(Viết tặng PXĐ)
Anh mở tủ lạnh,
tìm chai nước cam. Cánh cửa tủ lạnh vừa mở ra, mấy cái hộp nhựa đựng thức ăn
ngay phía ngoài lăn nhoài xuống đất, anh đỡ không kịp. Thức ăn rơi cả xuống
chân anh. Anh bực mình, nhặt lên, đóng cánh cửa lại, quên cả là mình đang tính
uống một ly nước cam.
Hơn chục năm rồi,
từ ngày thôi việc, ở nhà, vợ anh bắt đầu có thói quen tích trữ. Không phải chỉ
thức ăn, mà bất cứ cái gì có thể cất đi được là nàng tích trữ. Bắt đầu là quần
áo. Anh không biết hiện giờ anh có bao nhiêu cái sơ mi, bao nhiêu cái quần,
chưa tháo cái giây tòng teng nhãn hiệu, giá tiền, đang treo trong tủ hay đang ở
trong một cái túi nào vứt dưới chân tủ. Bao giờ nàng mang
quần áo về nhà cũng kèm theo một câu: “Hàng hiệu đắt tiền bán còn 1/3 giá, em
mua cho anh”. Anh cũng hưu trí rồi, có đi làm hàng ngày đâu mà cần nhiều
quần áo đến như thế. Nhưng không thể nào tranh luận với cái tư tưởng “Càng mua
càng tiết kiệm” này. (More you buy, more you save.)
Sau quần áo, là
thực phẩm: Gạo, bún, muối, mắm, cá tôm, thịt,v.v. Nghe bạn bè nói chỗ nào tươi,
ngon, hàng mới về là nàng chạy ngay đến mua. Đắt một chút cũng được. Tôm, cá,
thịt cần tươi ngon. Nàng khênh về đủ cho mười người ăn, nhưng nhà chỉ có hai
người. Lo gì, chia ra từng gói nhỏ, cất vào ngăn đá.Tuần sau ăn vẫn còn tươi.
Nhưng tuần sau của nàng có thể là tháng sau, năm sau, hay đôi khi là không bao
giờ, vì nó bị bỏ quên trong ngăn đá cả năm rồi.
Mua nhiều thực
phẩm có nghĩa là sẽ mang về nhà cả trăm cái bao. Nàng giữ hết, không vứt đi một
cái bao nào. Bao chợ bằng giấy, bằng plastic, xếp đống từ trong bếp, dưới chân
bàn viết của anh, dưới gầm giường. Nàng nói:
- Đến lúc cần, mới biết. Cứ để đấy cho em.
Anh mới đầu còn
cằn nhằn, sau nói mãi không được, đành hàng. Thỉnh thoảng đợi lúc nàng vắng nhà
(chuyện này ít khi xẩy ra) anh vứt bớt đi một mớ, nàng về cũng không biết ngay,
vì nó chẳng suy chuyển bao nhiêu và độ vài hôm sau những chỗ trống đó sẽ có
những cái bao khác nhét ngay vào.
Anh nghĩ, phải
chăng đó là căn bệnh trầm kha của một người lúc nào cũng sợ thiếu. Hay là nàng
muốn tạo cho mình một thế giới riêng tư mà nàng cho là an toàn nhất. Ăn, mặc
vốn là hai thứ thiết yếu của đời sống. Nàng ngủ an giấc khi biết trong tủ có
quần áo mặc cho cả bốn mùa, thực phẩm đủ cho cả những cơn động đất, mưa bão đến
bất ngờ trong thành phố.
Anh đem chuyện bà
vợ lo xa của mình kể cho một chị bạn văn rất thân nghe. Cô ấy ngửa mặt lên trời
cười:
- Anh với chị ấy giống
nhau lắm, đừng có than. Điều khác biệt là anh nhìn thấy sự tích trữ của chị ấy
mỗi ngày trước mắt, nhưng anh không nhìn thấy những thứ anh tích trữ trong đời
sống của anh mỗi ngày.
Anh hùng hổ cãi.
- Tôi chẳng giữ cái gì cả, ăn
thì ăn ít, quần áo nàng mua cho tôi, tôi xếp xó, chẳng màng tới. Đừng bắt tôi
ăn thực phẩm đông lạnh và cả ngày đeo cà vạt. Đó không phải là tôi.
Người bạn văn của
anh lại cười.
- Anh không tích trữ hả? Thế
vốn liếng đâu mà anh viết mỗi ngày? Anh không giữ thực phẩm, quần áo, nhưng anh
tích trữ chữ nghĩa, văn chương, kinh nghiệm sống. Anh đọc sách của người này,
đọc thơ của người kia. Anh giữ trong đầu anh những dòng văn, câu thơ từ xa xưa
(cái ngăn đá đấy) anh đâu có biết. Anh gặp bao nhiêu chuyện vui buồn trong đời,
bộ chúng nó trôi tuột đi hết cả, không lưu lại chút gì trong tâm hồn anh sao?
Khi cần đến anh mang ra, xả đá, hâm lại. Phải không?
Anh há miệng,
không biết trả lời thế nào, một lúc anh cố cãi:
- Nhưng tôi không để lung tung,
và tôi không cố ý tích trữ.
- À, cái khác biệt ở chỗ đó.
Một người cố ý tích trữ, một người tích trữ mà không biết. Chị biết mình cất
đi, đôi khi chị quên, lúc tìm ra thì không dùng được nữa, phải vứt đi. Nhưng
anh tích trữ mà không biết, nên anh không bao giờ cho là mình quên và không bao
giờ vứt đi cả. Anh tái chế bằng vốn liếng mà anh đã thu nhập từ bao nhiêu nguồn
khác nhau từ thế giới này mà anh đâu có hay.
Anh ngây người ra.
- Thế thì tôi phải làm
sao?
- Chẳng làm sao cả. Khi anh
viết văn là anh rút từ kho chứa của anh những điều mà anh cần, cho qua một hệ
thống máy lọc là cái khả năng nghệ thuật hóa nơi anh, để biến những nguyên liệu
thô ấy thành lời lẽ, du dương mềm mại hoặc sắc sảo gai góc. Mà cũng không hẳn
anh hoàn toàn dùng vốn liếng anh đã tích góp được, đôi khi chúng chỉ là cái cớ,
vì anh còn một khả năng khác, là sáng tạo. Tuy anh không phải là “đấng sáng
tạo” từ cái hoàn toàn không làm thành cái có, nhưng chính từ cái kho chứa phong
phú của anh, mà anh tạo ra những điều xem như hoàn toàn mới mẻ, là tác phẩm của
anh.
Anh tần ngần, biết là mình có cả ngàn cái
cầu vồng, ngàn cơn mưa, ngàn vạt nắng, ngàn hạt giống trong đầu từ bốn phương
tám hướng mang tới và tụ lại.
Anh biết anh được hưởng cái ân huệ đó một
phần trời cho anh một góc riêng trong tâm hồn để giữ nó lại, dù rất phức tạp
thiên hình vạn trạng nhưng vẫn có một trật tự riêng nào đó, khi cần anh vẫn lấy
ra dùng không khó khăn; và một góc khác để vun trồng cho nó nở hoa, kết trái,
ấy chính là khả năng sáng tác của anh.
Thôi, từ nay anh không cằn nhằn vợ nữa. Cứ
để nàng tích trữ những sản phẩm nàng cho là cần thiết của nàng.
Nàng có kho của nàng, anh cũng có kho của
riêng anh, của trời chung mà vô tận của
mình riêng. Cái “ngăn đá” trong tâm hồn anh hình như sâu hun hút vô tận,
mỗi ngày anh vẫn gửi vào đấy bao nhiêu thứ, nó nhận hết, anh không phải thỉnh
thoảng phải dọn dẹp loại bỏ bớt thứ này thứ kia. Và do một khả năng kỳ diệu nào
đó, mỗi khi anh viết lách cả kho chứa ấy vẫn luôn luôn tiếp tế chất liệu và cả
nguồn cảm hứng cho anh.
Kể ra cũng khập khểnh nếu so sánh kho áo
quần và thức ăn của vợ anh với cái kho tinh thần của anh. Nhưng ngẫm ra cả hai
đều có cái dụng chân chính cả. Nhiều quá hay ít quá hay vừa phải, thật khó biết
đâu là tiêu chuẩn chung. Thôi thì vui vẻ chấp nhận nhau. Ong có
việc của ong, kiến có việc của kiến.
6/14/2015