Monday, August 21, 2017

Nhật Thực

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017



Em thấy mệt nhoài về những dòng chữ mỗi ngày đọc được trên cái khung trắng xóa này, những dòng chữ viết về những dị tật của các quốc gia, của những người lãnh đạo, những tin bạo động lớn nhỏ, những xấu xí tìm ra trong túi áo nhau.
Một con cá ươn trên cát cũng hôi dình bàn phím, như có ai cầm quả trứng sống ném vào, làm sao khử được mùi.
 Những tiếng súng thật xa cũng làm rạn nứt màn hình, đá vụn ghim đầy mảnh trong căn phòng nhỏ này. Em thực sự mệt nhoài.
Em mong mỏi một điều gì mới mẻ mang em ra khỏi những hoảng loạn này.

Có, có một điều rất mới. Người ta đang nói cho nhau nghe về sự chuyển động trên bàu trời, họ nói về hiện tượng Thiên Thực.
 Một thiên thể chuyển động vào bóng tối của một thiên thể khác.
Sáng nay em sẽ thấy Trái Đất đi vào bóng tối của mặt trăng và làm nên Nhật Thực.
Họ rủ nhau đi mua loại kính đặc biệt để nhìn Nhật Thực trong mười phút.

Đầu óc lơ mơ của em luôn luôn lúng túng với sự kiện của thiên văn học.
Khi bầu trời tự nhiên tối giữa ban ngày em nghĩ rằng mặt trăng đang lấn lướt mặt trời. Em biết thế nào anh cũng cười cho sự hiểu biết ngu ngơ của em.
Với cặp kính đặc biệt, em sẽ có dịp xem Nhật Thực vì trái đất sẽ đi vào bóng tối của mặt trăng. Hay em chỉ cần nhắm mắt lại vào khoảnh khắc đó và tưởng tượng theo ý của mình.
Chao ôi là  bối rối!
Nhưng sự bối rối này rất đáng yêu. Em có dịp thả hồn mình lên bầu trời, cứ theo dõi bóng tối và ánh sáng hoán chuyển chỗ cho nhau và hồn em cũng theo đó u u minh minh không rõ rệt.
Em rời xa bàn phím, bỏ lại những hình ảnh đầy tiếng động của đám đông, những tin tức không vui.
Em tưởng tượng ra mình đang lăn theo trái đất đi vào vùng bóng tối của mặt trăng.

Bụi Oải Hương mới cắt hôm qua trong vườn, những ngón tay em nhuộm tím thơm lừng.
Ước gì cả không gian khép lại, như mi mắt em đang khép, những dòng chữ
trên màn hình rơi xuống những nụ hoa tím li ti thơm ngát.
Em ôm một bó hoa Oải Hương trong tay, đứng trước cửa nhà mình, mặt trời đang lên dần từ phía đông nam trên hồ.

Em đứng chờ anh và Nhật Thực.

tmt
Nhật Thực tháng 8/21/2017

Sunday, August 13, 2017

Lời Cuối hay Lời Đầu

Giáo sư ĐỖ LAI VỴ 1943-2017

Khi nghe tin một người thân ruột thịt hay một người bạn đồng tâm ra đi trong chúng ta mỗi người, một cách riêng thì thầm một lời đưa tiễn.

 Tôi đôi khi rơi vào tình huống đó vẫn băn khoăn tự hỏi: “ Mình đang nói với người thân quý đó những lời cuối hay lời đầu?”
Tôi vẫn nghĩ những lời cuối đó làm hành trang cho kẻ ra đi mang tới một nơi xa xôi nào đó bắt đầu cho một cuộc hành trình mới. Cái thể phách đó đã bỏ lại thế gian tất cả những gì còn lại, chỉ mang theo những âm vang của  những lời nói cuối, chỉ giữ những tiếng vọng của âm thanh sau cùng. Và nó trở thành những lời đưa tiễn lên đường cho cuộc khởi hành mới của anh.

Nhóm bạn của anh Đỗ Lai Vỵ ở rất xa anh từ năm 1975, có người anh coi như ruột thịt từ lúc anh còn là một người anh mới tám, mười tuổi. Có người nối chung vào nhóm qua cái duyên văn thơ, cũng trở thành bạn thiết:

  “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài” họ cứ tính tuổi tác mà phân ra ai là ‘Huynh” là “ Muội” là “ Đệ”. Và không nhớ bao nhiêu năm rồi khi gửi thư cho nhau họ hay dùng chữ “Gửi cả nhà

 Chữ “nhà” đó thân thiết làm sao! Bây giờ khi nhắc lại Cả nhà đã mất đi anh Vỵ, biết bao nỗi ngậm ngùi.

Căn nhà đó rồi sẽ một ngày một vắng, vì tuổi tác hay vì phần số, nào ai biết được, ngoài ông Trời. Chúng ta ai cũng biết và cũng chấp nhận, nhưng mất nhau cũng là mất một phần của chính đời sống mình.

Từ nay, thư từ thiếu một người đọc, thiếu một người hồi âm. Cái bóng xa xăm đó cứ mờ dần mờ dần biến vào một thế giới khác.

  Thác là thể phách, còn là tinh anh. (Kiều)
Cái “thể phách” đó có tan đi thì cái “tinh anh” đã trao cho cả nhà cùng chia xẻ vẫn còn ở thế gian này.

Anh Vỵ Thân Quý, xin anh nhận những lời chân thành này như hành trang mở đầu cho căn nhà mới anh dọn vào. Chúng tôi luôn luôn quý mến anh.
 Một ngày nào đó “Cả nhà” mình sẽ cùng xum họp.

tmt
8/13/2017



Saturday, August 5, 2017

KHÓI và TRĂNG

Ngày tháng Hạ, nắng ngất ngư, cây và người cùng cong xuống, tin tức nói có đám cháy tận Canada, ngửa mặt lên trời mắt như sương phủ, bên kia hồ cả một vòm trời đục khói. Khói từ Canada bay sang Washington, bay tới khu xóm này. Buổi chiều không ai dám đi bộ trong xóm như mọi chiều vì trong không khí có pha mùi khói.

Khí hậu hôm nay 92.F, nóng nhoài người. Hơn 8 giờ tối mới ra ngoài sân tưới nước cho những bụi cây, những chậu hoa trước và sau nhà. Những chậu hoa ủ rũ như những thiếu nữ vừa xa người yêu, những bụi cây khô, xơ xác như những người đàn ông bị tình phụ.

Chỉ những sợi khói mong manh kết vào nhau của một đám cháy rừng ở xa lắc xa lơ nơi nào đó có thể gây ra những buồn phiền tai họa cho kẻ ở nơi này. Đừng vội nghĩ những thao tác xa xôi không ảnh hưởng đến mình mà nhầm. Xấu hay tốt, ở nơi xa lắm, dù muốn hay không cũng chia đều thiên hạ lãnh nhận. Chỉ một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây nên cơn lốc xoáy ở Texas (*). Rõ hơn nữa như một con Sóng Thần Mồ Côi (The Orphan Tsunami) vào năm 1700 chính là hậu duệ của cơn địa chấn ở tận Bắc Mỹ. Người ta đã tìm ra quê quán và cha mẹ của con sóng thần mồ côi này. (*)


Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.”

 Buổi tối, người đàn ông gọi vợ.

  - Em ra xem mặt trăng màu đỏ cam.

Một mặt trăng chưa rằm, trông như một chiếc đĩa bị vỡ mất một mảnh to có màu cam rất đậm và sáng treo trên bầu trời âm u khói. Đẹp đến bất ngờ! Hóa ra tro bụi, khói từ một đám cháy rừng ở nơi xa xăm đó đã làm mặt trăng đỏ sẫm hơn. Những hạt bụi trong khí quyển đã làm mặt trăng thay màu. Cái màu vàng nhạt của trăng non được thay bằng màu đỏ cam quyến rũ.  Đó là kết quả của vầng trăng bị che khuất bởi bụi khói. Phải chăng: trong tàn phá cũng có mầm ân sủng!
Người vợ nhớ lại những lần về quê chồng, hai người lái xe đi qua những cánh rừng thông mùa Hạ ở Helena, Montana. Thỉnh thoảng có một cánh rừng cháy từ mấy năm trước, trên mặt đất còn phủ tro màu xám nhạt, đã nhô lên những cây thông xanh mướt cao bằng đứa trẻ lên năm. Quang cảnh đó gieo vào lòng người biết bao êm ả và hy vọng vào một điều gì vừa mơ hồ vừa ngọt ngào đầy hứa hẹn Một ngọn nến Phục Sinh như được đốt lên giữa mùa Hè. Rừng đã cháy và rừng hồi sinh.


HÌNH-Mặt Trăng Đỏ-Seattle

 Nàng ngửa mặt nhìn vầng trăng màu cam đậm đang ửng lên trên bầu trời mù mịt khói, bất giác quặn lòng nghĩ tới quê nhà. Bao nhiêu bươm bướm đã đập cánh đến xác xơ liệu có tạo nên một cơn lốc xoáy cuốn đi những oan khiên trên mặt đất ngay tại chỗ hay không?
Và bao giờ một vầng trăng đẹp có thể xuất hiện trong những đám khói đen đặc đang phủ kín bầu trời quê hương.

tmt
Aug.1st.2017
(*) Edward Norton Lorenz-1917-2008 - Cha đẻ của hiệu ứng cánh bướm
(*) The Orphan Tsunami of 1700

United States Geological Survey Reston, Virginia in association with University of Washington Press Seattle and London.

Thursday, August 3, 2017

ÁI QUỐC

                                  

 Buổi chiều bắt đầu xuống, bụi lau bên kia sông những thân lá đã nhòa vào nhau, bên này bờ sông của thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh- Trung Quốc, có người đàn ông khoảng trên dưới sáu mươi tuổi, khuôn mặt buồn buồn, hai con mắt long lanh sau cặp kính trắng như rớm lệ, ông ngồi như đang chờ một ai đó. Chốc chốc ông lại nghểnh cổ lên một chút như cố nhìn xem có chiếc thuyền nào đã vào con sông này chưa.

Ông lang thang cả hai ba hôm nay rồi, cứ quanh quẩn ở đây và chờ đợi. Ông tuy không có hẹn chắc chắn với hai người bạn đó, nhưng ông nghĩ là họ sẽ đến. Nhất định họ sẽ đến tìm ông. Tuy thời gian cách nhau cả mấy chục năm nhưng họ là người cùng chí hướng thì thời gian không phải là điều đáng nói. Ông đang suy nghĩ không biết sẽ xưng hô thế nào. Nói về tuổi tác thì họ kém tuổi ông, nhưng về thời gian thì họ lại đi trước ông cả năm mươi năm.(*)

Cả hai bên bờ sông đã thực sự chìm vào bóng tối, gió thổi nhẹ trên đầu những khóm lau. Một chiếc thuyền nhỏ cập bờ, hai người trẻ, một nam, một nữ nhanh nhẹn nhẩy lên bờ, sau khi buộc thuyền vào một chiếc cọc to có sẵn ở đó, họ tiến về phía ông, cả hai cúi đầu chào lễ phép:
-      Thưa Anh
Ông vội vàng đứng phắt lên cúi đầu đáp lễ:
-      Chết, xin đừng gọi tôi như vậy, tôi tuy lớn tuổi hơn nhưng lại là kẻ sinh sau. Đừng để tôi thất lễ.
Ba người, hay nói đúng hơn là ba chiếc bóng đứng chụm vào nhau cùng nhìn ra sông.
 Người đàn ông của sông nước Liêu Ninh-Trung Quốc cất tiếng trước.
-      Tôi được thả xuống đây mấy hôm rồi, cứ lang thang dọc theo bờ sông chờ hai bạn.
Hai người bạn đến từ Yên Bái- Việt Nam cùng nói:
-      Chúng tôi biết trước là họ sẽ thả anh xuống đây, họ không dám giữ anh trên bờ, vì họ sợ dân chúng sẽ lập miếu thờ, rồi sẽ tụ tập, cúng vái, tưởng niệm anh.
 Người đàn ông Trung Hoa nói:
      - Chỉ tội nghiệp cho vợ tôi, nàng không còn gì để giữ lại ngay cả tàn tro. Không biết bây giờ nàng còn bị quản thúc ngay trong chính nhà mình hay không. Người ta chỉ cấm, chỉ bỏ tù được thân xác chứ không bỏ tù được tư tưởng. Ông thở dài, nói tiếp: chúng tôi không đòi người lãnh đạo điều gì quá đáng. Chúng tôi chỉ đòi tự do, đòi nhân quyền cho người dân ngay chính trên đất nước mình.
   Người phụ nữ vấn tóc trong chiếc khăn nhiễu nâu non nói:
-      Tôi rất yêu thích những câu Thơ anh viết trong tù, nhất là câu anh viết cho chị Hà: “Tình yêu của em là ánh mặt trời lên khỏi bức tường cao và rọi chiếu xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù của anh, xúc chạm trên từng mảnh da, làm ấm áp từng tế bào thân xác anh, cho phép anh luôn luôn giữ được bình an, cởi mở, và tươi tắn trong tâm hồn, và làm đầy mỗi phút giây trong đời sống tù của anh với ý nghĩa.
      Người thanh niên có hàm râu quai nón và cặp lông mày lưỡi mác tiếp theo:
-       Chúng tôi trong quá khứ cũng không chịu được sự đô hộ hà khắc của người Pháp nên phải đứng lên lãnh đạo một cuộc cách mạng cho dân tộc.
Người  bạn Trung Hoa nhấc cặp kính xuống, lấy vạt áo lau lau, rồi lại đeo lên nhìn xa xăm tận cuối dòng sông, thở dài:
-      Hai bạn ơi, Đây lại chính là người lãnh đạo của nước mình tước đoạt quyền tự do nhân quyền của dân mình.
Tôi cũng yêu những câu Thơ Tình của anh, tôi đã thuộc từng chữ.
Khi đem trái tim giao cho em
Là anh đã lìa bỏ em rồi
Trong tĩnh sáng của ngày thu
Tay còng, cháy bỏng vết thương dưới ánh mặt trời.
Anh bị giải đến nơi rất xa
Một địa phương em tìm không thấy
Chỉ có ánh mắt em sau khi tỉnh dậy
Vẫn còn thiêu đốt chiếc bóng sau lưng anh.

Người đàn ông bên cạnh nàng tiếp theo:

-      Tôi rất cũng thích đoạn thơ này của anh, nó nhắc nhở tôi thời tôi bị quân Pháp bắt khi làm cách mạng:

 Giữa đêm khuya trước gian hàng thuốc lá

Mấy gã to con chèn ép tôi chặn đường
Tay tra còng bịt mắt miệng nhét giẻ
Quẳng xe tù chạy đi đâu chẳng biết (*)


Đất nước hiện tại của chúng tôi bây giờ không còn Pháp đô hộ nữa nhưng người dân vẫn phải tranh đấu từng ngày cho nhân quyền. Vẫn bị bỏ tù, vẫn bị bắt bớ có khác gì bên Trung Quốc. Cái cảnh tra còng tống lên xe chẳng lạ gì  với người dân.

Người Phụ nữ nắm tay người đàn ông của mình nói: Chị Lưu Hà yêu người anh hùng này vì ông còn là một thi sĩ nữa vì tình ông cho bà luôn được chuyển qua ngôn ngữ thơ. Cả hai con người trong ông đều làm bà cảm phục, em nhớ Bà viết trong một bức thư cho Hội Văn Bút Mỹ:

 “Tôi cảm nhận Hiểu Ba đang dùng ý chí và cảm xúc như một nhà thơ để đẩy phong trào dân chủ tiến tới tại Trung Quốc. Anh ấy la hét như một nhà thơ “không, không, không” đối với những nhà độc tài. Trong chỗ riêng tư, anh ấy thì thầm với những tâm hồn chai điếng của ngày 4 tháng 6, những người, cho đến hôm nay, vẫn chưa nhận được công lý, cũng như với tôi và tất cả bạn bè của anh: “vâng, vâng.” (*)

Cả ba cùng im lặng một lúc. Người đàn ông Trung Hoa lại lên tiếng trước:

-      Hai bạn có biết là nếu người dân mất Tự Do thì đất nước sẽ tụt hậu
sẽ đi giật lùi không? Đây không phải là suy nghĩ của riêng tôi mà là lời phát biểu của nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh. Theo ôngTrương: Sức sáng tạo là dựa vào sự tự do! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành vi. Đặc điểm cơ bản của thể chế của Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, nó đã bóp nghẹt tính sáng tạo, giết chết tinh thần của các nhà khởi nghiệp. Người Trung Quốc có sức sáng tạo nhất đó là vào thời Xuân Thu và thời Tống, đây không phải là ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là thời đại người Trung Quốc tự do nhất. (*)

     Người đàn ông đến từ Yên Bái trả lời:
  - Vâng, chúng tôi có biết, người dân của chúng tôi đang bị kiểm soát
 từ hành động đến tư tưởng. Thế giới đang đánh giá nhân quyền ở nước tôi theo số lượng những người tranh đấu bị mang ra tòa. Chúng tôi ước ao chúng tôi có thể trở lại tranh đấu cùng với người dân trong nước tôi bây giờ.

 Người đàn ông Trung Hoa đưa cả hai tay mình ra nắm lấy hai bàn tay
 của hai người bạn mới, ngậm ngùi nói:

     - Chúng ta là những người yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu nhìn
thấy đất nước mình thanh bình không chiến tranh khói lửa và luôn mong ước cho con người được hưởng trọn vẹn quyền làm người.  Đó là “Nhân Quyền. Tôi rất cảm phục câu nói của anh trước khi bị quân Pháp chém đầu:
          Chết vì tổ quốc chết vinh quang
          Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng (*)
Hình như mặt trời vừa mọc trên bờ bên kia một cái quầng màu hồng nhạt. Một ngày mới đã bắt đầu. Những tiếng động trên con đường xa xa vọng tới. Họ bùi ngùi chia tay nhau.

 Nguyễn Thái Học và cô Giang lên thuyền quay về Yên Bái nước Việt. Lưu Hiểu Ba  ở lại Liêu Ninh nước Hoa. Cả ba cùng hiểu rằng họ đã tranh đấu cho dân mình ngay trên đất nước mình đến hơi thở và giọt máu cuối cùng.

 Lưu Hiểu Ba đứng nhìn cho đến khi con thuyền của hai người bạn
       khuất sau phía hàng lau bên kia bờ phía nước Nam. Trong trí của anh bỗng vang lên mấy câu thơ của Cô Giang trước khi tuẫn tiết.

Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao! (*)

       Trần Mộng Tú
        7/30/2017
(*) Ngày mồng 1/7, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh phát biểu đại diện cho giáo viên với chủ đề “Tự do là một trách nhiệm”, tại Đại Học Bắc Kinh.
(*) Nguyễn Thái Học (1904-1930) Chết lúc 26 tuổi
    Cô Giang (1906-1930) Chết lúc 24 tuổi.
    Lưu Hiểu Ba (1955-2017) Chết lúc 62 tuổi.
(*) Các câu Thơ, nguồn trên mạng.


        





một mình trong quán


                  Em ngồi một mình
       giọt cà phê hết
       hồn như tháng giêng
       tiếc hoài hương tết

       Em ngồi một mình
       giọt cà phê đắng
       tâm như tháng hai
       thèm một ngụm nắng

       Em ngồi một mình
       giọt cà phê sữa
       tình như tháng ba
       chờ hoa đào nở

       Em ngồi một mình
       ly cà phê cạn
       lòng như tháng tư
       đứt ra từng đoạn

       Tháng năm tháng sáu
       ngồi nhớ Sài Gòn
       cà phê ngày ấy
       thơm như ngụm hôn

       Rồi tháng nào nhỉ
       ly vuột khỏi tay
       cùng quê hương vỡ
       mảnh trong hồn đầy

    Em ngồi chơ vơ
     quê người một cõi
     nhìn chiếc ly không
     nghe hồn bỗng mỏi.
    
 tmt
12/2010