Tuesday, December 30, 2014

Thư cuối năm và những con chim cánh cụt

 Các chị bạn thân mến của tôi.

Hôm nay, buổi tối cuối năm, tôi mang hai ổ bánh Bông Lan tới cho Trung Tâm Tạm Trú Qua Đêm.

Qua bãi đậu xe, không gian lạnh, tối bưng mắt, cỏ dưới chân sũng nước, lộp độp trên nón những giọt thời gian rơi.

Tối nay khá đông và có nhiều trẻ con, căn phòng như nhỏ lại hơn lần trước. Khu này phần đông dành cho phụ nữ, nhưng người mẹ nào có con nhỏ cũng được đem theo, hoặc những ông bố có con nhỏ cũng được ngủ qua đêm.

Tôi tới đúng lúc mọi người đang xếp hàng lấy thức ăn. Những chiếc đĩa giấy trên tay như vầng trăng mùa đông méo mó.  

Họ co rúm trong những cái áo khoác đen, mũ vẫn chùm đầu, có mấy đứa nhỏ tay áo dài phủ kín bàn tay. Tất cả, trông giống một đàn Chim Cánh Cụt (Chim Penguin) đang rúc vào nhau.

Mấy khay mì Ý sốt cà chua, sợi mì dài múc lên trông như những con trùng màu hồng.

Nhìn chim cánh cụt con đưa cái đĩa ra, nhận những sợi mì con trùng màu hồng thả vào, chúng mang ra bàn, cúi xuống ăn. Sốt cà chua nhòe hai bên khóe miệng trẻ thơ, như có ai vẽ vội trên môi chúng những nụ cười hóa trang màu hồng.

Có người đàn ông Cam Bốt mang bà mẹ già và ba đứa con tới. Đứa con gái khoảng lên tám, da vàng khè, yếu ớt, đứa con trai hai tuổi da trắng tóc vàng, đứa bé nhất cũng là con gái, bà nội bồng trên tay, da đen và tóc quăn rút rít. Gia đình anh ta ghé xin ăn và ngủ trọ qua đêm. Một bức tranh nhiều màu, nhàu nhĩ.

Hỏi sáng mai gia đình đi đâu? Bà nội nói không biết? Cứ ra đường để gió dắt đi.

Tôi đứng sau quầy, phân phát thức ăn, nhìn thằng bé tóc vàng hai tuổi, ngồi hiu hắt trên cái ghế chênh vênh, nó không chịu ăn gì cả.Trong một chốn lạ, ở tuổi nó, một là quấy khóc ôm chặt lấy người thân, hai là chạy lung tung phá, nhưng nó lại ngồi im lặng, không nhìn ai, như một nhà hiền triết tí hon, cô độc. Trông có thương chưa!

Bố nó bảo đừng ai hỏi han nó. Nó vừa ở nhà Foster child ra, nên hư lắm.

Tội quá, thằng bé mới lên hai. Con chim cánh cụt bé bỏng không có cánh của mẹ để rúc vào. Người ta lôi nó đi qua mấy cái nhà rồi, mà nó vẫn chưa có một mái gia đình.
Mẹ nó đang ở đâu?

Con bé da đen tóc quăn rút rít, mới 11 tháng tuổi, bà nội ẵm trên tay. Bà nội nước da nâu xạm pha sắc vàng vàng, đang húng hắng ho. Bà vừa đút chai sữa vào miệng nó, vừa nói bà đang bị cảm.

Con bé tám tuổi, mặt cũng tái mét, không ăn, vào nằm trong một góc phòng.Tối nay cả gia đình năm người của nó sẽ ngủ trong góc đó.

Người bố hỏi mượn con dao để cắt trái táo, hai cánh tay anh xanh lè những hình xâm, gương mặt anh khắc khổ, căng thẳng.

Tôi đưa con dao cho anh, thấy run trong bụng. Nhìn anh vừa khua con dao vừa nói về cuộc chạy thoát khỏi Cam Bốt: “Phim Killing Field chẳng đáng kể gì so với cảnh tôi trải qua.”

Khốn khổ như thế mà anh có tới ba đứa con với ba người phụ nữ khác chủng tộc. Ở một thời điểm nào đó trước kia chắc anh phải có việc làm, có tiền và có nhà chứ. Có tới ba người phụ nữ đã lấy anh rồi mà. Anh ở Mỹ bao lâu rồi. Hoàn cảnh nào đẩy anh tới chỗ không nhà, tôi không dám hỏi.

Mỗi lần mang thức ăn tới, ở lại tiếp thức ăn cho họ, tôi chỉ dám hỏi có ăn món rau không? Có muốn chút thịt không? Có uống sữa không?

Mỗi lần đến chỉ dám nhìn, chụp hình bằng mắt những con người không may mắn đó. Những người phụ nữ tuổi từ sáu mươi tới mười sáu đều có ở đây. Mỗi người một cái túi hành trang nhỏ, tự kiếm cho mình một góc nhà, nằm xuống. Nằm ôm trọn đời mình tối nay. Ngày mai để cho ngày mai tính.

Một số người trong họ, có thể là những con chim mẹ cô đơn, đang ôm bọc quần áo trong lòng mà ngỡ ôm con. (Bạn có biết loài Chim Cánh Cụt, khi mất con, nó đi ăn cắp con của chim mẹ khác đem về không?)

Tôi chỉ rưng rưng nhìn, không dám hỏi, vì hỏi ai trước bây giờ? Hỏi điều gì? Hỏi tại sao? Hỏi nhà xưa? Hỏi chồng cũ? Hỏi vì đâu nên nỗi hay sao?

Xót xa thương nhất là những đứa bé, vì phần đông chúng không cười, và rất ít nói.

Chúng lang thang theo cha hay mẹ nguyên ngày. Đôi chân đã mỏi, ngồi chênh vênh, đứng nghiêng ngả và hình như chúng rất buồn ngủ.

Tôi nghĩ tới mùa đông đang rơi ngoài kia, sáng mai 8 giờ, sương còn đẫm, có khi mưa nhỏ, có lúc mưa to. Chúng đang ngủ, sẽ bị đánh thức dậy, ra khỏi nơi tạm trú này. Vừa nhắm mắt vừa đi theo tay cha mẹ. Lạnh quá! Đi mà không biết đi đâu.

Cuối năm rồi.
Có những con người không có chỗ trở về.
Có những con chim cánh cụt bé bỏng, tìm hoài không thấy đôi cánh mẹ.
Có những con chim mẹ vì một lý do nào đó không tìm lại được chim con.

Các chị bạn của tôi, những bà nội, bà ngoại của đàn cháu nhỏ. Cuối năm các chị đang ôm cháu trong lòng. Đang nghĩ sẽ đút cho nó ăn gì, mua cho chúng thứ đồ chơi nào.

Các chị nhớ mở truyền hình ra, chỉ cho các cháu mình xem, trên những cánh đồng tuyết mùa đông, có những con chim cánh cụt bé bỏng, đang đi tìm đôi cánh của mẹ nó để rúc vào và kìa, có cả những chim mẹ đang lết đôi chân trên tuyết đi tìm con.

Cuối năm, chia may mắn của mình ra từng mảnh nhỏ, nhờ gió mang tới chốn nào cần.

12-30- 2014

TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA VÀ LOÀI NGƯỜI


              Hãy để Thượng Đế yêu mình

Hãy lặng thinh
Hãy đứng yên

                                 Một mình
                                 Trống rỗng
                                 Trước Thượng Đế

Không nói gì
Không xin gì
                        

                          Hãy lặng thinh
                          Hãy đứng yên

Giao cho Thượng Đế
Chăm sóc mình
Chỉ thế thôi, tất cả.

Thượng Đế biết
Thượng Đế hiểu

                                            Người yêu bạn
                                            Tình vô bờ

Thượng Đế muốn
Chăm lo bạn
Với tình yêu
Chỉ thế thôi


                         Im lặng, bất động
                        Hãy để Thượng Đế….Yêu mình.


(Dịch từ bản English: Let your God love you của Edwina Gateley


Rơi Vào Tình Yêu


Không gì thực tế bằng đi tìm Thượng Đế, nghĩa là, điểm cuối đúng nhất là hãy rơi vào tình yêu.

Mình đang yêu điều gì, điều gì nắm được trí tưởng tượng của mình, thì điều đó sẽ ảnh hưởng tất cả.

Điều đó sẽ lôi mình ra khỏi giường buổi sáng,
Mình sẽ làm gì với những buổi chiều
Mình sẽ vui chơi thế nào với những cuối tuần
Sách nào sẽ đọc
Người nào sẽ quen
Điều gì làm trái tim mình tan nát
Điều gì làm mình sửng sốt thống khoái và biết ơn.

Hãy yêu
Ở lại với tình…..Và điều đó sẽ quyết định mọi chuyện.


(Dịch từ bản English: Falling in Love của Fr.Pedro Arrupe S.J (1907-1991)

1/2015

Saturday, December 20, 2014

3 ĐỨA TRẺ Ở WOMEN SHELTER

Mấy hôm trước tôi mang bốn mươi túi ăn trưa đến Women Shelter tôi thấy có ba em người da đen , một em gái độ 12 tuổi, hai em trai khoảng lên 6, lên 7, đang ngồi ăn cơm chiều ở đó. Tôi hỏi người phụ trách:

-        Women Shelter nhận cả trẻ nhỏ à?

Người phụ trách cắt nghĩa:

-         Không, chúng đi theo mẹ, mẹ chúng ra khỏi nhà thì chúng cũng phải ra theo.

Tôi nhìn ba đứa trẻ ngồi ăn trước hai cái khay. Một khay cơm, một khay rau không có thịt cá gì cả. Mấy miếng ớt xanh, đỏ, máy cọng xúp lơ, nguội lạnh. Ba đứa trẻ ngồi ăn ngon lành, mặt mũi tươi tỉnh. Tôi nhìn chúng cười làm quen, chúng bỏ nĩa xuống, đưa tay lên khua khua chào. Thấy chúng ăn mà xót xa. Nghĩ đến mấy đứa cháu ở nhà, cá, thịt đầy bát, Bà nói mỏi miệng mới xong bữa ăn.
  
Khu Shelter này là khu tạm trú qua đêm, phụ nữ tới đây check in vào 8 giờ 30 tối, check out 8 giờ sáng hôm sau. Ai đến sớm thì phải đứng đợi đúng giờ mở cửa mới được vào.

Khi có người đến xin ở qua đêm, người phụ trách dắt ra mở cửa nhà kho (là một cái shed ở góc vườn) lấy ra một miếng nệm trong đống nệm cũ kỹ ở đó mang vào phòng tập thể để ngủ. Ai đói thì có thức ăn gì trên bàn, ngồi xuống ăn. Thức ăn phần đông là do những người làm thiện nguyện mang đến cho, hôm nhiều, hôm ít, nơi đây họ không nấu nướng, chỉ có hâm lại thôi.

Tôi thường mang đến từ hai hay ba chục túi ăn trưa. Trong túi là một cái sandwich, kẹp thịt nguội, pho-mai, một phong bánh nhỏ, một quả quít hay quả cam.

Những túi ăn trưa này, sáng mai khi rời shelter, mỗi người sẽ lấy một túi cho bữa trưa của mình.

Vì không được ở lại ban ngày, nên họ cứ lang thang ở đâu đó, ngoài công viên hay một ngã tư nào, đến tối trở lại.

 Tội nghiệp những người phụ nữ này, phần đông là nạn nhân của những bạo hành trong gia đình. Ông chồng nghiện hút, hay say rượu. Cơn nghiện lên, không có tiền mua rượu, mua thuốc thì đánh vợ con. Vợ con phải tìm đường chạy trốn.
 Khổ hơn nữa là chuyện này thường xảy ra cho gia đình nghèo.Vì người giầu gặp cảnh này, vợ con vào khách sạn, họ ly dị, chia của ngay.

Đến thấy mấy đứa bé ngồi ăn chẳng có gì cả, tôi cứ buồn mãi. Tuần này ra Costco mua một tảng thịt heo to về, cắt miếng chiên vàng, cho gia vị vào, cho thêm khoai tây, cà rốt. Làm một khay to ngon, bổ cho mấy đứa trẻ.

Tối nay, nhìn đồng hồ, 8 giờ 30, là giờ mở cửa Shelter, hai vợ chồng mang khay thịt vừa nấu xong và hai mươi túi ăn trưa như thường lệ tới. Tôi định trong bụng là thấy mấy đứa trẻ hôm trước thì sẽ nói người phụ trách cho các em ăn khay thịt ngay. Nhưng buồn quá, ba đứa trẻ hôm trước không có ở đó. Hôm nay chỉ toàn người lớn.

Shelter mừng có người mang thức ăn tới, vì bao giờ họ cũng cần. Mỗi tối họ có trên dưới bốn mươi người đến ăn tối và ngủ lại. Thức ăn thì hôm nhiều, hôm ít, tùy thuộc vào những người thiện nguyện đem tới.

Tôi cứ đứng ngẩn ngơ nhìn cái bàn hôm trước có ba đứa trẻ ngồi, nhớ đến cái khay cơm, khay rau nguội lạnh chúng ăn hôm đó. Thấy mình có lỗi qúa, nếu mình làm được ngay một, hai hôm sau thì có thể gặp lại ba đứa trẻ, cho chúng ăn ngon. Mình đến cả tuần sau, trễ quá! Chúng đi mất rồi.

Mẹ chúng đem chúng đi đâu, chúng còn trở lại không nhỉ? Một tuần tôi mang thức ăn đến một lần, liệu tôi có cơ hội gặp chúng nữa không?

Tôi mong không gặp lại, bố chúng đã đi cai thuốc, cai rượu rồi, không đánh mẹ con chúng nữa. Gia đình đầm ấm, ba đứa trẻ có thức ăn ngon.

Nhưng nếu bố chúng chưa cai, vẫn tiếp tục bạo hành, thì mẹ con chúng còn trở lại đây hay dắt nhau trôi dạt vào một shelter khác.

Tôi mong chúng trở lại đây, tôi hứa với lòng là sẽ làm bánh Cupcake cho chúng vào Giáng Sinh này, nếu tôi còn gặp lại chúng một lần nữa.

Tôi sẽ hỏi tên từng đứa và mua cho mỗi đứa một cái áo mới, đẹp, như những cái áo tôi mua cho ba đứa cháu nội, ngoại của tôi.

Cứ nghĩ chưa làm được cái gì cho ba đứa trẻ ấy mà muốn khóc.

Nhưng dù sao chăng nữa, Giáng Sinh tôi vẫn mang Cupcake đến shelter. Không gặp ba đứa trẻ hôm trước, có thể tôi sẽ gặp những đứa trẻ khác. Đứa trẻ không may mắn nào cũng mong nhận được tình thương yêu.

Mùa Giáng Sinh 2014

Sunday, December 14, 2014

TỪ LÚC NÀO

Cô con gái tôi mang thằng cu anh, gần 4 tuổi đi thăm cô bạn thân mới sanh ở San Diego, nhờ mẹ sang hai ngày trông con bé em mới hơn 2 tuổi.

Khi con gái tôi mới sanh cho tôi đứa cháu đầu tiên, một chị bạn ở xa viết thư mừng kèm theo lời nhắn “Nhớ là chị không phải làm mẹ nữa nhé, chỉ là bà thỉnh thoảng sang chơi thôi.” Bạn dặn thấy có lý đấy, nhưng lý làm sao hơn được tình, nên vẫn: “Cá chuối đắm đuối vì con”

Sáng dậy, thay tã, thay quần áo, cho cháu ăn ngày ba lần, nhớ cho cháu uống sữa. Bồng lên, đặt xuống, hát bài “Em có nuôi một con chó, trông nó to như con bò.”  rồi hát bài “Jingle Bells” cho cháu hát theo.

Nhờ có anh lớn nói giỏi nên em bé bây giờ cũng nói, cũng hát không kém gì anh.

Mọi khi, chỉ trông cháu, chơi với cháu vài ba tiếng. Dịp này một mình với cháu tới hai ngày, tôi học được nhiều điều lạ lùng về trẻ nhỏ.

Tôi chắc mình đã quên mất những chi tiết nhỏ nhặt của con mình thời thơ dại, hay tại lúc trước mình quá bận, nên không để ý đến trẻ con biết được những gì ở tuổi lên ba.

Nhìn thấy một con bé con, hãy còn mặc tã, ôm búp bế, vỗ vỗ lên lưng rồi nói:

-         You o k, o k, baby, don’t cry, I love you.

Tôi biết là cô bé nhắc lại lời của mẹ dỗ cô, mỗi khi cô khóc hay cô ngã, nhưng tôi tự hỏi:

 Thượng Đế đã dạy người phụ nữ làm mẹ bắt đầu ở tuổi nào?

Cô dỗ em xong, vào bếp, mở mấy cái ngăn kéo, mang nồi, xoong, chảo ra. Vừa khệ nệ vác cái nồi nặng và to vừa nói:

-         Bà, I cooking
-         Con cook cái gì? Con có cook fish không?
-         No Bà, I cook chicken

Thượng Đế đã dạy người phụ nữ làm nội trợ bắt đầu ở tuổi nào?

Có lúc vừa ôm em, cô vừa hút bụi. Cái hút bụi đồ chơi bằng nhựa kêu vang nhà. Miệng cô thì ngậm cái tù ti, tay phải ôm em, tay trái hút bụi. Cô làm trông rất gọn gàng.

Thượng Đế dạy người phụ nữ tài đảm đang bắt đầu ở tuổi nào?

Thỉnh thoảng cô nhớ mẹ, cô kêu “Mama” bà dỗ một lúc hát mấy bài là cô quên ngay. Nhưng đến chiều tối, cô nghe tiếng động là cô kêu ầm lên:

-         Daddy home, Daddy home.

Khi bố cô về, là cô trở thành một con bé khác, cô nhõng nhẽo, cô đòi cái này, cô chê cái kia. Cô bám chặt không cho bố đi tắm.

-         Daddy no shower

Bà phải can thiệp, mãi cô mới bằng lòng buông bố ra. Cô kể ra một lô kẹo cô biết là thế nào cũng phải được một thứ, bố cất ở đâu đó. Những thứ này bà và mẹ ít khi cho cô.

-         Daddy, jelly bean, chocolate, m and m

Rồi cô xòe bàn tay ra nói: “two” để bố cô đặt vào 2 viên kẹo nhỏ xíu màu xanh đỏ.

Thượng Đế dạy người phụ nữ biết yêu sách phái nam bắt đầu ở tuổi nào?

Tôi nói với con rể:
-         Cả ngày chơi với bà, ngoan lắm. Bố về mới bắt đầu nhõng nhẽo.

Con rể cười nói:

-         Con gái mà, giống mẹ đấy bà ạ. Mai mốt lớn hơn nữa, con phải chiều một lúc tới hai người phụ nữ cơ.

Ở nhà con, trông cháu hai ngày. Khi cháu ngủ tôi làm những việc vặt trong nhà. Ngồi gấp những cái quần áo nhỏ xíu của hai đứa bé, lẩn thẩn nghĩ. Không biết mình còn sống được bao lâu để nhìn thấy những chiếc quần áo này rộng hơn, dài hơn, nhìn thấy cháu trưởng thành trong một xã hội đầy phức tạp này. Cô bé đó liệu có muốn thành người nội trợ mang nồi ra nấu cơm, vừa hút bụi vừa ôm con vỗ về hay cô trở thành một con người nào đó luôn bay từ nước này sang nước khác, làm một cái công việc chỉ cần đến trí óc. Cô không cần đến đảm đang, mềm mỏng của một bà nội trợ và nhất là cô không có cái nhu cầu phải nhõng nhẽo phái nam.

Không lẽ, công của Thượng Đế dạy cô những cá tính tuyệt vời của phụ nữ từ tuổi thơ, bay đi như mưa, như mây hay sao?

Nếu thế thì tiếc thật!


Sunday, November 30, 2014

NHỮNG ĐÔI VỚ TRẮNG

Tôi đến Costco mua đầy đủ thực phẩm để nấu món Clam Chowder là món tôi nhận phần của mình sẽ nấu vào ngày lễ Tạ Ơn trong năm nay cho gia đình.

Ra đến xe, bỏ thực phẩm vào cốp xe mới nhớ ra là mình quên mua vớ trắng. Mấy đôi vớ này, ghi ngay ở đầu tờ giấy, thế mà vào trong đó mải tìm mua nghêu tươi, quên mất, vì không ai cho vớ vào nồi xúp bao giờ.

Ở nhà thờ của tôi, tuần vừa qua, đã đặt hai cái thùng giấy thật to ở hai phía cửa bên trong nhà thờ. Hàng chữ viết: Socks for Homeless, dán ngay trên nắp thùng.

Lạ lắm, vớ cho người vô gia cư, bao giờ nhà thờ cũng chỉ nhận một loại: Vớ len trắng dài. Không nhận vớ ngắn, không nhận màu gì ngoài màu trắng.

Năm nào đến mùa lễ Tạ Ơn tôi cũng đi mua vớ trắng cho những bàn chân không nhà. Tôi đang hình dung ra, một người trông rất cũ kỹ, đi đôi giầy cũ kỹ hơn và đôi vớ trắng đó, sẽ ngồi xuống bậc thềm nào để tháo giầy, và hai bàn chân đó có đủ ấm không?

Đã không nhà thì làm sao có bậc cửa ngồi xuống cởi đôi giầy ra, tiến về phía cái lò sưởi ấm áp giữa nhà, hơ đôi bàn chân lạnh của mùa đông bên ngoài đã len lỏi trong những ngón chân cong.

Những người nhận vớ đó có thể là một ông già, râu tóc rối cả vào nhau, quần áo hai ba lớp, đang cầm những chiếc đĩa giấy, đứng xếp hàng chờ phần ăn của mình được múc vào. Hay những người khác, không rõ là già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà nhất là trong mùa đông. Vì họ trông giống nhau quá, quần áo hai ba lớp, mũ nón đội lụp xụp che cả nửa khuôn mặt, khó mà phân biệt được.

Họ đang đứng ở một ngã tư nào đó trong thành phố, với những cái bảng xé ra từ một cái thùng giấy vứt đi của siêu thị, họ tự viết nguệch ngoạc mấy chữ: Cựu Chiến Binh Việt Nam, hay Không nhà, Không việc, Con nhỏ và thêm một hàng bên dưới Cần Giúp Đỡ.

Họ có cần những đôi vớ trắng này không? Tôi chắc họ cần, nhất là trong mùa đông.

Khi mua vớ xong, tôi ra về, trên lối đi bên kia đường, tôi thấy có hai con chó lông xù, chủ nhân là một phụ nữ, đang dắt chúng đi dạo. Hai con chó được mặc áo len dầy, ôm kín từ lưng xuống bụng, đầu có đội mũ len nữa, trông chúng ấm áp lắm. Hai con chó với tám cái chân được đi vớ dài từ cổ chân lên tận đùi (chỉ chừa phần bàn chân).

Mấy chiếc vớ chúng đi mầu đỏ cho phù hợp với mùa lễ hội đang tới.

May quá chúng không đi vớ trắng! Nếu không, tôi sẽ bối rối lắm.

Những đôi vớ trắng như những cụm mây, bay bập bềnh cùng tôi trong suốt những này lễ hội mùa đông.

11/25/2014


Tuesday, November 18, 2014

Ở PHÒNG TẬP THỂ DỤC

Tôi tới cái Gym gần nhà, cố giữ bốn, năm lần một tuần. Cuối tuần thì chắc chắn là khó đi lắm. Ở đó độ hai tiếng. Lên máy đi bộ khoảng 2 miles (45 phút), rồi đi lòng vòng trong đó, nâng cái máy này, đủn cái máy kia một chút, cho cả chân tay đều phải hoạt động. Con trai tôi nói, mẹ cứ nhấc cho con 5 lbs một bên. Cứ làm từ từ ít cái một theo sức mình. Bao giờ quen thì làm nhiều lần hơn. Mẹ già rồi nên tập đều đặn nhưng chầm chậm lại.

Ừ thì nhấc, xem được bao lâu. Giống như hồi trẻ chơi banh, chơi nhẩy giây hay túc cầu. Cái gì cũng háo hức thử, rồi bỏ.

Tôi bước vào phòng tập thể dục, lúc 2 giờ trưa. Giờ này thường vắng người. Đông nhất là sáng sớm và buổi chiều vì người ta tới đó trước khi đi làm hay sau khi ở sở về. Giờ này cũng là giờ của những người đã về hưu rồi.

Chưa kịp vào phòng thay quần áo, tôi chợt nhìn thấy trên hai cái máy chạy bộ trước mặt, có hai cụ già đứng cạnh nhau. Hai cụ tóc trắng phau, trông mong manh lắm. Cụ ông đứng trên máy, nhưng chưa bước vì còn lo cho cụ bà đứng vững đã. Cụ mở số chậm nhất rồi giữ tay cho cụ bà bắt đầu bước, bước thật chậm, từng bước một. Khi cụ bà đứng vững rồi, cụ ông mới mở máy của mình. Cũng thật chậm, từng bước một.

Hai cụ đứng trên hai cái máy, bước thật chậm, hai tay vịn hai bên then ngang, đưa lên đưa xuống. Hai cụ cùng gầy, khom khom lưng, quần áo mỏng màu trắng sữa nhàn nhạt, tóc bạc trắng lưa thưa. Cái máy giúp hai cụ bước chầm chậm, tay đưa lên đưa xuống chầm chậm. Trông như hai phi hành gia bay trên không gian, không có trọng lực, là là giữa gian phòng. Tôi ngẩn người ra nhìn hai cụ.


Cứ tưởng nơi này chỉ để cho những người còn trẻ, hay còn khỏe. Chạy máy rầm rập cả gian phòng. Hai cụ ít nhất ngoài 80 tuổi, cũng tới đây, leo lên máy mà không làm ra tiếng động nào.

Không biết có phải hai cụ, tự mình lái xe đến đây hay con cháu đưa tới.

Tôi thay quần áo ra tập được 15 phút thì thấy hai cụ sửa soạn tắt máy ra về. Cũng cụ ông tắt cái máy của mình trước, rồi tắt máy của cụ bà, đỡ cụ bà xuống hẳn máy mới buông tay ra. Cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng. Hai cụ không thay quần áo trong buồng tắm mà ra về thẳng.

 Tôi nhìn theo hai cái lưng còng, hai bàn tay nắm lấy tay nhau, đi thật chậm ra cửa.  Không có ai đón, tức là hai cụ tự lo cho nhau.
 
Tôi hình dung ra ở một khu chung cư nào gần đây. Trong một căn hộ nhỏ, hai cụ tự lo cho nhau miếng ăn, giấc ngủ. Vẫn lái xe, vẫn đi Gym thì chắc hai cụ phải còn những sinh hoạt khác trong những hội cao niên hay nhà thờ, trường cũ, bạn xưa.

Cứ chầm chậm mà bước. Càng bước chậm thì con đường trước mặt càng kéo dài ra hơn nữa. Tôi cần học cách chấp nhận khôn ngoan này của hai cụ.

Nov.14/2014

HAI ĐỨA CHÁU NỘI

Bà nội xuống Cali thăm thằng cháu đích tôn, mới ra đời. Thằng Cu khỏe mạnh, ngoan, ít khóc, bú sữa mẹ. Mẹ nó bị mổ nên đi dứng hơi khó khăn. Bà nội đi chợ với con trai, con dâu dặn chồng: Anh nhớ mua thịt bò bằm.

Thịt bò bằm mua về, con dâu lom khom xuống bếp làm cơm cho chó. Con Malie 14 tuổi, con Jude 7 tuổi. Chúng ăn cơm trắng với thịt bò bằm sống. Hai con chó giống Đại Hàn. Con Malie, con trai nuôi trước khi gặp vợ nó, con Jude nuôi sau. Đối với vợ chồng này, hai con chó là con lớn của họ, thằng Cu mới ra đời là con nhỏ. Họ chắc yêu thằng Cu nhiều hơn (Nếu phải đem ra so sánh) nhưng không vì thế mà lơ là với hai con lớn.

Nhà nhỏ, chó ngủ trong nhà, dưới chân giường bố mẹ. Khi bố vừa ra khỏi giường      chó nhẩy lên giường nằm cạnh mẹ. Em bé thì ngủ trong nôi.

Chó thích ngủ với người, nên đôi khi nhẩy cả lên giường bà nội. Nhưng chó khôn lắm, bị đuổi vài lần không dám lên giường nữa, chỉ ngủ ở dưới bên cạnh giường thôi.

Malie già yếu, lông rụng đầy thảm, mỗi ngày phải hút bụi nhưng vẫn để ở trong nhà, không dám cho ra nhà xe, hay xuống bếp.

Malie xụt cân, mẹ đưa đi bác sĩ, chiếu phổi, siêu âm. Bác sĩ nói bị ung thư. Bây giờ nó già yếu rồi, không chữa được nữa, nó muốn ăn gì thì cho nó ăn. Mẹ đi mua lườn gà về nấu chín, trộn vào cơm.

Bố nghe tin Malie bị ung thư, đi làm về, ôm Malie vào lòng, ràn rụa nước mắt.


Bà nội đang bế Cu, Jude tới liếm vào mặt em, bà hốt hoảng đẩy ra. Mẹ nhìn bà với con mắt đầy ngạc nhiên, như hỏi: “Tại sao lại nỡ đối xử như thế với con tôi!”

Từ đó, bà nội sợ, không dám than phiền một câu nào về hai con chó, chỉ biết ôm cháu sang buồng khác mỗi lần hai con chó đến gần. Lâu lâu bà cũng phải khen hai con chó một câu để lấy lòng con dâu.

Tối tối bà nội ngủ với mùi chó quanh quẩn bên mình, tự nhủ: Đây là hơi hướm hai đứa cháu nội đầu tiên của mình.

Long Beach 11/2014