Trần
Mộng Tú
Có
Nhà, Để Ở Nhà
Hai
vợ chồng luống tuổi, giờ giấc thức ngủ khác nhau. Người thức khuya đọc sách,
người dậy sớm đi nhà thờ nên mỗi người một buồng, một cái khung điện toán
riêng. Mấy lúc này cả thế giới chao đảo về dịch Virus, mỗi ngày một trầm trọng.
Chồng tôi không sợ hãi bằng tôi, anh vẫn thỉnh thoảng chạy ra chợ mua trái cây,
thức uống. Anh lại có bổn phận đi bộ với người bạn thân đang bị cancer và anh
không muốn bạn buồn vì sự cách ly này. Khi chồng tôi ra ngoài về, bước vào cửa
là tôi phát hoảng như gặp phải con Virus khổng lồ đang tới gần, Tôi xua xua tay,
chỉ anh vào ngay buồng tắm làm vệ sinh quần áo và rửa tay rửa mặt. Chúng tôi
bây giờ không đứng gần nhau khi nói chuyện, không còn thỉnh thoảng ấm áp ôm
ngang vai nhau nữa, đứng xa nhau và ngồi cũng xa nhau. Tôi có đưa nước đưa trái
cây cho anh cũng để ở đâu đó trên bàn làm việc hay bàn bếp rồi nói cho anh biết
chứ không đến gần đưa tận tay như trước nữa. Khi ăn cơm thì hai người cũng
không ngồi gần nhau, dù là cái bàn tròn, mỗi người ngồi một phía đối diện nhau,
bỗng nhớ câu Thơ cổ Trung Hoa: Quân tại Tương Giang đầu/Thiếp tại Tương
Giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương Giang thủy/ Còn mình bây
giờ được nhìn thấy nhau nhưng: Chàng ở bên kia bàn/Thiếp ở bên
này bàn/Cùng ăn chung một mâm/ Nhìn nhau mà ngập ngừng.
Bộ
bàn ăn ở nhà ngoài dùng khi có khách thì bây giờ nằm buồn hiu. Nhớ lại khi các
bạn tới thì chen chúc xếp đến 12 cái ghế vào để ngồi cho vui,không ai chịu chia
làm 2 bàn. Bây giờ những cái ghế cô đơn đứng cái ra cái vào trông chẳng mỹ thuật
gì cả, hay chúng sợ nhiễm virus nên không muốn gần nhau.
Trong
khi cái bàn thổn thức nhớ lại những tối Trung Thu, trên mình bàn đầy những tách
trà rực rỡ. Bà chủ nhà trân trọng và ấm áp với mình đến thế nào. Bà lau chùi
mình bằng một thứ dầu chỉ dành riêng cho gỗ, chọn cho mình một cái khăn vắt
ngang bàn (Table runner) thật đẹp, rồi bày lên đó những hộp bánh nướng, bành dẻo
và đặc biệt là những tách trà đủ kiểu, đủ
màu khác nhau, bà chủ mang về từ các địa điểm du lịch xa xôi nào đó. Đấy là những
tối Rằm Trung Thu hàng năm, bạn hữu tụ lại uống trà, ăn bánh và nghe Thơ.
HÌNH-
Tiệc Trà Bánh Trung Thu
Bây
giờ thì tất cả không còn nữa, những cái tách đẹp này nằm im trong tủ kính, những
cái ghế rời rạc quay ngang quay dọc và cái bàn dài như tôi cũng trở thành vô dụng.
Tôi
chắc còn phải đợi lâu lắm mới nghe lại được tiếng cười của những người bạn tới
nhà này vì họ thật sự cũng đang lẩn trốn tại gia.
Không
Có Nhà, Để Ở Nhà
Mỗi ngày
con Covid.19 càng hoành hoành trên khắp thế giới. Con số mỗi ngày mỗi tăng. Nước
Mỹ cũng không thoát được cơn thịnh nộ của bầu Trời của mặt Đất này. Cho đến
ngày hôm nay, Tháng 4 ngày 2/2020 tổng cộng cả thế giới có 1,014, 673 ca nhiễm
Covid.19. Riêng nước Mỹ có 244,646 người bị nhiễm bệnh. Các
bang đã lần lượt đưa ra lệnh cách ly tại gia. Hạn
chế tối đa việc ra khỏi nhà, chắc phải thêm một câu: “Trừ những
người không nhà”.
Con số thống
kê trong năm 2019 cho những người vô gia cư toàn nước Mỹ là 567,715 người. Hơn
nửa triệu người vô gia cư này rải rác khắp các tiểu bang, các thành phố, nhưng
nhiều nhất vẫn là Los Angeles và San Francisco. Nhà nước cũng có cung cấp một số
nhà Mobile Home cho họ nhưng số cung không đủ cho số cầu.
Làm
thế nào để bảo vệ những người vô gia cư này. Họ không có nhà, họ sống lang
thang trên đường phố, làm sao có chỗ để họ trốn tránh được con vi trùng khủng khiếp này. Tội nghiệp nhất là
những em còn nhỏ, nếu cha mẹ chúng nhiễm bệnh thì chúng biết đối phó thế nào?
HÌNH-
Bing.com
Images.
Lệnh
ở trong nhà, nhưng không có nhà để ở. Họ biết đi đâu, Họ đâu có phải lá khô, củi
mục mà hốt vào thùng được. Không có nhà làm sao mà “ở nhà”
Đi
Bộ Trong Xóm
Nhà
tôi và nhà con gái chung một xóm. Từ nhà tôi đi bộ sang nhà con mất mười phút. Hôm
nay có nắng, tôi ra khỏi nhà, đi bộ. Không có tiếng xe nào trong xóm, cũng rất
vắng xe từ đường chính rẽ vào.
Đến
trước cửa nhà con thấy có 5 tấm bảng mới cắm trên thảm cỏ. Tôi đứng tần ngần đọc.
Đây
là nội dung 5 tấm bảng
1.
Thank
You Healthcare Workers
2.
Thank
You Restaurant Delivery and Grocery Workers
3.
Thank
You Teachers
4.
Thank
You Sanitation and Utility Workers
5.
Thank
You All who are working so we may STAY HOME
Tôi
hình dung ra hình ảnh ba mẹ con líu ríu làm mấy tấm bảng này với lòng biết ơn.
Cánh
cổng gỗ vào vườn sau bên hông nhà mở, khu vườn rất yên lặng. Chắc mấy mẹ con
đang ở trong nhà.
Tôi
vào vườn, cỏ xanh mùa xuân tĩnh lặng, mấy bụi hoa Kim Hương ngập ngừng nở. Green
House của con rể hàng năm đã thành hình, những mầm xanh đã lên cả gang tay.
Người bố trẻ này mỗi năm, từ tháng 2 khi thời tiết hãy còn lạnh, anh đã bắt đầu
thắp những ngọn đèn nhỏ, ươm mầm rau củ ngay trong family room với các
con.
Đủ
các loại rau xanh ăn hàng ngày, thêm dưa leo, cà chua, bí đỏ và xen kẽ là hoa
Hướng Dương và Thược Dược. Suốt từ tháng Tư, tháng Năm cho đến hết tháng Tám vợ
chồng có nhiều hoa và rau củ mang cho cả họ.
Tôi
lên cầu thang vào cái balcony sau nhà. Đây là nơi tụ họp gia đình ăn uống
trong những dịp cuối tuần vào những ngày nắng ấm áp. Hôm nay cũng nắng mà vắng
vẻ quá. Sau khung cửa kính rộng, hai đứa trẻ và mẹ chúng đã nhìn thấy Bà. Chúng
ríu rít đòi ra nhưng mẹ bắt đứng rất xa Bà.
Cậu
anh lên 9, cô em lên 7, tròn môi, khum tay gửi cho bà những nụ hôn gió. Con bé
nói:
- Hết virus
con sang Bà ngủ hai tuần nhé. I love you Bà
- Con yêu Bà, thằng
anh nói tiếng Việt.
Tôi
vẫy vẫy tay chào con cháu, xuống cầu thang ra về, một thăm viếng rất ngắn. Lòng
rưng rưng đi qua khu vườn rau nhỏ đang vươn lên xanh mướt, hứa hẹn, đầy sức sống.
Thượng
Đế không hề bỏ loài người.
tmt
Tháng 4-3-2020