Thất trận sau đệ nhị thế chiến, cả nước Nhật lâm
vào tình trạng nghèo khổ. Điều gì đã làm cho người dân Nhật sau chiến tranh trở
thành những con người gương mẫu, thành công, đáng cho cả thế giới ngưỡng mộ.
Chúng ta chắc được nghe kể câu chuyện về người
Samurai cuối cùng, Trung Úy Hiro Onoda
Buổi sáng 10.3.1974, từ trong rừng rậm, một
người trung niên Nhật có dáng gầy gò trong bộ quân phục của quân đội Nhật
Hoàng, tay xách khẩu súng trường bước ra để trình diện tại đồn cảnh sát ở đảo
Lubang, Philippines. Người này cúi gập người và nói: “Tôi là Hiro Onoda, thực
hiện mệnh lệnh của cấp trên để tới đây đầu hàng”. Các cảnh sát Philippines há
hốc mồm vì ngạc nhiên, bởi từ thời điểm Thế chiến II kết thúc đã gần 30 năm
trôi qua. (*)
Đó là tinh thần
Samurai, tinh thần của một võ sĩ Nhật. Can đảm và trung thành. Chiến tranh kết thúc
bên ngoài khu rừng, nơi cuối cùng anh ẩn nấp, nhưng anh vẫn kiên trì chiến đấu
trong 30 năm. Mới đầu có ba người, sau một người chết, một người bỏ đi đầu thú,
cuối cùng chỉ còn mình anh, vì anh đã nghe lời dặn của cấp chỉ huy là:
Anh không được phép tự tử. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù sau
ba năm hay năm năm, đơn vị sẽ quay lại với các anh. Cho đến lúc đó, dù chỉ còn
một người lính, anh cũng phải lãnh đạo anh ta chiến đấu... Dưới mọi hoàn cảnh,
anh đều không được phép tự tử (*)
HIRO ONODA Trong và sau Đệ Nhị Thế
Chiến 30 năm
30 năm trôi qua kể từ
khi nước Nhật đầu hàng, Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, người sĩ quan đó vẫn âm thầm
chiến đấu trong khu rừng ở Phi Luật Tân, chống lại quân Mỹ. Vị chỉ huy chưa
quay lại đón anh, có nghĩa là chiến tranh chưa kết thúc và anh vẫn phải tuân
lệnh cấp trên.
Câu chuyện này lấy
không biết bao nhiêu nước mắt của người Nhật và làm cả thế giới nghiêng mình
kính phục.Vì đó là tinh thần dũng cảm, tuân lệnh và trung thành của một chiến
sĩ Samurai. Chính từ câu chuyện
này, người ta hiểu được tại sao nước Nhật đứng đầu thế giới ngày nay về cả văn
hóa lẫn kinh tế.
Samurai không còn nữa. Di tích còn lại chỉ là
những câu chuyện người ta dựng lại, những hình ảnh và ngôi làng cho khách du lịch.
Nhưng tinh thần Samurai luôn luôn là kim chỉ nam cho mỗi người dân Nhật. Tinh
thần này đã khiến cho họ làm mưa làm gió trong chiến tranh và đứng đầu thế giới
về nhân cách và kinh tế, sau chiến tranh.
Chính trực và công bằng, can đảm, nhân ái, lễ độ,
lương thiện, tự trọng và trung thành là những đức tính bắt buộc một Samurai phải
có.
Ngày nay khi tới Nhật, hai điều nổi bật du
khách nhìn thấy ở Nhật là sự lễ độ và lương thiện. Ở Nhật, bạn không sợ nạn móc túi trên metro như
bên Pháp hay bên Ý. Không sợ bị giật bóp mang thương tích như ở Việt Nam. Không
sợ nạn bắt du khách trả tiền vì chỉ cho du khách một con đường hay chụp hộ một tấm
hình như ở Ấn Độ.
Bạn không sợ mất túi, mất bóp, khi bạn bỏ quên ở
bất cứ đâu. Nếu trong cái túi của bạn có sẵn giấy ghi địa chỉ, người nhặt được
sẽ tìm đến tận nơi giao lại cho bạn, có khi vào cả buổi tối. Nếu bạn không có
giấy tờ nào trong túi, thì chỉ cần gọi sở cảnh sát nơi bạn bỏ quên, cái túi của
bạn chắc chắn sẽ được ai đó mang tới đó rồi. Điều kỳ diệu là những gì bạn có trong cái túi
thất lạc đó vẫn còn nguyên, không mất đi một món nào.
Bạn ở trên xe hỏa, ở khách sạn hay bất cứ nơi
nào, khi một người Nhật đi qua mặt bạn, người đó cũng cúi thấp xuống với lời Sumimasen (xin lỗi) nhẹ nhàng. Tôi cứ ngắm
mãi một phụ nữ Nhật đẩy cái xe bán đồ uống trên xe hỏa, mỗi lần từ một toa này,
sang toa kia, cô đều cúi rạp người nói xin lỗi. Trong ba tiếng đồng hồ, cô đi lại
không biết bao nhiêu lần, nên tôi không đếm được bao nhiêu lời Sumimasen.
Người tài xế trên xe bus, mặc sơ mi trắng, áo
vét đen, đeo gang tay trắng. Khách lên xe, xuống xe, trả tiền, anh nói Arigato (Cám ơn) với mỗi người. Tôi chịu,
không biết anh nói mấy trăm lần một ngày.
Người Nhật không chen lấn. Bạn tới Shinjuku khu
phố đông người nhất ở Tokyo vào giờ tan tầm, bạn không thể nào tưởng tượng được
bao nhiêu người đổ ra đường. Không phải xe gắn máy chen nhau ùn tắc như ở Sài
Gòn, mà là người đi bộ, phần đông là đàn ông trung niên rồi nam nữ sinh viên trẻ
nữa.
Hình như triệu, triệu con người trong thành phố
một lúc. Họ luôn luôn mặc những bộ vét đen, gần như là đồng phục cho tất cả các
công tư sở. Đàn ông tan việc ra, đi tìm những quán ăn, quán rượu sake, quán
bia. Họ đi từ quán này đến quán nọ trước khi về nhà. Đông ngoài sức tưởng tượng
của mình, toàn người Nhật, (rất ít du khách vào giờ đó) Vai họ đụng vào nhau, họ
đi nhanh, vừa đi vừa nhìn xuống chân mình, nhưng không chen lấn.
Người hướng dẫn Tour cho biết, đàn ông Nhật tan
sở ra, thường đi ăn ngoài với chúng bạn, tới khuya mới về. (Ở Nhật họ đi làm trễ
và về trễ hơn ở Mỹ. 9 giờ sáng mới thấy người ra đường) Người vợ cho việc về trễ
là một chuyện tự nhiên, không trách phiền gì cả. Đó là tập quán của người Nhật. Các ông du khách Việt Nam ở Mỹ đến, nghe chuyện
này, thích quá!
Không ai tuân kỷ luật bằng người Nhật. Đường
xá, công viên, xe bus, xe lửa, thương xá, sạch như không hề có một hạt bụi. Người
đông như kiến, mà không có một cọng rác. Ngay cả thùng rác công cộng cũng không
thấy. Tôi không biết vứt cái giấy gói kẹo cao su vào đâu? Tôi không hiểu người
khác vứt những cái giấy gói bánh trên tay họ vào đâu? Hàng quán ăn hai bên đường
vào cổng chùa, hay trên phố khá nhiều, người mua, người bán, rất đông mà sao
không có rác? Lạ thật! Hỏi ra mới được cắt nghĩa: Bạn phải mang rác của bạn về
nhà, bạn phải có trách nhiệm với rác của bạn.
Cả nước đều tôn trọng kỷ luật đó nên dưới mặt đất
mới không có rác.
Bên Nhật giấy rất quý, nên những hàng quà vặt,
quán bên đường ít khi cung cấp khăn giấy chùi miệng cho bạn. Tới đây, bạn nhớ
mang Kleenex trong bóp.
Nhà vệ
sinh công cộng rất sạch sẽ, bạn không thể than phiền vào đâu cả. Nhưng họ dùng
hệ thống máy rửa bằng nước nhiều hơn là giấy. Máy sấy tay cho khô thay cho giấy
lau tay. Ngay trong khách sạn 5 sao cũng có lời dặn in ngay cạnh cuộn giấy vệ
sinh là xin đừng phí phạm giấy để cứu rừng.
Người Nhật hay nói và dùng chữ “Đạo”. Trước
tiên là Thần Đạo (Shinto) không có đối tượng thờ cúng, không phải là một tôn
giáo, họ thờ các vị thần trong trời đất, thờ tổ tiên, thờ các anh hùng. Ngay
khi một tảng đá hay một loài sói, loài báo cũng được họ thần thánh hóa và khấn
vái.
Thần đạo ngay trong trời đất do đó đem lại sức
mạnh ý chí và tinh thần, gắn liền với người dân. Người Nhật phần đông theo cả hai đạo. Đám cưới
và cầu xin về công ăn, việc làm, học vấn, người ta tới đền Shinto. Đám tang thường
cử hành theo nghi thức Phật giáo. Thiên Chúa và vài tôn giáo khác cũng có ở Nhật
nhưng không nhiều lắm.
Uống trà cũng được nâng lên hàng đạo. Trà Đạo được
biết đến như một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật, Trà đạo được phát triển
từ khoảng cuối thế kỷ 12. Theo
truyền thuyết của Nhật vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng Nhật là sư Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để tham vấn học đạo.
Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này
chính Eisai đã sáng tác ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa
Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. (*)
CHÉN NƯỚC TRÀ XANH
Trà đạo giúp cho con người tìm được chính bản
thân mình qua chén trà, thấy giá trị tinh thần qua: Hòa, kính, thanh, tịch. Tức
là tìm được an hòa với mình, tôn trọng người trên, yêu thương bạn hữu, trẻ con,
người thân. Trong tách trà tìm được cả sự thanh khiết, an nhàn cho chính mình.
Vì là “Đạo”
cho nên người Nhật uống trà khác hẳn những người khác trên thế giới. Dụng cụ
pha trà từ ấm, tách trà cho đến lò lửa rất mộc mạc, gần với thiên nhiên. Thời
gian pha trà rất lâu, như họ để cả tâm huyết vào đó. Nhưng khi uống thì uống thật
nhanh và thường chỉ uống hai nước. Uống xong tập trung vào suy nghĩ. Còn pha
trà thông thường như những người khác thì pha trà nhanh, chén trà có thể viền
vàng cầu kỳ, uống trà thật lâu, pha hai, ba ấm. Vừa uống vừa hàn huyên chứ
không tĩnh lặng.
Cắm hoa
cũng gửi cả cái tâm đạo vào trong đó. Ba bông hoa chính trong bình tượng trưng
cho Thiên Nhân Địa.Trời trên đất dưới rồi mình ở giữa. Bàng bạc cái không khí Hoa Đạo trong đó. Phụ nữ Nhật rất hãnh diện khi nói đến nghệ thuật
cắm hoa của người Nhật.
Trường cắm hoa Nhật không những ở trong nước mà
còn mang đi dạy cả ở các quốc gia khác trên thế giới.
IKEBANA
Nước Nhật còn hãnh diện vì có Matsu Basho (Tùng
Vĩ Ba Tiêu) một thiền sư lỗi lạc thời Edo và là người đã khai sinh ra thơ Hài
Cú (Haiku). Thi sĩ đã làm cả thế giới chấn động vì một cái nhảy của con ếch
trong hồ.
Furu ike ya
kawazu tobikomu
mizu no oto
Ao xưa
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao
Nơi nào Basho đi qua hầu như đều mọc lên những tấm bia kỷ niệm.
Những tấm bia này có khắc thơ haiku của Basho nên được gọi là kuhi (cú bi). Có
hơn ba trăm tấm như thế trên khắp đất nước Nhật Bản.
Tôi thích nhất bài thơ haiku này trong ngàn bài
của Basho, khắc trên lưng một tảng đá ở đồi Kemari-zuka, dưới bóng một cây dẻ
cổ thụ:
Ngón tay nhỏ nhoi
hạt dẻ còn trong vỏ
xin mùa thu đừng rời
Ngày nay, quanh bài thơ ấy, những hạt dẻ vẫn còn rơi, những mùa thu ra đi và trở lại. (*)
Ngón tay nhỏ nhoi
hạt dẻ còn trong vỏ
xin mùa thu đừng rời
Ngày nay, quanh bài thơ ấy, những hạt dẻ vẫn còn rơi, những mùa thu ra đi và trở lại. (*)
Theo tôi, Baso đã phối
hợp giữa Thiền và Thơ để làm nên một: Thơ
Đạo
MATSU BASHO (1644 - 1694)
Trừ đạo Phật, tất cả các đạo: Thần Đạo, Hoa Đạo, Trà Đạo, Thơ Đạo kể
trên đều từ đất trời mà có, đều là những hộ trợ không kém quan trọng cho nước
Nhật và người Nhật.
Nhưng để làm nên một đất nước và những con người
Nhật tốt đẹp hôm nay chính là tinh thần kiếm khách Samurai.
Không phải tất cả người Nhật đều hoàn hảo,
nhưng con số bất hảo vẫn là một tỉ lệ rất thấp so với tổng số dân Nhật
Đa số người Nhật coi trọng và hướng mình về một
vị trí phải Văn Võ Toàn Tài.
Võ không phải chỉ là sức mạnh võ biền, mà là
lòng can đảm, việc phải làm là làm, cần chết thì phải chết, cần hy sinh phải hy
sinh. Trong cái nội lực của thể sác phải có cái Văn ở trong đó. Văn là văn học,
văn hóa. Hy sinh nhưng không kiêu ngạo, lễ phép nhưng không là luồn cúi, nịnh
hót. Chết cũng chết cho cái điều đẹp nhất. Văn còn gồm cả sự liêm khiết trong đó. Nạn tham
nhũng rất ít ở Nhật. Khi lâm vào hoàn cảnh số đông cùng khốn khó như thiên tai
xẩy ra, sự chia xẻ luôn luôn là nhường nhịn, hy sinh và công bằng.
Danh dự là một cái gì rất thiêng liêng với người
Nhật.
Máy bay rơi vào sân trường làm chết học trò.
Ông hiệu trưởng tự vẫn, mặc dù lỗi không do ông gây ra, ông có lái máy bay đâu. Những trường hợp giám đốc công ty từ chức vì sự
sai lầm của nhân viên xẩy ra là chuyện rất thường ở Nhật.
Vì danh dự người Nhật bao giờ cũng bảo vệ truyền
thống rất chặt chẽ.
Một người Nhật nhìn thấy du khách náo động trước
tượng đài hay cửa đền họ rất khó chịu. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một nhóm đông người
Nhật sao không ồn ào thiếu trật tự như người Việt hay người Trung Hoa. Họ rất tự ái. Nhân viên phục vụ khách sạn không
nhận tiền thưởng để lại trong buồng khách. Mình cho tiền là coi thường họ. Họ
nhận lương của chủ nhân rồi, họ không lấy tiền cho của khách.
Chính vì những đức tính trên nên thế cả thế giới
mới ngưỡng mộ người Nhật.
Tôi thấy khâm phục người Nhật ở nhiều mặt, tôi
muốn người Việt Nam trong nước hiện nay, học được những đức tính lương hảo của
người Nhật. Nhưng dưới cái nhìn của một người thường thường
như cá nhân tôi. Người Nhật gần như là hoàn hảo hay họ cho mình là hoàn hảo nên
họ khép kín, đôi khi hơi lạnh lùng. Họ không hiếu khách như người Việt Nam và
Trung Hoa.
Vì lễ phép nên không thân thiện lắm. Họ nguyên
tắc gần như là máy móc. Nhìn một đoàn cả trăm người dưới phố mặc đồng phục chạm
vai nhưng không chen lấn đổ ra đường như những người máy robot.
XE BUS TRONG THÀNH PHỐ
Trên một chuyến bus hay chuyến xe lửa, dù đứng
hay ngồi, họ luôn luôn nhìn thẳng hay nhìn xuống chân mình chứ không nhìn sang
người bên cạnh bắt chuyện như người Việt.
Người Việt trên một chuyến xe đò vắng hay đông,
cũng hỏi han nhau, hoặc trên một con thuyền nhỏ cũng bắt chuyện được. (thưa Thầy đi chùa ạ / Thuyền đông, giời ơi
chen. Nguyễn Nhược Pháp)
Tôi để ý dù chuyến đi dài hay ngắn bằng xe lửa, ai cũng hối hả lên, xuống, nên khó nhìn thấy cảnh bịn rịn chia tay thơ mộng ở một sân ga (Có lần tôi thấy một người yêu/ Tiễn một người yêu một buổi chiều/Ở một ga nào xa vắng lắm/Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu. Nguyễn Bính)
Tôi để ý dù chuyến đi dài hay ngắn bằng xe lửa, ai cũng hối hả lên, xuống, nên khó nhìn thấy cảnh bịn rịn chia tay thơ mộng ở một sân ga (Có lần tôi thấy một người yêu/ Tiễn một người yêu một buổi chiều/Ở một ga nào xa vắng lắm/Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu. Nguyễn Bính)
XE LỬA TỐC HÀNH
Trong một phòng ăn của khách sạn nhỏ nơi tôi ở,
Kyoto. Người phục vụ trẻ đi ra đi vào dọn dẹp, mỗi lần bước tới cửa anh lại cúi
rạp đầu, dù lúc đó tôi để ý không thấy người khách nào trong phòng ăn. Anh ta
như một người robot, đụng cánh cửa là tự động cúi đầu. Người Nhật chính thống ngay trước khi ngưng nói
điện thoại cũng cúi đầu chào với người cách hình ở phía đầu giây bên kia.
Có lẽ người máy Robot là thành quả do thói quen
ứng xử của người Nhật hàng ngày mà được phát minh ra đời.
ROBOT CÙNG TRÀ NƯỚC VỚI NGƯỜI
Họ quá lý tưởng, có chuyện gì xẩy ra thì mang
ngay cái chết của bản thân mình làm gương để thế giới khâm phục. Như vậy trong
thực tế: vợ con là người thiệt thòi, chỉ còn sống với cái bóng người chồng, người
cha và câu chuyện như huyền thoại.
Họ yêu truyền thống anh hùng, chỉ cần một chút trầm cảm là họ rủ nhau,
qua mạng, tự vận tập thể mặc dù không biết nhau, chưa gặp nhau bao giờ.
Nhật chiếm hàng đầu thế giới về tự tử một mình hoặc tập thể.
Theo đà tiến triển của thế giới, người phụ nữ Nhật ngày nay cũng có học
vị cao, cũng ở những chức vị quan trọng trong các xí nghiệp công, tư. Họ
cũng tiến rất xa trong môi trường tự do tình dục. Nhưng khi lập gia
đình họ vẫn hầu như là chấp nhận hoàn toàn cái tục lệ rất xa xưa, để
người chồng sau khi tan làm ra có quyền đi la cà ở trà đình, tửu điếm,
cho tới khuya mới về nhà.
Tôi có muốn trở thành một công dân Nhật được cả
thế giới khâm phục không?
Chắc là không. Kiếp sau (nếu có kiếp sau) được
tái sinh, tôi vẫn xin được làm người Việt Nam với tất cả xấu tốt, hạnh phúc và
bất hạnh của dân nước tôi.
Tháng 5/28/ 2015
(*) Chi tiết thêm từ Wikipedia
.