Saturday, July 5, 2014

LÀM THƠ và LÀM VƯỜN

 Thi sĩ hỏi Người Làm Vườn: 
- Công việc làm vườn thế này thì mùa nào là mùa bận nhất trong năm? 
Người Làm Vườn nói:
- Đầu Xuân thì tôi tỉa cành, ngắm dáng cho cây, thêm phân vào đất, dựng lại hàng rào, vun lá mục còn lại của mùa đông, treo thực phẩm cho chim trên cành. Tỉa cành thì phải lựa theo dáng cây, theo ý của chủ nhân chứ không phải lựa hoàn toàn theo được ý mình. Có người muốn biến cây thành con hạc, con nai, có người muốn thành hình vuông, hình tròn, có người muốn cắt tỉa mà trông vẫn phải tự nhiên. Mình tỉa cành độ vài ba mùa là biết được tính nết của chủ nhân. Khi những loại cây ra hoa bắt đầu kết nụ thì làm sao giữ cho nụ đừng rụng trước khi nở, điều này hơi khó vì còn tùy thuộc vào khí hậu. Năm nào nắng ít mưa nhiều thì nụ không nở hết, hoa không mãn khai vì hoa vừa hàm tiếu đã bị sũng nước, phải cắt đi ngay để cây khỏi phải nuôi thêm một cành hoa không nở. Những loại cây cho trái thì phải theo dõi thời kỳ kết quả, phải tỉa bớt những quả non trước khi lớn. Vì nếu tham lam giữ tất cả trên cây, trái sẽ nhỏ và không đủ ngọt. Có khi chưa kịp lớn đã rụng nên có muốn ôm giữ lấy hết cũng không được. Treo thực phẩm cho chim đến ăn cũng không phải là dễ. Con blue jay, con humming bird, con én, con sẻ, con chào mào, mỗi con thích ăn một loại hạt khác nhau. Những con chim ngói hay thích sà xuống vườn để nhặt sâu trong cỏ nhưng lại sợ những con sóc và chú mèo. Nếu chủ nhân vừa thích nuôi mèo vừa muốn có chim chóc vào vườn mình thì phải để mắt vào chú mèo luôn luôn.

Sang đến mùa Hạ cỏ mọc nhanh lắm, vừa lo cắt cỏ, vừa trồng thêm những loại hoa có đời sống ngắn, chỉ sống có một mùa và không quay trở lại. Những loại hoa có đời sống ngắn ngủi này thường là hoa nhỏ và màu sắc sặc sỡ nên lúc nào cũng được chú ý. Cỏ cắt cho ta hương thơm dịu dàng nhưng vẫn nồng nàn. Đứng nhìn một vườn cỏ xanh mướt thẳng tắp lại cho hương thơm, lòng ai mà không rung động. Rồi những trái cây nặng trĩu trên cành, mỗi trái cho một hình dáng, một hương, một vị khác nhau, không trái nào giống trái nào. Tôi làm vườn gần suốt đời người vẫn chưa hình dung ra được trái cấm trong vườn Địa Đàng có hình dáng làm sao.

Mùa Thu đến tôi gom lá rụng. Ngày nào cũng cào lá trên cỏ mà tưởng như không bao giờ hết, vì không phải chỉ có lá trên cây của khu vườn mình rơi xuống mà có những chiếc lá thật xa bay đến rơi vào. Có chiếc lá lạc đến trông rất ngỡ ngàng không biết nó đã vượt qua bao cánh rừng, bao thành phố mà đậu lại đây. Những lúc gặp một vài chiếc lá như thế, tôi phản ứng thật vụng về. Gom chung nó vào cùng với những chiếc lá trong vườn hay chôn chúng riêng ở một gốc cây nào! Tôi nghĩ mùa thu không phải là một mùa vui thú cho kẻ làm vườn.

Mùa Đông tôi ngủ một giấc thật dài, mặc dù thỉnh thoảng tôi bị đánh thức dậy vì một vài trận bão. Bão đến làm đổ cây, gẫy hàng rào. Nhưng tôi không thắc mắc, chỉ thu gọn vào một chỗ đợi mùa Xuân đến mới bắt tay vào việc. Củi lúc nào chẳng chất đầy lò. Việc nhóm lửa không phải là việc của Người Làm Vườn.

Thế còn Làm Thi Sĩ mùa nào bận nhất, và mùa nào thì được ngủ những giấc ngủ dài? 
Người làm thơ đứng trầm ngâm một lúc, chậm rãi trả lời:
- Thơ thì bận cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Còn Thi Sĩ ngủ suốt bốn mùa. Trong giấc ngủ dài đó, Thơ tự nó chiết cây, tỉa cành, kết nụ, đơm hoa vào mùa Xuân. Cỏ tự nó vươn cao, xanh ngắt, hoa tự nó sặc sỡ tỏa hương trong mùa Hạ. Lá vàng, lá đỏ, cành gẫy, cây đổ không phải ở trong mùa Thu, mùa Đông mà ở giữa trang thơ. Ngay cả những hạt kê cho chim ăn rơi ra từ máng, hay con giun trốn ở dưới phiến đá người làm thơ cũng nhặt lấy, cũng tìm ra rắc vào thơ, đặt vào giấy. Khi Người Làm Vườn tỉa đi những quả non, hốt đi những đám lá khô, chặt đi những cành mục thì người làm thơ cũng bỏ đi những bài thơ không phải là thơ, những chữ không phải là chữ. Những quả non đã bị thui chột không bỏ đi, cố giữ trên cây, sẽ trở thành quả đắng, chát, không có hương thơm. Chữ vô nghĩa không chuyên chở được ý không phải là thơ. Người Làm Vườn miễn cưỡng phải uốn cây theo hình con hạc, con nai cho vừa ý chủ nhà.

Nhưng Thi Sĩ thực sự là Thi Sĩ không phải làm thơ theo một chiều hướng nào, một nhu cầu nào ngoài chính nhu cầu của trái tim Thi Sĩ. Thi Sĩ không làm thơ theo cơn gió mà cơn gió phải đem thơ đến cho Thi Sĩ. Không phải chỉ vì mưa mà Thi Sĩ làm thơ nhưng chính Thi Sĩ làm những giọt mưa thành một trận bão thơ. Chiếc lá vàng từ phương xa bay lạc vào vườn không biết nói, Thi Sĩ phải than khóc hộ nó. Thi Sĩ có bổn phận làm cho chiếc lá hiện hữu. Người Làm Vườn không thắc mắc về hình dáng trái cấm trong vườn địa đàng nhưng Thi Sĩ vẽ ra một trái cấm với trăm nghìn hình thể khác nhau để người đời chiêm ngắm. Với Thi Sĩ, chẳng có trái cây nào gọi là trái cấm và ngược lại chẳng có trái cây nào cắn vào mà không vướng ở cổ cho đến tận kiếp sau.
Khi Người Làm Vườn chất củi thành đống trong lò thì Thi Sĩ là người đến châm ngọn lửa. Mặc dù Thi Sĩ ngủ cả bốn mùa nhưng ngọn lửa trong trái tim không bao giờ tắt. Như thế so ra công việc làm thơ và làm vườn không khác nhau là mấy. 
Người Làm Vườn bảo:
- Thích quá! Hay là mình đổi việc cho nhau.
Từ đó người ta không phân biệt được giữa Thi Sĩ và Người Làm Vườn.