Sunday, December 11, 2022

Trần Mộng Tú: Tóc Trắng và con đường mùa Thu

 Kính tặng nhà văn Doãn Quốc Sỹ mừng sinh nhật 100 tuổi thọ.

 

Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ- Đi bộ trong sáng Thu 2022.


Tóc Ta trắng và lá Thu màu đỏ

Bầu trời trên cao mây nhẹ nhàng bay

Lưng vẫn thẳngTa chẳng cần gậy chống

Một trăm năm coi nhẹ như một ngày

 

Ta vẫn một tâm Gìn Vàng Giữ Ngọc

Dòng Sông ơi Định Mệnh chảy về đâu

Khu Rừng Lau xạc xào trong trí nhớ

Gió từ đâu thổi tạt tới phương này

 

Ở trước mặt có hàng cây lá đỏ

Một mình ta đi hết một con đường

Có ai đợi ở cuối đường không nhỉ

Nỗi Sầu nào coi cũng nhẹ như Mây

 

Ta đang bước bằng bàn chân thế kỷ

Cát bụi nào Xóa được Dấu Chân qua

Ta đã sống bằng Tình Yêu Thánh Hóa

Mình Lại Soi Mình trong mỗi sát na

 

Trên con đường lá mùa Thu đỏ ấy

Ông lão vừa đi vừa nhập Vào Thiền

Bước vững chãi bàn tay nhè nhẹ nắm

Cả bầu trời như chỉ của mình riêng

 

Tôi ngắm mãi bức tranh mùa Thu đó

Thấy lòng mình như được trải Chiếu Hoa

Cạp Điều đỏ nhuộm tôi hồng tuổi dại

Bao nhiêu năm vẫn chẳng thể phai nhòa.

 

Trần Mộng Tú

Viết cho ngày Dec.10-2022

 

Ghi chú: Chữ tô đậm là tên trong một số những tác phẩm của DQS

Gìn Vàng Giữ Ngọc

Giòng Sông Định Mệnh

Khu Rừng Lau

Sầu Mây

Dấu Chân Cát Xóa

Tình Yêu Thánh Hóa

Mình Lại Soi Mình

Vào Thiền

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều

Trần Mộng Tú: NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ

Diễn Đàn Thế Kỷ xin trân trọng gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho dịp mừng sinh nhật 100 tuổi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc ông luôn luôn khỏe mạnh an bình vững chãi từng bước trên con đường ông đi mỗi ngày trước mặt.

Tiểu Sử: (Theo trang nhà của DQS)


Doãn Quốc Sỹ lấy tên thật làm bút hiệu. Ông sinh ngày 17/02/1923 (nhằm ngày Mùng Hai Tết Quí Hợi) tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội.

Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến. Vào năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu.

Năm 1954, khi hiệp ước Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.

Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song, một của nhà văn và một của nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp”. Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962), Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông cũng từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961) và từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).

Vào năm 1956, với cương vị nhà văn, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Ông vẫn ưu ái gọi nhóm văn nghệ của mình là “Thất Tinh”. Ông cũng có những bài viết được đăng trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật …

Gần một năm sau ngày miền Nam thất thủ (30/04/1975), hầu hết các nhà văn miền Nam bị bắt đi học tập cải tạo. Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe… bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 cây số, Đến năm 1980, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển Đi, được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng 5 năm 1984, chỉ vài tháng trước ngày đi Úc. Cùng bị giam với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý… Ông bị kết án mười năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991.

Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Quận Cam, California.

Sau đây là bài của Trần Mộng Tú viết về một trong những tác phẩm nổi tiếng của Doãn Quốc Sỹ

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều và Tôi

Mừng sinh nhật nhà văn Doãn Quốc Sỹ 100 tuổi


Tuổi thơ của tôi được may mắn lớn lên trong thế giới Thơ của Thi Sĩ Trần Trung Phương, là chú ruột tôi, một thi sĩ của nhi đồng cho học trò tiểu học. Những câu Thơ thật trong và thật hiền.

Khi tôi lên 9 lên 10 tôi đã cả ngày nghêu ngao:

Mặt trời như quả cà chua

Chiều nay rụng xuống mái chùa làng ta

Ô hay! em thấy chiều qua

Mặt trời say rượu ngọn đa đầu đình.

Hoặc

Me ơi cái hộp sữa bò

Để trong bát chiết yêu to nước tràn

Thế mà đàn kiến khôn ngoan

Bắc cầu sợi tóc bò sang Me kìa.

Khi qua tuổi lên mười, bước vào trung học. Xen kẽ với những sách dịch từ những tác phẩm ngoại ngữ nổi tiếng như Chiến Tranh và Hòa Bình, Đỉnh Gió Hú, Giã Từ Vũ Khí, Anh Em Nhà Karamazov v.v. Những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là những cuốn sách luôn luôn cha mẹ tôi tìm thấy trên giường, trên ghế, trên kệ, trên bàn ăn, trên bàn học của tôi và đôi khi trong bếp. Những tác phẩm này đã đóng vai trò phụ thân thứ hai trong đời sống trưởng thành của tôi. Những trang sách văn chương trong sáng, trung hậu đã dạy tôi những điều nhân nghĩa, ngay thẳng và đạo làm người.Tôi chắc chắn là những ai đã từng đọc Doãn Quốc Sỹ cũng được hưởng cái tinh thần đạo đức trong từng câu văn của tác giả.Tôi không may mắn là học trò trực tiếp của Thầy Sỹ, nhưng tôi là học trò trong mỗi tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Một đoạn văn ngắn trong Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều dưới dây đã in sau vào tâm hồn tôi qua mấy mươi năm.

 Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn Tết. Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh. Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều.

 Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên. Mẹ tôi nói: “Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!”

 Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới được thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bít tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc dây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đấy đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp.

 Nhưng chiếc chiếu hoa cạp điều đó thuộc về người khác.

 ông (Lý Cựu) ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở dây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:

- Chiếc chiếu này của tôi! Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng, y như sự phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.

Người nói: - Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi... Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.

Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn dưới nách rồi thản nhiên nói: - Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cạp điều này từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.

Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra trải ở bụi tre nghỉ tạm. Lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ. Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết hết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi: - Chiếc chiếu này mẹ tôi mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán.)

 Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết: - Không, chiếc chiếu này của tôi! Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó vợ tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng. Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:

- Thôi, sang Giêng trời bất đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi! “Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!” - Mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui. Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác, cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó - kể cả khi hy sinh một chút ít danh dự do sự yếu đuối thường tình của con người - tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.

 Sớm mùng một năm đó, mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại yên bình, gia đình được qua thì đói, khỏi thì loạn. Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe, nước mắt muốn trào ra.

  Tôi đọc tới đây nước mắt cũng trào ra.Thương cho nhà văn, thương cho những người dân Việt trong một đất nước triền miên chiến tranh và thương cho cả chính mình cũng đã lớn lên từ chiến tranh.

Tôi là một người cầm bút may mắn vì tuổi thơ của tôi được trưởng thành với những dòng thơ trong sáng của Thi Sĩ Trần Trung Phương, nhờ những câu Thơ:

Mặt trời như quả cà chua của Trần Trung Phương mà mấy chục năm sau có câu thơ:

Buổi sáng trong như ly nước lọc

Lòng thấy hiền như một củ khoai của Trần Mộng Tú.

 Nhờ có Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều và những tác phẩm trung hậu, đạo đức tràn đầy lý tưởng khác của Doãn Quốc Sỹ mà trong suốt mấy chục năm cầm bút tôi vẫn giữ được cái tâm trong sáng, cái tâm lành ở mỗi chữ mình viết xuống.

Xin cám ơn nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc người sống an vui khỏe mạnh đến cuối đường.

 Trần Mộng Tú

Ngày 10 tháng 12 năm 2022

Sunday, October 16, 2022

Màu Son, Ngụm Đường Thi

 



Màu Son
Mùa thu vừa bước ra từ núi
Cúi xuống hôn lên trán dòng sông
Em có còn nguyên màu son đỏ
Hôn hộ tình anh trên lá phong.

 Ngụm Đường Thi
Lá phong vàng dát ngoài cửa sổ
Những giọt lệ đen nhỏ trong ly
Tôi cúi xuống góc thời gian thơm ngát
Uống từng ngụm Đường thi.
tmt




Friday, September 23, 2022

BÙI BÍCH HÀ: Thơ ở Seattle

Khoảng hơn một thập niên trước, tại quận Cam, California, trong một dịp sinh hoạt giới thiệu ba nhà thơ có nhiều tác phẩm được cộng đồng người Việt hải ngoại yêu mến, gồm chị Trần Mộng Tú, Dạ Nhiên và anh Ngu Yên, có người hỏi Trần Mộng Tú cơ duyên nào đã đưa chị trở thành thi sĩ? Nhà thơ dường như buột miệng mà trả lời: “Thơ tìm tôi chứ tôi không tìm thơ.” Lập tức nghe lao xao trong mấy hàng ghế thính giả lời bình phẩm của ai đó, cho rằng nhà thơ họ Trần cao ngạo quá!

Thân thiết với nhà thơ là thế mà chính tôi cũng hơi ngẩn ngơ, chưa hiểu chị muốn ngụ ý gì tuy tôi biết chắc bạn tôi không bao giờ “cao ngạo” cả. Hình như những người làm thơ hay vốn không bận tâm mấy về chuyện eo xèo của đời thường vì lương thực nuôi sống họ toàn là hương thơm và châu báu.

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ làm thơ không mỏi mệt, một đêm Tháng Tư (như nhiều đêm tháng khác, ngày khác) thi sĩ đang ngủ thì thơ lại đến, đánh thức người dậy và cầm tay người để viết xuống những câu “Họ chết như ốc vỡ, sóng biển là khăn tang,” thì tôi chợt hiểu câu nói của Trần Mộng Tú mười mấy năm trước: “Thơ tìm tôi.”

Nhà văn Phạm Xuân Ðài, trong một dịp phát biểu về tài năng Trần Mộng Tú, có nói: “Chị là người làm thơ lâu nhất trong làng thơ Việt Nam. Cứ tưởng tượng nếu thơ không tìm chị mà chị phải vật vã, mò mẫm đi tìm thơ trong suốt chặng đường dài phi thường kia, nói theo một câu ngạn ngữ tiếng Pháp, “Dans la vie, on cherche ce qu’on ne trouve pas,” tạm dịch: “Trong cõi đời này, con người đi tìm những gì không bao giờ thấy được,” tôi chắc chị không cách nào lê bước trên con đường thơ tưởng chừng dài bất tận ấy. Vả chăng, tìm kiếm chữ, tựa như tìm kiếm miếng ván, con ốc, lắp vào nhau, sao cho vừa một cái mặt bàn thì chỉ có được cái bàn chứ không có thơ. Trên thi đàn hải ngoại thế kỷ này, càng lúc càng có nhiều nghệ nhân làm công việc lắp thơ. Tôi thành thực xin tạ lỗi đã dùng hai chữ nghệ nhân vào nhận định trên vì quả đáng tội, ngay cả lắp thơ thì cũng phải có tấm lòng với thơ, có chút tình với thơ mới có thể hy sinh thời giờ gởi vào hư vô những công trình nhiều tâm huyết đến thế!

Trong đời, có hai cái khó, tuyệt đối khó. Thứ nhất, khi phải nói về chính mình. Ðiều này, khi nhập cư vào Mỹ, chúng ta được khuyến khích làm ngược lại: sale yourself. Khổ nỗi, người Việt Nam dù Mỹ hóa, có lẽ cũng mới chỉ được một nửa. Rao bán gì thì cứ rao, không dám rao bán cái tôi. Thứ hai, nói về người bạn chí thân, cách nào đó, cũng tựa như nói về chính mình. Càng khó hơn vì không biết có giữ được sự chí công vô tư để không lỗi đạo với bạn, với đời hay với cả hai cùng một lúc không?

Trần Mộng Tú từng trả lời: “Thơ tìm tôi.” Qua giai đoạn tìm, thơ đã nhập vào chị. Thơ trong mắt: nhìn đâu cũng thấy thơ… Thơ trên môi, xúc động hát lên thơ… Thơ trong tim, trong phổi: thở bằng thơ… Thơ trong huyết quản: buồn vui chảy xuống thơ… Thơ trong thân thể: rạo rực vần điệu, lung linh chữ nghĩa…

Nói là tài năng, rất đúng. Nói là duyên may, cũng không sai. Hóa ra Trần Mộng Tú rất chân thật khi nhìn nhận thơ đã chọn chị, biến chị thành lầu vàng điện ngọc của thơ. Thế nhưng như vậy, dường như vẫn không công bằng với chị vì đâu phải ai được chọn cũng cùng thơ trăm năm bền duyên tơ tóc, lòng cứ trẻ mãi không già và tình tự cứ mãi không phôi pha? Có lẽ nên nghĩ là thơ và chị cùng chọn nhau, trong những khao khát, gửi gắm và thể hiện nồng nàn nhất, tinh tế nhất, màu nhiệm nhất, bằng một cột buộc thế gian thật hiếm hoi.

Nói về tình yêu với thơ, có những đền đáp rực rỡ nhưng ngắn ngủi, của “một lần lóe lên, thắp đời em sáng lung linh” (Từ Công Phụng). Có những đền đáp nửa đường “duyên trăm năm đứt đoạn, tình một thuở còn vương” (Đoàn Phú Tứ). Riêng với Trần Mộng Tú, chao ôi, da mồi tóc bạc vẫn đẹp mãi cùng thơ.

Làm sao có thể nói đầy đủ về con đường thơ hơn 60 năm của Trần Mộng Tú? Ðành lại chao ôi lần nữa! Vì, nói năng chi cũng thừa. Thực tế, thơ và người gắn bó như bóng với hình đã là suối nguồn huyền diệu.

Thơ thể nhập vào người chan hòa, trọn vẹn, không thấy đường biên, chỗ nối, thì cả đời người là một bài thơ trường thiên, ngắt quãng nhưng không dứt, là âm ba vuốt lên dây tơ của cây vĩ cầm làm rung chuyển cả những tầng thanh khí.

Hạnh phúc hay khổ đau, buồn hay vui, yêu hay hận, cảm xúc cháy lên bằng thơ, sáng láng, mê hoặc, trong mỗi phút giây; cảm xúc òa ra trong thơ, mênh mang, chan chứa, thơm từng ngón tay, chân tóc người thơ và người đọc thơ, mùi hoàng lan, mùi oải hương hay mùi trầm của những khu rừng thiêng ở quê nhà?

Có cả mùi những quả cam sunkist hóa thân từ mặt trời chói lọi tình yêu, của gặp gỡ cận kề rồi biệt ly tan tác. Có cả mùi máu của anh (em) và của địch trong cuộc chiến được thơ giải oan và thánh hóa. Có cả mùi đại dương nhuốm bệnh và cá ốm trôi về nằm chết bên người như chiêm bao. “Có người nói khi nằm trong đất, da thịt tan nhưng tóc vẫn còn, em sẽ giấu thơ vào trong tóc, cho người cải táng được tay thơm” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 40).

Thơ Trần Mộng Tú nhẹ nhàng như thở, âu yếm, chan hòa với người, làm một, không ngự trên án thư mà lăn lóc giữa cuộc đời bình yên và giông bão từng mùa. Chiếc áo nhân gian dường như quá chật, người thơ rón rén may cho mình một chiếc áo riêng và thấy ra áo nào cũng không vừa: “Trăng kim nhũ tràn vào cửa sổ, trải lên giường một tấm chăn vàng, cởi áo ra đắp chăn đi ngủ, không dám cựa mình chỉ sợ trăng tan” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 40).

“Đêm qua trở gối nghe mưa, tình như chăn hẹp không vừa ấm tôi, co hoài vẫn hụt một nơi.” Nỗi lòng của thi sĩ là “kích thước không bao giờ vừa vặn” giữa áo và người, hiểu theo nghĩa giữa những giới hạn ràng buộc thế gian và hồn thơ không biên giới, mặc dầu, cho dù thơ thoát thai từ ngục tù êm ái ấy:“Trong đời sống này/ em có khác gì trang bản thảo/ bị ném vào/ một cái sọt khổng lồ/ cũng ngơ ngác màu da/ vụng về ngôn ngữ/ dùng thơ văn/ để gói trái tim mình” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 75).

Người đọc yêu thơ Trần Mộng Tú ít vì vẻ đẹp trau tria mà vì thấy mình trong thơ ấy, nghe được chính mình qua thơ ấy, cất được gánh nặng trong lòng và bay bổng nhờ thơ ấy: “Hãy tưởng tượng ra em, ở nơi không định tới, em tủi như chim khuyên, khóc trong lồng son mới.” Trong ký ức mang theo đời lưu lạc, có niềm đau khôn nguôi của những cây cầu đã gãy trên những dòng sông cạn khô: “Hôm nay tôi đang sống, trên quê hương của anh, trên quê hương có những cây cầu xây rất đẹp, trên quê hương có cây cầu nạm vàng nhưng suốt đời tôi làm thế nào tôi quên được những cây cầu trên đất nước Việt Nam. Những cây cầu bắc qua dòng sông tan tác, dòng máu, mồ hôi và nước mắt da vàng.” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 23).

Nếu thi sĩ Alphonse de Lamartine của trường phái thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19, có lúc kêu lên tiếng lòng thảng thốt của ông trong bài thơ nhớ về quê nhà nổi tiếng Milly ou La Terre Natale, qua mấy câu van vỉ: “Objets inanimés, avez-vous donc une âme/ Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer?” (tạm dịch như sau: Hỡi các vật dụng im lìm kia, các người có một linh hồn quấn quyện hồn ta và thúc dục nó biết yêu đương không?) thì nhà thơ họ Trần tan vào cảnh vật quanh mình như không hề có sự ngăn cách và không cần câu hỏi.

Bà cho đất sự nhẫn nhịn: “Bạn ạ, sáng nay tôi làm tổn thương đất, thế mà đất thản nhiên chẳng nói năng gì, chiếc xẻng nhỏ xới đất lên tung tóe, thịt đất mềm vỡ vụn dưới tay tôi.” Bà cho đất sự bao dung: “Bạn có biết tôi chôn gì xuống đất? Tôi chôn những điều phiền muộn hôm qua, tôi chôn những lời không vui, những tình rất nhạt, đất thản nhiên tặng lại một đóa hoa.” Và cứ thế, bà cho hoa, cho lá lòng cao thượng, hoa bị cắt vẫn dâng hương trong bình nhỏ, lá bị vùi lấp phũ phàng vẫn sẵn sàng gom lửa chiều nay cho mọi ai cần hơi ấm (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 124).

Tôi thích thơ Trần Mộng Tú vì tự nó là vọng âm đời cất lên bằng nhiều giai điệu, không nhất thiết vui, không nhất thiết buồn, không nhất thiết cách này hay cách khác mà là sự trộn lẫn hồn nhiên, giản dị, chạm tay vào được nên gần gũi, đáng yêu, của mọi màu sắc, mọi âm thanh như nó tự nhiên là thế, để làm nên hay để phản chiếu cuộc sống thiên hình vạn trạng của mỗi người và của mọi người, từ những điều nhỏ nhặt nhất và cũng lớn lao nhất: “thơ giúp em giữ mãi một điều gì thiêng liêng/ không mất được/ nhưng cũng không tìm lại được bao giờ” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 186).

Thơ Trần Mộng Tú có những liên tưởng rất lạ, từ cõi trời thăm thẳm, sao mưa xuống mặt đất chông chênh niềm bí ẩn của cô thiếu nữ xuân thì: “Mở cửa ngày mồng bốn bầu trời đầy sao sa/ lòng em như bánh chưng tháng giêng chưa bóc lá.” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 177). Chả trách nhà thơ từng chia sẻ: “Tôi làm thơ nghĩa là tôi hát một bài hát mà không cần giọng kim hay giọng thổ. Tôi vẽ cây cầu vồng mà không cần đến những ống màu bảy sắc khác nhau. Tôi làm thơ nghĩa là tôi chúc tụng hạnh phúc mà không cần đi dự tiệc tân hôn, ai điếu lòng người mà không cần phải đến nghĩa trang” (Luanhoan.net).

Tự do. Tràn đầy. Phủ phê. Hạnh phúc không chờ đến mà hạnh phúc có sẵn trong trái tim đóng cửa vì đầy chật nỗi buồn đã nguội lạnh. Nghe như tiếng cười hực lên từ lồng ngực nghẹn ngào: “Lượng trời rót xuống đầy bàn tiệc/ người khách trần gian túy lúy say/ tuyết uống từng chum mà ấm quá/ đứng giữa đất trời giang hai tay.” (Ngày Tuyết ở Issaquah, Ngọn Nến Muộn Màng, trang 168).

Thơ Trần Mộng Tú có những bất ngờ nhiều người thấy nơi chính họ, trong tiếng nấc của chữ nghĩa bị xé ra: “Thôi – anh đừng hỏi nữa/ Vì nếu/ em thật sự biết tình yêu/ là gì/ thì em đã/ chẳng yêu anh” (Tình Yêu, Ngọn Nến Muộn Màng, trang 13).

Tưởng là khó khăn nhưng tình yêu trong thơ Trần Mộng Tú chân phương và hiền hậu: “Bây giờ là tháng mười/ Em mong manh như cúc/ Sao anh không là nắng/ Ôm em ấm một ngày” (Tháng Mười Hoa Cúc, Ngọn Nến Muộn Màng, trang 152). Là lời thú tội như lần nào cũng là đầu biết yêu: “Trời về tỏ tình da cam ửng đỏ/ giống như em khi được ở bên anh” (Ngọn Nến Muộn Màng, trang 45).

Ngay cả diễn đạt có khi táo bạo nhưng tình yêu trong thơ Trần Mộng Tú là sự tươi mát thủy chung: “thân thể em soi gương đã cũ/ trái đất ôm mấy chục vòng quay/ sao/ vuốt ve anh/ mỗi ngày một mới/ Có phải/ mỗi ngày/ anh đổi/ một bàn tay?” (Phu Thê, Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 60).

Là ví von mình đến tội nghiệp: “Chiều hôm nay lòng em như hành úa/ thả vào canh không đủ dậy hương thơm” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 44). Là hờn dỗi riêng mình với Chúa trên thánh giá: “Trả lại Chúa/ những vết thương/ con về/ xưng tội trước gương một mình/ trả cây/ đổ giữa bình minh /ngập ngừng/ trả nốt cho tình/ mão gai” (Thập Giá, Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 41).

Thơ Trần Mộng Tú là những hải phận không thấy đâu bờ bến. Những ngày cuối năm đang về gọi hồn cố quốc xa xôi, đọc thơ Trần Mộng Tú dưới đèn khuya, cảm ơn nhà thơ đã nói giùm nỗi lòng trơ trọi của người lưu xứ: “Tôi đi giữa một không gian màu xám/ Những hàng cây không lá đứng lạnh căm/ Trời cuối năm bão ghé vào thành phố/ Tôi cuối năm buồn ghé nỗi tôi thầm” (Ngọn Nến Muộn Màng, trang 15).

Cảm ơn thơ đã làm đẹp, làm thơm cõi đời tục lụy. (Bùi Bích Hà)

 

 

 

Chỉ Tại Mùa Thu

Trần Mộng Tú


Thảng thốt trên mái nhà

tiếng ngỗng kêu khàn đặc

Ngước mặt nhìn trời xanh

biết rồi, mùa Thu tới

 

Ang bèo tấm trong vườn

sáng nay còn phân nửa

đêm qua nai rủ nhau

về uống, vơi mùa Hạ

 

Khẽ lật một tảng đá

tìm dấu vết sang mùa

gặp con giun ôm mặt

khóc mùa Hạ không còn

 

Mùa Thu đến thành phố

mùa Thu rẽ vào vườn

nắng ngọt như pha mật

mây sà xuống thấp hơn

 

Hàng cây nghiêng ngả gió

con sóc tròn mắt nhìn

tiếng trái thông vừa rụng

mặt trời thảng thốt chìm

 

Cả không gian thất lạc

bầu trời như ngủ mê

những bàn tay lá đỏ

vỗ gọi gió Thu về

 

Cuống quít bàn chân lạnh

biết mùa Thu đã về

kéo nhẹ chăn đắp ngực

ngực gọi: mùa Thu ơi!

 

tmt- Chớm Thu 2022

Mười Hai Bài Thơ Mùa Thu

  (Theo vận Haiku: 5-7-5)

 

Tiếng ngỗng ngang mái nhà

Ngập ngừng bên hiên hoa cúc nở

A mùa thu gõ cửa

 

Bàn chân lạnh trong chăn

Buổi sáng co mình ngoài cửa sổ

Mùi trà xanh trong bếp

 

Con sóc ngậm hạt dẻ

Nhẩy qua những cành phong chớm đỏ

Đánh rơi một mảnh Thu

 

Buổi sáng thổi xôi đậu

Màu xôi vàng như màu hoa cau

Ngửi được mùa Thu tới

 

Rượu mận ủ năm ngoái

Bây giờ đã lên men ngất ngây

Rót ra mời mùa Thu

 

Giọt sương buổi sáng rơi

Trên chiếc lá phong vừa chớm đỏ

Như một vệt son môi

 

Những lá sen mùa Hạ

Rủ nhau nằm úp mặt trong bùn

Ếch nghiêng đầu gọi Thu

 

Cái dốc sau nhà tôi

Nai vào tìm ăn dâu mùa Thu

Có phải nai năm ngoái

 

Trên con đường cũ này

Tôi đi tìm người bạn năm đó

Chỉ tìm được mùa Thu

 

Cây Mộc Liên nhà tôi

Bắt đầu thi nhau rụng lá Hè

Tôi vuốt Thu trong tóc

 

Sương mùa Thu lạ lắm

Trông xa đẹp như hạt ngọc trai

Không phải đâu, hạt lệ.

 

Tôi với người yêu đi

Dưới những hàng cây mới chớm đỏ

Trái tim chín từ hôm qua.

 

Trần Mộng Tú- Mùa Thu 2022

Friday, August 26, 2022

Trần Mộng Tú: Tôi Cúi Đầu Xin Lỗi

Thi thể cậu bé 16 tuổi, một trong số 42 lao động đào thoát khỏi casino ở Campuchia, được tìm thấy trên đoạn sông thuộc huyện An Phú- Tỉnh An Giang Ngày 18 tháng 8- Cụ thể, thi thể em Đ.M.H. (16 tuổi, ngụ Gia Lai bị mất tích trên sông Bình Di được người dân phát hiện vào khoảng 5 giờ sáng ngày 20.8, gần cầu C3, thuộc ấp Búng Lớn, xã An Hội, H.An Phú, cách hiện trường vụ xảy ra việc khoảng 4 km.- Báo Tuổi Trẻ


Tôi biết nơi tôi tắp vào
Tôi không lên được
Tôi ngừng tại đây, nằm đợi
nước quấn quít quanh tôi
Tôi thả hồn
Tôi thả xác
Tôi biết tôi chết rồi

Có tiếng ai gọi
Cậu thanh niên ơi
Cậu về nhà rồi

Cha đã khóc
từ hôm tôi ra đi
Bây giờ Cha lại khóc
khi tôi quay trở về

Nước mắt cha
và nước sông Bình Di
Giọt nào mặn, nhạt

Bây giờ Cha nhận xác
Bây giờ hồn tôi đi

Tôi sẽ đi tìm gặp
những linh hồn giống tôi
những linh hồn đã mất
khi tìm cuộc đổi đời

Họ chết trong thùng xe
ở một vùng đất lạ
Chết trong một dòng sông
Hay trong một cánh rừng
Đều oan khiên tất cả

Tôi đã gọi Cha ơi
trong lồng ngực lạnh buốt
tiếng kêu ằng ặc nước

Họ đã gọi Mẹ ơi
trong lồng ngực không hơi
tiếng gọi không ra khỏi
miệng đã khép chặt rồi

Nghèo khó đã dắt đường
Chúng tôi đi tìm những chiếc bánh
họ vẽ trên giấy
trao cho chúng tôi
những chiếc bánh bốc hơi

Có người chết âm thầm
mất dấu tích
trong những ngôi vườn kín
trồng toàn cần sa
Có kẻ chết vì ngộp không khí
trong những chiếc xe ca

Tôi chết vì ngộp nước
xác tôi bềnh bồng trôi
Rồi tất cả sẽ lặng im
Một, hai năm sau
Mọi người trên đất nước đang hưng thịnh đó
Sẽ lại được nghe một Bản Tin Rất Lạ

Xác của người Việt Nam được tìm thấy ở một nơi nào đó bên ngoài đất nước
Họ chết như chết trong một truyện phim
Một truyện phim kinh dị
trên con đường đi tìm sống.

Là một người Việt Nam sống bên ngoài đất nước
Tôi thấy mình cũng có lỗi
trong những cái chết rất lạ này

Tôi cúi đầu xin lỗi.

Trần Mộng Tú – Tháng 8/25/2022

Wednesday, August 3, 2022

Trần Mộng Tú: SAY

 



Em vừa uống xong ly rượu

mặt em đỏ như mặt trời

tim em mặt trăng òa vỡ

bàn tay em như cành hoa

nở những đóa hoa sao nhỏ

 

Em đi bằng những ngón chân

mà sao không chạm mặt đất

nghê thường múa khúc dọc ngang

em bay vào vùng huyễn hoặc

vứt áo lạnh vào góc phòng

chiếc khăn thả rơi trên đất

em thả em vào câu thơ

không làm sao ra được nữa

 

Này anh, bàn tay đâu nhỉ

cho em mượn nắm được không

ngụm rượu chiều nay rót xuống

cho dòng sông thêm mênh mông

 

Em đỏ hay là rượu đỏ

em say hay rượu say em

cả dòng sông cũng túy lúy

cứ đòi nắm lấy tay em

chao ôi dòng sông say rượu

dắt tay em đi tìm anh

thế nào cả hai cũng lạc

 Vì tình yêu ở khúc quành.

 


 Drunk

 I just had a goblet of wine

my face got crimson like the sun

my heart the exploding moon

my hand a sprig of flowers

blossoming into tiny stars

 

I walked on tiptoe, somehow

I felt I did not touch the earth

I danced the Rainbow Skirt

backward, forward, sideways

and flew into the land of phantasmagory

I tossed my coat to the corner

and dropped my scarf on the floor

then let myself drifted along a stream of verse

and of it found no way out

 

Was I red or the wine red

was I drunk from wine, or wine infatuated with me

the river, too, being dead drunk

insisted on holding me

O my! the drunken river grasped my hand

leading me in search of you

we both will sure get astray

 

As love lies where the river winds.

 (Translated by Phạm Trọng Lệ, Virginia 6/12/08)

 

[Thế Kỷ 21, số 231, tháng bảy, 2008, trang 51]

 

 

 

 

Tuesday, August 2, 2022

Trần Mộng Tú: Sợi Ngắn Sợi Dài

 Joe ngắm nghía mình trong gương, hai tháng rồi anh không cắt tóc, tóc bắt đầu mọc qua mang tai anh, làm anh hơi khó chịu. Nhìn vào gương anh thấy một chàng Joe khang khác, cũng đẹp trai đấy chứ! Anh mỉm cười với gương. Cô bạn gái Anna của anh bắt đầu để ý và hối anh đi cắt tóc, cô không thích một “anh Bồ” tóc dài, trông không có nam tính chút nào.

 - Anh đi cắt tóc đi, tóc anh coi bộ mất trật tự rồi.

 Anh chỉ mỉm cười, lắc lắc cái đầu mình nói:

 - Anh thấy cũng đẹp đấy chứ, anh nghĩ không cần cắt đâu.

 Hai người bắt đầu tranh cãi về kiểu tóc mới của anh. Anna cho rằng, đàn ông con trai thì nên cắt tóc ngắn, tóc dài để cho phụ nữ. Hai bên không ai chịu nhường ai. Cuối cùng Anna nói:

 - Anh muốn để tóc dài tùy anh, tôi đi kiếm người “Bồ” khác, tôi không thích đàn ông để tóc dài. Tôi cho anh hai tuần suy nghĩ, tùy anh quyết định.

 Joe ngẩn người ra vì quyết định của bạn gái. Ô hay, tóc dài hay tóc ngắn thì sao, miễn anh vẫn là một “Người Tình tử tế” vẫn yêu cô, anh đâu có thay đổi tính tình gì, dù tóc anh dài hay ngắn.

 Nhưng Anna không chịu, cô không muốn bạn bè cô nhìn anh với ánh mắt có chút ngạc nhiên.

 Mỗi lần gặp nhau, tóc Joe lại dài hơn một chút và tình cảm của hai người hình như “ngắn lại” một chút. Cuối cùng khi tóc Joe qua khỏi mang tai thì họ chia tay. Joe không chịu cắt tóc và Anna cũng nhất định không chấp nhận có một anh Bồ tóc dài.

 Chia tay cả hai cùng buồn vì từ hơn hai năm trước yêu nhau, cả hai người đều được bạn bè coi như một “Cặp đôi hoàn hảo” vì tính tình họ rất hòa hợp, chiều thuận nhau gần như trên nhiều khía cạnh đời sống. Một đám cưới đã đôi lần được cả hai cùng phác họa ra.

 Joe rất buồn, nhưng anh đã nhất định để tóc dài lúc này. Hơn bao giờ hết anh yêu mái tóc của mình và mong nó càng dài càng đẹp.

 Anna chia tay với bạn trai, nhưng cô vẫn âm thầm theo dõi mái tóc vô tổ chức trên cái đầu người đàn ông mình yêu. Thỉnh thoảng cô lại nói một mình: Không lẽ anh ta lại yêu cái kiểu tóc thời thượng này trên cả tình yêu của mình? Điều này khiến cô tự ái, không thèm để ý nữa. Cô đi tìm một người bạn trai có mái tóc thật ngắn như tóc của mấy người trong quân đội. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn rồi chia tay. Cô khám phá ra là không thể chỉ yêu qua mái tóc được, còn phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, và những điều kiện khác thì không ai hợp và đủ tiêu chuẩn với cô bằng Joe.

 Cô không gặp anh nhưng vẫn theo dõi anh, và cô thấy mái tóc của anh sau hơn một năm nó đã dài quá vai anh rồi. Anh cột nó lại bằng một sợi thung và vẫn đi làm. Cũng may là công việc của anh chỉ làm trong văn phòng, anh không phải đi giao dịch với bên ngoài nên đầu tóc của anh không có gì trở ngại cho giao tế cả.

 Còn Joe, anh để tóc dài và anh biết là người yêu của anh rời xa anh vì cái đầu tóc này, nhưng anh không chiều theo nàng được.

 Trên đời anh có một người phụ nữ khác anh còn yêu hơn cả mối tình của mình.

 Sau hơn hai năm, tóc xuống ngang lưng, Joe biết là đến lúc cắt được rồi. Anh nghĩ đến Anna và muốn cô đi với anh tới nơi cắt tóc. Anh cầm điện thoại lên:

 - Alo, Anna, anh đây, em có muốn đi cùng anh đến nơi cắt tóc không?

 Một phút im lặng ở đầu giây bên kia. Anh kiên nhẫn chờ. Cuối cùng tiếng Anna cất lên, nhỏ nhưng rất rõ:

 - Em đến ngay.

 Anna biết là Joe yêu mình nhiều lắm, cuối cùng thì anh cũng phải theo ý mình. Cô ra xe phóng ngay tới nhà Joe.

 Joe đã ra xe chờ sẵn trước cửa nhà mình. Anh đón cô sang xe mình và đưa cô tới một nơi chuyên môn làm tóc giả.

 Joe đã phải trả một số tiền khá đắt để thuê họ lấy tóc mình làm mái tóc mới cho một phụ nữ.

 Anna đứng im nhìn người ta cắt tóc Joe, và nghe Joe nói chậm rãi:

 - “Mẹ anh bị ung thư óc và “Hóa trị” đã làm bà rụng đến sợi tóc cuối cùng. Anh là một trong sáu người con của bà, và anh luôn luôn cứ nghĩ trong đầu là Mẹ yêu mình nhất. Mái tóc này Mẹ cho anh từ thuở mới sanh thì bây giờ anh phải chia xẻ lại cho bà.”

 Anna không nói được lời nào, nước mắt cô ràn rụa.

 Joe cũng biết là Anna rất yêu anh, cô sẽ yêu anh hơn nữa, khi cô biết anh để tóc dài cho Mẹ anh, cô chắc sẽ không còn so đo “Sợi Ngắn, Sợi Dài” nữa.


Trần Mộng Tú 

Phóng tác theo bản tin của today.com :
Man Shaves Head to Make Wig For Mom with Brain Tumor

Sunday, July 10, 2022

Gửi Một Người Bỏ Đi


  (Bùi Bích Hà -Mất 1 năm)

 

Một năm rồi đấy, thời gian đi nhanh lắm, nhất là với những người chịu cảnh mất nhau trong đời sống. Em không thể nghĩ ra cả năm nay chúng ta không gọi nhau, không nghe thấy tiếng nhau, không gửi tin nhắn cho nhau. Chuyện này quả thật quá khó khăn cho cả chị và em. Chị bây giờ chỉ là “hồn sương bóng quế” còn em vẫn đặt trong đầu những câu hỏi “Tại sao” rất ngu ngơ. Cuối cùng chỉ là những giọt lệ rơi xuống ly cà phê buổi sáng, giọt nước mắt trên lưng bàn tay mỗi lần đi bộ buổi chiều, là khoảng trống mênh mông mỗi lần đứng trên sân thượng nhìn xuống cái hồ trước nhà.

Em nhớ chị nhiều lắm và em hồn nhiên tin là dù ở nơi đâu chị cũng rất nhớ em.

 

 Nhật Nguyệt

 

Người đi không hề quay đầu lại

gió thổi lá vàng bay thật xa

mình tôi trơ vơ quãng đường vắng

nhật, nguyệt nào đứng giữa hai ta.

 

 Chênh Vênh

 

Một năm không gặp mặt

Một năm không gọi tên

Một năm thư không nhắn

Chênh vênh giữa nhớ quên.

 

 Chiều Ơi!

 

Bước từng bước từng bước

Buổi chiều, buổi chiều ơi!

Tiếng ai cười khúc khích

Ngoảnh đầu chiếc lá rơi.

 

Nằm Mơ

 

Gặp nhau ở trong mơ

Hai ta cùng tay nắm

Bước ra khỏi giấc mơ

Em nắm lấy tay mình.

 

 Vũng Nước Buồn

 

Hôm đó chị bỏ đi

Em ngỡ chị quay lại

Nào ngờ chị như mưa

Để lại vũng nước buồn.

 

 Hoa Mộc Liên

 

Tháng bẩy hoa Mộc Liên

Nở thơm dưới mái nhà

Chị không còn gọi nữa

Để chia mùi hương xa

 

Em không còn gọi nữa

Rụng rồi… một đóa hoa.

 

 Tháng Bảy

 

Tháng Bảy ai ngồi nhớ ai

Câu thơ giọt lệ có dài như nhau

Tháng bẩy sợi tóc cũng đau

Lược nào gỡ được nỗi sầu chẻ hai

Tháng bẩy nắng cũng thở dài

Rụng bông hoa trắng rát vai áo người

Tháng bẩy đi tìm tiếng cười

Nghe trong viên sỏi tiếng cười vỡ tan.

 

 Áo và Thơ

 

Chiếc áo em tặng chị

Ai đang mặc bây giờ

Có cho tay vào túi

Tìm ra được bài Thơ

 

Bài Thơ gửi hôm đó

Chị đã kịp đọc chưa

Hay vẫn còn trong túi

Áo đã bị đem cho

 

Áo trên vai người lạ

Hơi chị còn vương hương

Bài Thơ chắc đang khóc

Khói nhang nào còn thơm

 

Bài Thơ và chiếc áo

Đã bị lấy đi xa

Nhưng trên ngực của chị

Thơ cài một nhánh hoa.

 

tmt      -         Tháng 7-14-2022