Con cá đá Xiêm mua từ tháng hai, chết một tuần nay rồi. Như vậy là từ khi về nhà tôi, nó sống được 7 tháng và nó đã được giữ vai chính trong truyện “Mùa Phấn Hoa Anh Túc” của tôi.
Người
bán cá bảo nó có thể sống lâu hơn nữa cơ. Nhưng một tuần đi xa nhà, trước khi
đi tôi quên thay nước, khi về thấy nó bơi uể oải trong bình nước đục tôi biết
ngay là nó bị bệnh trong nước bẩn rồi. Tôi vội thay nước và nhớ thay thường
xuyên. Nó sống, nhưng cái giải đuôi như lụa của nó không uốn lượn phất phơ nữa.
Nó bơi lừ đừ, cái đuôi thỉnh thoảng mới đưa nhè nhẹ, như một ông lão đi chậm chạp,
cầm cái quạt giấy, thỉnh thoảng mới phất phơ. Tôi biết là nó sắp sửa phải vào Hospice rồi. Cuối cùng, một buổi sáng nó
nằm im dưới đáy bình, trên mấy cái lá rong xanh như một người bình thản đặt đầu
trên gối lụa.
Tôi
đem nó ra ngoài vườn, bới sơ dưới gốc cây Mộc Lan một hố nhỏ bằng cái chén ăn
cơm, cho nó nằm vào, lấp đất lên. Cái thân bé nhỏ mong manh của nó chỉ cần mấy
hôm sẽ tan vào đất.
Cái
bếp của tôi tự nhiên vắng ngắt, im lặng mặc dù Biga (tên hai đứa bé đặt cho cá)
trước đây chẳng bao giờ cất tiếng hát. Tôi đang nghĩ không biết sẽ trả lời hai
đứa cháu ngoại thế nào khi chúng sang chơi, hỏi "Biga đâu?" Một
tuần không có Biga tôi không có bạn trong bếp, cái bình thủy tinh trong suốt
nơi tôi cho vào đó một cụm thủy trúc nhỏ có Biga bơi bơi nay chỉ còn nhìn thấy
đám rễ vàng hoe. Nhà của Biga hay được để giữa cái bàn ăn nhỏ trong bếp này, tôi
thường vừa nấu ăn vừa thỉnh thoảng ngắm nghía. Nhất là buổi sáng, một mình
trong cái bếp yên tĩnh, vừa ngồi nhâm nhi cà phê vừa hỏi chuyện Biga vài ba
câu, vừa nghe chim hót trên cây mộc lan ngoài vườn, đôi khi tôi nhớ đến câu thơ
hay. Xuân gần
tàn / Hoa tràn lệ / Con mắt cá rưng rưng. Đó là một vần thơ Hài Cú của
Basho. Tôi đã đọc cho Biga và tôi cùng nghe.
Đối
với tôi những con vật be bé hiền lành hay những loài hoa cỏ nho nhỏ, nhất là những
loại nhắc đến quê nhà, rất cần thiết, tôi không thiếu chúng nó lâu được. Sáng
nay tôi ra Pet Shop dán mũi vào mấy
cái chậu cá vàng, nhìn mãi, biết là mình không mua được vì nhà không có hồ cá
(lý do không biết đặt máy lọc nước và thay nước) lại dán mắt vào mấy cái hộp nhựa
nhỏ đựng riêng rẽ từng con cá đá. Loại này không thể hai con sống chung một bồn
với nhau được, khi cả hai cùng phái. Chúng nó sẽ đá nhau tới chết, Fighting Fish mà. Đó là lý do tại sao Biga
phải sống cô đơn.
Tôi
thấy con cá với cái đuôi màu đỏ có nhãn là Rose
petal khá đẹp nhưng giá tới hai mươi
đồng. Hôm trước tôi mua Biga có bẩy đồng. Đắt quá! Tự nhiên tôi không muốn nuôi
cá nữa, có lẽ tôi vẫn còn quyến luyến với Biga, nên lấy cớ đắt rẻ, vì chưa muốn
con cá khác thay thế nó. Tôi lang thang ra chỗ Ếch Phi Châu. A, mấy con ếch này
từ Phi Châu sang mà sao nó không đen, da nó có màu kem. Tôi hỏi mua hai con.
Anh chàng bán hàng hỏi:
- Bà có hồ nước ấm không? Chúng cần ở trong nước
bẩy mươi độ.
-
Tôi
không có.
- Như
thế thì đừng mua.
- Tôi
không có hồ ấm, nhưng tôi sẽ cho nước ấm mỗi ngày và tôi sẽ để nó ở trong bếp
nơi tôi nấu ăn. Nếu cần, tôi sẽ đặt đèn cho nó cả ngày.
Anh
ta nhìn tôi với cặp mắt không mấy thiện cảm, tôi lờ đi, nói:
-
Anh lấy cho tôi hai con.
Anh
ta miễn cưỡng mang cái bao ni-lon lại vớt hai con ếch to bằng hai con dế dũi cho
vào, đưa cho tôi với câu nói:
-
Đáng
nhẽ bà không có hồ ấm tôi không bán, vì giống này ở Phi Châu chỉ quen nóng
thôi.
Tôi
thấy anh ta khó chịu nên trả lời nhẹ nhàng.
- Anh
đừng lo tôi ở xứ nóng sang đây, tôi cũng phải tập quen với cái lạnh. Hai con ếch
này sẽ có ngày chúng bắt tôi cho thêm đá vào nước đấy.
Anh ta hừ nhẹ một tiếng trong họng,
đưa bịch cá cho tôi không nói thêm một câu. Tôi lờ đi như không biết, vẫn cám
ơn ngọt ngào.
Tôi
mang ngay hai anh chàng Phi Châu về. Cái nhà của Biga bây giờ chỉ còn cây thủy
trúc nhỏ. Dọn hai chàng này vào không được. Ếch cần có cái sàn rộng hơn. Tôi lại
chạy đi mua một cái bình hình chữ nhật, ra vườn tìm ba hòn đá, cần một hòn mỏng,
để làm nóc, tôi biết ếch thích leo trèo và thích có hang. Tôi kiếm được một miếng
gạch vỡ, rửa sạch tất cả, xếp thành hình cái hang nhỏ trong đáy bình. Đổ nước
âm ấm, thả hai con ếch vào, đứng ngắm:
Ao cũ / Con
ếch nhẩy vào / Vang tiếng nước xao.
Hai
con ếch dọn vào nhà mới không phải ao cũ, nhưng được nghe ngay thơ Basho, chúng
thật là may mắn.
Chúng
may mắn hay tôi may mắn. Tôi nhớ mùa hè năm ngoái, tôi mua được một cụm bèo Nhật
ở một nhà bán cây kiểng Mỹ. Khi nó nở một bông hoa tím, tôi hạnh phúc đến bàng
hoàng như mang được cả quê hương đến nơi này. Bao nhiêu câu hát về hoa Lục Bình
theo nhau chạy về trong trí nhớ. Thế mới biết cái hồn viễn xứ mạnh thật. Khi sống
xa quê những vật nhỏ bé, tầm thường nào mang hình ảnh quê nhà đều có tác dụng rất
mạnh với mình.
Hai
con ếch Phi Châu này không hiểu tại sao da không đen, chắc chúng đã mấy đời lai
giống. Tôi nhớ mấy năm về trước tôi mua được một con da đen bóng nó sống với
tôi được sáu bẩy tháng mới mất, nó mất cũng chỉ vì tôi vắng nhà mười ngày,
không ai săn sóc nó, nếu không chắc nó còn sống lâu hơn. Tôi thích mấy con ếch
vì nó làm tôi nhớ đến mấy con ếch nhỏ màu xanh biếc như cánh bèo ở ao quê nhà
vào thời thơ ấu. Con ếch đó to và đẹp hơn loại ếch kiểng Phi Châu này nhiều.
Đôi
khi tôi tự hỏi, mấy con cá mang nhãn hiệu của nơi xuất xứ thật ra đã bao nhiêu
đời được gây giống bên ngoài quê hương gốc của nó. Hai con ếch Phi Châu này chắc
chắn từ đời ông sơ, ông cố nó sinh ra ở Phi Châu không phải đời nó, nên nước da
mới trắng nhợt thế này.
Tôi
nghĩ đến thân phận di dân. Con người cũng vậy thôi, chỉ đời cha, đời ông mới được
người cùng quốc gia ở quê nhà gọi là “kiều bào” nhưng đời cháu, đời chắt, họ
đánh rơi ngay hai chữ đó trên mỗi bước họ đi. Họ nhận (hay họ chính là) người của
quốc gia họ sinh ra và trưởng thành.
Điều đó tự nhiên đến nỗi chẳng ai còn nhớ ra để
mà buồn, vì các ông bà cố và cha mẹ, họ hàng xa xưa của họ đã qua đời hết rồi.
Đôi khi họ có lúc tìm lại, như tìm một sự kiện để làm một bản văn hay một luận
án ra trường. Xong việc đó, mọi việc lại cất vào ngăn lưu trữ, họ lại sống cái
đời đang sống. Tôi nhớ hồi mới sang Mỹ, gặp một phụ nữ Á đông ở chỗ làm. Hỏi chị
người nước nào, chị thản nhiên nói “người Mỹ”. Chị sinh ra ở Mỹ, trưởng thành ở
Mỹ, ông nội và bố chị cũng sinh ra ở Mỹ. Như vậy ông cố chị là người đầu tiên tới
đây, đến chị là đời thứ bốn, cho nên chị không nói được tiếng Hoa. Chị nói, cả
gia đình tôi, sống theo tập quán của người Mỹ, chúng tôi thưởng thức những ngày
lễ hội của Trung Hoa như tất cả những người Mỹ khác mà thôi, không ai quan tâm
đến mình phải là người Hoa nữa. Hồi
đó mới sang, còn trẻ, tôi nghe ngạc nhiên lắm, nghĩ thầm trong đầu “Đúng là mất
gốc”.
Bây
giờ lớn tuổi, cách suy nghĩ cũng khác đi, miền tin vào năm tháng thấy mong manh
quá. Thử tưởng tượng năm 2100, tám mươi lăm năm nữa, đứa bé Syrian được sinh ra
ở Ý, ở Đức, ở Mỹ, vào năm 2015 lúc đó là một người già 85 tuổi, chắc sẽ nói về
Syria như kể truyện cổ tích cho con cháu nghe mà thôi. Và sẽ bắt đầu bằng: Ngày xa xưa gần một thế kỷ, ông cố của ta
đã tới đây….
Phải
chăng, chúng ta sống trong thời đại của tỵ nạn và tuổi của lưu vong.(*)
Tôi
nhìn hai con ếch mang nhãn Phi Châu với màu da vàng nhợt nhạt, nhớ đến con cá
Xiêm, bất giác nghĩ đến phận mình, phận của bao nhiêu con người nữa, khác chi
như cá, như ếch, như bông hoa lục bình trôi từ sông nước quê nhà tạt vào một xứ
sở xa xăm.
Tháng
9/16/201
-Theo báo cáo năm 2014, của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR) vào
thời điểm cuối năm 2013 có hơn 51 triệu người đang chạy trốn hoặc bị trục xuất,
trong đó có hơn 33 triệu người đàn ông, phụ nữ và trẻ em di tản trong khu vực
các quốc gia riêng của họ ("người tản cư nội địa").Wikipedia.
(*)
We live in the age of the refugee, the age of the exile.-Ariel Dorfman