Saturday, April 30, 2016

Bốn Mươi Năm Lẻ Tiếng Thu Không



Tôi vừa thở dài một tiếng
đã bốn mươi năm lẻ ngoài
mới đây nghe gió chướng
bây giờ lệ đã khô

Ngồi nhìn xuống hai bàn tay
da nhăn như ngày tháng
ngày tháng như hồi chuông kéo ra rồi đứt quãng
bốn mươi năm lẻ vang vọng tiếng thu không

Người dân Việt đáng thương của tôi
anh em suốt đời ly tán
lịch sử sang trang mà nội dung không đổi
làm sao đếm được chân tay
bẻ gẫy xong rồi chắp lại
làm sao đếm được giọt máu
bên này rơi xuống bên kia

chẳng bao giờ bông hoa nở
giữa hàng rào tình thương đã mục
những con mọt gỗ còn sống gậm nốt then cuối cùng


Bốn mươi năm lẻ
tóc xanh thành tóc bạc
bạn hữu ngày một thưa dần
nhìn về quê nhà như nhìn về một đất nước của người khác

lạ cảnh
lạ người
lạ ăn
lạ nói

Xin một chút chân tình
chẳng ai cho
mua một chút chân tình
người ta bán bằng phẩm đỏ
vừa hứng trên tay
đã ngả sắc tím bầm

Bốn mươi năm lẻ
tôi nhuộm tóc ngồi chờ
trên bực thềm thế kỷ
vang vọng tiếng thu không
nghe hồn mình mục nát




4/30/2016

Friday, April 29, 2016

Bỏ Đi

   
        
(Nghe tin nhà văn Phan Lạc Phúc từ trần)

Tiệc trần gian thêm một người đứng dậy
ra cánh đồng, nghe đất thở với mình
Rượu cạn đáy ly còn dăm người bạn
lặng nhìn nhau chia nốt ngụm tử sinh.


4/28/2016

Sunday, April 24, 2016

Đốt cháy cả ngôi làng


Em thức dậy
khi bàn ghế còn đang ngủ
khi những bức tranh trên tường
bình hoa
những chai rượu đỏ trên kệ
những chiếc áo treo trong tủ
những cánh cửa sổ
chúng còn đang say ngủ

em quờ quạng đánh thức một bài thơ

em lay chăn gối
vỗ lên vai giường
chúng lười biếng không dậy
chỉ có em thức dậy

em quờ quạng đánh thức một bài thơ

không gian nhắm mắt
bóng tối khẽ cựa mình
bài thơ khẽ cựa mình

anh làm sao hiểu được
những ngón tay em
đang mồi lửa hồn em
trên những con chữ
ánh sáng mờ
như một giải lụa bạch

hồn em tỉnh ngủ
như que diêm xoè lửa
một đám cháy nhỏ
bắt đầu bén lửa
thơ như củi nỏ
ngần ngật cháy
những vì sao hốt hoảng
cất tiếng hú

nguời lính cứu hoả
choàng tỉnh dậy

sáng mai anh sẽ đọc bản tin

đêm qua
có một phụ nữ
mồi thơ
đốt cháy cả ngôi làng

3 giờ sáng , June 7/2011

ÁO KHĂN NGÀY CŨ


Quần áo không phải chỉ làm ấm, làm đẹp cho thân thể con người mà còn biểu hiệu cho sự giầu nghèo rất rõ ràng, nó còn cho thấy cái trình độ về thẩm mỹ của những người khoác nó lên vai nữa. Người xưa thường nói “Y phục xứng kỳ đức” để răn dậy con người biết ăn mặc sao cho phù hợp với tuổi tác, địa vị của người đó.

Quần áo cũng làm cho bao trái tim của nhạc sĩ, thi sĩ rung lên bật thành câu thơ tiếng nhạc. Từ chiếc áo dài trắng của nữ sinh cho đến những chiếc áo lính.

Nghe một thi sĩ nói về vạt áo thế này, có thơ mộng chưa!
Có phải em mang trong áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay  (Nguyên Sa)

Ngay cả áo trận của tử sĩ cũng được nhớ tới vừa đau đớn vừa trầm hùng

Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương (*)

Quê hương tôi có rất nhiều bài hát, bài thơ, ca dao cho những tấm áo rách áo vải, áo gấm nữa.
Chồng em áo vải em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người. (Ca Dao)

Người chồng nghèo nào không cảm động thấy mình được may mắn đến thế.
Hình ảnh cánh đồng khô cạn của một vùng đất nghèo, bác nông phu già trong những chiếc áo rách vai, cày cuốc thay trâu, bên mấy đứa trẻ gầy gò, trong thời chiến tranh, vẽ lên một bức tranh buồn!

Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cầy. (Quê Nghèo - Phạm Duy)

Nhưng bây giờ hình ảnh đó không còn nữa, hay còn mà mình ở xa quá, không nhìn thấy. Chỉ thấy những vạt áo dài, dài tới mười, mười lăm thước của những người mẫu đi trình diễn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Nếu thi sĩ Vũ Hoàng Chương được chứng kiến nhan sắc phụ nữ Việt thời nay trong những vạt áo gấm huy hoàng đó sẽ phải bật tiếng kêu thảng thốt.
Riêng chỉ mình ta phai áo lục
Còn em sau trước vẫn hồng nhan (VHC)

Tôi hay có thói quen soạn lại quần áo mỗi khi sang mùa. Mấy hôm nay tôi dọn tủ, cất đi quần áo mùa đông, mang quần áo mùa xuân, hạ ra. Cũng phải cho bớt đi một số quần áo lâu ngày không mặc tới cho bớt chật tủ.

Quần áo phụ nữ ở nước Mỹ này thì nhiều vô kể, lúc nào người phụ nữ cũng có cớ để đi mua quần áo mới: Tuần tới đi vacation, tháng sau đi dự đám cưới, có tiệc cộng đồng, lễ Phục Sinh, lễ Giáng Sinh, lễ Tình Yêu, v.v... Hay chẳng cần có dịp đặc biệt gì cả, chỉ giản dị là tiệm đó đang quảng cáo hạ giá ầm lên. “Càng mua càng tiết kiệm“ Nghe thuận tai thật.

Mở từng cái áo ra, cầm lên, bỏ xuống, phân vân không biết nên bỏ vào thùng cất đi hay bỏ vào túi mang cho. Mỗi cái áo có ưu điểm và khuyết điểm của nó. Cái thì màu đẹp nhưng kiểu đã lỗi thời, cái thì mầu trông buồn bã quá, nhưng kiểu lại hợp mắt. Rồi mùa xuân thật sự đến chưa nhỉ? Hay một hai hôm nữa trời lạnh trở lại. Thời tiết mà, ai mà đoán trúng được.

Khó nhất là cầm lên một chiếc áo mà bao nhiêu kỷ niệm chạy về. Cái áo này đi đám cưới, có giọt rượu hồng của ai bắn vào vạt, cái áo này đi đám tang, có giơ tay áo lên chùi nước mắt bao giờ không nhỉ. Cái áo này đi mua với ai, cái áo này ai tặng, cái áo này tay ai đã choàng qua vai, cái áo này đã mặc đi với ai trong những lần hò hẹn,Tình tang tôi nghe như tình lang. (Bích Khê)

Soạn tủ một lúc, bất chợt cầm lên cái áo cánh màu mỡ gà của Mẹ lẫn trong đám áo cất đi của mình, Mẹ mất hơn 20 năm rồi, cầm áo lên, những ngón tay gầy (chắc gầy như tay mẹ hồi đó) chạm vào thân áo lụa, như chạm vào da thịt Mẹ ngày hôm đó trong bệnh viện, mềm và lành lạnh. Nghe xót xa trong lòng.

Mẹ hay mặc áo lụa
đi đôi hài mũi cong
hai tay mẹ đeo xuyến
tóc mẹ trắng như bông (*)

Rồi lại cầm vào cái áo gilet  len mỏng màu xám tro của Bố, Bố mất 30 năm rồi, giơ áo lên thấy như mắt mình chạm vào cặp mắt hiền từ của Bố, thấy cái đầu hói với những vết đồi mồi. Thấy Bố ngồi uống cà phê buổi sáng ở cái bàn nhỏ, bên của sổ. Bố ơi con nhớ Bố quá!

Tóc Bố còn ít lắm
mà bạc trắng cả rồi
con ngậm ngùi đếm mãi
thương quá vết đồi mồi (*)

Có khi lẫn trong tủ quần áo của mình quần áo của mấy đứa con hồi còn bé xíu, mẹ cất đi của mỗi đứa một bộ. Bây giờ nhặt lên ngắm nghía, thật khó mà hình dung ra trước mặt mình một người đàn ông cao 6 feet, một phụ nữ mình chỉ đứng tới ngực, lại có thể mặc vừa những cái áo, cái quần bé như thế này.

Cám ơn con cho mẹ đã cưu mang
chín tháng giấc mơ ôm cả đất trời
con như suối róc rách chẩy trong mẹ
như bông hoa trắng muốt dưới chân đồi. (*)

Ngồi một mình trong căn nhà im ắng, soạn quần áo cũ khác nào như cúi xuống nhìn vào lòng mình. Thời gian như in trên từng cái áo, cái quần, cái khăn quàng cổ. Chao ôi những cái khăn đã nhiều lần vắt vai đi với chồng trong những sáng chủ nhật qua sân nhà thờ, gió thổi từ trên nóc mái cao, nơi có cây thánh giá hắt bóng xuống vai hai người. Những cái khăn gấp gọn gàng như giữ được cả nắng gió thời gian trong đó, như giữ được cả câu kinh ngày chủ nhật cho con chiên. Một mùi thơm nhẹ nhàng của mấy nhánh Oải Hương khô quấn trong khăn, bay vào mũi. Hương xưa luôn luôn làm lòng người rưng rưng.

Nhưng có bao giờ ta ôm mãi được thời gian, ta giữ mãi được kỷ niệm. Tất cả đều sẽ phải mờ đi hay phải bay đi. Ta ngậm ngùi đấy nhưng hãy buông ra, không cần gió đâu, mọi vật, mọi việc, ngay cả đến câu thơ viết xuống cũng sẽ bốc lên, bay ra, tan loãng như khói như sương.

Rồi một ngày nào đó không ai còn nhớ gì cả.

Đất dịu dàng thở, mặt trời dịu dàng chiếu xuống. Những vuông vải đã sống hết đời mình trên những thân thể được nó ôm ấp.


(*) Thơ tmt

Tháng 4/11/2016

Saturday, April 23, 2016

Hỏng Xe Giữa Đường




Cái xe bỗng dưng ngừng chạy, tôi may mắn vào được một bãi đậu xe, mặc nó với điều nó lựa chọn.

Chắc nó hôm nay bỗng thấy mệt mỏi không muốn cõng ai trên lưng. Nó nhăn nhó như một tình lang khó tính. Tôi mỉm cười và tỏ thái độ dửng dưng. Muốn eo sách thì tha hồ eo sách. Cứ ngồi đó một mình, tôi thản nhiên quay lưng đi bộ.

Con đường về nhà hôm nay ngiêng nghiêng nắng đổ. Nắng đổ nhẹ nhàng như ngã xuống hai vai. Từ ngã tư này tôi xuôi theo con dốc về hướng Bắc, mất ba mươi phút thôi là tới cửa nhà. Trên đường đi mùa này có rất nhiều hoa. Tôi vừa đi vừa hái. Cây trong vườn nhà ai vươn những cánh tay hoa, vẫy qua hàng rào như mời gọi. Tử Đinh Hương thím thẫm, tím nhạt, hay trắng tinh khôi, hoa Hồng Mộc đẹp màu môi con gái.

Tôi có một bó hoa trong tay như thời thiếu nữ, đi qua vườn nhà ai cũng hái trộm một cành, lúc lá và tóc cùng một màu xanh, bây giờ lá và tóc hai màu bay hai ngả. Nhưng hoa vẫn theo tôi tiếng cười rộn rã, thú thật tiếng cười đó không phải ở hoa mà bật ra ở ngực mình.

Tôi đi loanh quanh trên con đường nhỏ, đóa hoa nhiều màu trên tay như hồn tôi đang nhòe phẩm xanh phẩm đỏ, như mùa này xuân hạ lẫn vào nhau. Như hôm qua mưa lất phất ướt con đường đất đỏ, hôm nay nắng về kéo theo mấy chú ong, đời nhịp nhàng vo ve chưa hề ngưng nghỉ với thăng trầm, tôi cứ thong thả bước và con đường cứ mở về phía trước.

Không lái xe nên không cần nhìn ngang nhìn dọc, đèn đỏ đèn xanh cứ việc thay màu, thay thì thay đâu có phải đợi nhau.

Một mình tôi hưởng cả một vỉa hè, chân vu vơ đá viên sỏi nhỏ, viên sỏi lăn về phía trước đứng chờ, con sóc từ bụi cây nào vụt ra, vươn vai như vừa chợt tỉnh giấc mơ, hai mắt tròn xoe nhìn viên sỏi như nhìn người khách lạ.

Cứ vừa đi vừa hái hoa vừa mơ mộng, chân cứ lăn theo những viên sỏi biết cười, ngày rơi đầy trên cả hai vai.

Tôi vuốt xuống cả buổi chiều mùa hạ.

Xe ơi, thỉnh thoảng lười đi nhé, đừng cõng tôi để tôi được đi bộ một mình.

Saturday, April 16, 2016

NHÀ DỘT

Căn nhà của Bà ở, xây từ năm 1960, gần cả 50 năm rồi. Một ngày sau cơn bão, cái ống khói lò sưởi phía nam bỗng bị thương nặng, nhưng Bà không biết. Nước mưa luồn qua vết thương đi vào trong giữa hai lớp tường. Thế là chẩy vào buồng ngủ trên lầu, cái buồng ngủ nhỏ Bà trang trí cho cháu ngoại từ năm năm trước, lúc cháu còn ở San Diego, bao giờ về chơi với ông bà thì có buồng riêng cho bé.
 
Bà vẽ tranh trên tường, có cái nhà màu hồng, mái đỏ, có con đường hoa vàng, có con thỏ ăn cà rốt, có mẹ con đàn vịt và có cả ông Trời đang rọi nắng. Bà treo đèn lồng trắng, vẽ con cá, con bướm, quả táo quả cam, có cả bức tranh tốc họa Mẹ và Con của Bé Ký nữa, rồi bà kê thêm một cái giường nhỏ cho cháu.



Bà đang vẽ trên tường và cắt dán hình cho lồng đèn.

Mấy lúc sau này, bị đau lưng, khi ngủ, thay vì nằm trên giường, Bà trải chiếu trúc và ngả lưng xuống sàn trong phòng này.

Thằng cháu bây giờ đã lên năm, có thêm con bé em lên ba. Gia đình cháu đã dọn về Seattle cho gần ông bà ngoại. Thỉnh thoảng hai đứa bé qua đêm với Bà. Cả ba bà cháu đều nằm chiếu trúc ngủ.

Lên năm, cháu biết phòng này là Bà làm cho mình, bức tranh Bà vẽ trên tường là của mình, nên khi cháu sang thấy thợ tháo bức tường ra sửa chữa cháu buồn buồn hỏi.

-      Bà, họ làm bể bức tranh, làm con vịt đau, con thỏ đau.


Tranh và lồng đèn đã hoàn tất.

Bà ôm đầu cháu hứa Bà sẽ vẽ cho bức tranh khác khi cái tường sửa xong.
Hứa với cháu như thế, nhưng chắc chỉ đi mua bức tranh khác về treo chứ không vẽ lên tường nữa. Khi Bà thấy thợ lột bức tường có tấm tranh mình vẽ cho cháu, cũng đau lòng lắm. Nhỡ có chuyện gì xẩy ra, lại lột tường, đập vách nữa thì sao?

Tối hôm đó khi ngủ ở căn buồng khác, Bà nằm trằn trọc nghĩ đến bức tường bị lột xuống, tấm tranh rách tả tơi từng vệt sơn, cái đèn lồng màu trắng có hình con cá, con bướm, quả cam, quả táo dúm dó nằm một góc buồng. Những hình ảnh đó làm Bà khó ngủ quá.

 Nhớ khi mình vẽ, thằng bé chưa ra đời. Mình đem hết cả thương yêu vào sơn vào cọ, vẽ bức tranh vụng về lên tường cho cháu mất hai ba ngày. Lụi cụi thêm nguyên một ngày nữa,vẽ trên giấy, rồi cắt, dán hình trên cái lồng đèn. Cháu dọn về thành phố của Bà lúc 9 tháng tuổi, tuy ở riêng với cha mẹ, nhưng sang Bà thường xuyên, biết đó là tranh Bà vẽ cho mình, buồng đó là của mình. Lớn lên, biết nói sõi, mỗi lần bước vào đó, thằng bé hay nói. “Con đi vào buồng của con.”

Bây giờ tự nhiên mất bức tranh, mất lồng đèn, căn buồng đó sơn lại màu khác, liệu cháu còn gọi đó là buồng của mình không?

Thằng bé chắc rồi cũng sẽ quên khi nó có những món đồ chơi transformers mà nó rất thích. Bức tranh trên tường thì làm sao biến dạng hấp dẫn như vậy được.

Rồi mười, hai mươi năm nữa, Bà mất đi, hoặc Bà rất già, Bà không nhớ được gì nữa. Hay Bà không còn ở trong ngôi nhà này nữa. Liệu chàng thanh niên ở tuổi hai mươi, hai mươi lăm đó, có trở về, đứng trước một cánh cửa đóng, bên trong người xa lạ ở, có hình dung ra bức tường có tấm tranh bà ngoại vẽ cho mình, bị mấy người thợ đến phá. Rồi chàng thanh niên sẽ ngậm ngùi bỏ đi mà đầu cứ ngoảnh lại nhìn cánh cửa.

Chàng sẽ rẽ vào Nhà Già phía Nam hay chàng sẽ rẽ sang cánh đồng cỏ xanh phía tây đi thăm bà.

Chỉ nghĩ đến thế là Bà đã nước mắt đầm đìa rồi.

Nước mưa trôi xuống, ướt cả sàn, tấm thảm cũng phải lột lên, trông cái sàn gỗ phô ra giống như tấm lưng của người bị ai lấy mất áo. Lấy mất áo đã đành, nhưng nhỡ người ta lấy hết cả kỷ niệm thì sao?

Bà đã nghĩ sẽ đổi cái buồng này thành buồng “Đọc Sách” Trên tường sẽ không có tranh, ảnh hay một thứ trưng bày gì, ngoài cái kệ sách nhỏ.

Chiếu trúc lại được trải xuống. Khi hai cháu sang ba bà cháu vẫn ngủ dưới sàn. Mưa cứ rơi, cứ thánh thót tiếng nhạc, nhưng xin đừng làm cái ống khói bị thương nữa.


Tháng 4/14/16

Wednesday, April 13, 2016

CHÙA DỘT



















Giọt rơi thầm lặng trên vai Phật
Giọt len lén thấm vào trang kinh
Nhà sư giơ tay vuốt mặt ướt
Chú tiểu co ro ngồi lặng thinh


Giọt gõ trầm trầm theo nhịp mõ
Cánh sen lấp lánh giọt ngọc trai
Ngón tay Phật chỉ vầng trăng sáng
Cũng đầm đìa giọt ngắn giọt dài


Giọt xuống hậu liêu loang từng vũng
Giọt chan vào giữa bát cơm chay
Cọng rơm ngày trước qua bể khổ
Cũng giạt cổng chùa sáng hôm nay


Giọt kết thành tràng đeo trên cổ
Giây chuông ướt sũng giọt cam lồ
Tam quan mái lạnh người không tới
Cả ngôi chùa đứng khóc trong mưa.

tháng 6/1992

Sunday, April 3, 2016

Nước Mắt Dòng Sông Mẹ






















(Viết theo bài Khóc Một Dòng Sông-Nguyễn Thị Hậu trên DĐTK)

Mẹ còn nước mắt không
đừng trách Mẹ cạn dòng
đừng trách Mẹ không nuôi các con được nữa
đừng trách Cha giáng họa thiên tai

 các con đã vắt đến giọt sữa cuối cùng
từng mảnh thịt Mẹ không một ngày ngơi nghỉ
như vết thương ăn sâu vào xương tủy
còn phủ lên mình Mẹ những ô nhiễm của con người
ruộng đồng tăng nên sức mẹ hao mòn
vét nạo cát là lấy từng phần da thịt mẹ

Mẹ đau yếu Mẹ gầy đi các con không nhìn thấy
các con vẫn thản nhiên chặn đập nắn dòng
Ôi tình Mẹ là tình của dòng sông
sao bỗng chốc tình như dòng sông cạn

hạn hán là định luật của đất trời
nhưng những con đập của thượng nguồn các con không ngăn được
những con đập đã lấy đi ngàn ngàn khối nước
Mẹ còn giọt nước mắt nào để rơi xuống cho con

Dòng sông Mẹ một thời yêu thương các con quá mực
một Mẹ Sông nuôi cả trăm triệu đứa con
cho con áo cơm cho thuyền cho cá

 cho lưới căng cho da thịt rám hồng
cho hoàng hôn xanh cho mặt trời hồng
để các con nghĩ rằng Mẹ Sông chẳng bao giờ già
Mẹ Sông không bao giờ chết

Nhưng hôm nay Mẹ sức mòn thân kiệt
vì lòng tham lam và ích kỷ của loài người
nước chặn đầu nguồn nên nước phân ly
ai đem muối pha vào cho mặn đất

Mẹ xót thương cho con cháu sau này
chúng chỉ còn trong tay những mảnh đất khô ran
một màu nâu buồn bã

không có sông, chúng không biết thế nào là tình nước với thuyền
sao biết con người yêu thương nhau như ngư dân yêu cá
sao biết hân hoan những lúc được mùa
như bác nông phu yêu thương từng cây lúa
như đất phà hơi vào con người đang thở

không có sông tình muôn đời trắc trở
không có những cây cầu sao nối được hai nơi
không có thuyền sao có lúc ra khơi
 tất cả sẽ mất như mặt trời mất bóng

Các con có nghe không
tiếng khóc dòng Sông Mẹ
những giọt lệ này còn chẩy xuống được bao lâu!

 Tháng 4/3/2016