Sunday, September 24, 2017

Sách Trên Lưng Ngựa

Tiếng vó ngựa lộc cộc gõ trên con đường toàn đá núi lởm chởm vọng vào tai khiến cậu bé Tom nhanh nhẹn ra phía trước nhà, mở toang cửa chạy ra. Cả gia đình cậu cùng chạy theo.

Bà Mary nhẩy xuống khỏi lưng ngựa, thò tay vào trong cái túi vải vắt ngang lưng ngựa, lấy ra ba quyển sách nhi đồng và một tờ tạp chí đưa vào tay cậu. Tom lễ phép:
- Cám ơn bà Mary, bà đã mang sách và tạp chí tới cho gia đình cháu. Chúng cháu thích lắm.
Tom là cậu bé 10 tuổi, gia đình ở tận trên núi, biệt lập với xóm làng. Vào những ngày tuyết rơi, bà Mary vẫn một mình một ngựa mang sách của Thư Viện tới cho gia đình cậu. Đối với cậu những cuốn sách này ngon như những cái bánh cookies của mẹ làm.

Hạnh phúc biết bao khi phải sống trong rừng mà được người mang sách tới nhà. Cả gia đình Tom được hưởng cái ân huệ từ “Bà sách” đáng yêu này.

Giao sách tận nhà. Không rõ năm


Bà Mary và khá nhiều phụ nữ khác từ sáng tinh mơ đã yên đai chặt chẽ chở những túi sách trên lưng ngựa mang đến từng ngôi nhà trên núi, những ngôi nhà đơn lẻ trong những cộng đồng nhỏ bé cách biệt với thành phố.

Không phải chỉ mình bà Mary mà là một đội ngũ Book Women “Các bà của sách báo”. Họ đóng sách vào những chiếc túi vắt ngang lưng ngựa và khởi hành từ bình minh, đi dọc theo sườn đồi tuyết, qua những thung lũng đầy bùn với mục đích giản dị là mang những sách báo tới những cộng đồng Kentucky biệt lập trên núi. 

Thư viện trên lưng ngựa là một sáng kiến của Tổng Thống Franklin Roosevelt thành lập để giúp nước Mỹ ra khỏi Cuộc Khủng Khoảng 1933 khi nạn thất nghiệp lên tới 40% ở Appalachia. Thư Viện trên lưng ngựa không phải là hoàn toàn mới mẻ với Kentucky nhưng đây là một cơ hội thúc đẩy nâng cao vừa về công việc cho nhân viên vừa về văn hóa.

Bà Mary cũng như các bà của sách báo (Book Women) này đã cưỡi ngựa từ 100 tới 120 dặm Anh một tuần bằng chính ngựa hay lừa của họ trên những con đường đã được chỉ định, bất kể thời tiết xấu hay tốt. Nếu nơi tới quá khó khăn cho ngựa và lừa, họ không ngần ngại, nhẩy xuống và cuốc bộ. Bà Mary nhớ lại, có khi bà phải kêu gọi sự giúp đỡ của người địa phương quen thuộc hay cả một tay miền núi không tin cẩn được.

Chiến dịch Thư Viện Trên Lưng Ngựa là một sáng kiến Hành Chánh Cấp Tiến (Work Progress Administration- WPA) của Tổng Thống Franklin Roosevelt để đưa nước Mỹ ra khỏi cơn đại suy thoái vào năm 1933, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 40%. Thật ra Thư Viện trên lưng ngựa trước đây đã có rải rác ở Kentucky, nhưng sự thúc đẩy mạnh này giúp bớt được cả nạn thất nghiệp lẫn nạn mù chữ.


Cuối năm 1938 có đến 274 Thủ Thư giao sách trên lưng ngựa qua 29 quận hạt. Tổng cộng có đến gần 1000 nhân viên thư viện cưỡi ngựa làm việc. Quỹ hết năm 1943, trong cùng năm đó, WPA đã xóa được nạn thất nghiệp trầm trọngsau thời chiến. Những năm kế tiếp, sách lưu hành ở khu vực này đã được tái lập, ngày càng được nhiều người yêu thích trên khắp đất nước.

Ngoài việc cung cấp các tài liệu đọc sách, bà Mary cũng như các bà Thủ Thư đó, đã có công làm cho các cộng đồng kết hợp chặt chẽ thân thiện với nhau. Họ đã cố gắng cung cấp thêm về sách báo thiếu sótBà Mary nhớ lại niềm hạnh phúc lớn nhất của các bà là khi họ dừng lại để đọc những trang sách cho người mù chữ, và cũng chính họ đã giúp nuôi dưỡng niềm tự hào địa phương.

Những người nhận được sách đã cảm kích công việc của những Thủ Thư trên lưng ngựa này. Có người đã thốt lên: "Những quyển sách mà các bà mang lại cho chúng tôi đã cứu đời sống chúng tôi."

Nhu cầu đọc sách trông thấy rõ rệt. Thư viện Letcher County được thành lập. Người dân Mountain Eagle đã thể hiện sự mang ơn nồng nhiệt, họ nói trong xúc động: "Thư viện nằm trong cộng đồng và quận của chúng tôi, và ở đây để phục vụ chúng tôi ... Nhiệm vụ của chúng tôi là đến thăm thư viện và giúp đỡ tối đa, để chúng tôi có thể giữ nó như một điều tốt đẹp trong cộng đồng của chúng tôi."

Bây giờ không còn Thủ Thư cưỡi ngựa đi giao sách ở vùng xa, vùng sâu nữa. Bà Mary chắc cũng qua đời rồi, nhưng hình ảnh những người đàn bà trên lưng ngựa  vẫn có thể tìm thấy trong những trang sách nào đó trong các thư viện trên nước Mỹ. Đó là một hình ảnh vừa đẹp vừa làm rung động những trái tim người yêu sách.

Thư viện lớn nhỏ đã ở khắp mọi tiểu bang trên nước Mỹ. Sách được gửi tới nhà, nếu cùng một quận hạt. Người ta tới Thư Viện không còn là một vấn đề khó khăn.

Câu chuyện Thư Viện lưu động trên lưng ngựa này từ 1933. Cách đây cả hơn 80 năm đã cho chúng ta một liên tưởng gì với những ngôi trường bên kia sông ở những vùng xa, vùng sâu như mạn ngược Cao Bằng, Lào Cai… trên đất nước Việt Nam, ngay trong thời điểm văn minh của nhân loại ở thế kỷ này. Nơi các em muốn không mù chữ phải bơi qua sông, qua suối tới trường. 


Mang sách tới cho trẻ em.     1940 Kentucky 

Chẳng có phương tiện nào khác giúp đỡ các em. Đất nước các em ở,  không có người đi thuyền mang sách qua sông, không có ai cưỡi ngựa thật hay ngựa sắt (xe gắn máy) qua suối. 



Sách trên lưng- Qua Suối Tới Trường (Việt Báo)

Nhất là không có ông đầu tỉnh nào gây quỹ hay kêu gọi nhà nước mở trường trong vùng quê hẻo lánh, hay thậm chí bắc một cây cầu để trẻ tới trường xa. Các em phải chính tự mình mang cặp trên lưng đu dây qua sông hay lội qua suối đi tìm “con chữ”.


Đu Dây Tới Trường   Báo Tuổi Trẻ- VN

Trường học còn thiếu sách, thiếu bàn ghế cho các em nói chi tới Thư Viện. Một giấc mơ ngoài tầm của những giấc mơ.

tmt
Tháng 9/19/2017

http://www.atlasobscura.com/articles/librarians-horseback-new-deal-book-delivery-

Saturday, September 23, 2017

CHÁO ĐẬU



Tôi bỏ nắm đậu xanh vào nồi cháo
Những hạt đậu cựa mình
Những hạt gạo chạy xô lại
Chúng vòng tay ôm nhau
Tôi thấy người con gái xõa tóc như những bông lúa
Trong vườn đậu có tiếng cười ấm áp

Quê tôi bây giờ xa lắm
Tóc tôi bàng bạc màu hoa lau
Nồi cháo đậu
Cạn dần trên bếp lửa.
Tiếng cười ai ấm áp nơi đâu…..

tmt
Tháng 9/22/2017

Sunday, September 10, 2017

Tháng Chín Em Về Trong Tâm Bão



Tháng chín em về trong tâm bão
mang tóc rối giăng trên hàng cây
những hàng cây khóc như tôi khóc
xô giạt đời nhau em biết không

tháng chín em về theo cơn gió
thổi ngược đời ai qua mái nhà
những hàng rào đổ trôi ngơ ngác
giạt vào đâu thì cũng chia xa

tháng chín em về cùng nước lũ
cuốn theo hoa lá cả khu vườn
những viên sỏi nhỏ lăn vô định
sợ hãi loài chim thảng thốt kêu

tháng chín em về quơ mất mẹ
vuột khỏi tay tôi vạt áo nhàu
tóc trắng bập bềnh trên lưng nước
tôi khóc khua tìm trong  lũng sâu

tháng chín em về giật con đi
cánh tay tôi lả kéo khôn ghì
tiếng khóc con thơ ngằn ngặt nước
hồn tôi sạt lở những bờ đê

tháng chín mình tôi còn sót lại
mình tôi ngồi nhặt những mảnh buồn 
mình tôi lấy tóc lau khô  bão
tôi vớt hồn lên giữa vũng bùn.


tmt
Tháng 9/10/2017

Monday, September 4, 2017

Pre-view Vietnam War















Người cựu chiến binh Mỹ
Lật ngược chiếc nón sắt
quấn miếng vải áo nhà binh
đặt vào một nắm đất, trái cà chua vừa chín, cây đậu mới ra lá,
một mầm hành xanh biếc
Anh trưng bầy thành quả
lấy ở nông trại của các anh
những người còn sót lại từ chiến tranh Việt Nam, họ uốn lưỡi lê, nòng súng thành những chiếc xẻng, chiếc cuốc.
Họ trồng cấy lại đời mình.

Người phụ nữ Việt Nam
đứng nép vào anh
chụp chung tấm hình
Chẳng biết chụp để làm gì
Để kỷ niệm một điều không muốn nhớ
Hay để nhớ một điều chỉ còn là kỷ niệm.

Sân cỏ rộng chứa hai trăm người
Đa số là người Mỹ
Những người sống sót trở về từ chiến tranh, có người mang theo cả gia đình, có người cô đơn trên đôi nạng.
Có người còn rất trẻ, họ chưa hề biết đến chiến tranh,
Và chắc chắn có cả người đi tìm hình bóng của con mình.

Chúng tôi đến xem buổi trình chiếu giới thiệu ngoài trời
Những trích đoạn của một phim dài với đề tài
 Vietnam War
Chiến Tranh Việt Nam!
Chiến tranh Việt Nam!
Thảng thốt tiếng kêu
nỗi đau bỗng trở về
 sừng sững trước mặt
không biết trốn vào đâu

Đạo diễn cần mười năm để gom những xác người của cả hai miền Nam Bắc
Cần mười năm để nổ vỡ màn hình, xé rách màng nhĩ khán giả bằng bom, đạn, pháo kích.
 Cần mười năm để đốt cháy những ngôi làng.

Những thước phim tài liệu chiến tranh Việt Nam được kéo căng trên màn hình ở công viên nước Mỹ.
Những con số oan khiên được viết lên
Bao nhiêu người Miền Bắc Việt Nam chết
Bao nhiêu người Miền Nam Việt Nam chết
Và bao nhiêu người Mỹ chết cho cả hai miền

Chúng tôi ra về, bước thấp bước cao co ro trong bóng tối tìm đường, ánh đèn trên cao chiếu xuống soi không tỏ mặt nhau.
Tiếng đạn vẫn bay xé rít trong đầu
Không ai bị thương cả
Sao nghe thân thể chỗ nào cũng đau.

tmt
Ngày đi xem Pre-view phim Vietnam War của Ken Burns and Lynn Novick
8/24/2017 ở Seattle.


Phim sẽ bắt đầu chiếu khắp nước Mỹ 9/17/2017 trên PBS