Wednesday, October 22, 2014

HẠT DẺ MÙA THU

                                 Tặng Phạm Hảo

Người phụ nữ đó dậy từ 4 giờ sáng, chị mặc áo ấm, quàng khăn, xỏ chân vào đôi giầy vải. Chị xách theo mình vài cái túi chợ, một cái đèn pin dài, loại của những người đi cắm trại. Chị bắt đầu ra khỏi nhà, rẽ phải, lao xuống con dốc nhỏ. Hai hàng cây hạt dẻ đang chờ chị.

Hàng năm, cứ vào giữa mùa thu, khi lá bắt đầu chín tới. Khi mây trắng như xây thành kéo vào bầu trời thành phố. Khi mưa thu, nắng thu thay nhau tới gõ cửa nhà bất ngờ, không báo trước. Hai đứa cháu ngoại đã lần lượt theo trường đi dã ngoại nhặt bí Rợ. Lòng chị nôn nao, chị biết mùa đi nhặt hạt dẻ đã tới. 

Con phố Bigelow Avenue của vùng Queen Anne, Seattle, ngay góc đường nơi gia đình chị ở, chỉ cần rẽ xuống con dốc là gặp hàng cây hạt dẻ. Những cây hạt dẻ này được trồng từ năm 1916, chúng già gấp mấy mươi lần tuổi chị. Vào mùa thu, chúng ban phát cho mặt đất rất nhiều ơn huệ: Niềm vui cho những người đi nhặt hạt dẻ, những con sóc sẽ tha hồ tích trữ lương thực cho mùa đông sắp tới.

Hàng cây đang vào mùa rụng hạt là địa điểm quyến rũ những người từ phố xa đến nhặt. Phần đông là người Á Đông, nhiều nhất là người Đại Hàn. Họ đi chuyến xe buýt 6 giờ sáng từ dưới phố lên đây nhặt hạt dẻ. Họ cũng mang theo thức ăn và nước uống như đi dã ngoại.  


Những cư dân sống chung quanh những hàng cây hạt dẻ này đôi khi khó chịu vì bãi cỏ, vườn hoa, nhà họ bị xâm phạm. Họ có phàn nàn một thời gian, sau đó họ cũng quen dần, miễn là những người đi nhặt hạt dẻ biết tôn trọng sân vườn của họ. Thành phố thấy việc nhạt hạt dẻ là một cái gì rất đặc biệt, rất Queen Anne, nên đã có lúc cho đặt những nhà vệ sinh lưu động để tránh những rủi ro mất vệ sinh có thể xảy ra.

Chị ở khu phố này đã gần mười năm, chị thuộc từng con dốc, từng gốc cây hạt dẻ. Chị đặt tên cho từng cây một. Ông Cao hay bà Oải đứng ở đâu chị đều nhớ rõ. Vòm cây nào cho nhiều hạt, gốc cây nào có mọc cả nấm dại, hay nhiều sóc ghé thăm. Chị thuộc góc phố này, như những đường chỉ trong lòng bàn tay mình


Yêu thích hạt dẻ, chị tìm hiểu thêm về loại cây này, chị biết chúng mọc khá nhiều ở vùng Bắc Mỹ. Những cây hạt dẻ đầu tiên vào Mỹ năm 1900 đến từ Trung Hoa, nhưng chỉ khoảng hơn mười năm sau chúng chết gần hết vì một loại nấm có sẵn trong thân cây. Một số cây mọc lên lại từ cái gốc cũ. Những nhà canh nông vùng Đông Bắc Mỹ đã gây và nuôi dưỡng lại bằng những phương pháp riêng của họ. Nên những cây này được đặt tên là  những cây hạt dẻ Mỹ (American Chestnut ). Cây hạt dẻ có tuổi thọ cao nhất sống ở vùng Jackson County, Tennessee, cây cao tới 23 mét và đường kính 61 phân.


Thân cây hạt dẻ người ta dùng được rất nhiều việc thực dụng trong đời sống: đóng bàn ghế, giường tủ, cột điện thoại, cánh cửa, làm nôi cho trẻ em, áo quan cho người qua đời.



Từ khi dọn về đây, đối với chị, nhặt hạt dẻ là một phần sinh hoạt cho đời sống tinh thần. Hàng năm nó nhắc nhở chị sự chuyển mùa của đất trời. Mùa hè vừa đi qua là chị náo nức nhìn những chùm quả với những cái râu tua tủa như chùm quả Chôm Chôm còn xanh ở quê nhà. Chị biết là chỉ ba tuần nữa thôi nó sẽ tách tung ra và cái hạt dẻ bên trong với làn da nâu bóng sẽ lộp độp rơi xuống mặt đường theo từng cơn gió thu.



Chị thuộc những khuôn mặt cũ, mới hàng năm xuất hiện. Những cụ già ngồi cả xe lăn đi nhặt hạt dẻ chị đều nhớ rõ. Một, hai mùa thu, khi không thấy chiếc xe lăn xuất hiện nữa làm lòng chị bâng khuâng. Chị hình dung ra chiếc xe lăn đó đã được xếp vào một góc trong garage. Chủ nhân nó đã nằm an giấc trong một nghĩa trang nào đó và buồn biết bao nếu ông không được nằm trong một chiếc áo quan làm bằng gổ thân cây hạt dẻ, hay không có cây hạt dẻ nào bên cạnh mộ.



Mỗi lần đi nhặt hạt dẻ, ngửa mặt đón những cơn gió mùa thu thổi xuống từ những vòm cây, cúi nhìn hạt dẻ tung tóe trên mặt đất, chị lại hình dung ra hình ảnh hai đứa bé nhặt lá bàng của mùa thu đất bắc trong văn chương Nhất Linh của những ngày xa xưa.



"Gíó lên...lạy giời gió nữa lên" (*)


Bây giờ chị cũng đứng đây, cách xa cái không gian có lá bàng rơi vào mùa thu cả bao nhiêu ngàn vạn dặm, chị cũng mong từng cơn gió đến, chờ nghe tiếng hạt dẻ rơi
lốp đốp trên mặt đường hay rơi êm đềm trên những bãi cỏ.


Có hôm chị nhặt không kịp, chị lại không mang chổi theo để quét cho nhanh. Chị ước gì có cậu em bên cạnh như cảnh hai chị em đi quét lá bàng. Rồi chị cũng sẽ mắng em:



–Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên, thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ...  thằng nỡm.(*)



Nếu được mắng em như thế thì hạnh phúc biết chừng nào. Nhưng chị làm gì có em trai mà mắng.



Đã bao nhiêu mùa hạt dẻ đi qua ở góc phố này. Chị cũng đã hẹn hò với hai bà chị ở tiểu bang khác, rủ họ đến thăm em gái vào mùa hạt dẻ. Chị muốn chia cái hạnh phúc giản dị nhưng hiếm hoi đó với hai người chị mình.



Mỗi lần gặp nhau như thế là cả đêm trước ngủ không yên, trong cái lành lạnh của hơi thu, họ cùng nhắc nhở nhau về một dĩ vãng xa lơ xa lắc, thủơ chưa ai lập gia đình. Các chị nhắc cho cô em thời 1940, U có buôn bán hạt dẻ. U thuê người nhặt hạt dẻ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, rồi thồ bằng xe ngựa về Hà Nội bán. Chị nghĩ chắc là U thương chị, nên cho chị được ở gần những cây hạt dẻ, để lúc nào chị cũng nhớ đến U.



 Rồi những tâm hồn cũ kỹ đó thấy mình như mới hẳn ra, cứ mong cho trời mau sáng, để dắt nhau đi nhặt hạnh phúc trong những hạ dẻ mùa thu đang rơi xuống.



Và mỗi lần gió rung cây, hạt dẻ như mưa thu rơi không kịp nhặt, người em cũng cuống quít hối hả giục hai chị, như cậu em giục chị nhặt lá bàng trong trang sách xa xưa:

-         Mau lên chị ơi…Nhặt cả hai tay chị ạ (*)

          Hạt dẻ đã sẵn sàng để đóng hộp gửi cho các bạn ở xa


Năm nay hai bà chị không tới, chị đi nhặt hạt dẻ một mình. Nhặt mấy hôm liền bao nhiêu là hạt dẻ. Từ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, chỗ nào cũng có hạt dẻ. Chị nghĩ đến bạn. Thế là chị, khệ nệ mang ra bưu điện, mua hộp, xếp hàng, gửi đi cho bạn ở tiểu bang khác, và ngay cả bạn ở cùng bang nhưng thành phố xa mình. Chị gửi cả tấm lòng thơm thảo của mình trong đó.

 Bạn nhận được hạt dẻ, nhìn tiền cước trên hộp, không dám nói câu gì. Vì có nói gì chăng nữa thì chị cũng sẽ, xua tay, lắc đầu.

Với chị, gửi hạt dẻ cho bạn ở xa vào những ngày tháng cuối năm này, cũng giống như người ta gửi thiệp vào lễ Tạ Ơn hay lễ Giáng Sinh vậy.


Phạm Hảo khăn quàng màu cam, ngồi cạnh tmt khăn quàng xanh.

Đã xong đâu. Mùa thu đang thay lá, nhóm bạn của chị rủ đi xem lá thay màu. Chị rang hạt dẻ, rồi bóc sẵn cho mỗi người một gói, mang vào trong vườn Nhật.

Vừa đi vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại cho hột hạt dẻ đã bóc sẵn, thơm tho vào miệng. Thật không còn ai chu đáo và có tình với bạn như chị. Bạn nhâm nhi tấm lòng “Hảo Ngọt Ngào” của chị với tất cả trìu mến

10/19/2014
(*)Trích trong Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh.