Sunday, April 24, 2016

ÁO KHĂN NGÀY CŨ


Quần áo không phải chỉ làm ấm, làm đẹp cho thân thể con người mà còn biểu hiệu cho sự giầu nghèo rất rõ ràng, nó còn cho thấy cái trình độ về thẩm mỹ của những người khoác nó lên vai nữa. Người xưa thường nói “Y phục xứng kỳ đức” để răn dậy con người biết ăn mặc sao cho phù hợp với tuổi tác, địa vị của người đó.

Quần áo cũng làm cho bao trái tim của nhạc sĩ, thi sĩ rung lên bật thành câu thơ tiếng nhạc. Từ chiếc áo dài trắng của nữ sinh cho đến những chiếc áo lính.

Nghe một thi sĩ nói về vạt áo thế này, có thơ mộng chưa!
Có phải em mang trong áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay  (Nguyên Sa)

Ngay cả áo trận của tử sĩ cũng được nhớ tới vừa đau đớn vừa trầm hùng

Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương (*)

Quê hương tôi có rất nhiều bài hát, bài thơ, ca dao cho những tấm áo rách áo vải, áo gấm nữa.
Chồng em áo vải em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người. (Ca Dao)

Người chồng nghèo nào không cảm động thấy mình được may mắn đến thế.
Hình ảnh cánh đồng khô cạn của một vùng đất nghèo, bác nông phu già trong những chiếc áo rách vai, cày cuốc thay trâu, bên mấy đứa trẻ gầy gò, trong thời chiến tranh, vẽ lên một bức tranh buồn!

Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cầy. (Quê Nghèo - Phạm Duy)

Nhưng bây giờ hình ảnh đó không còn nữa, hay còn mà mình ở xa quá, không nhìn thấy. Chỉ thấy những vạt áo dài, dài tới mười, mười lăm thước của những người mẫu đi trình diễn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Nếu thi sĩ Vũ Hoàng Chương được chứng kiến nhan sắc phụ nữ Việt thời nay trong những vạt áo gấm huy hoàng đó sẽ phải bật tiếng kêu thảng thốt.
Riêng chỉ mình ta phai áo lục
Còn em sau trước vẫn hồng nhan (VHC)

Tôi hay có thói quen soạn lại quần áo mỗi khi sang mùa. Mấy hôm nay tôi dọn tủ, cất đi quần áo mùa đông, mang quần áo mùa xuân, hạ ra. Cũng phải cho bớt đi một số quần áo lâu ngày không mặc tới cho bớt chật tủ.

Quần áo phụ nữ ở nước Mỹ này thì nhiều vô kể, lúc nào người phụ nữ cũng có cớ để đi mua quần áo mới: Tuần tới đi vacation, tháng sau đi dự đám cưới, có tiệc cộng đồng, lễ Phục Sinh, lễ Giáng Sinh, lễ Tình Yêu, v.v... Hay chẳng cần có dịp đặc biệt gì cả, chỉ giản dị là tiệm đó đang quảng cáo hạ giá ầm lên. “Càng mua càng tiết kiệm“ Nghe thuận tai thật.

Mở từng cái áo ra, cầm lên, bỏ xuống, phân vân không biết nên bỏ vào thùng cất đi hay bỏ vào túi mang cho. Mỗi cái áo có ưu điểm và khuyết điểm của nó. Cái thì màu đẹp nhưng kiểu đã lỗi thời, cái thì mầu trông buồn bã quá, nhưng kiểu lại hợp mắt. Rồi mùa xuân thật sự đến chưa nhỉ? Hay một hai hôm nữa trời lạnh trở lại. Thời tiết mà, ai mà đoán trúng được.

Khó nhất là cầm lên một chiếc áo mà bao nhiêu kỷ niệm chạy về. Cái áo này đi đám cưới, có giọt rượu hồng của ai bắn vào vạt, cái áo này đi đám tang, có giơ tay áo lên chùi nước mắt bao giờ không nhỉ. Cái áo này đi mua với ai, cái áo này ai tặng, cái áo này tay ai đã choàng qua vai, cái áo này đã mặc đi với ai trong những lần hò hẹn,Tình tang tôi nghe như tình lang. (Bích Khê)

Soạn tủ một lúc, bất chợt cầm lên cái áo cánh màu mỡ gà của Mẹ lẫn trong đám áo cất đi của mình, Mẹ mất hơn 20 năm rồi, cầm áo lên, những ngón tay gầy (chắc gầy như tay mẹ hồi đó) chạm vào thân áo lụa, như chạm vào da thịt Mẹ ngày hôm đó trong bệnh viện, mềm và lành lạnh. Nghe xót xa trong lòng.

Mẹ hay mặc áo lụa
đi đôi hài mũi cong
hai tay mẹ đeo xuyến
tóc mẹ trắng như bông (*)

Rồi lại cầm vào cái áo gilet  len mỏng màu xám tro của Bố, Bố mất 30 năm rồi, giơ áo lên thấy như mắt mình chạm vào cặp mắt hiền từ của Bố, thấy cái đầu hói với những vết đồi mồi. Thấy Bố ngồi uống cà phê buổi sáng ở cái bàn nhỏ, bên của sổ. Bố ơi con nhớ Bố quá!

Tóc Bố còn ít lắm
mà bạc trắng cả rồi
con ngậm ngùi đếm mãi
thương quá vết đồi mồi (*)

Có khi lẫn trong tủ quần áo của mình quần áo của mấy đứa con hồi còn bé xíu, mẹ cất đi của mỗi đứa một bộ. Bây giờ nhặt lên ngắm nghía, thật khó mà hình dung ra trước mặt mình một người đàn ông cao 6 feet, một phụ nữ mình chỉ đứng tới ngực, lại có thể mặc vừa những cái áo, cái quần bé như thế này.

Cám ơn con cho mẹ đã cưu mang
chín tháng giấc mơ ôm cả đất trời
con như suối róc rách chẩy trong mẹ
như bông hoa trắng muốt dưới chân đồi. (*)

Ngồi một mình trong căn nhà im ắng, soạn quần áo cũ khác nào như cúi xuống nhìn vào lòng mình. Thời gian như in trên từng cái áo, cái quần, cái khăn quàng cổ. Chao ôi những cái khăn đã nhiều lần vắt vai đi với chồng trong những sáng chủ nhật qua sân nhà thờ, gió thổi từ trên nóc mái cao, nơi có cây thánh giá hắt bóng xuống vai hai người. Những cái khăn gấp gọn gàng như giữ được cả nắng gió thời gian trong đó, như giữ được cả câu kinh ngày chủ nhật cho con chiên. Một mùi thơm nhẹ nhàng của mấy nhánh Oải Hương khô quấn trong khăn, bay vào mũi. Hương xưa luôn luôn làm lòng người rưng rưng.

Nhưng có bao giờ ta ôm mãi được thời gian, ta giữ mãi được kỷ niệm. Tất cả đều sẽ phải mờ đi hay phải bay đi. Ta ngậm ngùi đấy nhưng hãy buông ra, không cần gió đâu, mọi vật, mọi việc, ngay cả đến câu thơ viết xuống cũng sẽ bốc lên, bay ra, tan loãng như khói như sương.

Rồi một ngày nào đó không ai còn nhớ gì cả.

Đất dịu dàng thở, mặt trời dịu dàng chiếu xuống. Những vuông vải đã sống hết đời mình trên những thân thể được nó ôm ấp.


(*) Thơ tmt

Tháng 4/11/2016