Tôi yêu thơ lâu ơi là lâu! Nếu nói cho có vẻ làm dáng, thì chắc là từ
khi còn trong bụng mẹ. Nhưng lâu thật đấy. Nếu ai có hỏi làm thơ từ bao
giờ? Suy nghĩ một lúc, có thể nói vào khoảng hai phần ba đời người.
Nhưng hỏi yêu thơ từ bao giờ, thì chịu.
Hỏi, biết yêu “người ta” từ bao giờ thì có thể trả lời được.
Còn thơ, thôi cứ nói là từ hồi học tiểu học. Từ lớp nào nhỉ? Cái lớp
bắt đầu có những bài “Học thuộc lòng”. Tôi chắc chắn như vậy. Vì ngay
phút này, nếu có ai hỏi tôi, thử đọc một bài học thuộc lòng ở tiểu học
xem, tôi cam đoan là tôi sẽ đọc ra ngay năm bài, hay muốn mười bài tôi
cũng sẵn sàng.
Năm 1954, khi mới di cư vào miền Nam, mẹ tôi cho tôi học lớp ba ở
trường công giáo Hòa Bình (thuộc nhà thờ Đức Bà), vì lúc đó cha tôi là
công chức của sở Địa Chánh, sở ở đường Hai Bà Trưng, đằng sau Bưu Điện,
gia đình tôi được ở tạm một gian nhà ngang của sở. Tôi có thể đi bộ một
mình đến trường.
Bài học thuộc lòng đầu tiên trong Nam tôi nhớ là bài Chiếc Nón:
Làm bằng lá dứa lá gồi
Ấy là cái nón của người Việt Nam
Từ thị thành đến thôn làng
Ai ai cũng phải đi làm sớm trưa
Nón dùng che nắng che mưa.
Bài học giản dị, dễ hiểu và không “thơ” chút nào cả. Nhưng tôi đã nhớ cả mấy chục năm đấy.
Niên học sau, gia đình tôi dọn về Thị Nghè. Tôi học lớp nhì, và lớp
nhất ở trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây, tôi thuộc những bài học thuộc lòng
dài hơn và hay hơn:
Ví dụ, bài học thuộc lòng về Đứa Trẻ Bán Báo, (lớp nhì) tôi không
nhớ tên tác giả. Không biết có ai thuộc bài này không? Tôi viết ra đây
một đoạn:
Tôi chỉ là một trẻ em bán báo
Khắp phố phường chân sáo nhẩy tung tăng
Cất tiêng rao lanh lảnh vang đường
Tôi đem những món văn chương ra chào khách
Hay bài học khác, về Năm Cửa Ô, được học ở lớp nhất. Bài có năm đoạn, tôi cũng chỉ xin viết ra một đoạn:
Cửa ô năm cánh lùa hơi gió
Lối cũ đi về nhạt ánh dương
Hàng triệu con người không chịu nhục
Nằm đây nhớ lại buổi lên đường
Tôi biết, việc yêu thích những bài học thuộc lòng từ nhỏ đã là những
hạt mầm gieo vào tấm lòng thơ dại của một cô bé, để khi lớn lên trở
thành một người yêu thơ. Giống như những hạt đậu giấu trong một hộp cát,
chỉ cần một ít nước tưới xuống, nó sẽ nẩy mầm thành những cọng giá
trắng muốt, dòn tan, mong manh, nhưng đầy sức sống.
Tôi yêu thơ và tôi làm thơ, cũng tự nhiên như hạt đậu thành cọng giá thôi, chẳng có gì là “vĩ đại” cả.
Hồn như một khay cát nhỏ
ủ những hạt đậu
bỏ quên ngoài sân
một sáng vốc tay vào cát
mới hay
thơ
đã
nẩy mầm (tmt)
Những hạt đậu này không phải chỉ hoàn toàn nẩy ra từ những bài Học
thuộc lòng thời tiểu học, nó còn được bắt nguồn từ cuộc di cư từ Bắc vào
Nam của gia đình tôi.
Tôi còn nhớ rất rõ, khi máy bay thả gia đình tôi xuống phi trường Tân
Sơn Nhất, những túi quần áo của chị em tôi bị thất lạc, mọi người lấy
hành lý đi hết rồi, bỏ lại gia đình tôi với những cái bao bố to tướng,
đựng cái gì bên trong không ai biết. Mẹ tôi, vốn sẵn tính lo xa của
người chủ gia đình, đành lấy đại, hy vọng có quần áo cho các con mặc.
Khi về đến lều, mở ra cả ba bao tải, bên trong toàn sách cũ. Hành lý này
có lẽ của một người bán sách cũ ở chợ trời. Gia đình tôi, vì một lý do
gì đó, đi đến đâu, tha mấy bao bố sách đến đó. Sau khi ổn định, cô bé
lớp ba được bắt đầu đọc truyện, đọc thơ. Tôi thuộc lòng Lỡ Bước Sang
Ngang của Nguyễn Bính, đọc Đồi Thông Hai Mộ cho chị giúp việc nghe, tôi
đọc Thủy Hử, Tam Quốc Chí cho Ba mẹ buổi tối. Còn cả hàng trăm cuốn sách
giá trị nữa, mà sau này khi lớn lên, tôi mới thấy là mình may mắn, được
thấm những giọt mực văn chương vào trang giấy trắng tinh khôi của một
tâm hồn thơ dại.
Nhưng bây giờ, nếu có người hỏi:
Thế thơ là gì?
Chắc chắn, tôi sẽ đứng ngẩn người ra một vài giây: Chịu, hàng, không
biết thơ là gì. Bị hỏi nhiều lần rồi. Lần nào trả lời xong, cũng biết là
mình nói lung tung, nói “Dấm dớ” (Đây là chữ của một chị bạn thân hay mắng yêu.)
Thi sĩ nổi tiếng người Mỹ, gốc Anh T.S. Eliot (1888-1965) định nghĩa về thơ như sau:
“Thơ không làm cho sự xúc động bớt đi nhưng làm thoát ra khỏi sự
xúc động; thơ không diễn đạt cá tính riêng, nhưng làm thoát ra khỏi cá
tính. Nhưng dĩ nhiên, chỉ những người có cá tính và sự xúc động hiểu thế
nào là sự mong muốn thoát ra khỏi hai điều đó.”
Theo tôi cắt nghĩa như thế này, làm cho độc giả càng thêm bối rối.
Đây là một câu định nghĩa về thơ, chỉ có thi sĩ nói cho thi sĩ nghe với
nhau, không phải câu trả lời cho người đọc thơ.
Thi sĩ gốc Ba Tư, Kahlil Gibran (người tôi phục sát đất) định nghĩa về thơ cũng rất mơ hồ:
“Thơ là một ôm của vui vẻ, đau đớn và ngạc nhiên thích thú, cộng thêm một chút xíu tự điển.”
Giản dị đấy! Nhưng bạn nghe, có hài lòng với câu trả lời không?
Nguyễn Du trong bài “Hán Dương vãn diểu” (Ngắm cảnh chiều ở Hán Dương) thì viết:
“Thi thành, thảo thụ giai thiên cổ.” có nghĩa là: Bài thơ
vừa làm xong, cỏ cây thành thiên cổ. Tán rộng nôm na ra nữa: Bài thơ vừa
viết xuống, cả thơ, cả thi sĩ, cả đất trời bỗng thành trăm năm cũ kỹ.
Chấm hết!
Nghe có kinh hoàng không! Thơ là gì mà vừa triết lý, vừa hư ảo, vừa hốt bổng thi sĩ vào không trung như thế! Chịu.
Các thi sĩ Việt Nam thời trước tôi, thay vì định nghĩa thơ, họ định nghĩa về thi sĩ:
Làm thi sĩ tức là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Xuân Diệu)
Như vậy thơ là: Trăng, gió, mây cộng lại. Toàn những thứ chỉ “cảm”
chứ không bắt được bằng tay. Vì dẫu trăng có chiếu vào tay hay gió có
thổi vào lòng, ta cũng không bao giờ giữ lại được.
Như vậy, nếu hỏi tôi: “Thơ là gì?” Với cái đầu óc đơn sơ của tôi, tôi chỉ biết lúng túng trả lời:
Thơ là thơ
Là những miếng nhỏ khác nhau
không múc từng muỗng được
nhưng lại đơm đầy một chiếc bát vô hình
và em có thể ngậm được thơ trong miệng
như ngậm một viên kẹo
nó tan dần tan dần và ngấm vào thân thể
Thơ cũng có thể hơi bị cao
như lượng đường trong máu
Thơ là thơ
Là một chất lỏng ngọt và đắng
không rót được
nhưng sao nó lại làm tràn cái ly
nó òa ra và làm ướt vạt áo em
gió ở đâu đến
không phải thổi cho khô
mà làm tăng độ ẩm
Thơ là thơ
Là những mảnh rất khó cầm
nên em bỏ vào trong túi
thỉnh thoảng mang ra tung tung về phía trước
đôi khi ném nhẹ về phía sau
nó bay huyễn hoặc và tuyệt vời trong không gian
như những mảnh tinh hà lấp lánh
vô cùng quyến rũ
và rất đỗi hoang mang
Thơ là thơ
Là một cái gì không rõ rệt
nó là cái quầng sáng của người mù
Thi sĩ là những người mù
chạy theo cái quầng như đứa trẻ chạy theo quả bóng bay
bay cao bay cao
mất hút vào bầu trời
không bao giờ bắt được
đứa trẻ thành thi sĩ
tưởng tượng nơi chốn thần tiên
quả bóng sẽ bay tới
Thi sĩ thành đứa trẻ
hai tay bưng mặt khóc
quả bóng
mất thật rồi.
Tôi cắt nghĩa như thế, bạn có hiểu không? Hay tôi lại bị mắng là nói lung tung và dấm dớ!
Bạn hãy tha lỗi cho tôi, đó chẳng qua là lỗi của hạt đậu đã nẩy mầm thành cọng giá.
Trần Mộng Tú
1- Poetry is not turning loose of emotion, but an escape from
emotion; it is not expression of personality but an escape from
personality. But of course, only those we have personality and emotion
know what it means to want to escape from these things. (T.S. Eliot)
2. Poetry is a deal of joy and pain and wonder, with a dash of dictionary.
(Kahlil Gibran)