Chiều
ba mươi cuối năm, người Bà đi thắp mấy nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, rồi lấy
một nén cắm xuống trước thềm nhà. Bà mang ba đứa cháu nhỏ ra ngồi với mình. Hai
đứa cháu ngoại lớn hơn ngồi hai bên, thằng cu cháu nội nhỏ nhất được ngồi giữa
lòng. Bà chỉ các cháu nhìn xuống mặt hồ bên dưới ngôi nhà, rồi bắt đầu kể chuyện:
Ngày
xửa ngày xưa, ở đất nước xa xăm đó, đất nước có hình giống như chiếc đòn gánh,
gánh hai đầu hai thúng thóc. Đó là đất nước của Bà. Một thúng thuộc miền Bắc ở
trên, cái đòn gánh gầy gò là miền Trung, cái phần cong lại bên dưới là miền
Nam.
Cả
ba miền đó đều có những con sông. Những con sông có tên rất thơ mộng và đầy ắp
tình người. Sông Hồng một giải phù sa, ôm những bờ cát hồng hào như da thịt bác
nông phu. Mỗi năm nhờ phù sa của sông đã cho bao nhiêu màu mỡ vào đất đai trồng
trọt làm nên hoa nên trái. Sông Hương thơ mộng trữ tình tỏa hương thơm ngát
lòng nho sĩ, là đề tài cho bao nhiêu bản văn trác tuyệt, bao bài thơ trữ tình.
Cửu Long giang cung cấp những con cá vẩy bạc, những mẻ lưới làm nặng trĩu mạn
thuyền là nguồn sống của người dân.
Miền
Bắc có bao nhiêu làng mang tiếng hát đi thật xa; có những chiếc cổng luôn cúi
xuống ôm ấp con đường làng; con đường làng ôm cây đa, cây đa tỏa bóng xuống bờ
đê; con đê ôm bờ ao rau muống, rau muống ôm đàn lợn, đàn vịt; có con gà ôm tổ
trứng; con chó con mèo yêu góc bếp đơn sơ.
Có
chồng yêu vợ, có mẹ yêu con; Có thầy giáo cả đời hy sinh cho chữ nghĩa thánh hiền,
rồi truyền xuống học trò nối tiếp.
Miền
Trung có những lăng tẩm để ai dắt ai tìm lối vào phủ Chúa; có đường vào thành nội,
muôn thức rêu phong lớp áo chầu cho người sau nhớ mãi người xưa; có lá trúc che
ngang mặt chữ điền, có nón bài thơ che tóc thề thiếu nữ để chàng trai mới lớn
đã biết làm thơ; có phố cổ Hội An để mắt
ai thương nhớ mãi lung linh ánh sáng đèn lồng lúc đêm về; rồi những cồn cát in vết chân của mẹ, của cha; có rừng quế tỏa
hương cho đời nhọc nhằn lam lũ.
Miền
Nam với tất cả sự trù phú: Con cá lóc to bằng cánh tay em bé, vựa lúa vàng chạy
tới chân trời, có những con người chân thật yêu nhau hiền hòa như cọng giá sống;
có niềm tin vào đời sống, giản dị như những chuyến xe đò lục tỉnh mỗi buổi sáng
khởi hành êm ả; miền Tây Nam Bộ với những bờ sông, bãi biển,
núi đá. Đâu đâu cũng là di tích, thắng cảnh để hồn người chạm với hồn quê. Sài
Gòn nắng sáng mưa trưa, áo bà ba trắng mẹ vắt vai chiếc khăn rằn lau mồ hôi giấu
nụ cười dưới nón.
Rồi
bỗng chốc những đám mây đen kéo vào bầu trời trên đầu, cơn hồng thủy dâng lên
giữa thành phố; bỗng chốc trúc chẻ, ngói tan. Những người dân lương thiện trôi
như lá tre trôi trên biển, ngã như cây đổ trên rừng. Bao nhiêu anh hùng tử sĩ,
bao nhiêu người sống có tên mà chết vô danh. Nước mắt nhiều hơn mưa tháng sáu,
hồn đau rát như nắng tháng năm. Bà cũng thất lạc tha phương đi không tới nơi về
không tới đích.
Rồi
bỗng chốc tất cả thành cổ tích, thành chuyện thần tiên trong những giấc mơ; bỗng
chốc tóc xanh Bà như sương, như khói, trắng như giải mây bên kia hồ; bỗng chốc bốn
mươi năm rơi như những giọt mưa trên lá.
Bỗng chốc Bà ngồi đây trong buổi chiều cuối
năm, ở một đất nước rất xa xăm với quê nhà.
Ba đứa cháu như ba món quà của Thượng Đế tặng
cho Bà, kéo Bà về với hiện tại. Giọng kể chuyện của bà nhẹ dần, có chút nước mắt
ứa ra, Bà đưa ống tay áo lên ngang mặt:
Rồi
các con biết không? Chuyện cổ tích bao giờ cũng đẹp: với hồn thiêng sông núi, với
vong linh của các anh hùng tử sĩ, họ sẽ hà hơi thổi những đám mây u ám tan dần
trên bầu trời,
họ sẽ giơ tay rút cơn hồng thủy ra khỏi thành phố, rồi những con khủng long sẽ
chết dưới cánh các thiên thần.
Và các con sẽ có một ngày được hưởng những ơn
huệ trên quê hương thần tiên đó.
Bà tin như vậy.
Tết
Bính Thân 2016