Saturday, September 19, 2015

NGÀY TỰU TRƯỜNG


Giờ náo nức của một thời trẻ dại 
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương 
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường 
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc. 
(Huy Cận)

Tháng Chín về, thành phố này lá vàng chưa có nhưng những ngọn gió đã thổi qua những vạt nắng và sân cỏ đã bắt đầu xanh trở lại sau mấy tháng hè cháy khô. Tiếng áo mới sột soạt của học trò trong thành phố bắt đầu theo nhau vào cửa lớp. Các trường tư, trường công khai giảng cách nhau vài ngày hay một tuần, tùy theo khi trường nghỉ hè vào cuối tháng sáu hay giữa tháng sáu.

Tựu trường, hai chữ thân yêu đó như tiếng chuông rung trong lòng tất cả mọi người. Từ ông bà, cha mẹ cho đến học trò. Tùy theo tuổi tác và bổn phận, nhịp chuông đó rung khác nhau thế nào nhưng chắc chắn là không có lồng ngực nào không xúc động.

Ông bà nhìn cháu sửa soạn vào trường như nghe thấy tiếng trống của mấy mươi năm về trước trong một thành phố nào rất xa xôi ở quê nhà. Nhớ lại cái khoảnh khắc mình đứng xếp hàng trong sân trường ngày đầu tiên, đợi tiếng trống đi vào lớp học mới:

Tôi đứng xếp hàng đôi
Lòng hơi thấy bồi hồi
Hôm nay niên học mới
Bao hy vọng xa xôi
Một lát trống thùng thùng
Ngân dài trong nắng rung
Vài con chim hốt hoảng
Văng mình lên không trung  
(Thơ- Trần Trung Phương)

Cha mẹ thì từ mấy tháng trước đã nghĩ đến việc phải bớt chi tiêu để sắm sửa cho con quần áo, giầy dép, sách bút vào niên học mới. Câu hát xa lắc xa lơ ở đâu đó vọng lại trong đầu:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cẩu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời (Ca Dao)

Thế nào mẹ cũng phải lo cho con đi hết cái cầu bước vào trường học mỗi năm này.

Học trò thì hăm hở làm sao! Tất cả mọi thứ đều mới, sẵn sàng cho một niên học mới. Niên học mới này có em phải lên lớp, đổi trường, sẽ có thầy cô mới, bạn mới và chắc chắn là “linh hồn bằng ngọc” nghe trăm điều thay đổi. Nôn nao, e ngại, hân hoan để đón một cái gì mình chưa biết rõ nhưng hình dung ra trước là sẽ rất đẹp.

Có người đã nói: Tất cả mục đích của học hành là để biến những cái gương thành những cái cửa sổ (*)

Vậy ông bà cha mẹ, thực sự chúng ta mong mỏi gì ở trường học cho con cháu mình.
Gửi con cháu tới trường học chữ là lẽ dĩ nhiên nhưng song song với những phương trình toán học, ngoại ngữ, khoa học..vv. Mọi người đều ao ước con mình lớn lên trước tiên thành một người tử tế, Nếu đứa trẻ học được tính thật thà, cư xử tốt với bạn ngay từ lớp vỡ lòng, lớn lên chắc chắn sẽ thành người tử tế. Vì chỉ cần thật thà và đối xử với người khác công bằng, tử tế, đứa bé đó đã tránh được bao nhiều tính xấu. Em sẽ có nhiều cơ hội lớn lên thành một công dân tử tế, lương hảo.
 
Thầy giáo là những người chỉ cách cho em thay những cái gương thành những cánh cửa sổ, mở ra những khung trời tốt đẹp.

Nhưng cũng chính thầy cô và chương trình giáo dục ở học đường sẽ ảnh hưởng em trở thành một người xấu hay tốt.

Trên một bản tin của báo Tuổi Trẻ trong nước. Một học trò mười một mười hai tuổi, bị bốn năm trò khác cùng lớp đánh hết sức ác và một trò khác, thản nhiên đứng xem, không động lòng, không can ngăn, còn đánh thêm vào cho bạn đó đau đớn thêm.
Mầm ác trong các em đã nảy sinh từ lúc nào. Các em có được dậy bảo những điều thiện bao giờ chưa? Nhà trường, thầy giáo phản ứng như thế nào khi thấy học trò của mình không có đức thương xót kẻ bị đánh đập như thế!
Tại sao ở tuổi ngây thơ trong sáng học trò, mà khi ở trong lớp các em không bằng lòng nhau, khi ra khỏi lớp có thể đánh nhau cho đến thương tật không một chút xót thương.

Phải chăng: dậy một người chỉ thuần về trí dục mà không có đức dục thì sẽ đào tạo một mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội. (*)

Vì cái mầm ác và mầm thiện đều nẩy nở ngang nhau. Cái nào được vun bón sẽ tăng trưởng và cái nào bị lãng quên sẽ lụi tàn rồi biến mất.

Song song với giáo dục gia đình, học đường là nơi quan trọng lắm. Vì các em ở trường nhiều hơn ở nhà. Gần thầy cô bạn bè nhiều giờ hơn gần cha mẹ. Cha mẹ đi làm cả ngày, về nhà gặp con được vài tiếng thì có cả trăm việc phải làm, thoắt đến giờ đi ngủ. Sáng dậy có một hai tiếng với con, rồi vội thả con vào trường, đi làm. Giao con cho thầy, cô, là giao con cho cha mẹ thứ hai của đứa trẻ. Người xưa đã coi thầy còn trọng hơn cha mẹ. Sư rồi mới đến Phụ.

Nhưng ngày nay, nếu chúng ta mở những trang mạng ra, chúng ta đã nhận được những thông tin, những hình ảnh gì về nền giáo dục học đường ở quê nhà?
Chắc ai cũng được xem, được nghe những tin từ thầy giáo làm những điều vô giáo dục với nữ sinh để cho thêm điểm, đến những cô giáo xăn tay áo chửi bới học trò bực Đại Học ngay trong lớp. Trong khi những em sinh viên khác đứng trố mắt ra nhìn.

Trên trang mạng Việt Express có đăng: Thầy giáo một trường ngoài công lập ở Hà Nội vừa tát vừa chửi học sinh “Nhà vô phúc có cái loại mày.Tao dạy mày như thế này mà mày vẫn không mở mặt mày ra à…Quân mất dạy này”…bị học sinh khác quay clip đưa lên mạng đầu năm học trước.

 Xem xong, chắc ai cũng buồn, cũng thương cho cả một thế hệ chao đảo vì nền giáo dục “Vô Giáo Dục” đó.

Một xã hội mà trò chẳng ra trò, thầy chẳng ra thầy.

Ngày khai trường lại đến, mỗi năm phụ huynh lại đặt hy vọng vào thầy cô, khai trí cho con, dậy con làm toán, dậy con viết văn, nhưng trên hết, cũng dậy bảo con mình cả những điều tử tế. Biết lễ phép, biết thương người, lương thiện và thật thà. Phụ huynh hy vọng con mình gặp những thầy cô tốt làm gương cho con mình soi. Nhưng ở những thành phố ô hợp và đang chạy theo cơn lốc vật chất này, kiếm được một người thầy với đúng nghĩa của danh xưng đó hình như khó khăn lắm.

Cũng may mắn ở những vùng xa vùng nghèo vẫn còn những thầy cô giáo tiểu học lo cho từ cuốn vở, cái bút cho đến đôi dép dưới chân những học trò nghèo. Những người thầy đáng quý này rất cô đơn vì chính phủ đã cắt trợ cấp năm nay của học sinh nghèo. Nếu muốn các em được đến trường thì những thầy cô này phải mang cái tiền lương khiêm tốn của mình ra giúp học trò.

Gia đình các em nghèo lắm. Nên đi học mà dép không có, nói chi đến sách vở, bút thước”. Đó là lời than của cô giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.(Báo Tuổi Trẻ).
Những người thầy như cô giáo này chắc chắn là người sẽ dạy học trò mình: tình thương, lễ phép, lương thiện và thật thà. Vì trái tim biết yêu thương sẽ kéo theo nó tất cả những điều tốt đẹp đó.

Tâm hồn các em như những trang vở trắng.Thày, cô, là người cầm tay em vẽ bức tranh đầu tiên. Đóa hoa nhỏ hay vẹt mực đen loang lổ là hình ảnh in sâu vào ký ức vĩnh viễn của tuổi thơ.

Ngày tựu trường. Ngày hạnh phúc nhất của đời học sinh cũng là ngày phụ huynh đặt hy vọng vào tương lai cho con cháu như người ta đặt hy vọng vào những cái cây non trồng trên mặt đất. Mong ước sao mặt đất hiền lành, cây được tưới bằng nước sạch, để cây lớn lên sinh ra những trái ngọt ngào.


Tháng 9/2/2015

(*)The whole purpose of education is to turn mirrors into windows."
- Sydney J. Harris

(*) To educate a man in mind and not in morals is to educate a menace to society.-  Theodore Roosevelt
The difference between school and life? In school, you're taught a lesson and then given a test. In life, you're given a test that teaches you a lesson."
- Tom Bodett