Cuối
tháng chín đầu tháng mười hàng năm khi mây trắng từng đám phiêu du trên vòm trời
xanh biếc, gió thu bắt đầu rủ nhau vào thành phố, khi lá phong đổi màu như gấm
vắt trên những rặng phong. Từng đàn cá Hồi (Salmon) từ biển trôi theo dòng nước
ngọt tìm về nơi chúng đã được sinh ra. Sự trở về của những con cá là đề tài của
bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bài văn. Chỉ cần cúi nhìn đàn cá chen chúc nhau
trên dòng nước cạn, là đủ thôi thúc “lòng
thần hôn” (*) của biết bao nhiêu người sống chung quanh những cửa sông, những
dòng suối của vùng Tây Bắc Mỹ và Canada.
Những
người bỏ xứ ra đi lập nghiệp ở một nơi chốn khác, nhìn đàn cá về nguồn không
sao tránh khỏi một thoáng bâng khuâng, xúc động. Ta và cá nào có khác chi nhau,
cá về nguồn được sao ta lại đứng đây cám cảnh.
Người
đàn ông bỗng động lòng tưởng nhớ đến nguồn cội của mình. Năm nay anh nhất định
làm một chuyến “Về nguồn” như cá. Anh rủ vợ:
-
Mình
năm nay không đi ra ngoài nước Mỹ mà đi ba tiểu bang trong nước Mỹ: Minnesota và
Wisconsin để thăm họ hàng hai bên nội, ngoại của tôi, những người đã già, còn sống
và tổ tiên đã qua đời. Nhân thể tôi thăm mộ của “My first teacher” ở Iowa.
Hai
vợ chồng trước tiên bay từ Seattle đến phi trường Minneapolis, thuộc bang Minnesota,
rồi từ đó thuê xe lái tới thành phố Rochester thăm người cô bên nội 85 tuổi. Cô
Harriet, đã đến 15 năm chúng tôi mới gặp lại cô.
Cô
sống một mình trong ngôi nhà, có ba phòng ngủ nhỏ với con mèo Ricochet và bao nhiêu là sách. Kệ sách
đóng ngay vào tường và kệ sách ở tất cả các nơi trong phòng. Sách đi từ ngoài
buồng khách, buồng ăn, vào buồng ngủ, xuống bếp. Đủ loại sách: Từ Điển và sách
cũ trên kệ, tiểu thuyết mới trên bàn, tạp chí cập nhật về môi sinh trên trái đất,
về sức khỏe người già, thì tìm thấy trong buồng tắm v.v…
Với
số tuổi 85, cô vẫn mỗi ngày lái xe đi mua một tờ báo, cô nói: mình không nên nhận
báo giao tới nhà, phải mỗi ngày đi mua để có cơ hội ra đường. Ngay những ngày
đông tuyết, cô cũng thuê người đến đón cô đi mua báo và đi chợ. Cô mua nhật báo
để cập nhật tin tức và chơi ô chữ.
Cô Harriett, Tú và Frank
Cô
vẫn chơi đàn dương cầm ở nhà thờ vào cuối tuần và chơi giúp vui thiện nguyện ở
các nhà già khi được mời. Con trai và con gái cô ở cách đó hai, ba tiếng lái
xe. Cô chỉ gặp họ trong những ngày lễ, tết, hoặc khi cô cảm cúm.
Biết
chúng tôi sắp đến, cô để cửa không khóa và ngồi vào đàn sẵn, chúng tôi vừa tắp
xe vào lề trước nhà đã nghe tiếng đàn của cô vọng ra (có chụp hình cô ngồi chơi
đàn, nhưng tiếc là tấm hình bị tối quá.) Cô đón chúng tôi bằng những nốt nhạc
và bữa ăn trưa nhẹ. Chúng tôi mướn khách sạn gần nhà cô nên trong ba ngày lưu lại
chúng tôi đón đưa cô để cô hướng dẫn thăm thành phố. Chúng tôi dành tất cả thời
gian cho cô.
Ở
chơi với cô ba ngày, chúng tôi học được bao nhiêu bài học của người già ở một
mình trên đất Mỹ. Cô rất vui, thoải mái với cuộc sống đơn lẻ từ 10 năm nay, sau
khi chú qua đời. Cô không hề nghĩ các con cô bất hiếu khi không ở ngay cạnh cô.
Cô không đòi hỏi gì ở con cả. Chúng có đời riêng của chúng. Khi con, cháu, đến
thăm cô vui, khi không có chúng cô tìm cái vui của riêng mình. Cô chơi đàn cho
mình và cho những người già, yếu hơn mình thưởng thức; đến tiệm ăn quen thuộc,
thân thiện với người bồi bàn.
Nhưng
thân cận nhất với cô là con mèo Ricochet. Cô đặt tên cho nó là Ricochet (Tiếng
Pháp có nghĩa là rebound) vì khi cô xin nó ở Humane Society về , nó cứ chạy húc đầu vào tường, rồi lại bật ra,
húc vào. Nó bị nhốt quá lâu trong cái chuồng chật hẹp, nên không quen với một
không gian rộng. Phải mất cả mấy tuần nó
mới từ từ đi chậm lại. Cô bảo nó nói cả ngày với cô, đôi khi cô phải tháo cái
máy trợ thính lắp ở tai ra để không nghe nó nói nữa. Cô yêu nó lắm, cô tâm sự:
cô chỉ muốn chết sau nó, vì nếu cô chết trước nó phải dọn đến nhà khác nó sẽ nhớ
cô lắm, mà nếu nó phải cho vào lại Humane
Society còn tội nữa.
Rochester,
nơi cô ở có bệnh xá Mayo Clinic. Một trong 10 bệnh viện nổi tiếng nhất của Mỹ về
chuyên trị Ung Thư. Là một bệnh viện chuyên đón nhận những bệnh nhân mắc những
bệnh hiểm nghèo đã bị những nơi khác bó tay từ chối. Đến đây họ có nhiều cơ may
được chữa khỏi. Mayo Clinic còn là Bệnh Viện Nhi Đồng tốt nhất trên nước Mỹ.
Cô
nói đùa với chúng tôi là cô ở đây, có bệnh viện tốt quá, khó mà chết được. Cô
hy vọng sẽ gặp lại chúng tôi mười năm sau nữa.
Cô
ôm chúng tôi thật chặt khi từ giã làm lòng tôi sầu như trái chín sắp rụng.
Từ
giã cô, chúng tôi trả xe hơi, bắt đầu một cuộc hành trình khác bằng xe bus qua
những thành phố khác nhau ở Wisconsin. Tiểu bang này là quê ngoại và cũng là
quê nội của anh. Ông bà cố nội anh chôn cất tại đây. Đến đời ông nội và cha anh
mới dọn về sống ở Montana.
Trước
khi bắt đầu cuộc hành trình này, anh đã lên trên mạng tìm tài liệu nguồn gốc
(Family Tree), sau đó liên lạc bằng thư, điện thoại. Những người còn sống trong
họ đã giúp anh rất nhiều trong việc tìm nghĩa trang của hai bên nội, ngoại và
ngôi nhà của ông cố nội anh ở Water Town.
Ở
thành phố Greendale chúng tôi gặp hai người cùng có chung một ông ngoại với mẹ
anh, hai người em họ của mẹ anh. Cả hai người này kém mẹ anh khá nhiều tuổi mà mẹ anh đã mất cả hai mươi năm rồi, năm nay
cô Kate mới 80 tuổi và cô Rose Mary 85 tuổi. Hai bà là hai chị em ruột, chờ sẵn
chúng tôi ở phòng khách, cùng với một phụ nữ trẻ, Shannon, là con gái cô Rose Mary.
Cả hai bà cùng mừng rỡ vì được gặp cháu và dâu của dòng họ mình.
Bao
nhiêu hình ảnh úa mờ được mang ra cho nhận diện. Tôi thấy sự xúc động trong ánh
mắt, trong tiếng cười của mọi người, khi họ nhìn nhau, khi họ nói:
-
Hình này giống cụ cố, hình kia giống bà ngoại.
Họ
nhắc lại cho người cháu xa xăm mới gặp lần đầu, những kỷ niệm họ có với mẹ anh.
Rồi sau đó hai bà lại mang ra hai cái phong bì thật to, giới thiệu hình ảnh của
gia đình mình hiện tại.
Tôi
ngồi lọt thỏn trong cái love seat ,
nhìn người này, nghe người kia, rồi nhìn xuống cả mấy chục tấm hình cũ kỹ đã bạc
màu, lại nhìn sang mấy chục tấm hình mới đầy mầu sắc, với những khuôn mặt trẻ
trung, sống động và con nít mới ba bốn tuổi.
Tôi
nhắm khẽ mắt lại, nhìn thấy thời gian trôi như những đám mây trắng mùa thu, thấy
lá thay màu, thấy những con cá mẹ chết đi, những cá con sinh ra, trôi theo biển,
rồi lại trở về… Làm nên một dòng họ… Biến mất, rồi lại hiện hữu.
Có một cái gì rất mơ hồ trong không gian làm
mũi tôi cay cay, mi mắt tôi nặng nặng.
Chúng
tôi đi ăn trưa với nhau. Trong lúc ăn, tôi ngồi cạnh cô Kate, bà hỏi tôi là người
nước nào. Khi biết tôi là người Việt Nam, bà nheo nheo cặp mắt, như nhìn tôi
cho rõ rồi nói một câu như một lời hỏi:
-
Xa
lắm nhỉ!
-
Vâng……xa
lắm!
Xa
lắm!.... Tôi cũng đang nghĩ như bà. Xa như thế đó, và lạ như thế này, mà sao những
người chung quanh tôi, hiện tại đang có một sợi giây vô hình quấn chung quanh. Cá
Hồi khi từ đại dương tìm về sông hồ cũ có hoang mang những phút đầu thả thân
trong một vùng nước vừa xa lạ vừa thân quen, hay không?
Chúng tôi chia tay, hẹn gặp lại.
Tôi
hy vọng là sẽ gặp lại, nếu không phải hai người dì họ này, thì sẽ gặp con cháu
của hai bà. Những người cùng trang lứa, chung với chồng tôi một ông cố ngoại.
Tú, Dì Rose Mary, Frank, Dì Kate và Shannon.
Lại
trên đường rong ruổi như cá về nguồn. Chúng tôi đến thành phố Horcon cũng thuộc
bang Wisconsin, anh tìm gặp một phụ nữ khác bằng tuổi anh, cũng thuộc họ bên mẹ,
tên chị là Sue, là con của một bà dì khác đã qua đời. Anh và Sue cùng có chung
một ông cố ngoại. Chồng của Sue là Jim, Mayor
của thành phố Horcon, nay đã về hưu. Hai vợ chồng nhất định giữ chúng tôi ở lại
một đêm.
Họ
rất vui vì anh đã đi tìm gặp họ. Không bao giờ Sue nghĩ ở tuổi ngoài 60, chị mới
gặp một người trong thân tộc mà trước đây chị không hề biết tới. Chị nói, khi
nhận được phôn của anh, chị vừa ngạc nhiên vừa xúc động, cả tuần nay chỉ mong
cho đến ngày hẹn.
Từ
giã Sue, chúng tôi tới thăm căn nhà xa xưa của cụ cố Harlow Pease (đệ nhất) tại
địa chỉ 700 Clyman Street ở Water Town (ngôi nhà này xây từ năm 1860.) Từ khi cụ
cố còn là một Luật Sư độc thân, cụ đã ở Water Town (1854). Khi cụ lập gia đình
thì xây ngôi nhà này và sống trong ngôi nhà này cho đến khi cụ qua đời 1907.
Nhà
hai tầng, có nhà ngang cho người giúp việc và có cả chuồng cho ngựa (như garage
bây giờ) ở phía sau nhà. Ông Bà cố đều qua đời cũng tại ngôi nhà này.
Ngôi
nhà đã nhiều lần đổi chủ, sau khi ông nội của anh, cũng là một Luật sư, Harlow
Pease (đệ nhị) di chuyển đến Montana lập nghiệp. (Đời cha anh, cụ ông Harlow
Pease (Đệ tam) không theo ngành luật nữa, cụ thích canh nông, cụ học về Agriculture and Dairy Industry và cụ có
một nông trại hơn 3000 mẫu ở Montana.)
Hiện
ngôi nhà của cụ cố Pease ở Water Town đang treo biển bán, chúng tôi tới không
đúng lúc mở cửa nên không được xem phía trong ngôi nhà.
Tôi
đứng nhìn ngôi nhà hai tầng, sơn trắng, các cánh cửa màu xanh lá cây thẫm, trên một thửa đất
khá rộng, hình dung ra hình ảnh một gia đình có liên hệ mật thiết máu mủ với chồng
mình từng sống ở đây. Tôi nghĩ là anh cảm động lắm. Anh đi vòng quanh ngôi nhà
đến mấy lần. Ngó qua những khung kính cửa sổ, rồi xuống khu nhà ngang và chuồng
ngựa. Chúng tôi có chụp mấy tấm ảnh của ngôi nhà này.
Tôi
nói lời từ giã ngôi nhà, chúng tôi lên đường tìm đến nghĩa trang Mount Olivet
Cemetery của thành phố Milwaukee, Wisconsin.
Chúng
tôi ghé tiệm hoa trước khi ra nghĩa trang. Anh nói, không biết mình phải mua mấy
chậu hoa, vì mình không rõ có bao nhiêu ngôi mộ của dòng họ Pease, bao nhiêu
ngôi mộ của dòng họ Dutton. Tôi đề nghị không mua hoa chậu, mà nên mua hai bó
hoa cẩm chướng đỏ, rồi mình chia ra mỗi mộ vài cành. Hoa cẩm chướng lâu tàn, và
trời sắp vào thu nên không nóng lắm. Hy vọng hoa tươi được vài ngày.
Chúng
tôi tìm được năm bia mộ của dòng họ Pease: Ông bà Cố, ông bà nội, các bà cô,
ông chú. Có hai người chết rất trẻ. Bốn ngôi thuộc về dòng Dutton: Ông bà cố,
ông bà ngoại, ông cậu, bà dì, v.v… Tôi chia số hoa ra, mỗi mộ được ba, bốn
cành.
Đặt
những cành hoa mong manh in những cánh tròn mầu đỏ trên những tấm bia đá trắng,
có khắc những hàng tên tôi đã được nghe anh nhắc đến nhiều lần. Tôi bâng khuâng
tự hỏi: Những người nằm dưới đó, có biết tôi là ai không nhỉ? Có ngỡ ngàng khi
nhìn lên thấy một phụ nữ Á Đông, lạ hoắc, nhỏ xíu, đang loay hoay đặt hoa vào
tay mình. Các bậc tổ tiên đó có đưa tay ra đón nhận cả hoa lẫn người không?
Tác giả và ông bà cố ngoại bên chồng ở Milwaukee,
Wisconsin.
Một
cơn gió thoảng qua, mấy hạt mưa bụi lất phất, một chút không gian ươn ướt trên
vai.
Tôi ở đâu mà tôi
đến đây
Ngày xưa ai đứng
ở nơi này
Giọt mưa trời
khóc ngàn năm trước
Sao còn ướt trên
lưng bàn tay. (tmt)
Những
người nằm dưới đó, là tổ tiên của chồng tôi. Xương da, máu thịt anh một phần
nào tạo nên từ họ. Anh lại truyền xuống, chia ra từ thân thể mình cho các con
anh. Anh là cha của những đứa con tôi sanh ra. Tôi cũng đem một phần máu thịt
tôi được hưởng từ tổ tiên tôi chia cho chúng.
Tôi
đoán là những bông hoa tôi đặt trên những phần mộ hôm nay hương thơm đã thấm
vào lòng đất. Tổ tiên anh đã chấp nhận tôi như tôi đang vòng tay ôm họ vào lòng
cùng hương thơm từ những đóa hoa.
Cá
Hồi ở biển tìm về nguồn, theo mùi hương cũ của dòng nước ngọt. Con người tìm về
nguồn theo sự xúc động của trái tim cũ và sự thay đổi mới của vạn vật giữa đất
trời.
Tấc
lòng thành đó nhẹ như mây mùa thu và nồng nàn như sắc lá.
(*)
Lòng thần hôn- Hôn định thần tỉnh: là
buổi hôm, buổi mai săn sóc cha mẹ. Nghe chim như nhắc
tấm lòng thần hôn-Kiều
10/10/2014