Tuesday, February 16, 2021

Tiếng Nước Tôi

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…..Phạm Duy

 Ngày xửa ngày xưa ở ngay trên đất nước này, có rất nhiều người từ các nước trên thế giới tìm tới định cư. Họ mang văn hóa ngôn ngữ của nước họ tới và chia sẻ với nhau trong một vùng nào đó. Tuy nhiên để thích nghi với đời sống của con cái và chính mình, họ phải học hỏi ngôn ngữ và văn hóa của phần đất bao dung họ.

Cha mẹ của bà Emily cũng ở trong những thành phần này. Khi từ Việt Nam tới Mỹ, Emily mới lên 10 tuổi, từ tên Mỹ Lệ, đi học, Mỹ Lệ được đổi thành Emily và chắc chắn Emily nói tiếng Mỹ nhiều hơn tiếng Việt. Cha mẹ Emily cũng là thành phần có học ở Việt Nam. Mẹ là Giáo Sư Việt Văn cho một trường Trung Học Công Lập và Cha thì làm thông dịch viên trong ban Biên Tập cho Hãng Thông Tấn nhà nước. Sang Mỹ, cả hai ông bà cũng như những người khác vất vả hội nhập, kiếm việc trong một hai năm đầu, sau đó họ đều có việc làm tương đối hợp với khả năng của cả hai người, đủ để nuôi con ăn học, cho đến khi con lập gia đình.Vì có Mẹ là giáo sư Việt Văn nên Emily được  Mẹ tiếp tục dạy tiếng Việt, cô nói và viết tiếng Việt khá thông thạo. Mẹ cô nói:

-       Con phải nói tiếng Việt để mai kia Mẹ về già có người trò chuyện với Mẹ.

-       Mẹ biết tiếng Mỹ mà, Mẹ đâu có cần nói tiếng Việt với con.

-       Nhưng chắc về già, Mẹ sẽ nhớ quê hương xứ sở và thích nói tiếng Việt hơn con ạ.

Emily chỉ cười, cho là Mẹ cô hơi khôi hài, bà ở đây lâu quá rồi, cần gì tiếng Việt nữa. Cũng như cô, chỉ khi nào cần thiết lắm cô mới nói tiếng Việt với cha mẹ, thường cha mẹ hỏi gì bằng tiếng Việt, cô trả lời bằng tiếng Mỹ cho nhanh, vì thỉnh thoảng có chữ ít khi dùng tới, cô phải suy nghĩ, rồi dịch trong đầu trước khi nói.

Thoắt một thoáng, cô đã già hơn mẹ cô ngày trước, cái ngày gia đình cô tỵ nạn ở Mỹ. Bây giờ, mẹ Emily thành Cụ và Emily đã thành Bà.

 Cả mấy năm nay bà Emily vất vả với mẹ, Cụ bị suy sụp tinh thần từ khi chồng qua đời đột ngột vì bệnh tim cách đây hai năm. Bà Emily bước vào tuổi 50, vợ chồng bà vẫn còn đi làm và vẫn còn cô con út của ông bà đang học lớp 10. Mẹ bà rất yếu, cần nâng, vực, mỗi lần di chuyển, vệ sinh và tắm gội.

 Bà Emily thuê người về nhà chăm cho mẹ khi bà đi làm. Nhưng việc kiếm người cũng không dễ, phải thay đổi luôn. Đôi khi bà Emily phải ở nhà trông mẹ vì người phụ việc nghỉ bất tử. Cuối cùng mẹ bà nói:

 

-       Con cứ tìm “Nhà Già” cho mẹ vào, chứ con cứ phải nghỉ việc hoài mẹ nghĩ sẽ khó cho con.

Bà Emily không nỡ, bà nghĩ mẹ bà sẽ thấy buồn lắm, nếu phải vào Nhà Già.

Bà Cụ trấn an con gái:

-       Không sao, cuối tuần, con và các cháu vào chơi với mẹ. Mẹ nói được tiếng Mỹ thì không sợ không có bạn. Mẹ vào đó có người giúp, để mắt đến mẹ thì tránh được vấp ngã.

Sau cả mấy tháng đắn đo, cuối cùng đành phải đưa mẹ vào “Nhà Già”. Bà Emily kiếm được một chỗ khá gần nhà mình, sạch sẽ, giá cả cũng phù hợp với tiền hưu trí và tiền để dành của Bố Mẹ có trong quỹ. Có một điều ở đây toàn là người Mỹ, không thấy người Việt, bà sợ mẹ sẽ buồn, nhưng mẹ bà nói tiếng Mỹ thông thạo và đầu óc còn minh mẫn (chỉ cơ thể yếu đuối thôi) và chính mẹ cũng trấn an bà:

_ Đừng có lo lắng nhiều, Mẹ biết tiếng Mỹ mà con.

Đúng thật, Cụ vào Nhà Già mấy tháng là có bạn thân ngay và xem chừng Cụ thích nghi được, Cụ ăn ngủ ngon và lên cân. Có điều Cụ vẫn cần người săn sóc vệ sinh cá nhân.

Vợ chồng bà Emily và các con vẫn mỗi tuần vào thăm Bà Ngoại, rồi dần dần mỗi tháng hai lần, rồi mỗi tháng một lần. Cụ ở trong đó được hai năm, bà Emily vẫn thỉnh thoảng ghé mẹ, nhưng mấy đứa cháu ngoại, đứa đi học xa, đứa lấy chồng xa. Sự thăm viếng mỗi ngày một thưa, bà Emily mỗi lần nghĩ đến mẹ vẫn yên trí, mẹ nói được tiếng Mỹ, mẹ có bạn Mỹ, mẹ “Everything O.K.” Nếu mẹ không O.K thì người ta sẽ gọi mình.

 Sang năm thứ ba, mọi việc vẫn bình thường, khi vào thăm mẹ, bà thấy Cụ vẫn tỉnh táo, vui vẻ. Cho đến một hôm, Nhà Già gọi bà vào có việc muốn nói, bà hốt hoảng hỏi:

-       Mẹ tôi có sao không?

-       Không, Mẹ già của bà vẫn bình an, chúng tôi chỉ muốn gặp bà để nói chuyện về sự thay đổi của Cụ.

Bà Emily hấp tấp lái xe vào gặp mẹ, tí nữa thì tông phải cái xe phía trước, mắt bà bây giờ ở tuổi ngoài 50 cũng bắt đầu thấy kém đi nhiều rồi.

Emily tới nơi thì bà Quản Lý Nhà Già cho hay là Mẹ của bà, mấy bữa nay vẫn ăn, ngủ bình thường nhưng tự nhiên hình như quên mất tiếng Mỹ, hỏi gì Cụ cũng ngơ ngác và trả lời bằng tiếng Việt, nên người trông coi Cụ không hiểu được Cụ muốn gì và Cụ không muốn gì.

Emily ngẩn người ra hỏi:

-       Việc này đã lâu chưa?

Độ hơn 1 tháng nay, bắt đầu thì Cụ nói tiếng Việt lẫn vào tiếng Mỹ, sau đó thì chỉ hoàn toàn tiếng Việt và Cụ hình như không hiểu gì khi nghe lại bằng tiếng Mỹ.

Emily hỏi lại bà Quản Lý:

-       Bà cho tôi gặp Mẹ tôi ở phòng ăn được không? Bây giờ 3 giờ, ở đó đang vắng người.

-       Vâng, mời bà vào phòng ăn, để tôi gọi người đỡ Cụ ra.

Bà Emily phân vân không biết chuyện gì đã xẩy ra mà Mẹ mình tự nhiên lại quên hết cả tiếng Mỹ. Bà biết là Cụ rất khá, Cụ nói tiếng Mỹ ngang với tiếng Việt và Cụ lại là người thích đọc sách, đọc báo Mỹ.

Bà Cụ vừa thấy con gái thì mắt sáng lên, ríu rít nói bằng tiếng Việt, một tràng dài:

-       Sao con bây giờ mới tới, chắc cả gần ba tháng rồi, mẹ không thấy con. Mẹ muốn về nhà mình ở, ít ra mẹ và vợ chồng con còn nói chuyện được, ở đây họ nói toàn tiếng Tây tiếng Mỹ , Mẹ chẳng hiểu gì cả, buồn lắm.

-       Mẹ nói gì lạ vậy. Tiếng Mỹ của mẹ giỏi lắm mà. Tại sao lại không hiểu?

-       Không con ạ, con cho mẹ về, mẹ có biết tiếng Tây, tiếng Mỹ nào đâu.

Bà Cụ nói xong, ngồi thừ ra một lúc, rồi ứa nước mắt. Bà Emily thấy mẹ khóc, sợ quá, bà ôm vai mẹ nói.

-       Nếu mẹ thật sự muốn về thì con sẽ đón mẹ về, con chỉ còn hai tháng nữa sẽ nghỉ hưu, nhà con thì đã hưu từ năm ngoái. Con sẽ kiếm người phụ thêm ngày vài tiếng thôi. Con trông được mẹ.

Cụ mừng quá, rút tờ khăn giấy ra lau nước mắt đang thi nhau trào ra. Bà Emily ngạc nhiên vô cùng. Tại sao tự nhiên mẹ mình lại quên hết một ngôn ngữ cụ thông thạo cả 50 năm nay mà chỉ nhớ lại ngôn ngữ mẹ đẻ thôi. Bà cho rằng có thể vì muốn về với con cháu nên cụ nại cớ ra, nói dối không hiểu tiếng Mỹ.

Đón mẹ về nhà hơn một tháng, bà Emily để ý, Mẹ không nghe đài tiếng Mỹ, mỗi lần vợ chồng bà ngồi nghe tin  tức thì Cụ không tham dự, lăn cái ghế đủn của mình sang phòng khác, sách báo tiếng Mỹ cụ vứt vào thùng rác, nếu cụ đang ở gần thùng rác. Có hôm cụ cầm tờ quảng cáo của chợ Mỹ, cụ hỏi.

-       Con xem hộ mẹ có thuốc Bổ của mẹ hạ giá không? Mẹ không đọc được chữ Mỹ.

Bạn hàng xóm Mỹ sang thăm, cụ ú ớ không biết nói năng gì cả.

Bà Emily buồn lắm, không biết đầu óc của mẹ mình có vấn đề gì mà tự nhiên quên hẳn một ngôn ngữ mà Cụ đã thông thạo. Bà làm hẹn cho mẹ tới gặp Bác Sĩ Tâm Thần.

Ông Bác Sĩ sau khi khám cẩn thận sức khẻo cho Cụ, nói Cụ chỉ có bệnh lão hóa thông thường ở những tuổi 80 của Cụ thôi. Bác Sĩ nói thêm, thường người bệnh đang ở phút hấp hối, người ta quên hết các ngôn ngữ khác mà trước đây người ta đã học và chỉ biết ngôn ngữ mẹ đẻ thôi. Đây là một trường hợp hiếm là Cụ quên trong khi sức khỏe và đầu óc chưa lẫn. Bác Sĩ khuyên nên thỉnh thoảng nói tiếng Mỹ với cụ để đánh động cái phần trí óc quên lãng của Cụ.

Bà Emily về nhà nói chuyện với chồng, hai vợ chồng bàn nhau, hay là chỉ nói tiếng Mỹ với Mẹ, xem Cụ có nhớ lại không? Điều quan trọng không phải là Cụ không nói được tiếng Mỹ mà là sợ một phần nào đầu óc Cụ bị lãng và dần dần có khi cả tiếng Việt cũng không nhớ.

Khi hai vợ chồng bà bắt đầu thử nói tiếng Mỹ thì Cụ ngẩn người ra, lúng túng không trả lời, Sự lúng túng của Cụ thấy thành thật đến tội nghiệp, Cụ bắt đầu tránh mặt hai người và bỏ cả bữa ăn. Trong vòng hai tuần Cụ hốc hác hẳn và vẻ sầu não trông rất đáng thương. Cụ tự nhiên thành một chiếc bóng im lặng trong nhà vì bất đồng ngôn ngữ. Bà Emily sợ quá, vội vàng nói tiếng Việt lại với Mẹ và Cụ dần dần hồi phục.

Bà Emily nói với chồng:

-       Em nghĩ là mẹ về già, mẹ nhớ quê hương quá, mà ngôn ngữ là phần quan trọng nhất trong những điều một người xa quê nhớ tới. Chắc bây giờ óc của mẹ không còn sáng suốt như hồi trẻ, nó co lại rồi nên có bao nhiêu mẹ dồn hết cho tiếng “Mẹ Đẻ” của mình.

Bà lại đến tìm gặp Bác Sĩ Tâm Thần của Mẹ và nghe ông kể cho bà về những bệnh nhân già, quốc tịch khác nhau, mà ông đối diện với họ vào giờ cận tử. Ông kể là khi họ hấp hối thì họ toàn nói tiếng “Mẹ Đẻ” của họ với Bác Sĩ, Y Tá, không cần biết đó là ngôn ngữ xa lạ, không ai biết, một mình họ biết. Họ tìm về nguồn trong ngôn ngữ.Thật sự những ngôn ngữ bản xứ lúc đó không còn lại trong đầu óc họ nữa.

Bà Emily thương mẹ quá. Mẹ bà đã ở giai đoạn cận tử đâu, Cụ tuy có yếu đi, những vẫn hiểu biết, nghe và nói rõ ràng. Cụ chỉ quên mất cái ngoại ngữ mà Cụ đã được học, đã sử dụng hồi trẻ thôi. Bác Sĩ nói, có thể đây là trường hợp đặc biệt.

 Bà Emily lên mạng, tìm đặt mua sách Việt, băng nhạc Việt (mà chính bà cũng lâu lắm không đọc, không nghe) cho Cụ.

Cụ vui lắm khi mở nhạc Việt nghe. Cụ nói huyên thuyên về tên những Ca Sĩ, những bản nhạc Cụ được nghe từ thời ở quên nhà. Bà Emily thấy mẹ vui và khỏe ra thì cũng vui lắm, nhưng đôi khi nghe những bài hát vọng ra từ phòng mẹ, Bà tự hỏi: Liệu mình có bị di truyền bệnh này giống mẹ không? Nếu mình cũng quên hết tiếng Mỹ và chỉ nhớ và giữ  “Tiếng Mẹ đẻ” trong não mình, thì ai sẽ trò chuyện với mình. Con mình thì chắc chắn KHÔNG rồi, vì chúng nó chỉ bập bẹ đôi ba câu. Nếu chồng mình chết trước mình thì ai sẽ mua sách Việt, băng nhạc Việt cho mình? Thôi, không dám nghĩ tiếp nữa.

Một buổi sáng, Cụ muốn ra ngoài hàng hiên ăn điểm tâm. Bà Emily thay quần áo cho Cụ, rồi đủn xe Cụ ra chỗ có nắng ấm áp nhất. Cụ tươi tỉnh xem chừng vui lắm, ánh mắt cụ sáng lấp lánh trong bình minh, Cụ muốn Bà mang chiếc máy cassette nghe nhạc để bên cạnh, Cụ tự chọn băng cho mình. Bà Emily vào bếp pha trà, làm bữa điểm tâm cho hai mẹ con. Khi Bà mang ra thì nghe thấy tiếng hát Thái Thanh lảnh lót vang lên:

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi, Mẹ hiền ru những câu xa vời….À ơi, tiếng ru muôn đời.” Bà mỉm cười, đặt khay thức ăn trước mặt mẹ, nói: Mẹ chọn bài này hay quá!

Cụ không trả lời, hai mắt Cụ nhắm lại, hai giọt lệ ứa ra ở hai khóe mắt, miệng Cụ như mỉm cười.

 Bà Emily đặt chiếc khay thức ăn xuống cái bàn nhỏ trước mặt mẹ,

Bà khụyu chân xuống nhìn sát vào mặt mẹ, bà thấy đầu Cụ như nghiêng về một bên, hai mắt vẫn nhắm và những giọt nước mắt nữa… và hình như Cụ không còn thở. Bà vòng tay ôm đầu Cụ ngã vào vai mình. Bà  yên lặng, vùi cái đầu đã hoa râm của mình vào mái tóc bạc phơ của mẹ.

    Tiếng Thái Thanh vẫn cất lên:

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…Nước Ơi!

 Trần Mộng Tú

Ngày 19 tháng 1 năm 2021 -Những ngày cuối năm nhớ nhà, nhớ nước.

 

 

Đất, Người và Mùa Xuân

 Chỉ một chữ ngắn và vô cùng giản dị: “Đất” đã mang theo muôn vàn ý nghĩa với tất cả con người nói chung sinh ra trong thế giới.

Trong lịch sử loài người, có bao nhiêu quốc gia bị xâm chiến đất đai vì một quốc gia khác, hay có quốc gia bằng trực tiếp hay gián tiếp mang bán từng mảnh đất cho quốc gia hàng xóm. Người dân đang sống giữa hai ranh giới cũng bị bán đi mà không biết, để rồi chỉ một, hai thế hệ con cái về sau bỗng nhiên trở thành người nước khác mà không cần một lý do pháp lý nào. Bởi vậy, vào thời chiến, nhân loại ra sức bảo vệ đất đai của quốc gia  dù có phải tốn bao nhiêu xương máu của dân tộc mình. Vào thời bình, nhân loại cùng nhau bảo vệ đất bằng cách đặt ra Ngày Trái Đất (1)là ngày để nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên của trái đất.

Người Việt nói riêng, coi đất như một phần xương thịt của mình. Đi xa ngàn dặm tìm cái sống nhưng khi chết chỉ mong được chết trên mảnh đất quê nhà, được đặt thân xác xuống đất quê mình, nơi ta gọi là: Quê cha, đất mẹ. Không ai muốn Sống nơi đất khách/Thác trên quê người  trừ trường hợp loạn lạc phải bỏ nước mà đi.

Cầm một miếng đất nhỏ trên tay, chúng ta có bao nhiêu điều suy nghĩ về đất:  Đất nước tôi; từ đất tôi sinh ra, tôi lại về với đất; đất lề quê thói; một tấc đất, một tấc vàng; đất là mẹ ta, đất là cha ta; đất cung cấp thực phẩm, đất nuôi ta sống.

Đất là nơi ta trở về tìm, đất là nơi ta gửi xương gửi thịt. Thậm chí khi ở xa  biết có người cùng quê sắp đến, cũng nhắn xin mang hộ tôi một nắm đất quê nhà. Giữ một nắm đất quê hương trong ngôi nhà trên xứ lạ mà có cảm tưởng như mình giữ được cả hồn thiêng sông núi của xứ sở mình.

 Ta sống với đất, vì trên mảnh đất cho ta một mái nhà, một nơi cư trú, sinh con cái, cha truyền con nối, dòng tộc đời nọ qua đời kia. Dưới mái nhà đó đã cho ta một gia đình với bao yêu thương đầm ấm, bao khó khăn vất vả để gìn giữ. Khi ta chết cũng đất là nơi tổ tiên ta gửi xương gửi thịt, nơi con cháu về vun xới những nấm mồ.

Trên mặt đất đó bốn mùa mưa nắng cho chúng ta Xuân, Hạ, Thu, Đông như tặng phẩm của Trời.

Ta gom góp công sức để mua sắm cho gia đình, cho dòng họ mình một miếng đất nhỏ, cất lên một mái nhà hay mua một thửa ruộng, một khu vườn để khai thác trồng trọt. Có những ngôi nhà, những thửa ruộng chuyền từ đời ông, đời cha, đời con, đời cháu. Họ sống trên đó và chết cũng được chôn xuống đó. Nên bằng mọi cách họ gìn giữ mảnh đất đó thật chặt, như ôm khư khư vào lòng. Hàng xóm thân thiết đến đâu, nếu tỏ lòng tham lam tìm cách lấn qua hàng giậu là mất lòng ngay, có khi đem tới chỗ kiện cáo nhau vì một thước đất. Họ sẵng sàng sống chết với ai đến giành hay cướp đất của họ. Của gia phả để lại, anh em chia nhau không đều là mất cả tình anh em. Cha mẹ trước khi qua đời, chia đất chia nhà cho con phải hết sức công bằng vì không muốn các con sau này oán hận, không nhìn mặt nhau chỉ vì một chéo vườn hay một góc ruộng hoang. Như vậy đất với người là một, không thể tách rời nhau ra.

Nhưng nếu con dân mà bị những bậc phụ mẫu (chính quyền) đến lấy đất thì chuyện gì sẽ xẩy ra. Không biết phải suy nghĩ và nói như thế nào cho đúng. Người dân Việt hầu như ở các thành phố, các tỉnh, ai ai cũng có thể lâm vào cảnh nhà đất bị nhà nước thu hoạch. Bao nhiêu xung đột giữa người dân và những vị lãnh đạo đã xẩy ra. Sự phẫn nộ, bắt bớ, đánh đập….Có khi dẫn tới cái chết.

 

Kinh hoàng hơn nữa khi nghĩ đến việc chính những nhà lãnh đạo đất nước lại mang đất nước cho ngoại bang thuê dài hạn cả thế kỷ. Chín mươi chín năm (99 năm) tức là 4 thế hệ: Ông Bà, Cha Mẹ, Con cháu, Chắt. Ai là người sẽ đứng ra để thu lại được mảnh đất người lạ đã làm chủ bốn đời. Ngôn ngữ của quốc gia mình cũng chẳng giữ được nói chi đến đất. Những chủ mới trong 99 năm đó đã biến “Xứ sở gốc” thành nước thứ hai của họ. Họ đến, họ ở lại và họ chiếm đoạt.

 

Ở đất nước Việt Nam xa xôi của tôi, nơi có những người dân bị chết, bị tù, bị mất nơi cư ngụ trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Thảm kịch lớn nhất xẩy ra vì “Đất” đã gây ra 4 cái chết (1 người dân, ba viên chức nhà nước) và 29 người bị kêu án nặng, từ tử hình đến chung thân. Vụ án đó có tên là thảm kịch Đồng Tâm mới xẩy ra gần đây (ngày 9 tháng 1.2020) Người chết, đã chết vì đất và người sống thì bị tù đầy nhiều năm cũng vì đất.

 

Mùa xuân đang đến, hoa lá rực rỡ từ thành thị đến thôn quê, vườn đất nào hoa cũng đua nhau hoa nở, nhưng trên mảnh đất Đồng Tâm đã nhuốm máu và nước mắt này liệu hoa còn nở, cỏ cây còn đơm lộc. Có ai tìm về nơi đó, đặt tay lên mặt đất nghe đất khóc dưới những ngón tay mình.

 

Mùa Xuân đến rồi, bạn có ngửi thấy hương thơm xông lên từ mặt đất, truyền vào hoa cỏ, trái cây và vào tận hồn mình. Hãy tận hưởng và cám ơn Thượng Đế, gọi nhau làm những điều tốt lành cho nhau, cho đất.

 

Trần Mộng Tú

Xuân Tân Sửu-2020

 

 

 

 

 

 

HỘI HỌA và MÙA XUÂN

Trong đời tôi, thỉnh thoảng lập đi, lập lại cái sở thích “Học Vẽ”. Khi thì học chì than, khi thì màu dầu, khi màu nước. Bắt đầu năm mới học lớp Đệ Lục, ở một trường Công Giáo Tư Thục bên Thị Nghè (nhà tôi ở Thị Nghè) tôi mon men tới trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Gia Định, xem các học trò vẽ, rồi thích, ghi danh xin thi vào học (như thi vào Đệ Thất Trường Công Lập) may mắn sao tôi đậu, nhưng Ba tôi nói, không được. Nếu con vào đó học tức là con mất 2 năm. Năm tới con lên Đệ Ngũ, vào Mỹ Nghệ con như học lại Đệ Thất, hơn nữa ở đó học vẽ nhiều hơn học chữ. Thế là tôi mất cơ hội học vẽ. Cho đến thời gian rất lâu sau đó, đã học hết Trung Học rồi, may mắn có việc làm, tôi đi làm, lại nghĩ đến chuyện học vẽ. Lúc đó ở Hội Việt Mỹ, cuối tuần có Thầy Họa Sĩ tên Nguyễn Lâm tới dạy, và tôi vác giá, vác cọ đi học, học vẽ sơn dầu.Thầy Lâm đưa học trò ra ngoài học vẽ phong cảnh. Chúng tôi vào sở thú, ra ngoại ô, vào cả trong Chợ Lớn vẽ cảnh mấy ngôi chùa Tầu, có những chùm hương vòng thật to treo ngay trước cửa chánh điện rất đẹp và cái màu đỏ của những cây cột ở chùa vô cùng đặc biệt. Tôi cũng có một bức vẽ chùa Tầu, ưng ý lắm, ông Chánh Văn Phòng xin ngay.

Sang Mỹ, sau thời gian ổn định, tôi lại mon men tới College ghi tên học lớp vẽ chì than. Cũng hí hoáy được vài bức, cho bạn bè… Rồi lập gia đình, bận bù đầu với ba đứa con bằng nhau như ba con gà con mới nở nên chẳng có thể nghĩ đến việc vẽ vời gì nữa.

Bây giờ ở tuổi rất già, không bận cho ai ngoài bận cho mình, hoặc tự mình muốn bận cho người khác…tôi lại ngứa tay, muốn vẽ. Tôi học vẽ mầu nước.

Tôi không học làm Thơ bao giờ cả, tôi vẫn tự làm Thơ, nhưng quả thật, với tôi, vẽ thì phải học kỹ thuật xong mới tự sáng tác được.

Cô giáo dạy vẽ đặt mua hộ tôi vài hộp màu và cọ. Cô dẫn giải: Gọi là “Màu Nước” thì nước phải là chính, nước hướng dẫn màu, không phải màu hướng dẫn nước.

Hộp màu để trước mặt là cả một thế giới màu sắc hấp dẫn và từ thế giới này tôi sẽ học cách tạo thành những thế giới khác. Nhưng trước khi muốn tạo thế giới khác phải biết pha màu. Thí dụ muốn có mầu xanh lá cây thì pha mầu xanh dương với màu vàng. Muốn có mầu nâu thì pha mầu xanh lá cây với màu đỏ v.v

Pha màu cũng giống như mình chọn cách sống thích nghi với môi trường mình đang sống. Mình không có thể làm trái với công thức thông thường mà mọi người tuân theo, nếu mình chưa đạt được trình độ làm hoàn toàn khác đi để tạo được cái gì chưa ai biết tới….Điều này hơi khó đấy.

 

Cô giáo dạy tôi làm ướt tờ giấy trước khi cho màu vào. Nhưng ướt bao nhiêu là đủ để cái giọt màu từ cọ rơi xuống có thể chạy loang đúng tầm mình muốn. Nếu giấy ướt quá màu sẽ chạy lung tung, nếu chưa đủ ướt

màu sẽ đúng nguyên một chỗ hoặc loang rất dè dặt. Tôi vừa nhìn mặt giấy vừa hồi hộp: Giọt màu rơi xuống nở tung một cánh hồng tươi hay ngập ngừng những cánh hoa héo cong queo. Chơi với màu nước không dễ như mình tưởng, chẳng khác gì làm thơ lục bát, rơi vào “vè” như chơi, nếu chỉ cần sao cho vần.

Cả buổi học dài 3 tiếng, tôi học làm ướt tờ giấy và học thổi giọt màu loang

sao cho đúng ý mình muốn, thấy thật là khó.

 

Nhỏ xuống trên mặt giấy

Giọt màu loang loang xa

Như nhỏ một giọt tình

Vào trái tim rất lạ  (*)

 

Trải tờ giấy vẽ trước mặt, tôi nhúng cọ vào nước quét ngang mặt giấy, quét sao cho không sũng nước, không khô quá, quét sao cho đủ độ ướt trên giấy để màu vừa đủ chạy khi tôi cầm một ống hút thổi giọt màu trôi loang theo ý mình. Nghệ thuật thổi màu trôi trên giấy không dễ, cánh hoa thì phải ngưng lại ở đâu và giải mây trắng trên nền trời xanh phải bắt đầu như thế nào.

 

Nếu mà em thổi được

Mùa đông trên tóc anh

Ước gì em nhuộm lại

Cho tình còn màu xanh (*)

 

Tôi phân vân tự hỏi, mấy mươi năm về trước khi đi học vẽ, tôi có đắn đo giữa những giọt màu như bây giờ không? Chắc là không. Cũng như khi còn trẻ, người ta thường ít đắn đo với tình yêu vừa ập tới.

Thế giới màu sắc dắt con người đi thật là xa, nhưng khi còn trẻ, người học vẽ, vẽ một cơn giông với những gam màu u ám vẫn thấy hồn mình hưng phấn, vẫn thấy vui với bức tranh hoàn toàn, dù là bức tranh đầy giông tố. Đến khi lớn tuổi, chỉ một ngọn cây nghiêng ngả trong tranh người ta cũng nghĩ ngay đến một cơn bão theo sau. Nhìn bức tranh vẽ bến thuyền người ta nghĩ đến chia ly hơn là hội ngộ.

Hay là học vẽ động vật cho vui, tôi nói với cô giáo tôi muốn vẽ những con vật. Chọn những con bé bé: cá vàng hay chim sâu.

 

Cô bảo vẽ màu nước dễ nhất là cá, rồi tới chim: vì đuôi cá, vi cá cũng như cánh chim dễ uốn lượn trên giấy màu nước. Dễ với cô giáo không có nghĩa là dễ với học trò, nhất là học trò đã có bàn tay không còn vững chắc lắm, có thể chỉ một ngón tay rung nhẹ cũng làm gẫy cánh chim hay là cụt mất cái đuôi con cá vàng. Chao ôi là khó!

Cứ thế mỗi tuần chúng tôi gặp nhau. Cô giáo trẻ rất kiên nhẫn với học trò già. Cô như mùa xuân cho tôi dựa vào, tôi như mùa Đông cho cô chiêm nghiệm, những ống màu và những trang giấy không có mùa làm trung gian cho hai thế hệ.

Khi một giọt màu nhỏ xuống trang giấy, cô giáo trẻ thổi theo hơi thở khỏe mạnh nhưng rất chừng mực và kinh nghiệm của cô, giọt màu đến đúng kích thước cô muốn cho một cánh hoa hay chiếc lá thì dừng lại. Người học trò luống tuổi vừa thổi vừa ngập ngừng, chỉ sợ cái vệt màu đi vượt qua cái bề mặt chiếc lá mình muốn vẽ, đôi khi hấp tấp vì sợ màu không kịp đến cái cuống hoa mình muốn, nước trên giấy đã khô. Bức tranh đó nào có khác gì câu thơ viết ngập ngừng vì người làm thơ chưa tìm ra đúng chữ.

 

 Em thổi giọt màu trên trang giấy

 Tờ giấy vui mừng đợi hóa thân

 Nụ hồng khe khẽ cong một góc

 Chiếc lá chao xanh một giọt tình  (*)

 

Mùa đông đang trôi qua và mùa Xuân đang đứng chờ trên những tán cây trong vườn.

Tôi  làm cho tờ giấy ướt sũng, vẩy lên đó một chùm màu xanh, một chùm màu đỏ, tôi để cho những vệt màu trôi tự do trên mặt giấy như bàu trời ngoài kia.

Ngoài kia, mùa xuân đang thách thức với đất trời mùa đông trong từng mầm lá, từng hạt nhựa cây.Tôi thổi hai giọt mầu trên trang giấy, tôi kéo dài hai vệt màu đó khéo léo hay vụng về, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là làm sao trên tờ giấy đó hai giọt màu nở bung một mùa Xuân. Một câu thơ Haiku chạy qua những ngón tay.

 

Trên tờ giấy thấm nước

Hai vệt màu cùng nhau hóa thân

Mùa xuân vừa rơi xuống. (*)

 

tmt

Xuân Tân Sửu - 2021

(*) Thơ trong bài -tmt


TUYẾT KHAI

Mồng Hai tuyết trắng như mây trắng

Phủ xuống hiên nhà chiếc chăn bông

Chăn bông dệt sợi len đông giá

Đắp thế nào cũng lạnh đôi chân

 

Đôi chân đi biết bao ngàn dặm

Ngón nào vẫn nhớ mảnh đất quê

Ngón nào vẫn chạnh đời dời đổi

Lúng túng trong giầy bối rối đi

 

Mồng Hai ngửa bàn tay ra hứng

Tuyết trắng như đường giữa kẽ tay

Nếm vị thời gian nghe chút mặn

Mặn ngọt chia chung nỗi vơi đầy

 

Mồng Hai đứng giữa trời đất trắng

Hình như có tiếng gọi thật xa

Tôi phà hơi ấm vào tay lạnh

Tiếng gọi…Chao ôi, từ quê nhà.

 

tmt

 Tân Sửu-2021

 

Wednesday, February 10, 2021





Thursday, February 4, 2021

The Hill We Climb Trần Mộng Tú dịch


Ngày đã bắt đầu rồi
Sao vẫn đầy bóng tối
Mất mát nào cưu mang
Đại dương nào ta lội

Từ bụng con quái thú
Ta bước đi can trường
Yên lặng ở quanh ta
Chẳng phải là êm ả

Trong tín điều đưa ra
Công bằng hay công lý
Chưa định phân rõ ràng
Thì bình minh đã đến

Ta đã có kết quả
Không biết bằng cách nào
Ta đã được chứng kiến
Một cường quốc còn nguyên
Dẫu chưa được hoàn thiện

Ta chính là hậu duệ
Của thời điểm xa xưa
Nơi đứa bé da đen
gầy gò, sống với  mẹ
một bà mẹ độc thân
đứa bé được đọc thơ
ngày đăng quang Tổng thống
nó mơ làm Tổng thống

 Mặc dù rất xa vời

Những lịch lãm uyên nguyên
Không thể nào dựng được
Một đế chế hoàn toàn

Chúng ta chỉ ao ước
Một liên minh an hòa
Một chính quyền tôn trọng
Văn hóa và màu da

Chúng ta cùng ngước nhìn
Không vì ai bên cạnh
Mà hãy nhìn những gì
Sừng sững giữa chúng ta

San bằng hố chia rẽ
Kéo chia biệt ra xa
Đặt tương lai trên hết
Chỉ còn Ta với Ta

Hãy bỏ khẩu súng xuống
Để cánh tay nối dài
Không ai tổn thương cả
Mọi người đều an hòa

Để thế giới công nhận
một sự thật hiển nhiên
trong nước mắt trưởng thành
đớn đau ta hy vọng

Ta gắn liền với nhau
Không phải vì thất trận
Mà cho chính chia rẽ
Không có dịp nảy mầm

Trong Kinh Thư đã nói
Chúng ta được nghỉ ngơi
Dưới giàn nho xanh tươi
Dưới cây vả an bình

 Hãy sống cương vị mình

Không làm ai sợ hãi
Thanh kiếm không mang lại
Vinh quang bằng nhịp cầu

 Ngọn đồi ta trèo lên
Khi là dân tộc Mỹ
Không bởi vì kế thừa
Mà chúng ta bước vào

Cùng chung nhau hàn gắn
Cùng chung nhau chia sẻ
Chúng ta đã nhìn thấy
Quốc gia gần nát tan

Thay vì chia sẻ nhau
Lại đang tâm chia rẽ
Dân Chủ bị trì hoãn
Nhưng không mất bao giờ

Hãy trông vào sự thật
Lịch sử đã chứng minh
Dân Chủ đôi khi trễ
Nhưng không mất bao giờ

Đã đến thời cứu độ
Phút kinh hoàng đã qua
Sức mạnh và lòng dân
Ta lật trang Sử mới

Ta tặng nhau tiếng cười
Niềm tin và hy vọng
Trong khoảnh khắc sinh tử
Sức mạnh ta vô cùng

Nếu có ai muốn biết
Làm sao vượt thảm bại
Hãy kiên cường đáp lại
Tai ương không đánh bại
Đè bẹp được chúng ta

Không quay về chốn cũ
Ta đi về tương lai
Một xứ sở bầm dập
Nhưng nguyên vẹn hình hài

Một đất nước oai hùng
Nhưng tràn đầy đức hạnh
Một dân tộc tự do
Cầm trong tay sức mạnh

Ta không quay đầu lại
Không ngập ngừng đắn đo
Không để ai đe dọa
Ta quay đầu trở lui

Mỗi hành động của ta
Phải vô cùng thận trọng
Những lầm lẫn của ta
Thế hệ sau mang vác

Ta kết hợp tình thương
nhân từ và sức mạn
tình yêu thành di sản
cho con cháu chúng ta

 Để lại một quốc gia

đẹp hơn nơi ta qua
nơi mỗi hơi ta thở
cho con cháu chúng ta

Từ bộ ngực bằng đồng
Bàn tay ta cùng vỗ
nâng thế giới bi thương
thành thế giới tình thương

Từ Viễn Tây núi vàng
Từ Đông Bắc lộng gió
Nơi cha ông  ta đã
Làm cách mạng khơi nguồn

Từ Trung Tây đại hồ

Từ miền Nam nắng lửa
Ta gọi nhau trỗi dậy
Ta xây lại hoang tàn

Ta đi vào ngõ ngách
Góc khuất của quê hương
Sẽ tìm thấy nhiều người
Mang rất nhiều vết thương
Những vết thương rất đẹp

Khi ngày mới sẽ tới
bước ra khỏi bóng tối
hân hoan không sợ hãi
hực lửa không khiếp sợ

Bình minh được nở rộ
Khi ta giải phóng nó
Vì chính ánh sáng đó
Hắt ra từ bình minh

Chỉ cần ta can đảm
nhìn cho rõ Bình Minh
Và ta đủ can đảm
trở thành một Bình Minh.

Trần Mộng Tú, 1-22-2021 

from: Amanda Gorman, The Hill We Climb