Tháng Mười Hai là tháng cả thế giới cùng ăn mừng ngày Lễ
Giáng Sinh. Dù người ta có thay đổi cách viết, cách bầy tỏ, cách nói thế nào
chăng nữa thì hàng năm, người ta cũng quay về để bắt gặp lại hình ảnh về một
gia đình Nazareth với người chồng dắt con lừa và trên lưng nó có người vợ bụng
mang dạ chửa, lang thang gõ cửa từng quán trọ tìm nơi cư trú. Hình ảnh về một
máng cỏ, một hài nhi, vài con bò con lừa, về một gia đình nhỏ bé, trơ trụi
không một chút tài sản nào trong tay ngoài cây gậy của người chồng và cái tay nải
nhỏ của người vợ, ở nơi đồng không mông quạnh, vẫn được cả thế giới chăm chú
nhìn vào.
Gia đình “Thánh Gia” nhỏ bé đó là tượng trưng tiêu biểu nhất
cho người tị nạn từ thế kỷ này qua thế kỷ khác.
Hình ảnh đó dạy cho nhân loại đời sống “tay không”, đời sống
tị nạn, từ khi chào đời của con Thiên Chúa.
Sinh ra ở trần gian là bắt đầu đời tị nạn, tị nạn mỗi ngày
suốt một đời người. Nếu hiểu rõ mình là kẻ tị nạn trong chốn trần gian này, sẽ
mở lòng bao dung đón người khác vào ở chung với mình được. Thánh Giuse đã gõ từng
cánh cửa, cửa mở ra rồi lại đóng vào. Trần gian rộng rãi thế mà không có chỗ
cho một hài nhi. Nơi tị nạn đầu tiên của gia đìnhThánh Gia là cái máng lót cỏ trong hang của chiên, của lừa, của bò.
Chúng ta hãy nhìn vào
hình ảnh đông như kiến vỡ tổ chạy tán loạn của người dân Syria để hiểu thế nào
là tị nạn. Trong cái tổ kiến hoảng loạn đáng thương này chắc chắn có trà trộn
vào đó những phần tử xấu, những phần tử giết người như một trò giải trí, như
đóng phim.
Làn sóng Trung Đông đang tràn lan vào Âu Châu. Mới đầu con số
còn ít ỏi.
Càng ngày càng tăng lên, khiến những quốc gia như Đức, Pháp
phải nghĩ lại với lời hứa ban đầu.
Nhiều Thống Đốc Hoa Kỳ đã thẳng thắn tuyên bố không chấp nhận
dân tị nạn Syria vào tiểu bang của mình. Họ không muốn phải đối đầu với những kẻ
thù nguy hiểm trong bóng tối. Nước Mỹ nổi tiếng về lòng nhân đạo đã dao động, bối
rối, trong việc mở tay ra đón những người này.
Vụ thứ Sáu 13 tháng 11 vừa qua ở Paris càng đẩy lùi lòng
nhân đạo của các quốc gia, muốn lánh xa người tị nạn.
Con số 10,000 người Tổng Thống Obama hứa hẹn đang bị từ chối,
hoặc hoãn lại.
"Khi tôi nghe các lãnh đạo chính trị
đề nghị sẽ có một cuộc kiểm tra về tôn giáo đối với những người đang trốn chạy
khỏi một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, khi mà một số trong những người
đó (tức các lãnh đạo
chính trị-- chú thích của tác giả bài này) bản
thân họ sinh ra trong những gia đình đang được hưởng sự bảo vệ khi họ đã từng
chạy trốn khỏi sự đàn áp, thì điều đó thật đáng xấu hổ”. Tổng thống Obama nói
thêm: “Đó không phải là người Mỹ, đó không phải là chúng ta”. (VOA)
Liệu người dân Mỹ có cái nhìn và suy nghĩ như vị nguyên thủ
của quốc gia họ không?
Nước Pháp bị khủng bố liên tiếp như thế mà Tổng Thống Pháp vẫn
tuyên bố là người Pháp có nhiệm vụ phải giữ lời cam kết sẽ nhận 30,000 dân tị nạn
trong vòng hai năm tới. Ông cho rằng những người tị nạn từ Trung Đông và bọn khủng
bố không liên hệ gì với nhau cả.
Cả hai vị Tổng Thống đều có cái nhìn của một tấm lòng bao
dung.
Nhưng nhìn hình ảnh phát tán trên mạng: những thanh niên
Trung Đông với nét mặt hung hãn, vứt tung những két nước của hội Hồng Thập Tự
mang đến xe hỏa để tặng người tị nạn. Ai xem cũng phải kinh hoàng, đặt những dấu
hỏi: Những thanh niên này là ai? Họ có thật sự là dân di tản? Liệu những người
này vào nước mình rồi có cầm súng bắn lại người mình không? Một người Mỹ cắt
nghĩa: Vì Hồng Thập Tự có dấu chữ thập (ý chỉ cây thánh giá) có nghĩa thuộc
Kitô Giáo, nên những thanh niên này theo Hồi Giáo, không muốn nhận những gì thuộc
về dị giáo.
Nếu họ không nhận sự giúp đỡ của Hồng Thập Tự thì họ tới đây
làm gì?
Nhưng khoan, hãy xem tiếp: Hình ảnh kế tiếp là mấy cụ già và
mấy em bé năm, bẩy tuổi cũng trên chuyến tàu hỏa đó, len lén đi xuống, nhặt những
vỉ nước mang lên tầu. Như vậy thì rõ ràng có những phần tử xấu, trong những người
tị nạn khốn khổ này.
Nếu chúng ta vì một số
rất nhỏ mà làm ngơ bao nhiêu kẻ hiền lương cần sự giúp đỡ thì có đúng không?
Nhận hay không nhận số người di cư ồ ạt từ các vùng Tây Á (West
Asia) và Đông Nam (South eastern) bao giờ cũng là một vấn đề khó khăn cho Âu
Châu.
Hơn
hai mươi năm trước, vào ngày 08 tháng 8 năm 1991, một số tàu chở khoảng 15,000 người di cư Albania đã
thành công trong việc tấp vào cảng Bari, Italy. Phản ứng
của chính phủ Ý rất khắc nghiệt. Hầu hết các người
Albania đã bị giam giữ tại một sân vận động thể thao, không có đầy đủ thức ăn, nước,
phòng vệ sinh. Nhà chức trách Ý chỉ thả thực phẩm cung cấp cho các người di cư bị bắt bằng trực thăng. Trong vòng vài tuần hầu hết các người di cư bị trục xuất về lại Albania. Sự đối xử khắc nghiệt của họ đã bị chỉ
trích bởi các tổ chức nhân quyền và Giáo hoàng, nhưng đã được chính phủ Ý chứng minh đó là một điều cần thiết để ngăn chặn những đợt di dân khác sẽ tiếp tục từ Albania. (Wikipedia)
Bây giờ nhìn lại sự việc này,
chúng ta có thể thông cảm với thái độ của chính quyền Ý khi đó. Năm 1991 là thời
gian chế độ cộng sản ở Đông Âu sắp sửa tan vỡ, dân chúng tại đó cảm thấy là thời
cơ đã tới cho một cuộc di dân với cái cớ tị nạn cộng sản. Nhưng chính quyền Ý
thấy ngay việc chấp nhận họ sẽ làm cho đất nước Ý bị tràn ngập, khi các biên giới
các nước Đông Âu đã rệu rã. Quyết định cứng rắn đó có vẻ nhẫn tâm, nhưng ngăn
chặn được một đợt di dân khổng lồ mà chính nước Ý không kham nổi. Cai trị đồng
nghĩa với tiên liệu là vậy.
Khi Thánh Giuse gõ cửa những quán trọ, người chỉ nhận được sự
từ chối vì các quán trọ đều có những người khác đã đến đó trước. Cuối cùng Thánh Gia được
một người chủ quán thương hại hướng dẫn đến cái chuồng của bò bên cạnh một sườn
đồi. Nơi đó Chúa Hài Đồng được sinh ra. Chúa đã ra đời trong hoàn cảnh là người
tị nạn. Một người tị nạn nghèo khó đơn sơ nhất.
Có ai nghĩ gia đình nhỏ bé của Chúa bị đối xử như thế là khắc
nghiệt không? Không giúp đỡ chăn mền giữa mùa đông, lò sưởi là hơi thở của mấy
con bò mấy con lừa. Không thực phẩm cho sản phụ, Đức Mẹ vừa qua một cuộc hành
trình dài, lại vừa sanh xong, chắc là đói lắm. Thánh Giuse vừa đói, vừa mệt, vừa
ôm cái lo của một người chủ gia đình.
Không biết Chúa ở trong chuồng bò, lừa, đó bao lâu?
Nhưng trường hợp “tị nạn” của Thánh Gia cách đây hai ngàn
năm dĩ nhiên không thể so sánh với từng khối người đông đảo phải chạy trốn khỏi
cảnh kinh hoàng của chiến tranh lẫn khủng bố của thế giới ngày nay. Nhưng ý
nghĩa muôn đời cho loài người từ những sự việc này là: những người đang yên hàn
sẽ đối xử với kẻ cơ nhỡ và cơ hàn như thế nào? Nếu bây giờ có người đến gõ cửa
nhà bạn xin cho được ở trọ, bạn có mở cửa đón vào không? Có cho ăn, cho mặc
không?
Dec.1st.2015