hùng vĩ của hóa công. Trong tiếng gọi nhau ơi ới, nao nứcchụp hình của cả nhóm, tôi đứng xa xa một chút nghe tiếng sóng và chiêm ngắm biển trời, chỉ nghĩ đến biển và biển trong khỏanh khắc đó: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương. Tôi đã đứng mấp mé ở những Đại Dương nào? Có lẽ Thái Bình Dương là bờ biển thân yêu và nghĩ đến là đau xót nhất, nơi cả triệu người dân tôi bỏ xác trong lòng biển.

Hảo Vọng Giác

Chúng tôi được đi bằng xe cáp (Cable car) kéo lên đỉnh của Table Mountain để nhìn xuống biển, nơi đỉnh núi bằng phẳng như một chiếc bàn dài, nơi đón mời mình ngồi xuống dự bữa tiệc thiên nhiên, nơi thức ăn là mây, là gió là biển xanh với sóng bạc đầu. Muốn dùng bao nhiêu cũng được. Có thể Thượng Đế sẽ tính vào hóa đơn của tuổi đời, có thể không, nào ai biết được?

 Theo tài liệu lưu truyền: António de Saldanha, gốc Bồ Đào Nha, người Âu Châu đầu tiên đến vùng biển này. Ông leo lên ngọn núi hùng vĩ ấy vào năm 1503 và đặt tên cho núi là Taboa do Cabo (tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là bàn của mũi đá). Mỏm núi, đứng xa nhìn ở một góc cạnh nào đó của biển từ chân núi hất lên thì lại thấy có hình dáng giống như đầu con sư tử, vị thuyền trưởng này có khắc vào đó một cây thập giá, cho đến nay nếu nhìn kỹ, vẫn có thể tìm ra dấu vết. Thật tuyệt! (*)
Trên đỉnh núi Bàn với bạn

Tú trên Đỉnh Núi Bàn 
Thác Victoria Fall.

Nằm giữa ranh giới của Zambabwe và Zambia, đã có lúc Victoria Fall được coi là một trong bảy kỳ quan của Thế Giới.

 Chúng tôi đứng ở Zambabwe, phía bên này thác, mặc dù có áo mưa vẫn ướt sũng đầu tóc và hai chân. Không gì đẹp bằng đứng ngắm bức tường thác hùng vĩ bắn những tia nước như mưa trong ánh nắng, hắt sang bờ bên một chiếc cầu vồng bẩy sắc, trên thân thể du khách, trên mặt cỏ hay trong lùm cây. Cầu vồng ban ngày đã đẹp lắm rồi, nhưng có du khách nói, nếu bạn đi ngắm thác vào một đêm trăng tròn, bạn sẽ thấy một Cầu Vồng Trăng (Moonbows) một cầu vồng ánh sáng lung linh bóng trăng huyền ảo.(*)

Chiều ngang của thác 1708 mét được coi như một tấm màn bằng nước dài nhất thế giới. Thác buông xuống từ độ cao 90 đến 100 mét qua bờ xuống lòng thác (Zambezi Gorge) một lượng 550,000 thước khối nước mỗi phút.

Có người tới đây chụp cả trăm tấm hình vẫn chưa thỏa lòng. Dịch vụ trực thăng bay trên đỉnh thác nước cho du khách nhìn xuống cũng được cung cấp. Tôi thì xin hàng, không dám thử môn giải trí này.
Trắng Xóa Đất Trời 
Con Người Phi Châu.
Mặc dù tháng bảy Dương Lịch là mùa đông ở Phi Châu, buổi sáng tuy phải mặc áo ấm ra đường, nhưng đến trưa là bắt đầu nóng, trên xe bus của du khách luôn luôn mở máy lạnh. Những con đường ra ngoài thành phố, hai bên cát bụi đỏ au, thỉnh thoảng có người đàn bà địu con sau lưng, đội thúng trên đầu đứng bên đường chờ xe, có những thanh niên đi nhóm hai ba người, ăn mặc cũng tươm tất, đi như đi từ trong rừng ra, có một vài em bé đi đến trường hay đi học về, có em mặc đồng phục hẳn hoi (Được biết những đồng phục này được chuyển từ gia đình nọ, tới gia đình kia.) Màu sắc xanh đỏ trên y phục của họ tương phản với mặt đất, với hoang vu của núi rừng. Họ đi bộ xa giỏi lắm, đôi chân họ thanh mảnh và vững chắc. Nếu để ý sẽ thấy phần đông đàn ông gầy hơn đàn bà.
Quán Bên Đường

Học Trò Tới Trường 
Khu Langa Township ở Cape Town

Bạn không thể tự mình đến đây được, vì sẽ không an toàn. Du khách phải trả tiền riêng cho chuyến thăm viếng này, nhờ người địa phương hướng dẫn cho được an toàn.

Xe bus tới Trung Tâm Cộng Đồng. Nơi đây chúng tôi được hướng dẫn xem công việc thủ công như: làm đồ gốm, vẽ tranh, đẽo gỗ, đan, tết, những đồ dùng và những con thú bán cho du khách. Được xem và đánh trống cùng thổ dân. Mua một vài món vừa lưu niệm vừa giúp quỹ cho Trung Tâm.
Trung Tâm Cộng Đồng và Hình phòng vẽ
Được đi tới khu những ngôi nhà ổ chuột (Township), nơi con người vẫn ở trong những cái nhà, nếu gọi là nhà, thật ra là những cái Container cũ, bằng tôn hay gỗ,những cái hộp được quây bằng những tấm thiếc đã gỉ sét, có diện tích bằng khoảng hai mét vuông. Những cái thùng này kê sát nhau, chen chúc bên cạnh những con đường đất đỏ, những rãnh nước và những vòi nước rỉ rả chẩy. Những quầy hàng xếp lèo tèo vài mớ rau héo, trái cây rụng cuống và những mảng thịt tái ngắt để lẫn vào nhau. Bụi cát thản nhiên thổi trên mặt người và mặt hàng. Ở khu này có người giơ tay ra xin tiền nhưng bị người hướng dẫn nạt, và gạt đi.
Khu Dân Nghèo Sinh Sống -Township 
Chúng tôi dừng lại nơi có những người đàn bà da đen vẽ mặt đang ngồi đốt những chiếc đầu cừu, móc chút thịt còn sót lại; có người đàn ông cầm chai rượu vừa đi chân thấp chân cao vừa ngã vào đống lửa, lồm cồm tự đứng dậy, rồi lại lăn quay xuống. Chẳng ai để ý nhìn, ngay cả những đứa trẻ đang ngồi gần đó cạnh mẹ. Chỉ có du khách chú ý thôi. Ruồi ở đâu về mở hội trên những chiếc đầu cừu không còn một hột máu. Rùng mình!

Nướng Đầu Cừu
Chúng tôi được đưa tới một trong những khu chung cư của nhà nước. Một căn nhà cho một hay hai gia đình, tùy theo mỗi gia đình có mấy người. Theo người hướng dẫn, chui qua những giây phơi quần áo dài từ đầu bãi rác to tới con đường ra ngoài khu chung cư, chúng tôi vào một căn nhà (được chọn cho du khách thăm) Đồ đạc, bếp núc sơ sài gần như không có gì, người đàn bà nét mặt thản nhiên (như đã quen khách như thế), không nói, không cười, đang đứng cạnh cái bếp giữa nhà. Một người đàn ông bước ra từ phía trong, rồi đi hẳn, khuất sau cánh cửa chính. Một đứa bé bên trong cái buồng ngủ duy nhất, ngước đôi mắt như hai viên ngọc đen, nó ra khỏi buồng, nhìn chiếc đĩa giấy để trên mặt cái bàn gỗ tạp giữa nhà ngoài, trên đĩa có ghi chữ Donation. Một con ruồi bay vào từ bên ngoài, đậu trên đó, thằng bé xua xua tay, đuổi con ruồi. Có một vài du khách đặt trên chiếc đĩa đó những tờ giấy bạc mỏng cho nhẹbớtđi những điều mình vừa thấy, kéo hồn mình trĩu nặng.

Cuối cùng, khi chúng tôi chụp hình, cũng xin được một nụ cười ngập ngừng của người đàn bà.
Giây phơi quần áo công cộng 
Trường Học Ở Swaziland
Ở Swaziland chúng tôi cũng được đi thăm lớp học Mẫu Giáo Ezulwini cho trẻ mồ côi. Với tôi đây là nơi đáng nhớ nhất.

Xe bus của du khách vừa tới, các em từ một tuổi, còn cầm bình sữa đến các em lên 5, lên 6, được các cô giáo dắt ra tận nơi. Như đã quen với du khách mang dụng cụ học trò, quần áo, trái cây và kẹo tới,các em hân hoan, tươi cười, dạn dĩ chạy ào ra nắm tay du khách. Những bàn tay bé bỏng, đen như gỗ mun, đặt vào những bàn tay to lớn, xa lạ, khác màu da, không ngượng ngập. Những đôi mắt như ngọc đen sáng bóng, ngước nhìn khách tràn đầy hạnh phúc. Khách phương xa, kẻ trào lệ, kẻ khóc trong lòng.

Các em hát bằng thổ ngữ, bằng tiếng Anh, vừa hát vừa nhìn vào những túi kẹo trên tay khách. Hát xong các em được phát kẹo. Sau đó là màn du khách ôm ấp, chụp hình với các em,rồi trao sách tô màu, chì màu, tập, vở học trò, quần áo và nói chuyện với mấycô giáo.

Các em đẹp như những viên sỏi đen bóng, hai con mắt tròn đen, nụ cười rạng rỡ. Tôi nhìn các em tự hỏi, rồi tuổi thơ này cuối cùng sẽ ra sao? Tôi đã nhìn thấy các em lớn tuổi hơn, các thanh niên mười tám, đôi mươi đang làm tất cả những công việc ngoài kia để kiếm được hai Mỹ kim cho một ngày.
Tôi đã thấy ở những khu chợ trời, những thanh niên trẻ lắm, bầy những con thú bằng gỗ, bằng đá trên mặt đất bán cho du khách. Người mua ít hơn người bán. Những chàng thanh niên luôn luôn có đôi mắt rất buồn. Đôi mắt chứa cả một bầu trời đen như màu da đen của họ.

Không Mang Được Em Về Với Tôi 
Như Những Viên Sỏi Đen
Máu và Kim Cương Phi Châu

Chúng tôi cũng được đi xem một tiệm bán Kim Cương ở Nam Phi, nhưng hầu như cả nhóm hơn hai mươi người cũng chỉ đi lướt qua từ cánh cửa vào tới cánh cửa đi ra. Những người du lịch ở tuổi ngoài sáu mươi hay có trẻ hơn cũng trên năm mươi, không ai nghĩ đến việc cần mua nữ trang nữa, nhất là khi du lịch. Người hướng dẫn thương mại cũng cho chúng tôi xem những tấm hình Mỏ Kim Cương, nhưng không ai đả động đến những phu đào mỏ. Họ có thể là một em bé Phi Châu ở tuổi lên 9, lên 10. Cũng không ai nói cho chúng ta biết rằng, món nữ trang chúng ta đang đeo trên cổ lấp lánh ánh sáng huyền ảo đó có nhuộm máu trẻ thơ. Đó là những viên kim cương máu (Blood diamonds). Con đường chuyển Kim Cương từ quốc gia này tới quốc gia khác, phần đông không ai biết xuất xứ từ hầm mỏ nào.(*) 
Không phải chỉ có người Phi Châu mới là những nô lệ đào mỏ. Có những nô lệ của các nơi trên thế giới cũng được đưa tới đây làm phu đào mỏ này. Họ được những chủ nhân ông thu thập từ các nơi đến, và ở đây họ tự tạo ra một ngôn ngữ riêng để những phu mỏ hiểu nhau. (*) 
Phu Đào Mỏ Kim Cương hay Vàng ở Phi Châu, em trong hình 11 tuổi.
(Hình trên net) 
Neilson Mandela

Phi châu nghèo và bị những người da trắng đến cai trị quá lâu, nên họ đã có những anh hùng đứng lên tranh đấu. Đó là Bishop Tutu và Neilson Mandela. Hai người anh hùng này đã cùng được trao giải Nobel Hòa Bình.

Chúng tôi được đi thăm hai ngôi nhà của Neilson Mandela. Một ngôi ở khu da đen trước khi ông làm cách mạng và bị tù. Một ngôi nhà ở khu da trắng giầu có sau khi ông làm Tổng Thống. Trước cửa ngôi nhà sau này, dân chúng làm những mảnh vườn nhỏ, trồng những cây cọ thấp. Nơi đó ai muốn viết những lời trò truyện, lời cám ơn cho ông thì viết lên một viên đá cuội đặt xuống chung quanh cây cọ.
Tú và Trâm ngồi trước nhà Mandela

Nam Phi còn biết bao nhiêu điều chưa nói hết trên những trang giấy hạn hẹp này.Tôi ra về trên chuyến bay dài, chập chùng mây, chập chùng biển.

Cái thân nhỏ bé bềnh bồng nhớ đến những căn nhà ở gần bãi biển giá năm, mười triệu, nhớ những khu phố của người giầu, phần lớn thuộc về người da trắng. Nhớ đến khu ổ chuột của người da đen, những cái thùng, cái hộp quây bằng thép gỉ được gọi là nhà, những đôi mắt đen nhánh ngây thơ của các em bé, đôi mắt buồn bã của những thanh niên ngoài chợ trời.

Nhớ đến những điều được nghe, được đọc, được nhìn về một Nam Phi Châu:
Những bệnh viện cho dân nghèo ở Nam Phi luôn luôn bị quá tải vì quá nhiều bệnh nhân so với khả năng. Cả nước có tới 5 triệu người đang sống với HIV/AIDS.

Nghĩa là mười người thì có hơn một người nhiễm bệnh (more than one in ten). Đã có 3 triệu người chết do truyền bệnh sang nhau, phần đông là người lớn nên bỏ con lại thành trẻ mồ côi và tuổi thọ trung bình của dân Phi Châu là dưới 50.

Tình trạng sức khỏe của dân Nam Phi rất kém so với các dân tộc da màu khác hay da trắng. Do đó tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ tử vong càng cao theo tỷ lệ thất nghiệp và lạm dụng ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Có 14% Nam Phi da đen bị bệnh so với 2% da màu hoặcchỉ có 0,3 % da trắng và Ấn Độ.
Nam Phi là một trong số các nước trên thế giới, nơi có các bà mẹ và trẻ em tử vong tăng từ năm 1990 bởi HIV/AIDS, (trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 1/3.)
Trong suốt mười hai ngày chúng tôi ở Nam Phi Châu, người hầu hạ phục dịch hoàn toàn là người da đen. Chưa hề nhìn thấy một người da đen nào được ngồi vào bàn ăn có người da trắng đứng hầu. (không biết tôi có thể hy vọng được nhìn thấy cảnh ấy trong một thành phố khác ở Nam Phi?).

Ở đâu thì cũng vậy thôi, nơi nào cũng bất công, cũng phân biệt giữa giầu và nghèo. Nhưng tôi vừa thăm một dân tộc trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa ra khỏi cánh rừng, và dưới một góc nhìn nào đó, vẫn là nô lệ, vẫn phải phục dịch người từ xa tới phần đất của tổ tiên mình.

Có ai đó nói: người Phi Châu với đầu óc đơn sơ chậm chạp họ không tự khai thác được gì ở thiên nhiên ngoài sinh sống với thú rừng. Có lẽ vì thế Thượng Đế đã cho họ những thác nước hùng vĩ, những cánh rừng âm u đầy thú; mỏ kim cương, mỏ vàng như những tặng phẩm, để quyến rũ những con người thông minh hơn, tàn ác hơn đến cai trị họ,và sau hết để quyến rũ du khách mang công việc đến cho họ. Những công việc làm bằng tay chân mà thôi.
Tôi nhắm mắt lại nhớ đến những khuôn mặt ngây thơ của các em bé trong trường Mẫu Giáo Mồ Côi. Tờ báo The Times phát hành ở Botswana- Phi Châu, ra ngày 11 tháng 7 úp trên mặt tôi.

Newborn baby left alone to fight for his life in cold hospital sluice room.

Đó là một em bé da đen. Khi mẹ sanh em (với 26 tuần 5 ngày) không có bác sĩ trong buồng sanh, em cân nặng dưới 1 kilo, y tá cho mẹ ôm em 15 phút, rồi mang em đi, nói là em không sống được. Họ quấn sơ sài trong một tấm chăn, để trong một phòng lạnh lẽo,căn phòng chỉ dùng để rửa thau, chậu của bệnh viện, không có ai săn sóc. Em chết sau khi ra đời được hai tuần. Ba em nói:
“Đứa con trai bé bỏng của tôi là đứa bé phấn đấu, nó muốn sống nhưng người ta đã giết nó.”

Được hỏi tại sao em bị bỏ không săn sóc, bệnh viện trả lời không được săn sóc vì em quá nhẹ kí, trước sau rồi cũng chết.
Ôi Phi Châu! Đến thương về nhớ.