Người đàn ông cô
đơn đó chết sớm nửa năm. Chỉ còn sáu tháng nữa thôi là anh bước vào năm thứ bốn
mươi của một người di tản bất hạnh. Anh sẽ được nghe những người đồng hương
trong thành phố anh đang lang thang, nhắc đến cái ngày kinh hoàng đó.
Anh chết tình cờ,
chết bất ngờ, chết không kịp quay đầu nhìn lại. Vào ngày đầu tháng 10 trong
tiệm bánh ngọt quen thuộc, trong một giờ khắc gần như cố định, anh đang cho
đường vào tách cà phê hay anh đang ngửa cổ nhấp ngụm đầu tiên. Một chiếc xe rất
to, tông vào tiệm, tông vào anh, anh chết.
Có một vài người
đồng hương quen biết anh, trò chuyện với anh, nhưng biết tận tường về anh thì
không có ai. Khi anh chết người ta hoàn toàn không có thêm một chi tiết gì về
anh, ngoài cái tên “Người không nhà”. Trước đây anh có nhà chứ, có cha
mẹ nữa, có cả quê hương nữa. Anh có thố lộ một lần. Trước 1975 anh là một học
sinh trung học, và anh đã vượt biển cùng với gia đình. Cả nhà chết chỉ mình anh
sống. Anh đã chứng kiến những gì thêm trong cái thảm kịch đó, anh không nói
tiếp.
Anh chết ở tuổi
53, không biết anh vượt biển năm nào, nếu ta trừ đi 40 năm thì khi anh vượt
biển anh khoảng 14, 15 tuổi. Ngoài cha mẹ chết, làm sao ta biết anh còn phải
chứng kiến cảnh kinh hoàng nào trong chuyến vượt biển đó, trầm trọng đến thế
nào? Chuyến tầu anh đi có bao nhiêu người, anh có chứng kiến hải tặc hiếp mẹ
anh và giết cha anh không?
Anh không
nhớ được nữa, họ chết hết chỉ còn anh thôi sao? Trí óc anh mù lòa hay anh nhớ
quá rõ ràng cũng là một bất hạnh cho anh.
Em thơ dại sao
mà em may mắn/Cả một thuyền chết hết chỉ còn em.(*)
Nếu cả một thuyền
chết hết, chỉ còn một cậu bé thì cậu phải nhận gánh tất cả bất hạnh của thảm
họa đó vào người. Làm sao cậu chất cho hết được vào cái thân thể bé nhỏ đó.
Cậu lang thang
trong các thành phố gần 40 năm. Mỗi năm cậu đánh rơi một mảnh bất hạnh xuống
những con phố cậu đi qua, những công viên cậu ngủ trên ghế đá, những quán cà
phê, những tiệm buôn bán nhỏ của người đồng hương. Cậu đánh rơi xuống, cậu lại
nhặt lên. Giống như những cái lon cậu nhặt trên mặt đường, bán đi lấy tiền sinh
sống. Những bất hạnh đó là cơm gạo, là thức ăn nuôi cậu bé thành một người đàn
ông.
Người đàn ông đó
được những người quen biết gọi là: “Người vô gia cư lương hảo”. Vì anh thân
thiện, hiền lành, không làm phiền ai dù anh không có nơi ăn ở.
Người ta nghĩ anh
là một người thầm lặng, kín đáo. Vì còn rất nhiều điều không ai biết về anh.
Khi cái chết bất ngờ xẩy đến, người ta chỉ tìm thấy trong túi anh vài trăm bạc,
một cái phôn tay. Trong phôn anh không có gọi cho ai và cũng không ai gọi anh
để có số phôn lưu lại.
Một người
đàn ông thật sự cô đơn!
Anh không có giấy
tờ gì cả, có người cho biết anh sinh năm 1961 và tên là Nguyễn Tuấn. Có biết
bao nhiêu người Việt Nam tên là Nguyễn Tuấn và sinh năm 1961. Cuối cùng, sở
giảo nghiệm thành phố (Coroner) coi cái chết của anh như hàng trăm cái
chết của kẻ không nhà, không thân thích, không cả họ tên. Người ta cài vào xác
anh cái thẻ John Doe No.278 trong một nhà xác công cộng của thành
phố Los Angeles, với số cư dân gần 10 triệu.
Nhưng có thật anh
là người không lý lịch, vô gia cư vô tổ quốc không?
Thật ra, tất cả
những tờ giấy hợp pháp chúng ta mang theo trên mình để chứng minh chúng ta là
ông nọ, bà kia chỉ có một cái nghĩa giới hạn nào thôi.
Một người như anh
Nguyễn Tuấn không có một giấy tờ tùy thân, không có địa chỉ, số phôn, nhưng khi
anh chết, chính cái “Không có gì” của anh nói lên được tất cả tiểu sử của một
người Việt Nam di tản. Nói lên thảm nạn của chiến tranh Việt Nam đã mang đến
những đau thương, bất hạnh gì cho người dân Việt.
Cái chết cô đơn
trên cạn của một thuyền nhân (Có thể anh là người chết cuối cùng trong chuyến
vượt biển ấy) sau gần 40 năm là một vết đen trong trang sử nội chiến Bắc Nam,
không bao giờ xóa được.
Anh Nguyễn Tuấn
anh gặp lại mẹ cha rồi đó. Bây giờ anh đã có một mái ấm gia đình.
Tháng 11/9/2014
(*) Thơ tmt
Ghi Chú: ký giả David Montero, đã viết về cái chết
của Nguyễn Tuấn (10/8th/2014) trên tờ Los Angeles Daily News.