Tuesday, March 27, 2018

BÁNH MÌ TRỨNG

 

Buổi sáng tôi hay
ăn bánh mì trứng
 tôi nướng bánh mì
trong chiếc lò nhỏ
bánh có mùi thơm
ngọt ngào đất ấm

cho dầu vào chảo
đập một quả trứng
đập nhè nhẹ thôi
bắt đầu lòng đỏ
trông giống mặt trăng
chảo nóng hơn lên
trăng thành mặt trời

Tôi xúc trứng ra
xúc rất nhè nhẹ
đặt trên bánh mì

tôi đặt mặt trời
đặt luôn mặt trăng
đặt rất nhè nhẹ
lên trên mặt đất
mặt đất thơm lừng

 tôi thong thả ăn
đất trời vào bụng
thấy tôi thơm lừng.

nếu tôi khép mắt
trong buổi sáng nay
sẽ tràn nhật nguyệt
trong tấm thân này.

tmt

NGƯỜI THẦY và CHIẾC ÁO



Thầy và trò của một lớp học trong tiểu chủng viện những năm 1960-1965. 
(Hình minh họa: Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế)


(Đăng trên nhật báo Người-Việt, ngày 18/3/2018)

LỜI TÒA SOẠN: Một kỷ niệm nhỏ của nhà thơ Trần Mộng Tú thời còn là một “nữ sinh Lớp Tám” cho chúng ta thấy tư cách của một thầy giáo và lòng tôn kính của phụ huynh học sinh đối với thầy, ở Sài Gòn trước đây hơn nửa thế kỷ. Thời đó không có cảnh phụ huynh học sinh de dọa thầy, cô, học trò tấn công cô giáo, hoặc bắt cô giáo quỳ lạy trước công chúng, như đang diễn ra ở nước ta hiện nay!
***
Tôi rụt rè đứng trước khung cửa sổ văn phòng, trong khu nhà nội trú của các Thầy và các Linh Mục chủng viện.
Thầy Khoan đứng bên trong cửa sổ hỏi ra:
Con cần gì?
Thưa thầy, mẹ con nói con thưa với cha Tùng đưa áo cho con đem về để mẹ con thay cái ống tay áo cho cha.
Thầy Khoan bảo tôi ra ngoài văn phòng nhà trường ngồi chờ, thầy đi tìm cha Tùng. Khoảng hai mươi phút sau, thầy mang ra cái áo gói trong một tờ báo cũ, đưa cho tôi đem về.
Cha Tùng là thầy dạy tôi môn Anh văn. Cha luôn luôn mặc áo cũ; hoặc sờn vai, hoặc rách khuỷu tay. Tôi đi học về lại kể cho mẹ nghe, khoe hôm nay con thấy cha mặc cái áo rách chỗ nào! Mẹ tôi nghe mãi chắc cũng mủi lòng, nên bảo tôi vào trường mang chiếc áo chùng đen của cha về cho mẹ mạng lại hay mẹ vá giúp những chỗ rách.
Tôi nhớ mãi câu chuyện ngày hôm đó (tôi mới học lớp đệ Ngũ) cho tới bây giờ sau hơn 50 năm.
Tôi học trường tư thục Công Giáo, do chủng viện Nguyễn Duy Khang-Thị Nghè lập.Trường chỉ có từ đệ Thất đến đệ Tứ. Thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi phải ra trường khác học.
Một số các thầy là Linh Mục, hay Tu Sinh trong chủng viện, còn một số giáo sư được mời từ bên ngoài vào dạy.
Chủng Viện và trường học cùng ở trên một miếng đất, tôi hồi đó không biết miếng đất rộng bao nhiêu, chỉ biết có hai dẫy nhà, một dẫy cho các cha và các thầy ở, một dẫy làm trường học, có hồ cá và vườn rau. Trường có nhà nguyện nhỏ cho các thầy, chúng tôi không được vào đó bao giờ.

Thầy dạy Anh Văn của chúng tôi là Linh Mục Đinh Cao Tùng, dạy Việt Văn và Âm Nhạc là thầy Đinh Ngọc Khoan, tu sinh, em ruột của cha Tùng, thầy Cầu dạy Toán, thầy Tiếng dạy Lý Hóa, linh mục Nguyễn Khoa Cử là Hiệu Trưởng.
Ngoài tu sinh và linh mục trong chủng viện, cha hiệu trưởng còn mời một số sinh viên Văn Khoa hay Luật Khoa mới ra trường “dạy giờ” cho những lớp nhỏ, đệ Thất, đệ Lục.
Chủng Viện nghèo, các linh mục, tu sĩ cũng nghèo. Mẹ tôi là cô giáo dạy thêu đan nên vá mạng rất khéo, mẹ giúp thì các cha chỉ biết cảm ơn. Nhưng một chiếc áo cũ đem mạng hay vá mãi cũng hết cách, nhất là cánh tay áo, bộ phận được cử động nhiều nhất, mạng vô nó lại rách ra! Cho nên, có khi mẹ thay cả cái ống tay áo mới, ghép vào cái áo đã bạc màu!

Rồi đến một năm, trước lễ Giáng Sinh, nhìn cái áo vá chằng vá đụp chắc không còn dùng được mấy tháng nữa, chắc chắn cần thay bằng áo khác, mẹ bàn với tôi mua vải về, mẹ cắt, may cho cha Tùng một cái áo chùng đen mới.
Tôi nhớ cái ngày hai mẹ con tôi đem cái áo chùng đen đó tới biếu cha. Sau giờ học, hai mẹ con tôi xin được gặp riêng cha ở văn phòng nhà trường. Cha ra tiếp, nghĩ là mẹ con tôi đến xin trả tiền học trễ tháng này (thỉnh thoảng vẫn có phụ huynh tới xin phép đóng trễ tiền học cho con). Khi thấy mẹ tôi xin biếu cha cái áo mới, cha cảm động lắm. Nhưng cha không bày tỏ tình cảm của mình với thái độ vui mừng, vồn vã, như người khác khi được tặng quà. Cha vẫn đứng cách mẹ con tôi một khoảng khá xa, miệng nói lời cám ơn, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn. Cả mẹ và tôi cũng không biết nói gì, chỉ đứng khoanh tay cúi đầu; nhưng trong lòng chúng tôi vô cùng sung sướng. Trên đường về mẹ tôi nói là chỉ sợ cha không nhận, và khi mặc cái áo mới chắc cha sẽ lúng túng lắm.

Tôi nhắc mẹ là chiếc áo cũ đã hết chỗ để thay, để mạng rồi mẹ ạ, để cha mặc một cái áo dòng với nhiều miếng vá, con thấy tội nghiệp cha quá.
Nhưng tại sao khi cha nhận được cái áo mẹ tặng, cha lại không tỏ ra vui mừng, hả mẹ?
Mẹ tôi nói. “Cha giữ lòng tự trọng của một người thầy giáo.”
Buổi học đầu sau mấy ngày nghỉ lễ Giáng Sinh năm đó, trở lại lớp, tôi thấy cha (người thầy đáng kính của tôi) mặc chiếc áo mới đi dạy. Nét mặt cha vẫn từ tốn, nghiêm nghị. Trước vẻ bình thản của cha, các học sinh cũng không ai dám hỏi đùa, “Cha mặc áo mới?” Sau giờ học, tôi phụ thu góp bài làm của các bạn đặt lên bàn giấy giáo sư. Cha Tùng ngẩng mặt lên nhìn tôi, nói:
Cám ơn con.
Tôi nghe trong giọng nói vẫn giản dị như mọi khi, nhưng hình như cũng chứa cả một niềm biết ơn đậm đà. Bỗng nhiên hai giọt nước mắt tôi ứa ra, tôi vội vàng quay nhanh về chỗ.
Về nhà tôi kể lại cảm xúc mình cho bố mẹ nghe. Bố tôi nói:

Con ơi, Thầy giáo là cha mẹ thứ hai của mình. Các con phải luôn luôn kính trọng Thầy. Các con sai thì Thầy phạt, các con đúng thì Thầy khen thưởng. Phải biết công ơn của Thầy. Như bố mẹ đây cũng phải kính trọng và mang ơn Thầy, vì Thầy đã giúp bố mẹ giáo dục các con. Thầy dạy chúng con có nhiều điều bố mẹ không biết nhưng căn bản là các con hãy lễ phép và biết tôn kính Thầy như tôn kính cha mẹ.

Rồi bố tôi kể lại truyện về một người học trò ngày xưa, hết lớp ở làng lên tỉnh học, thi đỗ làm quan huyện rồi về thăm quê. Trước tiên là thăm người Thầy dạy mình thời thơ dại. Ông Thầy già đã được lính tới tận nhà báo trước là có quan huyện ghé thăm. Khi quan Huyện khom lưng bước vào ngôi nhà tranh, vách đất, thấy Thầy mình ngồi trên tấm phản, vẫn tấm phản ngày xưa, chỉ có Thầy là già đi và ốm yếu. Quan khoanh tay, cúi lạy Thày. Thầy vẫn ngồi yên trên phản, khẽ gật đầu, giơ tay mời anh học trò cũ của mình ngồi xuống uống chén trà. Ông quan trẻ đó trước sau vẫn không dám ngồi ngang với Thầy mình, ông khoanh tay đứng suốt buổi hầu trà Thầy, cho tới khi cúi đầu chào đi giật lùi ra cửa.(*)
Cha tôi nói; đó là truyền thống đạo đức của người Việt mình con ạ. “Tôn Sư Trọng Đạo” Người học trò biết giữ cái lễ với Thầy, người Thầy biết giữ cái lòng tự trọng của mình, với cả những người làm quan, có chức có quyền.

Như Linh Mục Tùng, Thầy của con, khi nhận được chiếc áo mới, Thầy biết là mình rất cần, vì cái áo cũ rách quá rồi. Tự trong thâm tâm Thầy con rất cám ơn, nhưng không tỏ ra biết ơn một cách quá vồ vập. Vì lòng tự trọng của một người thầy giáo nghèo.
Một người nghèo mà quá vui mừng khi được một cái áo mới thì tỏ ra là mình đang thèm muốn cái áo đó lắm. Một ông thầy tự trọng thì dù mặc cái áo cũ hay áo mới cũng không coi là quan trọng. Ai cho áo mới thì cảm ơn, nhưng không vồn vã quá. Bây giờ các con còn nhỏ, nếu không được giáo dục như thế, khi lớn lên con không thể nào trở thành một người cha, người mẹ tốt trong gia đình và một người công dân tốt cho xã hội được.

Bây giờ thì cả cha mẹ tôi và Thầy Tùng, vị linh mục khả kính của tôi đã qua đời. Tôi đã thay vào chỗ của cha mẹ, đến lượt đưa con tới trường. Rồi các con tôi lại đưa con của chúng tới trường. Chúng tôi cùng cố gắng dạy cho trẻ nhỏ biết kính trọng thầy cô như chính chúng tôi cũng biết kính trọng những người dậy dỗ con cháu mình, vì cái gương đẹp nhất bao giờ cũng từ cha mẹ.

Ơn cha nghĩa mẹ công thầy
Ở sao cho xứng phận này làm con.


Câu thơ trên tôi được học từ nhỏ, vẫn nhớ tới bây giờ. (Trần Mộng Tú)
(*) Phỏng theo Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ngày xưa




Wednesday, March 14, 2018

Bún Bò Huế

Mẹ hẹn bốn cô con gái tới ăn Bún Bò Huế vào sáng thứ Hai. Sáng thứ Hai là thời gian thích hợp nhất cho cả bốn cô. Bốn cô cùng có con ở tuổi đi học từ Mẫu Giáo tới lớp Tám, mỗi cô có lịch trình đi làm bán thời gian, đưa đón con của họ khác nhau, nên hẹn một buổi ăn trưa ngày thường không dễ.
Từ mấy hôm trước mẹ đã đi chợ mua đủ thịt, rau, bún và nồi Bún Bò bắt đầu nấu ngày hôm qua.
Cô Hai nói
-      Bát của con ít bún nghe
Ừ mẹ sẽ cho ít bún
Cô Ba nói
-      Bát của con nhiều thịt bò
Ừ, mẹ sẽ thêm cho hai miếng
Cô Tư nói
-      Bát của con nhiều móng giò, mẹ có đủ không?
Mẹ có thêm hai cái móng chân của mẹ, nếu con muốn để mẹ đi rửa chân đã.
Cả bốn cô và mẹ cùng cười vang căn bếp nhỏ. Mấy cô vừa ăn vừa nhìn chung quanh cái bếp của mẹ vừa rù rì vào tai nhau nói xấu mẹ.
-      Nhìn kìa, bà đang thu mấy cái muỗng nhựa cho vào máy rửa chén
Cô Ba nói
-      Bao giờ tới đây, em cứ nhìn trong tủ đồ khô của mẹ, cái gì quá hạn là em vứt đi, mẹ mua cho thật nhiều, dùng không kịp nên luôn có đồ cũ trong bếp. Hôm trước mẹ cho vào rau xà lát mấy lát hạnh nhân, em ăn biết ngay là hạnh nhân quá hạn, hôi mùi dầu không à.
Ừ, cứ nói xấu mẹ đi, thế mà lúc cần đến món gì, hỏi mẹ cũng có ngay. Ngay cả khăn giấy, đĩa giấy mẹ cũng không bao giờ thiếu.
-   Mẹ ơi, những thứ đó thì mẹ tích trữ không sao nhưng gia vị, trừ nước mắm và muối thôi, còn như tương đen, tương đỏ, mẹ để lâu quá cũng không tốt đâu.
Các cô nhao nhao mỗi người một tiếng, lúc nói to cho mẹ nghe thấy, lúc hạ giọng nói cho nhau nghe thôi, mẹ cũng giả vờ như không nghe rõ các cô đang nói xấu mẹ.
Cô Út từ nẫy giờ bát bún vẫn còn nguyên, cô chỉ nhâm nhi một miếng móng heo chứ bún vẫn đầy bát. Mẹ nhìn bát bún của Út, mẹ chỉ nói khẽ
Ăn thêm chút nữa đi con. Út lắc đầu.

Mẹ nhìn Út thấy xót trong lòng. Mẹ nấu nồi bún cho cả bốn cô ăn, nhưng thật ra tất cả là làm cho Út vui. Khi đi chợ mua rau, mua thịt, cầm lên một món gì mẹ cũng chỉ nghĩ tới Út mà thôi. Tháng này Út sẽ nghỉ thuốc, tháng sau người ta sẽ thử một loại thuốc mới cho Út. Mẹ không muốn nghĩ tiếp nữa. Cái thân thể trẻ trung của người phụ nữ chưa tới 40 này, trong cả năm nay các ông bác sĩ chuyên môn dùng cô như một viện thí nghiệm nhỏ. Họ đang thử những loại thuốc mới trị ung thư vào cô.

Các cô sửa soạn ra về, người đi đón con, người quay lại sở, người đi chợ, Út chắc về nhà nghỉ ngơi. Mỗi cô ra cửa ôm mẹ một cái. Cái ôm của mẹ và Út bỗng ngưng lại dài hơn, mẹ vỗ vỗ lên lưng Út nghe như mấy ngón tay mình đang khóc.
Mẹ đứng nhìn từng chiếc xe đi xuống con dốc nhỏ, mỗi chiếc xe mang một mảnh đời lăn vào thế giới hạnh phúc và khổ đau trước mặt.

Tô bún của Út còn nguyên, mẹ thu dọn bếp như thu dọn lòng mẹ. Ước gì mẹ đổ được căn bệnh hiểm nghèo của Út đi như mẹ đổ tô bún này.

tmt
Tháng 3/12/2018


Friday, March 9, 2018

Nối Vòng Tay Lớn


 Sáng nay trời mưa nhỏ nhưng lạnh và mây phủ âm u, tôi ngại không dám đi Lễ buổi sáng thường ngày, vì nghĩ phải đi bộ qua cái bãi đậu xe rộng để vào trong nhà thờ dễ bị cảm lạnh, tôi tới bàn thờ Đức Mẹ dâng lời cầu bình an cho một ngày rồi đi pha một bình trà cúc nhâm nhi, mở máy ra đọc tin tức. Mở trang mạng BBC mới biết hôm nay là ngày mồng 8 tháng 3, ngày Phụ Nữ Quốc Tế, nhưng ở Mỹ, hàng xóm chung quanh thấy chẳng ai để ý trong khi ở Việt Nam đang ăn mừng, cho biết hoa hồng đã lên giá vượt mức bình thường.
Tôi đọc được những tiểu đề trên trang mạng BBC như:

Ngày mồng 8 tháng 3 của những phụ nữ bị mất đất
Cùng BBC thăm USS Carl Vinson ngoài biển khơi Đà Nẵng
Không để quá khứ đè bóng lên hiện tại và tương lai
Nối Vòng Tay Lớn với ban nhạc Hạm Đội 7
Phi Công Việt Mỹ-Kẻ thù xưa, anh em nay.

Trong những tiểu đề này, tôi chú ý nhất là dòng chữ Nối Vòng Tay Lớn với ban nhạc Hạm Đội 7

Tôi bỏ nước ra đi theo nhiệm sở vào ngày 21/4/75 nên không có cơ hội chứng kiến những hoảng loạn đau thương của ngày 30/4  hôm đó. Tôi nhớ, mình đã nhắm mắt lại và nghe radio của ai đó mở ra ở trong trại tỵ nạn, tôi cũng hình dung ra được một thành phố đang đổi chủ như thế nào. Ông anh họ tôi người bị kẹt lại, sau này sang định cư ở Mỹ, đã kể cho tôi nghe về cái giây phút lịch sử đó: Có lửa của những đám cháy, có máu của người dân và quân nhân VNCH, có tiếng súng nổ khắp nơi, có tiếng kêu khóc và có tiếng hát vui mừng. Bài hát “Nối Vòng Tay Lớn” được chính Trịnh Công Sơn và những người bạn theo Cộng Sản của anh mang đàn đến hát ở đài phát thanh ngay sau khi chính phủ mới đọc bản đầu hàng của tướng Dương văn Minh.
Ông anh kể lại trong giọng nói đầy đau đớn và uất hận về một nhạc sĩ thần tượng của những người tuổi trẻ sinh viên,học sinh Việt Nam vào thời điểm ấy.
'Nối vòng tay lớn' được cho là sáng tác vào khoảng năm 1968, và được hát lần đầu vào năm 1970.
Văn bản bài hát được in trong nhạc tập Kinh Việt Nam, ra mắt năm 1970, tập hợp 12 ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, với bìa của họa sĩ Đinh Cường.
Tác giả đã hát ca khúc này, bày tỏ niềm hân hoan khi đất nước thống nhất, vào đúng trưa ngày 30/4/1975 tại Đài phát thanh Sài Gòn khi cuộc chiến Việt Nam đến hồi kết. (trích từ BBC)
Sau hơn 40 năm đất nước thống nhất câu hát Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh, được hát lên bằng giọng hát của các Thủy Quân Mỹ trên Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson với sự phụ họa của dân chúng thành phố Đà Nẵng.
Tôi nhìn hình ảnh trên máy, nghe tiếng hát lơ lớ của một nữ Thủy Quân Mỹ, nhìn những người trẻ Việt Nam tay cầm phone hát phụ họa theo với một cảm xúc pha trộn vào nhau không rõ rệt trong tôi. Những người Việt đang đứng hát đó còn rất trẻ, tôi đoán người nhiều tuổi nhất chắc cũng chưa đến 50 tuổi. Như vậy là họ là những người còn rất bé ở năm 1975 hay mới sanh ra những năm sau đó. Họ yêu nước Việt Nam chắc khác cách yêu nước của cha ông họ (Dù cha ông họ ở phía Quốc Gia hay phía Cộng Sản)
Nếu anh chị xem những tấm hình sinh hoạt trong 4 ngày của những quân nhân Mỹ của hàng không mẫu hạm đó thì anh chị sẽ thấy những khuôn mặt hạnh phúc vô cùng của những người trẻ Việt Nam. Thủy thủ đoàn có 5,800 người và 3,000 người trong số họ đã vào thành phố thăm viếng, vui chơi và làm công tác thiện nguyện. Họ đến những trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam,( Hòa Nhơn,Hòa Vang, Đà Nẵng) trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, vui chơi, đàn hát với các bạn trẻ. Những khuôn mặt của các quân nhân Mỹ đó toát lên một vẻ chân thật, trong sáng và đầy thiện chí. Họ hát tiếng Việt để hòa đồng với người Việt. Rồi ngắm nhìn những khuôn mặt các em ở khu da cam, khu tâm thần và những người trẻ Việt trong thành phố bao vây chung quanh họ, những khuôn mặt rạng người đầy niềm tin vào một sự tốt lành, sự ngay thật.
Có người đã vui quá, ngây thơ thốt lên: sao tầu không đậu lại luôn đi.
Tôi đoán là họ đã không còn bị ám ảnh trong đầu về hai chữ “giặc Mỹ” nữa, không còn nhớ những điều rất “ác” về lính Mỹ mà họ được học từ bé nữa. Họ chỉ nhìn thấy một hình ảnh “Hoành tráng” đầy thiện chí ,đầy từ tâm trên những nét mặt của những người Mỹ này.
Vì hạnh phúc quá họ không đặt câu hỏi đám “giặc  Mỹ” này có phải đang làm công tác dân vận hay không? Họ có đang đóng một vở kịch nào đó hay không? Ca sĩ được tập luyện bài hát cả 2 tháng để hát hò giao lưu hữu nghị đang mang một sứ mệnh gì?
Tôi không muốn nghĩ quá xa thêm nữa. Các báo chí trong nước đang hân hoan ca tụng mối bang giao giữa Việt Nam và Mỹ, cựu đại tá CS Anh Ngọc nói với BBC Tiếng Việt "Quá khứ không thay đổi được, nhưng chúng ta có thể định hình tương lai. Không để quá khứ đè bóng lên hiện tại và tương lai được." Có phải người CS đã và đang yêu giặc Mỹ?
Thế tại sao chẳng có “ông lớn” nào ra đón USS Carl Vinson, ngay cả đến “quan đầu tỉnh” cũng không thấy. Phải chăng họ sợ ông vua Trung Hoa từ xa đang quan sát bằng nét mặt khó chịu.
Khi tôi vào trang mạng Tiền Phong (Cơ quan trung ương của đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tôi thấy ngay một cái tựa rất bắt mắt:
Những bóng hồng trên tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và tiếp theo đó là những hình ảnh các nữ hải quân trong quân phục trắng toát hoặc trong áo thung màu cam đi làm thiện nguyện. Toàn bộ hình ảnh cho thấy cả khách lẫn chủ nhà ai ai cũng rạng rỡ, cũng có nụ cười trên môi. Những nụ cười cho đi và những nụ cười đón nhận.
Nguyên ngày hôm nay tôi cứ xem đi xem lại những tấm hình về sinh hoạt của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và dân chúng trên những trang mạng trong nước, thấy trang nào cũng tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập những nụ cười, những lời ca tụng “giặc Mỹ”.

Với đầu óc của tôi, tôi không thấu đáo được những vấn đề thâm sâu của chính trị, đằng sau con tầu khổng lồ đó sẽ tiếp theo là những diễn tiến gì. Tôi chỉ biết cầu mong cho những thanh niên thiếu nữ này họ được hưởng một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam tốt đẹp an bình thật sự theo nghĩa đúng nhất của nó, để những đôi môi đó khi hát câu:Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh. Thì sẽ hát là: Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam.

Cái vòng Việt Nam cả hơn 50 năm nay đến bây giờ vẫn gẫy ra từng khúc.

tmt
Ngày 9 tháng 3/2018


.

Monday, March 5, 2018

Bệnh Viện và Nghĩa Trang

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Chị thì thầm vào tai anh:
“Còn mấy hôm nữa là rằm tháng Giêng chắc mình phải về nhà chứ.”

 Anh kéo chiếc mền mỏng lên ngang ngực, chiếc mền ngắn quá, lòi cả nửa ống chân ra ngoài. Anh nhìn chung quanh một vòng, ngượng ngùng co chân lại.

“Về sao được em, phải chờ chứ, còn nước còn tát, mấy hôm nay thằng bé cũng thấy khá hơn một chút.”

 Hai vợ chồng đang nằm ngủ ngay trước cửa Bệnh Viện Ung Thư, con trai họ 12 tuổi kiếm được một chỗ nằm chung một giường với một đứa trẻ khác bên trong, (sau khi anh chị đưa cho y tá trực ở đó hai lần hai cái phong bì.) Dưới gầm giường thì có bố mẹ của đứa bé kia rồi, không còn chỗ cho anh chị nữa.

 Họ lên đây từ trước Tết, đợi mãi mới tới phiên con được khám. Trong khi chờ thì cứ ngồi, nằm, ngay ở hành lang bệnh viện. Anh chị không phải là cặp vợ chồng duy nhất ngủ ở ngoài này. Số người chờ khám cho thân nhân hay chờ khám cho chính mình nhiều hơn số giường của bệnh viện có, nên người chờ đợi, ăn, ngủ, tràn lan ra tới hành lang. 

Hình-Nằm Chờ Khám Bệnh

Trời mưa lụt, nước tràn ngập cả trong phòng đợi, người ngồi, kẻ nằm trên những chiếc ghế nhựa trông thật thảm thương. Ngày khô thì chiếu trải la liệt dưới đất. Bệnh Viện mà trông như trại tỵ nạn. 
Hình-Nước lụt trong phòng chờ ở Bệnh Viện Ung Thư-Hà nội 

 
Hình- Bệnh Viện Ung Thư Hà Nội

Anh chị từ Hòa Bình mang con về Hà Nội chạy chữa, thằng bé 12 tuổi đang đi học bỗng ngã bệnh, chữa mãi Bác Sĩ tỉnh nhà không khỏi, thử máu, chụp hình mới biết là bị ung thư màng óc.

Chị lại thì thầm:
“Tết mình đã không có mặt ở nhà để cúng ông bà, thì Rằm cũng phải về cúng Phật chứ anh. Hay em ở lại với con, anh về mấy hôm đi.”

“Anh về cũng chẳng an tâm được. Mấy hôm ngủ ngoài sương thấy em đã bắt đầu ho.Thôi, Trời Phật cũng thông cảm cho mình.”

 Chị im lặng một lúc, lại ngập ngừng nói:
“Thôi anh cứ yên tâm về đi, còn bà nội thằng Tí ở nhà nữa, anh về đi kẻo mẹ trông, em biết là mẹ mong anh về lắm.”

Người chồng ngồi hẳn dậy, co hai chân lên vòng tay ôm qua đầu gối, thở dài.

“Ừ, chắc anh nên về, em nói đúng, bà nội thằng Tí đang mong tin lắm. Anh đã chia tiền ra từng gói nhỏ để em tiện chi tiêu. Tiền trả cho Bệnh Viện chữa trị, tiền đưa bác sĩ thì anh để riêng, tiền đưa y tá, tiền lao công anh cũng để riêng.”

Người vợ ngồi hẳn dậy, quấn lại cái chăn cho gọn, thu xếp mấy cái túi đựng cả một gia đình lưu động của mình. Chị nhìn chung quanh một vùng bao quát, trong ánh nắng sớm mai yên tĩnh mọi người chưa thức dậy hết. Họ nằm ngang, nằm dọc, hay xoay chân ngược chiều nhau. Những bàn chân gầy gò, và những cái đầu xơ xác tóc, họ đang ngủ hay đã thức rồi mà vẫn còn nằm im lo lắng bất an. Mặt trời sẽ lên, thêm một ngày chờ đợi, đến bao giờ mới tới phiên mình, hay phiên của người thân mình. Số tiền mang trong túi, cài hai ba cái kim cho chặt, liệu có đủ trả tiền chạy chữa, tiền thuốc và tiền phong bì không?

Nói đến phong bì chị bỗng nhớ, hỏi anh:
“Tiền anh lo đủ rồi nhưng anh quên chưa mua phong bì cho em. Đưa thẳng tiền mặt ra ai đứng gần cũng nhìn thấy, không tiện đâu.”

Anh ngẩn người ra, ừ nhỉ mấy hôm nay bận quá, cứ lo chỗ ăn chỗ ngủ cho con bên trong bệnh viện, cho hai vợ chồng ngoài hành lang, anh quên hẳn việc phải mua sẵn một lố phong bì. Anh nhìn trước nhìn sau thấy một xấp báo còn mới, ai đó vứt sang chỗ anh chị nằm. Anh nhặt lên nói với chị:
“Báo còn mới, em cứ lấy con dao, rọc vuông vức rồi gói tiền vào đó cũng được. Nhưng phải nhớ để riêng vào túi trong, túi ngoài, kẻo nhầm của người này lại đưa cho người kia.”

Chị cười nhẹ:
“Anh đừng lo, tiền thì em cẩn thận lắm.”

Chị đón xấp báo còn mới trong tay anh, báo trong tay thì dĩ nhiên là chữ trước mắt, chị đọc qua một chút trước khi đi tìm dao rọc. Sau mấy phút chị ngẩn người ra, để rơi tờ báo xuống lòng. Anh thấy lạ hỏi:
“Tin gì vậy em?” Chị không nói, đưa tờ báo cho anh.

Báo chí trong nước cho hay, chính quyền thành phố Hà Nội hôm 1/2 công bố quy hoạch được thủ tướng phê duyệt về xây nghĩa trang “phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước”.

Tin cho hay, nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 cây số về phía Tây, giáp Vườn Quốc Gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư.

Tổng diện tích nghĩa trang là 120 hécta, gồm khu an táng 72 hécta, với 2,200 – 2,500 ngôi mộ, mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25-35 mét vuông và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 hécta, có sức chứa 5,000 người.


Anh đọc tiếp ở một trang khác:

Vẫn theo các báo, với tổng diện tích 120 hectare, tương đương một phường lớn ở nội thành Hà Nội, dự án có vị trí ở huyện Thạch Thất, dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 kilomet về phía tây. Thông tin từ bản quy hoạch cho thấy sẽ có 105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án.


Anh đọc xong nhìn sang chị, thấy chị vẫn thẫn thờ nhìn mông lung ra một nơi xa lắc xa lơ nào đó. Anh hỏi:
“Sao vậy em, nhà nước xây nghĩa trang thì dính dáng gì tới mình mà em buồn quá vậy?”

Chị quay lại nhìn chồng, hai mắt mở to:
“Sao mấy ông lớn không nghĩ đến việc xây thêm mấy cái bệnh viện cho người đau ốm, xây thêm trường học cho trẻ em? Họ bỏ ra tới 1,400 tỷ đồng để lo “chôn “ những người chưa chết. Rồi lại thêm 105 gia đình phải mất nhà mất cửa cho họ thêm chỗ. Anh nhìn đi, cả bao nhiêu năm nay bệnh nhân cũng như người thân của bệnh nhân nằm màn trời chiếu đất trước cửa bệnh viện. Trẻ con nghèo không đủ cơm đã đành ngay cả trường lớp cũng thiếu thốn. Có ông lớn nào quan tâm tới không?”

Anh nhìn vợ với cặp mắt thương hại, nói nhỏ:
“Thế bây giờ em định làm gì, em cầm biển ngữ đi biểu tình đòi nhà nước xây bệnh viện, trường học thay vì xây nghĩa trang cho các ông lớn hả. Em có muốn vào tù vì tội chống phá nhà nước, trong khi con em đang bị ung thư không?”

Chị nhìn anh một lúc, không trả lời. Hai con mắt chị ánh lên một nét giận dữ, chị mở tung những cái giỏ ra tìm con dao, chị nín thở rọc tờ báo ra từng miếng nhỏ để làm những cái phong bì, chị dằn mạnh từng nhát dao đi qua những hàng chữ:
 “nghĩa trang,
“phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước”
“Nguồn vốn dự kiến hơn 1,430 tỷ đồng (hơn $63 triệu) sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.”
“105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án.” 

Hình- Mô hình nghĩa trang cho các cán bộ cao cấp

Chị cắt ngang, cắt dọc tờ báo tưởng như cắt đứt được những dự án làm chị uất ức. Chị cắt được hơn mười cái phong bì, chia ra bốn túi khác nhau, cho bác sĩ, y tá và lao công. Chị biết, muốn cứu con chị thì không thể nào tránh né được cái khoản chi trả thêm này.

Chị nhìn anh đang thu xếp về nhà với mẹ để kịp cúng Rằm. Thật ra chị biết, cúng Rằm chỉ là phụ, việc chính là anh về nhà chạy thêm tiền, số tiền anh chị đem theo được so với số tiền sẽ phải dùng tới cách xa nhau nhiều quá. Nghĩ đến những món nợ sẽ phải trả, chị thấy như có một khối đá đè lên ngực.

Hai con mắt chị vẫn còn ánh lên những tia giận dữ, cái giận dữ của một người hoàn toàn bất lực trước một việc xấu mà sức mình không làm gì được. Một khu nghĩa trang 5000 huyệt mộ. Quan chức cao cấp Đảng ở đâu mà nhiều thế? Chắc chắn các đại gia sẽ có phần mộ ở đây. Có khi cả ca sĩ nổi tiếng có tiền cũng dọn vào. Chưa chắc các danh nhân và anh hùng tử sĩ đã có chỗ, vì phần đông gia đình họ nghèo và họ đã tắt tiếng nói (may ra có một tấm bia chung).

Chị kêu thầm trong ngực. “Bệnh Viện, Trường Học và Nghĩa Trang. Một cái cho người sống, một cái cho kẻ (chưa) chết. Cái nào cần thiết hơn.” Nước mắt chị ứa ra.

Có ai trả lời cho chị không? 

tmt
Ngày 2/25/2018