Saturday, May 30, 2015

NHẬT BẢN du ký (kỳ 2)


TOKYO

Nhóm chúng tôi, sau khi ở Kyoto năm ngày, bay qua Tokyo nhập vào nhóm đi theo Tour. Tổng cộng 39 người. Đây là nhóm Tour tổ chức riêng của người trong gia đình với một số bạn thân nên rất vui, thoải mái. Chúng tôi tới Tokyo vào mùa lễ hội nên khách sạn lúc nào cũng hết chỗ, tuy Tour đã đặt trước cả nửa năm nhưng không nơi nào chúng tôi được ở hai đêm, trừ ba ngày đầu ở ngay Tokyo. Sau đó chúng tôi dùng xe bus của Tour và tầu hỏa để đi đến các tỉnh lẻ. Chúng tôi đã đi khá xa, từ miền Nam sang miền Bắc Tokyo.

Buổi chiều đầu tiên tới Tokyo chúng tôi được đưa tới khách sạn Grand Pacific La Daiba. Một khách sạn nhìn xuống biển. Phong cảnh rất ngoạn mục.

Lấy buồng xong, chúng tôi được tự túc buổi cơm chiều hôm đó. Có hẹn trước, hai người bạn văn Nhật của chúng tôi đã đi gần ba tiếng xe lửa và xe bus để đón chúng tôi đi ăn bữa cơm chiều đầu tiên ở Tokyo. Giáo sư Kawaguchi Kenichi và cô Aki. (Hai người bạn Việt, đi Kyoto cùng với chúng tôi cũng được mời luôn.)

Chúng tôi được cho đi ăn bữa cơm trong một tiệm ăn truyền thống của dân đảo Okinawa. Ăn bữa cơm Nhật mà thưởng thức như một bữa cơm Việt ở nhà, với cá bống tẩm bột chiên, thịt kho trứng, khổ qua xào với tàu hũ và trứng đập vào. Sau năm ngày ở Kyoto ăn canh Miso, mì Ramen, bữa cơm chiều hôm đó thật tuyệt vời. Mới xa nhà có năm ngày mà đã nhớ cơm Việt như người xưa nhớ “Canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Khi nào bạn ở Nhật lâu quá, thèm cơm Việt thì nhớ tìm tiệm ăn nào của người Okinawa điều hành.

Cũng giống như ở Kyoto, tôi không kể hết được tất cả những nơi mình đi qua ở Tokyo, chỉ xin giới thiệu một vài nơi thật đặc biệt:

Tượng Phật Vĩ Đại- Kamakura

Nguyên thủy là bức tượng gỗ được hoàn thành năm 1243. Mưa gió và bão tố đã phá hủy bức tượng gỗ năm 1248 cũng như ngôi nhà chứa đựng bức tượng.Một tu sĩ Phật Giáo (Joko) đề nghị xây dựng lại bức tượng bằng đồng và hội trường mới vào năm 1252, thời kỳ Kamakura.

Được tu bổ lại, nhưng sau hai cơn bão 1334 và 1369 tuy không ảnh hưởng nhiều đến tượng Phật nhưng cả hội trường hai lần đều bị tàn phá, hai lần tu bổ. Ngày 20 tháng 9 năm 1498 một cơn sóng thần lại phá hủy toàn bộ ngôi nhà ngay dưới chân pho tượng.

Cuối cùng pho tượng được đứng trong bình yên tới nay, sau nhiều lần trùng tu.Đã có lúc pho tượng được thếp vàng, hiện gần bên tai Phật còn dấu vết của một lá vàng đó.

Người ta cho rằng, đây là bức tượng đồng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy của bức tượng đồng đầu tiên từ năm 1252 qua bao nhiêu thiên tai.

Pho tượng cao khoảng 13.35 mét (43,8 ft) và nặng khoảng 93 tấn. Thân tượng  rỗng, và du khách có thể vào bên trong (đi lối sau lưng tượng). Nhiều du khách trong những năm qua đã chui vào đó, ghi tên hay lời cầu bên vách trong thân tượng.
Trước đây quanh tượng có ba mươi hai cánh sen, nhưng bây giờ chỉ còn có bốn. Trận động đất lớn năm 1923 phá hủy nhiều nơi trên pho tượng, đã được trùng tu lại và được hỗ trợ những biện pháp mới để bảo vệ tượng với thiên tai.

                                         PHẬT LẶNG THINH

Cũng như hầu hết trước các cửa đền, các nơi tôn kính, có một bể nước xây cho chúng sinh thanh tẩy tay và miệng trước khi chiêm ngắm và cầu an.

Phật ngồi đó
Phật lặng thinh
chúng sinh náo động lời kinh vỡ òa
rửa tay, lậy Phật tâm hòa
cúi nghiêng cánh mỏng
đóa hoa mỉm cười (tmt)

Nhưng thanh tẩy tay, miệng xong, chúng sinh vẫn không giữ im lặng được. Nhóm 39 người của chúng tôi làm náo động dưới chân Phật. Tôi nhìn lên thấy Phật vẫn đại lượng nhìn xuống bao dung, đóa hoa dưới chân Phật vẫn khẽ mỉm cười:

                              CHÚNG SINH NÁO ĐỘNG

Núi Phú Sĩ và Những Cánh Đồng Rêu Hồng- Pink Moss

Người Nhật hay nói về cánh đồng rêu hồng này (Shibazakura) đẹp đến nỗi chỉ có cô bé 12 tuổi mới mơ được giấc mơ đẹp như thế.

 Gọi là rêu, nhưng không phải là rêu, (Shiba là cỏ/zakura là anh đào) đó là những bông hoa nhỏ có năm cánh nằm sát mặt đất. Bạn có cảm tưởng tám trăm ngàn (800,000.-) bông hoa màu hồng này trải dài đến tận chân núi Phú Sĩ, vì khi ngửng mặt nhìn lên thì núi Phú Sĩ ngang tầm mắt mình. Phong cảnh đẹp vào giữa tháng tư cho hết tháng 5, mỗi năm, đã hấp dẫn 9 triệu du khách.

Bước vào cánh đồng hoa ngút ngàn này bất giác tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn DuBóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang trời (Kiều)

Sắc hoa tuy mầu hồng nhưng không mang cái sôi nổi đến trong lòng người chiêm ngắm, vì mầu hồng đó khiêm nhường nằm sát xuống mặt đất loang dưới chân mình, mang sự êm ả gần như là một hơi thở của “Thiền” phà nhẹ vào hồn.

Trong khi mọi người rộn rã chụp ảnh, quay phim cho cả nhóm, tôi cũng đứng yên lặng chụp một tấm ảnh riêng cho hồn mình. Mầu trắng trên đỉnh núi Phú Sĩ mờ mờ trong mây, mầu xanh của hàng cây bên dưới chân núi và cuối cùng là một màu hồng loang xa, loang xa vào tận hồn mình. Một tấm hình không ai lấy ra được.

Tôi chỉ có thể gửi cho bạn nhưng bạn không thể sở hữu tấm hình đó. Hãy đến Tokyo và tự chụp cánh đồng Pink Moss bằng chiếc máy ảnh từ hồn mình.

                   BÓNG HOA ĐẦY ĐẤT VẺ NGÂN NGANG TRỜI (Kiều)

 Hoa Tử Đằng

Tử Đằng Thụ                                     Cây Hoa Tử Đằng

Tử đằng quải vân mộc                     Tử đằng vắt ngang thân
Hoa mạn nghi dương xuân              Hoa nhiều chắc mùa xuân
Mật diệp ẩn ca điểu                          Lá rậm tiếng chim giấu
Hương phong lưu mỹ nhân           Hương thơm níu giai nhân (tmt dịch)
 (Lý Bạch)

Đây là bài thơ của Lý Bạch viết cho những chùm hoa tử đằng.

Những thân cây như dây leo uốn lượn theo chiều kim đồng hồ trên một cái giàn, thả những chùm hoa tím xuống, những chùm hoa dài tới bốn mươi, năm mươi phân. Khi ngửa mặt nhìn lên bạn thấy cả một cái trần mầu tím úp chụp trên đầu mình, với một mùi hương rất nhẹ, nhẹ như hơi thở của em bé.

Người Nhật ví hoa Tử Đằng như một tình yêu bất diệt của đất nước Nhật, họ còn gọi là hoa đậu tím, hoa Fuji. Tử Đằng đối với người Nhật còn tượng trưng cho sự đoàn kết, buông bỏ thù hận để đi tới yêu thương.

Hoa Tử Đằng phát xuất từ nam Mỹ nhưng người Nhật đã trồng nó từ lâu và ca tụng là loài hoa tạo cảm xúc mạnh cho người chiêm ngưỡng. Nó còn có màu vàng nhạt và màu trắng. Những chùm hoa màu trắng buông xuống trông như một thác nước nhỏ tung chùm bọt nước trắng xóa. Nếu bạn muốn nhuộm hồn trong màu tím hãy tới đây vào mùa hoa nở từ giữa tháng 4, đầu tháng 5.


TÁC GIẢ VỚI HOA TỬ ĐẰNG

  Làng Samurai

Làng Samurai ở Akit, về phía Bắc Tokyo

Chúng tôi bước vào làng Samurai khi những hàng cây Anh Đào vừa sau một cơn giông nhỏ, cơn mưa làm ngàn ngàn cánh hoa từ những vòm cây giao nhau trên đầu rơi tràn mặt đất, một cơn mưa những giọt lệ hồng.

 Linh hồn của các Samurai như hiển hiện quanh đây dưới trận mưa hoa đó. Hình ảnh vung gươm của một võ sĩ như vẽ lên trong không gian: Nơi đây ngày trước là nơi trú ngụ của các Samurai. Lãnh chúa thì ở dinh cơ lớn, rồi tuần tự, người chức nhỏ hơn thì ở nhà và vườn cũng nhỏ hơn. Sự phân biệt đó theo trật tự xã hội của hầu hết mọi nơi trên mặt đất này. Bây giờ cả ngôi làng chỉ là nơi bán đồ lưu niệm và cho du khách có dịp quan sát và hình dung ra nếp sống của các kiếm sĩ vang danh một thời.

Nói đến chữ “Samurai” hầu như cả thế giới đều hình dung ra được hình ảnh của một tráng sĩ Nhật với tóc trải ngược, lông mày xếch, với trường kiếm, đoản dao hai bên hông. Lịch sử về Samurai (Có nghĩa là:Người phục vụ) thăng trầm theo thời gian từ 1500 năm qua. Họ chính là chiến binh, nhưng họ khác tất cả chiến binh trên thế giới. Bảy điều căn bản để trở thành một Samurai:

Ngay thẳng, dũng cảm, nhân từ, lễ phép, tự kiểm soát mình, trung thành và trọng danh dự.




Cuộc sống của họ theo tinh thần Võ Sĩ Đạo Bushido, một hệ thống luân lý đề cao sự danh dự, nhưng họ chấp nhận và ủng hộ việc quan hệ tình dục với người cùng giới tính giữa các võ sĩ với nhau. Từ bậc thấp nhất của Samurai cho tới lãnh chúa, tướng quân. Họ gọi đó là Wakashudo, coi việc quan hệ đồng giới là “con đường tuổi trẻ”

Bạn ngạc nhiên khi biết rằng cũng đã từng có nữ Samuarai trên đất Nhật như Onna-Bugeisha – nữ chiến binh quý tộc hay các nhân vật nổi tiếng như hoàng hậu Jingu, Tomoe Gozen, Nakano Takeko…


                                       NỮ SAMURAI
Cái đẹp mong manh của hoa Anh Đào được ví như vẻ đẹp tinh thần của Samurai. Sống ngắn ngủi nhưng sống đẹp và cả khi chết cũng chết đẹp. Những giọt máu tóe ra trên chiếc kimono trắng khi Samurai tự mổ bụng (Seppuku hay Harakini) khác chi những cánh Anh Đào rơi rơi trên tuyết.

Vung nhát gươm bay ngàn cánh rụng
Sắc hồng nhuộm đỏ một đường gươm (tmt)

Ngày nay Samurai đã đi vào lịch sử nhưng người Nhật nói: Chính cái tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai đã đưa nước Nhật trở thành một nước không có nơi nào trên thế giới giống như nước họ.

 Tháng 5/26/2015