Gửi anh Đỗ Ngọc Yến
Buổi trưa trong bệnh viện yên
ả đến lạ lùng, chung quanh anh không một tiếng động, không cả đến tiếng chân đi
của những người y tá hay nhân viên bệnh viện. Cả bệnh viện như đang đi vào một
giấc ngủ trưa dài. Anh cựa quay hai bàn chân trong chăn, anh im lặng nghe ngóng
tiếng động đậy của từng ngón chân. Những ngón chân của anh không trả lời, chúng
câm và điếc mấy ngày hôm nay. Anh nằm xoay nghiêng sang bên phải, thử nhấc cả
cái đùi bên trái lên và cử động mấy ngón chân mình. Anh nhúc nhích và đếm từng
ngón một, hình như bàn chân trái này thiếu mất một ngón. Anh cố nhớ lại xem
ngón chân đó thiếu từ lúc nào. À, anh nhớ ra rồi, tuần trước, thứ tư tuần
trước, vợ anh nói:
- Phải cắt thôi anh ạ, nếu
không nó sẽ làm anh đau đớn.
- Ô hay lạ nhỉ, tại sao lại
phải cắt, tôi có nó cả sáu mươi năm nay rồi, đâu có sao.
- Nhưng bây giờ ngón chân đó nó không hợp tác với
anh nữa, nó xin thôi việc, thôi luôn, vợ anh nói, nghe chẳng khác gì một công
chức chán việc xin về hưu non, nhất định không muốn làm việc nữa.
Anh nhớ lại lời đối thoại với
vợ anh tuần trước. Bây giờ anh lại thấy bàn chân mình bắt đầu sinh chuyện, thêm
một ngón nữa không chịu nhúc nhích khi anh cố tình lay thức chúng. Ồ, lại cắt
nữa à? Cứ mỗi vài tuần cắt một ngón thì trong vòng độ sáu tháng nữa có khi anh
sẽ không còn một ngón chân nào. Anh thở dài. Bao giờ thì đến bàn chân? Cổ chân?
Ống chân ? Đầu gối?
Anh không nhớ có bao giờ mẹ
kể khi sanh ra anh, đem anh vào đời sống này, mẹ anh có đẻ ngược hay không?
Nghĩa là chân ra trước đầu. Sao bây giờ anh lại trở về từ ngón chân? Hay là tại
ngón chân không biết suy nghĩ như đầu óc nên ngón chân phải đi trước. Anh liếc nhìn
cái thùng rác để ở cuối phòng, nghĩ đến từng ngón chân của mình phải vứt vào
một cái thùng giống như cái thùng kia mà anh thấy tội nghiệp cho chúng quá. Thế
giả dụ sau khi cắt đi những ngón chân rồi, bỗng anh khỏe mạnh lại, anh đi đứng
vững chãi trên đầu gối của mình, liệu anh có bị chông chênh vì
hai bàn chân không có ngón? Anh có phải đi nạng không? Có cần đôi giầy đặc biệt
không? Một bàn chân mà không có ngón trông nó như thế nào nhỉ? Anh không thể
hình dung ra được, mặc dù trí tưởng tượng của anh khá phong phú. Bất giác anh nhớ
đến những bàn chân mũm mĩm hồng hào của mấy đứa con nít còn ẵm ngửa, với ngón
chân như những dấu hỏi tròn trĩnh mà người lớn cứ thích đưa vào trong miệng ngậm
cho nó cười co cả người, cả chân lại. Những ngón chân tập đi chập chững của đứa
bé chín, mười tháng tuổi, bám chặt xuống mặt đất, giang hai tay thẳng ra để lấy
thăng bằng đi tới phía trước, phía có mẹ, có cha cũng đang dang hai tay ra để
đón hai bàn chân với những ngón chân hạnh phúc ấy vào lòng.
Anh lại xoay người sang bên
trái, thử co ra, co vào những ngón chân ở bàn chân mặt của mình, anh thấy chúng
cũng im khe, không trả lời anh. Anh lại lan man tưởng tượng ra tiếp những hình
ảnh về ngón chân. Đây rồi, bàn chân mùa hạ của phụ nữ. Những ngón chân của họ mới đẹp làm sao! Từ đôi
chân mảnh mai thon nhỏ thiếu nữ với những móng chân mộc mạc mầu san hô, gót chân
đỏ như son, hai bàn chân trắng muốt như hoa ngọc lan đặt ở trong một đôi guốc,
làm anh đã bao nhiêu lần chỉ muốn được nâng lên ngang mặt bằng hai bàn tay vụng
về của mình rồi lại thong thả để xuống, im lặng và chiêm ngưỡng mà không dám
xúc phạm. Đến đôi bàn chân thiếu phụ, đầy đặn với những ngón chân tự tin, tô
mầu rất khéo bước từng bước thong thả in trên cát trắng của một bãi biển nào đó
trong quá khứ mà anh chỉ muốn chạy ra, bồng lên, đặt ngay những ngón chân đáng
yêu đó vào lòng mình. Bây giờ tất cả những bàn chân đó ở dâu? Anh chợt nhớ đến
câu thơ óng ả của Đinh Hùng mà thời trẻ anh thường ê, a mỗi lần mắt
gặp một bàn chân đẹp:
Khi gần em mơ từng ngón bàn
chân
Mắt nhắm lại để lòng nguôi
gió bão.
Lòng anh bây giờ ngập tràn
gió, chỉ nghĩ đến những ngón chân thường thường bậc trung của mình bị cắt bỏ đi
cũng đủ làm nên giông bão rồi. Làm cách nào mà nguôi gió bão đây. Anh xoay mình
nằm thẳng lại, anh chợt nhớ đến hai bàn tay dịu dàng khéo léo của cô y tá, khi
thay áo cho anh, những ngón tay móng cắt ngắn có sơn một lớp sơn bóng mầu hồng
nhạt, trông như những bông hoa bóng nước ở quê nhà, chúng giúp anh giảm được
cái đau của từng mũi kim chích. Anh nhắm mắt lại, muốn ngủ một giấc và quên đi
những điều anh nghĩ trong đầu. Một cái đầu rất là nhiều chuyện, nó không chịu
mệt mỏi theo thân thể, không chịu phế thải theo từng ngón chân, nó sáng suốt
quá, nó vẫn cứ muốn làm chủ cả phần số của anh, làm đôi khi anh quên bẵng là
mình đang bệnh.
Trên đầu anh, hai mắt kém đi
vì bệnh tiểu đường nên anh không còn đọc hay viết nữa, nhưng đôi tai anh còn
rất thính, và trí nhớ của anh vẫn như một khung hình digital. A, hôm trước nằm
lơ mơ nghe tin tức qua đài phát thanh, anh nghe được câu chuyện thay bàn tay
cho một người đàn ông bị tai nạn và
kết quả rất khả quan. Anh cứ ngẫm nghĩ mãi về bàn tay lạ trên một thân thể lạ,
rồi anh đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Thí dụ, bàn tay của
người thợ mộc gắn vào cánh tay của một nhạc công chơi vĩ cầm chẳng hạn, thì cái
bàn tay đó sẽ lúng túng đến thế nào? Mặc dù đó cũng là một bàn tay khéo léo của
một nghệ nhân, đã đóng bao nhiêu cái bàn, cái ghế đẹp đẽ. Hoặc bàn tay của họa
sĩ gắn vào thân thể của một người chuyên lắp ráp xe hơi. Có bao giờ bàn tay đó
từ chối làm một công việc không hợp với khả năng trước đây của nó không? Và
phản ứng của nó thế nào khi nó không chiụ hợp tác? Rồi cái thân thể mang bàn
tay mới đó phải cư xử với bàn tay như thế nào? Dỗ dành ngọt ngào, ra lệnh nghiêm khắc, âu
yếm hay hắt hủi.
A, lại còn vấn đề bang giao quốc tế nữa. Nếu
chủ nhân của bàn tay đó trước đây không cùng một chủng tộc hay cùng một tôn
giáo với cái thân thể mới này thì làm sao bây giờ? Bàn tay của người theo Ấn Độ
Giáo sẽ từ chối làm một vài việc vệ sinh, mà những người không cùng tôn giáo sẽ
làm. Khi đi ăn ở một tiệm như All you can eat thì chắc chủ nhân của bàn tay mới
này sẽ gặp nhiều vấn đề về việc chọn thức ăn, nếu chẳng may bàn tay này của một
người khác quốc tịch cho mình. Quả thật có rắc rối!
Cái đầu óc hãy còn rất sáng suốt của anh cứ đi
lung tung từ ý nghĩ này qua ý nghĩ khác. Thế những ngón chân anh người ta có
thay được không nhỉ? Anh bật cười khi nghĩ nếu bàn chân cũ kỹ tuổi tác của mình
mà nhận được những ngón chân của một phụ nữ còn trẻ thì trông chắc là ngộ nghĩnh lắm! Nó sẽ
làm bàn chân anh trông mới mẻ và đẹp hơn lên. Ngón chân thì chắc là sẽ có ít vấn
đề hơn, vì nó chỉ giúp việc đi đứng thêm vững chắc.
Nhưng nó sẽ đòi đi shopping
cả ngày, và coi chừng nó sẽ bắt anh lâu lâu lại phải đi sơn, đi phết một lần.
Có khi lại còn đòi vẽ cả những bông hoa nhỏ xíu lên đó nữa. Thật là vừa phiền
nhiễu, vừa đáng yêu. Anh nằm thiêm thiếp, nửa ngủ nửa thức. Thỉnh thoảng lại
thấy đau nhói ở ngón chân đã cắt. Anh bỗng thấy thương yêu mấy ngón chân của
mình quá đỗi! Hình như ngay lúc này những ngón
chân là phần anh yêu nhất trên thân thể mình. Anh thấy nó thân mật, công lao
biết là chừng nào! Nó chạy nhẩy, chơi đùa mang đến bao nhiêu niềm vui cho anh
suốt một thời thơ dại. Khi anh lớn, nó lớn cùng anh, anh đi đâu cũng mang nó đi
theo, nó đi vào rừng, đi lên núi, đi ra biển với anh. Anh đi hướng đạo cũng có
nó, đi lính cũng có nó, đi chạy loạn cũng có nó. Nó theo anh đến cả những nơi
hò hẹn, những nơi anh chỉ muốn đến một mình. Mười
ngón chân nhỏ bé và vững đó làm được bao nhiêu việc hữu ích. Tại sao trước đây
anh không nhận ra kể cũng lạ thật. Bất giác đang từ những ngón chân anh nghĩ
sang đến vợ. Khi anh khỏe mạnh, anh đi chơi đâu, anh làm việc gì ít khi anh cần
đến chị. Không phải là anh quên chị ở bên cạnh, mà anh coi như việc chị đứng đó
là một lẽ tất nhiên hơn là một điều cần thiết. Bây giờ thì chị vừa là mắt, vừa
là tay, là chân của anh, là cả hai bàn chân với đầy đủ mười ngón cho anh đứng.
Tháng Giêng em nghĩ đến bàn chân anh
Những ngón chân hay buồn con phố nhỏ
Em muốn đổi cho anh những ngón chân em
Hãy sống, hãy yêu hồn nhiên như cỏ (tmt)
Thi sĩ họ thật lạ lùng, họ
nhìn đâu cũng ra thơ cả. Ngay cả mấy ngón chân tầm thường này, mà cũng cho vào
thơ, cũng thành thơ được.
Bất giác anh muốn co chân lên, cong mình đưa
tay xuống với lấy những ngón chân mình, nhưng không làm được. Thôi để chốc nữa
vợ vào, nhờ vợ âu yếm hộ mấy ngón chân mình, kẻo chúng tủi thân. Anh sẽ cắt
nghĩa cho chị nghe những ngón chân nhỏ của anh nó đáng yêu và cần được yêu như
thế nào. Nếu chẳng may nó phải bị cắt đi thì hãy xin về mang chôn nó ở gốc cây
hồng, cây táo Tầu trong vườn nhà, chứ đừng để họ đem vứt vào thùng rác. Vì
những ngón chân đó là một phần của xương thịt anh, nó cần được đối xử tử tế.
Khi anh ở bệnh viện về, vào chiều mùa Hạ, anh có thể bắc ghế ra ngoài vườn ngồi,
đặt bàn chân trần của mình ở dưới hai gốc cây đó cho bàn chân lại gặp ngón
chân. Lúc đó biết đâu anh chẳng làm một bài thơ.
Buổi trưa đã đi qua nhẹ
nhàng, nghe thấy tiếng chân di động ở ngoài hành lang, anh đoán xem là tiếng chân
ai? Tiếng chân của vợ, của con hay của bạn bè, tiếng chân của y tá, bác sĩ hay
người lao công đang quét dọn? Anh nghĩ ngay đến những ngón chân của từng người trong đôi giầy của họ. Bây
giờ đối với anh thì chẳng còn cái phần nào trên thân thể con người quan trọng
và thân yêu bằng những ngón chân nữa.