Sunday, February 21, 2016

Đời anh làm vườn

 

Lời kể của người mẹ 
 
Lúc đó tôi ở Bình Long, năm 1972, Mùa Hè Đỏ Lửa, tôi sanh thêm đứa con trai, đứa con thứ năm trong gia đình. Thằng nhỏ ra đời đúng vào tháng tư năm đó, nên nó bị kẹt giữa hai lằn đạn và bom B-52. Mẹ con tôi phải sống trong hầm trú bom một thời gian dài, mới dám lên mặt đất liền. Khi con tôi lớn lên, tôi mới biết nó bị điếc, nó bị thủng màng nhĩ tai, do ảnh hưởng tiếng dội của đạn, bom. Được sang Mỹ theo chương trình HO của ba nó, nó đã hai mươi bảy tuổi. Bác sĩ ở Mỹ nói màng nhĩ thủng từ lúc mới sanh nên không vá được. Có cho đeo máy trợ thính nhưng vẫn không giúp được bao nhiêu. Mà tội lắm cô ơi! Ai nói với nó cũng phải hét lên, riêng tôi, nói khẽ con vẫn hiểu được mẹ nói gì, nó chỉ nhìn vào miệng tôi, biết liền.
Tội lắm cô ơi! Đã điếc lại hiền, ai cũng ăn hiếp cũng lợi dụng được. Biết đấy chứ không phải ngu đâu, nhưng bản tính tốt, ai cần chi cũng giúp. Đi cắt cỏ vẫn bị mấy người thầu ăn chặn tiền nhớ, tiền quên, nó vẫn không than gì cả.

Tội lắm cô ơi! tám năm trước đi nhặt rau, nhặt hành trong chợ, có một bà làm cùng chỗ hỏi nó:
- Có muốn lấy vợ không, bà làm mai cho cháu bà ở quê nhà.
- Con không có tiền cưới vợ
-Tao cho mượn rồi mày đi làm trả sau.
Bà ta cho coi hình ba cô cháu, nói nó lựa một cô. Tôi cũng thương con, tuy nó cao ráo, sáng sủa, nhưng ở Mỹ này vừa điếc vừa làm việc lao động, có cô nào muốn lấy, nên nghe con nói cũng dành tiền về Việt Nam đi hỏi vợ cho con. Từ khi sang Mỹ, tôi cũng đi trông con cho người ta, kiếm thêm tiền gửi về Việt Nam nuôi mấy đứa con còn ở lại (vì đã có gia đình). Hôm đám cưới ở Việt Nam, nhà gái nói cô dâu vẫn chưa được hợp hôn với chú rể. Đợi khi nào qua Mỹ sẽ tính.Mẹ con tôi cũng phải nghe theo. Mấy năm trời chờ giấy tờ bảo lãnh vợ qua, hàng tháng con trai tôi vẫn phải làm bổn phận chồng Việt Kiều, đi cắt cỏ gửi tiền về cho vợ (xúc tép nuôi cò).

 Khi đón được vợ qua, thì bà con của cô dâu (cái bà làm mai đó) ra phi trường đòi đón về nhà. Tôi phải giằng co mãi, nói dâu tôi bỏ tiền ra cưới thì phải về ở với chồng.

Mà tội lắm cô ơi, về nhà chồng mà tối tối vợ đạp chồng xuống đất không cho ngủ chung. Rồi không biết ai bày, ai chỉ, nó cào cấu chồng, rồi kêu cảnh sát, nó biết chút tiếng Anh, nói với cảnh sát là nó bị chồng “bạo dâm”. May có em nó, biết tiếng Anh đứng ra nói rõ ràng mọi việc. Khi Cảnh sát nhìn thấy mặt mũi con tôi xây sát vì vợ cào cấu, còn vợ thì không hề hấn gì, đã khuyên gia đình nên để cho vợ nó về nhà bà con một thời gian, vì nếu ở lâu hơn thì có thể con tôi sẽ có ngày bị tù oan.

Thế là con tôi mất vợ luôn, gia đình bên vợ lo giấy tờ li dị. Tôi thấy có làm ra chuyện thì một là mình không có tiền lo luật sư, hai là có mang được vợ về chắc cũng không bền, có khi xẩy ra xô xát to, con mình có thể vào tù.

Coi như mẹ con tôi bị lừa. Vì sau đó con tôi còn phải tiếp tục đi theo chú nó cắt cỏ để trừ tiền họ cho mượn cưới vợ (hay tiền mang cháu họ qua).
Chỉ tội con tôi “Uổng công xúc tép nuôi cò”. 

Lời kể của anh làm vườn 
Cô ơi, vợ con sắp qua rồi. Tháng sau thôi.
Lần này có chắc không đó?
Chắc cô ạ, cô này hiền hơn cô kia, lại mồ côi mẹ.
Về Việt Nam làm đám cưới chưa?
Lần này chỉ ra tiệm chụp hình, rồi đi làm hôn thú thôi. Con mới ở bên đó về, đi tới đi lui cũng hơn bốn năm rồi đó cô.
Cô trước bỏ bốn năm rồi, cô sau cưới bốn năm nữa, tất cả là tám năm phải không? Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi.
Dạ, bốn mươi ba.
Bao giờ vợ qua nhớ mang sang cho cô xem mặt nghe.
Dạ, chắc Cha, Mẹ con cũng mời mấy bàn để giới thiệu đó cô. 

Lời kể của người em gái 

Cô ơi ! Anh con chết rồi. Anh ngủ nhà người bạn già, ông già đề máy xe trong ga-ra, để chạy nguyên đêm. Ông ta, anh con và thêm con chó nữa. Cả ba chết ngạt vì khói độc.

Bây giờ con phải làm sao đây? Chị vợ anh ấy vừa nhận được giấy tờ đúng vào hôm anh ấy chết. Có nên mua vé cho chị ấy qua không cô? Mẹ con thì chưa biết con dâu tánh nết ra sao, cứ gào lên trong điện thoại. “Nó chết rồi con ơi! Qua với mẹ con ơi!”

Cô ơi, nhà quàn nói chưa hỏa thiêu ngay được, họ chưa có chỗ, một tuần nữa mới thiêu
Cô ơi! Chị ấy qua rồi, kịp ngày mai đi thiêu. 
Cô ơi! Chị ấy bấm nút lò thiêu.
Cô ơi! Tội quá!
Cô ơi! Con nghe cô mua vé cho chị ấy qua là đúng.
Dạ, con nghe cô, cứ làm hết sức mình, mọi chuyện giao cho ông Trời thôi. Mẹ con có chị ấy cũng an ủi phần nào, xem ra cũng hiền lành cô ạ.  

Lời kể của cô dâu mới 

Dạ, con chào cô, nghe mẹ con nói anh ấy vẫn qua làm cỏ trong vườn nhà cô.

Dạ, chúng con có chụp hình đám cưới ở tiệm, để nộp làm hôn thú và giấy tờ bảo lãnh.

Dạ, mỗi năm anh có về một tháng. Chúng con ở với nhau như vợ chồng rồi. Vì anh không có tiền và đã tốn kém với đám trước nhiều, nên con nói thôi khỏi làm gì nữa, để qua bên đó rồi cha mẹ tính.

Dạ, cũng được bốn năm rồi đó cô.

Dạ, chưa có con cô ạ.

Dạ, con bấm nút lò thiêu.

Dạ, mặt mũi còn tươi nguyên cô ơi.

Dạ, cô Út mang hũ tro của anh và cả gia đình ra biển ngày hôm qua.

Dạ, thả rồi cô, trôi đi rồi cô, chìm hết rồi cô. 

Người thuật truyện 
 Tôi nói, con ơi, rồi con sẽ trải qua những ngày rất buồn, con sẽ thấy cô đơn, nhớ quê nhà, nhớ những người thân và nước mắt con sẽ nhỏ xuống trong hai tay mình. Nhưng rồi thời gian sẽ giúp nỗi buồn của con lắng xuống, con sẽ nghĩ, mình không bao giờ quên, nhưng quả thực nỗi buồn đó có chìm xuống và được lấp đi bằng cách này hay cách khác. Đôi khi cơn bão đời sống đi qua, con lại vớt nó lên, nhưng con sẽ nhìn nỗi buồn đó bằng một mảnh hồn khác, một con mắt khác, rồi con thả xuống. Ngậm ngùi!

Tôi nói, con còn trẻ quá, mọi chuyện rồi sẽ đi qua như những bước chân phải đi qua những con đường. Rồi con sẽ gặp một người yêu con và con yêu lại. Một mối tình khác, nhưng cũng là một tình yêu.Rồi con sẽ là một cô dâu. Một cô dâu có đám cưới. Có, con sẽ có đám cưới chứ. Con đã là người vợ không bao giờ cưới, nhưng chỉ một lần thôi. 

Tôi nói, “Thượng Đế không cho ai tất cả cái gì nhưng cũng không lấy đi tất cả cái gì của ai.” Người sẽ đền bù cho con, một phần nào những cái con mất. 

Tôi ngồi đây trước hiên nhà, buổi chiều xuống bên kia hồ, cô dâu không bao giờ cưới ngồi bên tôi, tôi nói: Hồi cô sang Mỹ cô cũng bằng tuổi con bây giờ và cô cũng mang theo một nỗi buồn riêng. Bốn mươi năm rồi đó con. Tôi chỉ cho cô chỗ ngã ba con nước, hỏi, con có biết ở ngã ba đó, rẽ phía nào về quê nhà không? Cô gái lắc đầu.  
Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà -TCS 
Tôi nói, cô cũng không biết, nhưng nhờ không biết nên mình cứ đoán và mình hy vọng là mình đoán đúng. 

2/19/2016

Saturday, February 20, 2016

Người bên kia núi


























Tôi đứng giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ
trên trời những đám mây hình con chó
chuyển động
rơi xuống vai tôi
như những mảnh đá sỏi trắng lăn xuống mặt đất
tan ra một nắm thời gian

đám đông trước mặt
những người rất trẻ đi thành đàn
như đàn dê núi vào thành phố
trong bàn tay họ nắm những mảnh kim loại có hình
họ gọi chúng là điện thoại thông minh
tất cả đều cúi xuống
trò chuyện với bàn tay mình
họ không nhìn nhau
chân cứ bước đều

những đám mây con chó trên trời
lại chuyển động
bây giờ biến thành đàn chim trắng
cả ngàn cánh chim phủ kín dẫy núi
dẫy núi che mặt trời
mọi vật biến đổi
chui hết cả vào trong cái điện thoại thông minh
đoàn người trẻ bước đi trong im lặng
không ai nhìn ai
họ vẫn cúi xuống chuyện trò với chính mình

tôi bước đi giật lùi
lùi mãi vào quá khứ
ngửa mặt nhìn núi
núi cao vời

“Núi cao chi lắm núi ơi
che khuất mặt trời chẳng thấy người thương”

những chiếc điện thoại thông minh
có tìm được cho tôi
người bên kia núi.


Tháng 2/18/16

Tuesday, February 16, 2016

Những Mái Nhà Thơm Ngát


          









  







Trời đất báo xuân về 
trên đồi hoa đào nở
cánh như con chuồn đỏ
đang đi chia ái tình

mấy bụi hoa trong vườn
được ong về gây mật
đẹp như những cô dâu
đang chờ thay áo gấm

trên những cành tùng xanh
ôm nhau dăm con sóc  
dụi đầu vào mùa xuân
đợi đất trời ban lộc

đất mở ra cánh cửa
đón hạt sương đầu năm
reo vang vang hạnh phúc
tiếng hạt đang nẩy mầm

em mở cánh cửa nhà
phía nam rồi phía đông
từng cánh rồi từng cánh
kéo mùa xuân vào lòng

em mở hai bàn tay
hứng đầy ơn mưa móc
em mở bừng hai mắt
nhìn cánh xuân bay bay

trên bờ vai anh gầy
có tóc em đã bạc
trong lồng ngực hai ta
trái tim khe khẽ hát.

Anh ơi xuân rắc hoa
những mái nhà thơm ngát.

Khai Bút Bính Thân 2016


Thursday, February 11, 2016

Như Truyện Thần Tiên

 Chiều ba mươi cuối năm, người Bà đi thắp mấy nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, rồi lấy một nén cắm xuống trước thềm nhà. Bà mang ba đứa cháu nhỏ ra ngồi với mình. Hai đứa cháu ngoại lớn hơn ngồi hai bên, thằng cu cháu nội nhỏ nhất được ngồi giữa lòng. Bà chỉ các cháu nhìn xuống mặt hồ bên dưới ngôi nhà, rồi bắt đầu kể chuyện:

Ngày xửa ngày xưa, ở đất nước xa xăm đó, đất nước có hình giống như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu hai thúng thóc. Đó là đất nước của Bà. Một thúng thuộc miền Bắc ở trên, cái đòn gánh gầy gò là miền Trung, cái phần cong lại bên dưới là miền Nam.

Cả ba miền đó đều có những con sông. Những con sông có tên rất thơ mộng và đầy ắp tình người. Sông Hồng một giải phù sa, ôm những bờ cát hồng hào như da thịt bác nông phu. Mỗi năm nhờ phù sa của sông đã cho bao nhiêu màu mỡ vào đất đai trồng trọt làm nên hoa nên trái. Sông Hương thơ mộng trữ tình tỏa hương thơm ngát lòng nho sĩ, là đề tài cho bao nhiêu bản văn trác tuyệt, bao bài thơ trữ tình. Cửu Long giang cung cấp những con cá vẩy bạc, những mẻ lưới làm nặng trĩu mạn thuyền là nguồn sống của người dân.

Miền Bắc có bao nhiêu làng mang tiếng hát đi thật xa; có những chiếc cổng luôn cúi xuống ôm ấp con đường làng; con đường làng ôm cây đa, cây đa tỏa bóng xuống bờ đê; con đê ôm bờ ao rau muống, rau muống ôm đàn lợn, đàn vịt; có con gà ôm tổ trứng; con chó con mèo yêu góc bếp đơn sơ.
Có chồng yêu vợ, có mẹ yêu con; Có thầy giáo cả đời hy sinh cho chữ nghĩa thánh hiền, rồi truyền xuống học trò nối tiếp.

Miền Trung có những lăng tẩm để ai dắt ai tìm lối vào phủ Chúa; có đường vào thành nội, muôn thức rêu phong lớp áo chầu cho người sau nhớ mãi người xưa; có lá trúc che ngang mặt chữ điền, có nón bài thơ che tóc thề thiếu nữ để chàng trai mới lớn đã biết làm thơ;  có phố cổ Hội An để mắt ai thương nhớ mãi lung linh ánh sáng đèn lồng lúc đêm về; rồi những cồn cát  in vết chân của mẹ, của cha; có rừng quế tỏa hương cho đời nhọc nhằn lam lũ.

Miền Nam với tất cả sự trù phú: Con cá lóc to bằng cánh tay em bé, vựa lúa vàng chạy tới chân trời, có những con người chân thật yêu nhau hiền hòa như cọng giá sống; có niềm tin vào đời sống, giản dị như những chuyến xe đò lục tỉnh mỗi buổi sáng khởi hành êm ả; miền Tây Nam Bộ với những bờ sông, bãi biển, núi đá. Đâu đâu cũng là di tích, thắng cảnh để hồn người chạm với hồn quê. Sài Gòn nắng sáng mưa trưa, áo bà ba trắng mẹ vắt vai chiếc khăn rằn lau mồ hôi giấu nụ cười dưới nón.

Rồi bỗng chốc những đám mây đen kéo vào bầu trời trên đầu, cơn hồng thủy dâng lên giữa thành phố; bỗng chốc trúc chẻ, ngói tan. Những người dân lương thiện trôi như lá tre trôi trên biển, ngã như cây đổ trên rừng. Bao nhiêu anh hùng tử sĩ, bao nhiêu người sống có tên mà chết vô danh. Nước mắt nhiều hơn mưa tháng sáu, hồn đau rát như nắng tháng năm. Bà cũng thất lạc tha phương đi không tới nơi về không tới đích.

Rồi bỗng chốc tất cả thành cổ tích, thành chuyện thần tiên trong những giấc mơ; bỗng chốc tóc xanh Bà như sương, như khói, trắng như giải mây bên kia hồ; bỗng chốc bốn mươi năm rơi như những giọt mưa trên lá.

 Bỗng chốc Bà ngồi đây trong buổi chiều cuối năm, ở một đất nước rất xa xăm với quê nhà.

 Ba đứa cháu như ba món quà của Thượng Đế tặng cho Bà, kéo Bà về với hiện tại. Giọng kể chuyện của bà nhẹ dần, có chút nước mắt ứa ra, Bà đưa ống tay áo lên ngang mặt:

Rồi các con biết không? Chuyện cổ tích bao giờ cũng đẹp: với hồn thiêng sông núi, với vong linh của các anh hùng tử sĩ, họ sẽ hà hơi thổi những đám mây u ám tan dần trên bầu trời, họ sẽ giơ tay rút cơn hồng thủy ra khỏi thành phố, rồi những con khủng long sẽ chết dưới cánh các thiên thần.

 Và các con sẽ có một ngày được hưởng những ơn huệ trên quê hương thần tiên đó.

 Bà tin như vậy.


Tết Bính Thân 2016




Sunday, February 7, 2016

Mứt Quất = CHÚC MỪNG XUÂN BÍNH THÂN


LẠC CHỖ

Buổi chiều một ngày cuối năm trong nghĩa trang, hai người lính một già, một trẻ, ngồi bên cạnh một nấm mộ hoang phế, đã mất mộ chí. Họ ngồi như đang chờ đợi một ai đó tới. Gió thỉnh thoảng thổi qua, những ngọn cỏ vàng úa khẽ lao xao, mái tóc bạc của người lính già vài sợi quá dài cũng bay ngơ ngác. Ông cất tiếng chuyện trò với anh lính trẻ:

Này cậu, sao mặt mũi buồn so vậy. Tết nhất tới nơi rồi, không nhiều thì ít thế nào chúng mình cũng được ngửi mùi hương mùi hoa.

Biết rồi

Biết sao còn buồn

Bác có lòng tốt bác kéo tôi vào, nhưng tôi thấy những đồng đội của bác họ không có thiện cảm với tôi, vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt ghẻ lạnh, nếu không nói là ghét bỏ.

Ừ, cậu cũng phải thông cảm cho họ chứ. Các cậu thuộc bên thắng trận, kéo vào dẫm nát cả thành phố của chúng tôi. Người tù đầy rừng sâu nước độc, kẻ đi vùng kinh tế. Rồi kẻ chết trong thành phố, kẻ chết ngoài biển khơi. Người của cậu đập phá, tước đoạt không bỏ sót một thứ gì, ngay cả bức tượng vô tri bằng đá ở nghĩa trang này cũng bị đập tan. Làm sao mà họ có cảm tình được với cậu.

Tôi biết chứ, tôi đâu có muốn vào đây. Cái hôm xác lính Cộng Hòa của các bác được hốt vào một đống, đem tới đây lấp vội lấp vàng, tôi tình cờ lạc đạn chết cạnh đó và xác bị bỏ rơi, nên cũng được hốt luôn một thể và nằm chung một huyệt. Tôi có được tự chọn đâu.

Nhưng bây giờ mọi người ở đây ai cũng biết lý lịch của cậu rồi, làm sao trách chúng tôi được.

Tôi biết, nhưng nếu ai cũng từ tâm như bác thì tôi đâu có cô đơn, chui rúc bao nhiêu năm nay một xó, chẳng dám làm bạn với ai.

Tôi sinh ra ở miền Bắc,
lớn lên bị gọi vào bộ đội
tôi đi dọc Trường Sơn năm mười sáu tuổi
tôi chưa hề có người yêu nên chết vẫn cô đơn
tôi có ba người anh đều chết trận
ở tuổi mười tám, hai mươi
cứ cách đôi năm mẹ tôi lại dán tờ Tổ Quốc Ghi Công trên vách

Tháng Tư năm 1975
mẹ ra đầu ngõ chờ tin thằng conút
về trong chiến thắng
tai mẹ điếc rồi không nghe thấy tiếng hò reo
mắt mẹ lòa rồi không thấy màu cờ đỏ
mẹ đi ra
rồi mẹ đi vào
tay mẹ vịn hoài lên cánh cửa

không có ai gõ cửa
khôngcó ai báo tin
dù tin con mất tích
dù tin con hy sinh

Tờ “Tổ Quốc Ghi Công” thứ tư
cho đến khi nhắm mắt
mẹ chưa hề nhận
người ta mải chia nhau chiến thắng
ngoài người mẹ
khôngai nhớ đến những người lính trẻ chết mất thây

không ai đi tìm tôi
không ai biết thân xác tôi lại nằm ở nơi đây

thân xác tôi
mộtxác lính mồ côi
hãy thương tôi đi

Ở phía nào tôi cũng chỉ là người lính
hãy thương tôi và cho tôi nằm cạnh
hãy ôm tôi như các anh đã ôm chính nước Việt mình.

Thôi, tôi hiểu rồi.

Cậu biết đấy, thấy cậu còn trẻ quá tôi cũng thương, mới qua tuổi mười tám, phải không? Các bạn tôi tuy nhìn cậu không mấy cảm tình nhưng cũng không ai nỡ đuổi cậu ra khỏi đây, vẫn cho cậu đi theo khi có hoa có hương. Khi chúng tôi được cúng vái chúng tôi cũng vẫn nhớ chia cho cậu chút đỉnh, đúng không? Cậu nhìn chung quanh nghĩa trang này đi.

Mười sáu ngàn ngôi mộ
theo thời gian bị bỏ phế, không người viếng thăm.
hoang tàn đổ nát
bốn mươi năm dâu bể, kẻ khócngười cười
những ngôi mộ trong nghĩa trang này cũng thăng trầm theo vận nước.
ai cũng phải lo cho người sống trước
mộ bia như bìa sách rách tan
những hàng chữ mất tên mất ngày mất tháng
có những ngôi mộ lún sâu rồi mất hẳn
cỏ dại mọc như chăn đắp
trăm năm nào có gì đâu
chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”

như én không để lại vết cánh trên bầu trời
vợ con thất lạc
trôi giạt về chốn chẳng định nơi
mong chi về cố quận

Bác vẫn sướng hơn tôi, trách làm gì. Dẫu sao các bác bây giờ cũng thỉnh thoảng có người ghé thăm vào những ngày cuối năm, cũng có hương, có hoa, có xôi, có dăm ba điếu thuốc. Có những bác còn may mắn, được vợ con, cháu nội, cháu ngoại tìm về. Kẻ lo tu chỉnh mộ phần, kẻ lo cải táng mang đi. Tôi đã mồ côi còn lạc chỗ. Sống đã khổ, chết tủi thân chẳng ai an ủi hồn vô xứ.

Mà này bác, nếu được trở lại làm người bác còn muốn làm người Việt Nam nữa không? Sao tôi sợ thế, sợ lại phải đi vào chiến tranh từ năm mười sáu, sợ có bao nhiêu anh em cùng theo nhau tử trận, sợ mẹ mình lại suốt đời sống với mấy mảnh giấy “Tổ Quốc Ghi Công” và sợ nhất phải làm một cái hồn lính mồ côi.

Tôi à, tôi vẫn muốn làm người Việt Nam, vẫn yêu mảnh đất này, khi chết vẫn muốn được antáng trong nghĩa trang quân đội của chúng tôi. Tôi biết cậu tủi thân vì lạc chỗ. Nhưng phần đất nào cũng là đất Việt, dù Bắc hay Nam. Khi cậu lạc vào nghĩa trang này, dù những người của Việt Nam Cộng Hòa chẳng thích, chẳng tiếp đón nồng hậu. Nhưng có ai xúm lại đánh đập cậu đâu, có ai ném đá vào cậu khi cậu khi cậu đi qua chỗ họ không? Cậu chết trẻ chắc hồn thiêng lắm. Cậu đã biết những người “Lính ngụy” chúng tôi ngoài kia phải chịu những hình phạt gì. Nhưng thôi, bốn mươi năm rồi, lúc này không phải là lúc còn kể tội nhau.

Kìa, họ đang tới rủ mình đi ăn Tất Niên. Mấy hôm nay hương hoa, bánh trái nhiều lắm. Mấy cháu nội, cháu ngoại của chúng tôi ở nước ngoài về còn mang theo cả thuốc lá.

Họ đến khá đông, khoác vai nhau vừa đi vừa hát, anh lính Bắc Việt cũng được nhập bọn. Không ai nhìn anh với ánh mắt lạnh lùng nữa. Họ cùng hát

những bài ca của mọi binh chủng Việt Nam Cộng Hòa, anh lính lạc chỗ chỉ biết im lặng lắng tai nghe.

 Một bài hát mới được cất lên, với những lời ca tụng quê hương gấm vóc, ca tụng tiền nhân, ca tụng tình thương đồng loại, ca tụng hòa bình, tự do, công bình, bác ái…. Một bài hát không có sinh Bắc tử Nam, không có hận thù đằng đằng. Họ vừa hát với môi cười nhưng mắt đẫm lệ.

Anh lính lạc chỗ thấy mình không còn xa lạ nữa, không còn là anh lính Bắc Việt mồ côi trong nghĩa trang quân đội miền Nam. Anh ý thức được mình chỉ là một người lính trong muôn vàn người lính của cả hai miền cùng chết cho cuộc chiến Huynh Đệ Tương Tàn.

Buổi chiều xuống thật thấp, một năm cũ sắp hết. Anh lính lạc chỗ giơ cánh tay lên gạt ngang những giọt lệ đang lã chã rơi, nhưng trên môi anh nở khẽ một nụ cười.

Tôi đặt niềm tin từ trái tim nhỏ bé của tôi
vào tình thương yêu của loài người
tình thương yêu đó có thật
thật như mặt trăng
thật như mặt trời
thật như những bông lúa trên cánh đồng
thật như chạm tay vào núi
thật như chạm tay vào biển
tình thương biến chó sói thành cừu
tình thương nở hoa trên những bụi gai
tình thương chữa lành những xỉ nhục vô hình

tình thương âm thầm như những hạt cải
đang vươn mầm chờ một bình minh.


Cuối năm 2015