Mùa hè năm 1954 tôi mới được 10 tuổi. Tôi chưa học hết tiểu học.(Vì gia đình tôi hồi cư về Hà Nội trễ.) Hai bàn chân bé của tôi được tham dự vào “Cuộc bỏ phiếu bằng chân” của một triệu người miền Bắc di cư vào Nam.
Lúc đó ba tôi đang làm việc cho Sở Địa Chánh, Hải Phòng. (Ba tôi từ Hà
Nội thuyên chuyển xuống làm việc ở đây đã được gần 4 năm)
Sau những năm loạn lạc từ Hà Nội về
Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định rồi hồi cư muộn màng về Hà Nội (vì sợ Pháp bắt lại dọc đường). Cha mẹ tôi chắc chắn không còn chọn
lựa nào khác ngoài việc vào Nam để tránh Cộng
Sản. Phải bỏ nhà mà đi thôi.
Gia đình tôi bắt đầu bán dần đồ
đạc trong nhà. Từ cái to lớn như cái giường ngủ Hồng Kông của ba mẹ, cao lêu khêu có bốn cái cột đồng để giăng màn, cái sập gụ, tủ chè, cái bàn tròn gỗ mun mặt bằng đá, đôn sứ cho đến những cái nhỏ bé như chậu rửa mặt bằng đồng, bát đĩa, nồi xoong. Người đến mua, là những người ở lại, không tính vào Nam,
nhân cơ hội này họ kiếm được chút tiền. Mua xong họ mang ra chợ trời
bày la liệt ngoài đó bán lại, nên lúc nào cũng có người
lạ ra vào nhà tôi tấp nập.
Nhà tôi ở ngay
trước Vườn Hoa Con Cóc, nơi người ta mang những thứ mua đi, bán lại
bày ra ở đó, nên buổi trưa, tôi có
thể theo anh chị lớn ra xem chợ trời.
Chợ trời lúc đó hấp dẫn lắm. Không thiếu một thứ gì trong
nhà mà không tìm thấy ở ngoài trời. Giường Hồng Kông, sập gụ, tủ chè, hoành phi câu đối, đôn sứ, tràng
kỷ, quạt máy, đĩa hát, nồi niêu, bát đĩa và nhất là sách.Với tuổi của tôi, tôi
chỉ nhớ là rất nhiều sách: Sách tiếng Pháp, Tự Điển, Sách học
đủ các môn và Tiểu Thuyết của người lớn tuổi. Ít ra thì
các anh chị Trung Học mới được chạm tay vào. Nơi này một tấm bạt, nơi kia một cái chiếu bày la liệt từ sáng đến tối. Người bán
cũng hấp tấp, người mua cũng vội vàng.
Có người không buôn bán gì, nhưng
tính ở lại, nên cũng ra đó xem có cái gì hay, cái gì rẻ thì mua về. Độ
năm, ba ngày sau, nghe ai thúc giục, rủ đi Nam, lại mang những thứ vừa mua được cộng thêm
những thứ ở nhà mình, xếp cả ra chợ trời.
Mẹ tôi mua về nhà những cái thùng
gỗ, hồi đó là thùng sữa “Con Chim” đóng hành lý của cả nhà, vào trong đó, mỗi người một cái. Chỉ mang quần áo và một ít phụ tùng cần thiết như đồ
nấu bếp, thuốc men thôi. Còn tất cả, cái thì bán, cái cho họ hàng ở
lại.
Mẹ con chúng tôi lên máy bay vào Nam
trước. Ba tôi đi sau, vì phải ở lại đến phút chót bàn giao Sở cho chính phủ
mới.
Gia đình chúng tôi tới Tân Sơn Nhất
vào một buổichiều (trong ký ức của tôi) cuối tháng 8 năm 1954. Phi cảng Tân Sơn Nhứt đông nghẹt;
tính trung bình mỗi 6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến
4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635
người.(Wikepidia)
Thử tưởng tượng ngần ấy con người
với hành lý trút xuống sân bay, sau đó được phân tán, trú ngụ tạm mấy ngày trong
những lều vải, trước khi tìm được nơi chốn cư trú lâu dài.
Cha mẹ, vợ chồng, con
cái chen chúc trong đám đông đó. Thất lạc
nhưng rồi cũng tìm ra nhau.
Hành lý cá nhân mới là một chuyện
khó lòng kiểm soát. Có người di tản với gánh nặng ngàn cân trong lòng nhưng hành
trang nhẹ hẫng, chỉ là một cái túi vải trên vai. Có người
đem theo tối đa những gì họ có thể đem được.
Trên một khoảng đất rộng mấy trăm thước
vuông: va-li, thùng giấy, thùng gỗ, bao tải, túi vải, đủ các cỡ lớn, nhỏ, vuông,
tròn, dài, ngắn, được tháo đổ xuống. Mọi người tự
tìm hành lý của mình. Tôi và em tôi còn nhỏ, mọi việc đều do mẹ tôi và anh chị
lớn hơn lo.
Mẹ tôi tìm mãi vẫn thấy thiếu bốn
cái thùng sữa đựng quần áo của chúng tôi. Đi tới đi
lui cả ngày xem ai có lấy nhầm sẽ đem
trả. Đến tối cả nhà lại kéo nhau ra bãi
thả đồ đạc để tìm mấy cái thùng sữa của nhà
mình. Vẫn chẳng thấy cái nào cả chỉ có mấy cái bao vải bố,
loại bao đựng 1 tạ gạo nằm chơ vơ còn lại. Mẹ tôi
bảo:
-
Thử xem trong này có gì mà
người ta không lấy, lại lấy cái thùng của mình.
Cả nhà xúm lại, mở ra, bên trong
toàn là sách cũ. Cả ba cái bao to tướng chất đầy sách.
Cái bao đầu tiên mẹ tôi lôi ra được cuốn Tam Quốc Chí, mẹ nói:
-
Mang về lều đọc, họ lấy quần áo của
mình, vứt lại ba cái bao này, không ai nhận thì mình
nhận vậy.
Thế là ba bao sách to
bằng ba bao gạo được cả nhà hì hục kéo
về lều. Sáng hôm sau mẹ tôi lên Phòng Điều Hành báo cáo về bốn thùng quần áo
thất lạc và ba bao sách kéo về lều. Cho đến khi gia đình chúng tôi xuất
trại, bốn thùng quần áo vẫn ở trong tình trạng
mất luôn và ba bao tải sách vẫn vô thừa
nhận.
Từ đó ba bao tải sách di tản cùng
chúng tôi qua những ngôi nhà: ở tạm, ở nhờ, ở
thuê. Từ trung tâm thành phố đến ngoại ô. Ba
bao sách đương nhiên được coi như hành lý cần thiết được mang vác theo. Hữu ích lắm, cả năm sau, người lớn, trẻ con trong nhà cho đến
cả chị giúp việc, cũng thấy được hưởng những cuốn
sách đó. Có cuốn còn rất mới, nhưng có cuốn rất cũ, giấy ố vàng, mỏng mảnh, dễ
rách. Như cha mẹ tôi thì tối tối đọc lại Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Chu Liệt
Quốc, Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Gia Huấn Ca (Các cụ chắc biết mấy truyện này
lâu rồi) Tôi thì sáng trưa chiều gì cũng có một cuốn cầm tay, quên cả ăn. Giữa
những năm ở tuổi tóc chưa dài tới
lưng, tôi đã đọc không biết bao nhiêu cuốn
sách: Sách của Tự Lực Văn Đoàn, của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công
Hoan, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng; Sách dịch như: Tâm Hồn Cao Thượng,
Những Kẻ Khốn Cùng,v.v.
Thơ Nguyễn Bính thì tôi thuộc nằm
lòng không thiếu bài nào. Tôi thuộc cả tập Đồi Thông Hai Mộ
nữa. (Một số sách vẫn được giữ lại cả
mấy năm sau)
Cả ngày cứ ê a
đọc: Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ/Anh
của em yêu quý nhất đời. Rồi: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng
tơi xanh rờn.
Trong nhà có ai cần hỏi câu gì về
chữ nghĩa thơ văn là có tôi “hướng dẫn” ngay.
Chị giúp việc nhà tôi thì mỗi lần
nhóm bếp là xé ngay một quyển sách, không cần
biết sách mới hay cũ,Tây,Tàu hay Việt gì cả. Có lần tôi xuống bếp gặp chị đang
xé tập truyện ngắn mỏng của Thạch Lam, tôi hốt hoảng giật ra khỏi tay chị thì
cuốn sách đã bị thần hỏa thiêu hết một nửa rồi, đành ngậm ngùi đưa trả lại chị,
vì giữ cũng chẳng làm gì được nữa.
Mấy anh chị em tôi, chỉ có tôi là
người mê sách, thích chạm tay vào chữ từ hồi còn
rất bé, nên tôi được hưởng hết những lợi
lộc từ ba cái bao gạo đựng sách di tản vào nhà tôi, Các anh chị, chỉ
cầm lên, bỏ xuống, hoặc
họa hoằn lắm mới đọc
một nửa quyển. Người thứ hai được lợi là chị giúp việc nhà, cứ vớ đại quyển nào mong mỏng dễ xé giấy làm
mồi nhóm bếp là chị xé. Chị còn kéo hẳn một bao vào
trong bếp cho tiện tay.
Nhờ có ba bao tải sách đó mà tôi đã
được thấm vào tâm hồn tuổi thơ của mình những tinh túy của văn chương sách vở.
Nó thấm một cách tự nhiên, như mưa rơi xuống mặt đất và
lúc đó bé quá tôi nào có biết mình được lợi lộc như vậy.
Những tinh tế trong văn chương của Nhất
Linh, lãng mạn dịu dàng của Thạch Lam đến nổi loạn của Vũ Trọng
Phụng. Những cuốn sách mà những đứa trẻ ở
tuổi tôi lúc đó không có cơ hội được đọc.
Tôi học được sự giáo dục về lòng
nhân ái, tấm lòng cao cả của người nghèo và đạo đức trong Tâm Hồn Cao Thượng, do Hà Mai Anh dịch; chuyện người đàn
ông ăn cắp một mẩu bánh mì cho cháu bị 19 năm tù, rồi bị theo dõi suốt một đời
cho đến chết trong Những Kẻ Khốn
Cùng, do Nguyễn Văn Vĩnh
dịch.
Bâng khuâng, thương xót hay cảm
động, hồi hộp, phân biệt giữa xấu và
tốt, tôi cũng điều được hưởng từ tuổi thơ qua văn
chương.
Tất cả lần lượt chất vào tâm hồn tôi như
người ta xếp những món nữ trang quý giá vào một cái hộp bí
mật, rồi cất đi. Tôi không hề biết tâm hồn tôi chính
là cái hộp quý đó cho đến khi trưởng thành, được học, được thầy giáo dạy văn chương. Tôi mới biết là mình may mắn được
đọc những áng văn chương
đó trước tuổi.
Càng lớn tuổi tôi càng
hiểu: văn chương là một phần đời sống
của mình, không tách rời ra
được.
Sáu mươi năm rồi, mỗi lần nhớ lại
những ngày đầu tản cư.
Mỗi buổi trưa, đi học về, lục một cuốn
sách trong cái bao tải đó, kiếm một chỗ vắng người ngồi đọc. Chao ôi là
thích!
Những thế giới kỳ bí
mở tung từng cánh cửa bằng giấy cho một cô bé lên
10. Tôi cám ơn biết bao, người nào đó đã
để lại ba cái bao tải sách đó trên bãi hành lý của cả mấy trăm gia đình, mà chỉ có nhà
tôi kéo về.
Mưa đã thấm xuống đất, đất mềm mại, đất hiền hòa và đất
cho những hạt giống nẩy mầm, sinh hoa
kết trái.
1954-2014