Căn
nhà của Bà ở, xây từ năm 1960, gần cả 50 năm rồi. Một ngày sau cơn bão, cái ống
khói lò sưởi phía nam bỗng bị thương nặng, nhưng Bà không biết. Nước mưa luồn
qua vết thương đi vào trong giữa hai lớp tường. Thế là chẩy vào buồng ngủ trên
lầu, cái buồng ngủ nhỏ Bà trang trí cho cháu ngoại từ năm năm trước, lúc cháu
còn ở San Diego, bao giờ về chơi với ông bà thì có buồng riêng cho bé.
Bà
vẽ tranh trên tường, có cái nhà màu hồng, mái đỏ, có con đường hoa vàng, có con
thỏ ăn cà rốt, có mẹ con đàn vịt và có cả ông Trời đang rọi nắng. Bà treo đèn lồng
trắng, vẽ con cá, con bướm, quả táo quả cam, có cả bức tranh tốc họa Mẹ và Con của Bé Ký nữa, rồi bà kê thêm một
cái giường nhỏ cho cháu.
Bà đang vẽ
trên tường và cắt dán hình cho lồng đèn.
Mấy
lúc sau này, bị đau lưng, khi ngủ, thay vì nằm trên giường, Bà trải chiếu trúc
và ngả lưng xuống sàn trong phòng này.
Thằng
cháu bây giờ đã lên năm, có thêm con bé em lên ba. Gia đình cháu đã dọn về
Seattle cho gần ông bà ngoại. Thỉnh thoảng hai đứa bé qua đêm với Bà. Cả ba bà
cháu đều nằm chiếu trúc ngủ.
Lên
năm, cháu biết phòng này là Bà làm cho mình, bức tranh Bà vẽ trên tường là của
mình, nên khi cháu sang thấy thợ tháo bức tường ra sửa chữa cháu buồn buồn hỏi.
-
Bà,
họ làm bể bức tranh, làm con vịt đau, con thỏ đau.
Tranh và lồng
đèn đã hoàn tất.
Bà
ôm đầu cháu hứa Bà sẽ vẽ cho bức tranh khác khi cái tường sửa xong.
Hứa
với cháu như thế, nhưng chắc chỉ đi mua bức tranh khác về treo chứ không vẽ lên
tường nữa. Khi Bà thấy thợ lột bức tường có tấm tranh mình vẽ cho cháu, cũng
đau lòng lắm. Nhỡ có chuyện gì xẩy ra, lại lột tường, đập vách nữa thì sao?
Tối
hôm đó khi ngủ ở căn buồng khác, Bà nằm trằn trọc nghĩ đến bức tường bị lột xuống,
tấm tranh rách tả tơi từng vệt sơn, cái đèn lồng màu trắng có hình con cá, con
bướm, quả cam, quả táo dúm dó nằm một góc buồng. Những hình ảnh đó làm Bà khó
ngủ quá.
Nhớ khi mình vẽ, thằng bé chưa ra đời. Mình
đem hết cả thương yêu vào sơn vào cọ, vẽ bức tranh vụng về lên tường cho cháu mất
hai ba ngày. Lụi cụi thêm nguyên một ngày nữa,vẽ trên giấy, rồi cắt, dán hình
trên cái lồng đèn. Cháu dọn về thành phố của Bà lúc 9 tháng tuổi, tuy ở riêng với
cha mẹ, nhưng sang Bà thường xuyên, biết đó là tranh Bà vẽ cho mình, buồng đó
là của mình. Lớn lên, biết nói sõi, mỗi lần bước vào đó, thằng bé hay nói. “Con
đi vào buồng của con.”
Bây
giờ tự nhiên mất bức tranh, mất lồng đèn, căn buồng đó sơn lại màu khác, liệu
cháu còn gọi đó là buồng của mình không?
Thằng
bé chắc rồi cũng sẽ quên khi nó có những món đồ chơi transformers mà nó rất thích. Bức tranh trên tường thì làm sao biến
dạng hấp dẫn như vậy được.
Rồi
mười, hai mươi năm nữa, Bà mất đi, hoặc Bà rất già, Bà không nhớ được gì nữa.
Hay Bà không còn ở trong ngôi nhà này nữa. Liệu chàng thanh niên ở tuổi hai
mươi, hai mươi lăm đó, có trở về, đứng trước một cánh cửa đóng, bên trong người
xa lạ ở, có hình dung ra bức tường có tấm tranh bà ngoại vẽ cho mình, bị mấy
người thợ đến phá. Rồi chàng thanh niên sẽ ngậm ngùi bỏ đi mà đầu cứ ngoảnh lại
nhìn cánh cửa.
Chàng
sẽ rẽ vào Nhà Già phía Nam hay chàng sẽ rẽ sang cánh đồng cỏ xanh phía tây đi
thăm bà.
Chỉ
nghĩ đến thế là Bà đã nước mắt đầm đìa rồi.
Nước
mưa trôi xuống, ướt cả sàn, tấm thảm cũng phải lột lên, trông cái sàn gỗ phô ra
giống như tấm lưng của người bị ai lấy mất áo. Lấy mất áo đã đành, nhưng nhỡ
người ta lấy hết cả kỷ niệm thì sao?
Bà
đã nghĩ sẽ đổi cái buồng này thành buồng “Đọc Sách” Trên tường sẽ không có
tranh, ảnh hay một thứ trưng bày gì, ngoài cái kệ sách nhỏ.
Chiếu
trúc lại được trải xuống. Khi hai cháu sang ba bà cháu vẫn ngủ dưới sàn. Mưa
cứ rơi, cứ thánh thót tiếng nhạc, nhưng xin đừng làm cái ống khói bị thương nữa.
Tháng
4/14/16